Tác giả Kim Lân là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn và đã có những sáng tác được đăng báo. Vốn gắn bó và am hiểu sâu sắc cuộc sống ở nông thôn, tác giả dường như chỉ viết về cảnh sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ người nông dân. Truyện ngắn “Làng” được viết trong thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, và được đăng báo. Trong truyện, Kim Lân đã sử dụng rất nhiều biện pháp nghệ thuật nhưng có lẽ biện pháp hay nhất, nổi bật nhất, thành công nhất chính là nghệ thuật miêu tả tâm trạng
Nhà văn đã sáng tạo tình huống truyện làm bộc lộ chiều sâu tâm trạng nhân vật. Kim Lân đã đặt ông Hai vào một tình huống bất ngờ và rất éo le. Ông Hai là 1 người rất yêu làng và tự hào về làng mình. Vậy mà, ông lại nghe tin làng mình làm Việt gian theo Tây từ miệng những người tản cư. Đó là 1 tình huống bất ngờ làm tổn thương tình yêu làng của ông Hai và khiến cho ông rơi vào tâm trạng hết sức đau xót, tủi hổ.
Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả rất tinh tế, sâu sắc. Kim Lân đã miêu tả rất cụ thể các diễn biến nội tâm qua ngoại hình, ý nghĩ, hành vi của nhân vật ông Hai. Đặc biệt, nhà văn miêu tả tâm lí nhân vật không phải trong 1 khoảnh khắc mà là 1 quá trình diễn biến hợp lí qua các chặng. Nỗi bất hạnh lớn đổ xụp xuống đầu ông khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, khiến ông sững sờ, choáng váng:” Cổ ông lão nghẹn đắng lại, da mặt tê tê, rân rân,…”. Về đến nhà, ông nằm vật ra giường, nửa tin nửa ngờ, “chả lẽ các bạn ở làng lại đốn đến thế chăng?” . Ông không dám ló mặt ra ngoài, lúc nào cũng nơm nớp, hễ thấy đám đông nào tụ tập nhắc đến 2 từ “việt gian”, “cam nhông” là ông lại tự nhủ:” Thôi lại chuyện đấy rồi”. Khi mụ chủ nhà biết chuyện, có ý muốn đuổi khéo gia đình ông đi, ông Hai đã rơi vào trạng thái bế tắc hoàn toàn:” Biết đi đâu bây giờ, biết ở đâu chứa bố con ông mà đi bấy giờ”. Ông nghĩ hay là trở về làng. Nhưng ông ngay lập tức gạt bỏ ý nghĩ ấy vì:” Làng đã theo Tây, về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, cam chịu trở về với kiếp sống nô lệ”. Chính vì thế, ông đã quyết đinh 1 cách đau đớn nhưng dứt khoát:” Làng thì yêu thật, nhưng làng đã theo Tây thì phải thù”. Đau khổ, ông không biết tâm sự cùng ai ngoài đứa con bé bỏng:
“- Nhà ta ở đâu?
- Ở làng Chợ Dầu
- ……………………..
- Con ủng hộ ai?
- Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh”
Yêu làng Dầu, ông muốn khắc sâu vào trái tim bé bỏng của con tình cảm với làng, với kháng chiến, với cụ Hồ. Đó cũng chính là tấm lòng thủy chung trước sau như một với cách mạng của ông. Ngần ấy tuổi đầu mà nước mắt ông cứ ròng ròng khi nghĩ về làng. Nỗi đau ấy thật đáng trân trọng bởi đó là nỗi đau của 1 con người coi danh dự của làng như danh dự của chính bản thân mình. Khi tin đồn được cải chính, thái độ của ông Hai thay đổi hẳn. Cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng rạng rỡ hẳn lên. Ông hồ hởi chia quà cho các con, chạy đi khắp nơi để khoe:” Tây nó đốt nhà tôi rồi. Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên đây cải chính cái tin làng Dầu chúng tôi đi Việt gian. Láo! Toàn là sai sự mục đích cả!”. Ở đây, để cho nhân vật của mình cứ hả hê sung sướng trước cái sự lẽ ra phải đau khổ, Kim Lân đã rất hiểu cái tâm lí thông thường của con người. Ông Hai đã sung sướng, hả hê đi khoe với mọi người việc Tây nó đốt nhà mình bởi lẽ đó là nỗi vui mừng khôn siết khi nỗi oan làng mình đã được giải, làng mình vẫn là làng yêu nước, làng kháng chiến. Niềm vui ấy to lớn viết chừng nào. Tài sản rieng bị phá hủy không thể sánh được với danh dự thiêng liêng của làng Chợ Dầu với ông Hai – một con người của làng Chợ Dầu. Ông mất đi căn nhà, nhưng bù lại, ông lại có thể tự hào về làng Chợ Dầu của mình. Kim Lân đã thể hiện rất sâu sắc tấm lòng yêu làng, yêu nước của người nông dân trong những năm đầu kháng chiến qua việc miêu tả tâm lí nhân vật ông Hai qua hoàn cảnh đặc biệt
Ngôn ngữ nhân vật và nghệ thuật kể chuyện đặc sắc đã góp phần vào thành công của tác phẩm. Lời trần thuật và lời nhân vật có sự thông nhất về sắc thái, giọng điệu do chuyện được trần thuật chủ yếu bằng lời của nhân vật ông Hai. Cách kể chuyện linh hoạt, tự nhiên, có nhiều chi tiết trong sinh hoạt, đời sống hằng ngày. Ngôn ngữ nhân vật ông Hai mang đậm tính khẩu ngữ, sử dụng lời ăn tiếng nói của người nông dân. Nhiều đoạn độc thoại nội tâm sâu sắc giúp người đọc cảm nhận được chiều sâu, tính cách, tâm hồn nhân vật
Quả thực, chuyện ngắn “Làng” của Kim Lân có 1 nghệ thuật xây dựng nhân vật và miêu tả tâm trạng hết sức hấp dẫn. Truyện đã ca ngợi tình yêu làng, yêu nước của những con người Việt Nam trong kháng chiến. Tâm trạng của ông Hai cũng là tâm trạng của biết bao người nông dân trên mọi nẻo đường của Tổ quốc. Vừa gợi sự thân thuộc, vừa gây ấn tượng mạnh mẽ, đẻ lại cho người đọc những cảm xúc khó quên