Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Em hãy viết bài văn giải thích nội dung lời khuyên của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi.

3 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
359
1
0
BK Bamboo
24/03/2019 16:21:34
Mỗi con người muốn thành công thì phải học, việc học không phải chỉ dành cho những người còn ngồi trên ghế nhà trường mà dành cho tất cả mọi người. Bởi tri thức là vô hạn, không bao giờ chúng ta có thể học hết được tri thức. Vì thế mà câu nói của Lê Nin dưới đây thật có ý nghĩa: “Học, học nữa, học mãi".
Nói đến học chúng ta hiểu ngay là quá trình khám phá và tiếp thu những tinh hoa kiến thức của nhân loại. Học theo đó mà hướng đến việc mở rộng khả năng hiểu biết, hướng đến việc rèn luyện kĩ năng. Và từ đó mà tạo dựng nền móng vững chắc cho nghề nghiệp của mình. Học không chỉ ở trường, mà chúng ta còn học ở gia đình, ở ngoài xã hội. Học không chỉ cứ nhằm đến những kiến thức khoa họ lớn lao mà việc học chỉ đơn giản là việc học ăn, học nói, học cách cư xử, đối đãi, giao tiếp hằng ngày. Như vậy học là một quá trình luyện rèn toàn diện và diễn ra ở khắp mọi nơi. Nó hướng đến mục tiêu giúp cho bản thân mỗi chúng ta trở thành những con người hoàn thiện, có đức, có tài và có ích cho sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng tương lai.
Vì sao Lê Nin lại dùng từ học nữa và học mãi để răn dạy thế hệ đi sau. Học nữa là học để nâng cao trình độ, để mở mang vốn trí thức cho bản thân mình. Tri thức của con người là vô cùng, vô tận, mà tri thức nào cũng đẹp, cũng hay, cũng cần thiết và hữu ích. Thế nên chúng ta phải rèn luyện thói quen không ngừng học tập. Học tập là sự nghiệp suốt cuộc đời. Vì thế mà Lênin mới gọi đó là học nữa học mãi. Mỗi con người chúng ta có học nữa học mãi suốt cuộc đời cũng không bao giờ là đủ. Làm sao trong đời một con người có thể học hết được vốn tri thức của nhân loại. Điều này lại một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc học cũng như nhiệm vụ của mỗi con người là không ngừng học tập.
Thực tế chỉ ra rằng kho tàng tri thức của nhân loại là mênh mông, chúng ta có dành hết cuộc đời cũng không sao tìm tòi hết được. Nhưng nếu chúng ta không học, chúng ta sẽ không có tri thức để đảm bảo cho cuộc sống. Hơn thế nữa, tri thức của chúng ta lại luôn lạc hậu so với sự phát triển nói chung. Thế nên để có thể tồn tại và trong cuộc sống này một cách vững vàng và hữu ích, chúng ta phải luôn luôn có ý thức bổ sung và tinh lọc ngay chính kho tàng tri thức của bạn thân mình.
Ngày nay trình độ khoa học kĩ thuật cũng ngày một phát triển hiện đại. Vì thế nếu chúng ta không xác định được rõ mục đích và động cơ học tập, chúng ta sẽ bi tụt hậu trước sự phát triển quá nhanh của xã hội. Khi ấy chúng ta sẽ trở thành những người vô dụng. Cuộc sống của chúng ta sẽ nhàm chán và vất vả biết nhường nào nếu không có tri thức.
Lời căn dặn của Lê Nin thật bất hủ, nó có ý nghĩa rất lớn và đặc biệt nó rất phù hợp với truyền thống hiếu học của dân tộc chúng ta. Truyền thống ấy trở thành ngọn lửa thắp sáng niềm tin, ước mơ và khát khao cho không biết bao thế hệ. Vì thế để xứng đáng với quá khứ của cha ông, thế hệ trẻ chúng ta ngay từ hôm nay cũng phải ra sức học hành, phải coi việc học là mục tiêu, là đích đến và tương lai bền vững lâu dài.
Ngày nay chúng ta vẫn coi câu nói của Lê Nin như một khẩu hiệu về niềm ham mê học tập mà thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Rất nhiều trường học để dòng chữ : Học, học nữa, học mãi, ngay trước cổng trường, như một lời nhắc nhở chúng ta không ngừng học tập. Chỉ có học tập con người mới tiếp thu được kiến trức của nhân loại, từ đó giúp ích cho bản thân và cho nước nhà.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
doan man
24/03/2019 16:21:38
Mỗi ngày chúng ta đều không ngừng học tập và tích lũy tri thức để trở nên hoàn thiện hơn nhưng bên cạnh đó càng học, chúng ta càng nhận ra bản thân mình còn thiếu sót rất nhiều kĩ năng và tri thức. Thật vậy kiến thức của chúng ta chỉ như một giọt nước nhỏ giữa đại dương bao la tri thức. Chắc hẳn chẳng có vị giáo sư tiến sĩ nào dám khẳng định mình là đấng toàn năng, là người biết hết mọi tri thức ở trên đời. Con người sinh ra chẳng ai là hoàn hảo cả, bởi vậy họ mới không ngừng học tập để cải thiện bản thân mình, lấp đi những khuyết điểm đang kìm hãm khả năng của họ. Và học tập chính là cả một quá trình tích lũy không ngừng nghỉ, không có điểm dừng. Có lẽ cũng vì thấm nhuần được triết lí đó mà Lê-nin đã khuyên chúng ta "Học, học nữa, học mãi".
Đó là một lời khuyên hoàn toàn thiết thực và đúng đắn. Không ai có thể tự hoàn thiện được bản thân mình hay tìm thấy thành công trong cuộc đời mà không trải qua học tập. Trước hết chúng ta cùng đi tìm hiểu về khái niệm của việc học. Học tập là tích lũy những tri thức mới lạ về sự vật, hiện tượng và về các quy luật của thế giới. Học không chỉ là đi khám phá cái mới lạ mà còn là sự nối tiếp, nâng cao hơn của những tri thức đã biết, tự tìm tòi để giải quyết các vấn đề dựa trên các kinh nghiệm đã đạt được trước đó. Học tập không chỉ bó hẹp ở việc học trong nhà trường mà nó còn trải rộng ở mọi lúc, mọi nơi trong đời sống của chúng ta. Ta được học tập về truyền thống gia đình, về cách đối nhân xử thế, học để trở thành một người con ngoan trò giỏi, học nấu nướng, phụ giúp bố mẹ việc gia đình. Cứ thế, ngày qua ngày chúng ta dần dần trưởng thành hơn để có đầy đủ tri thức xây dựng hành trang vào đời của mình, rời xa vòng tay che chở, bao bọc của bố mẹ để tự lập, gây dựng lên sự nghiệp.
Và việc học không biết bao nhiêu cho đủ. Có thể bạn đã rất thành thạo trong một lĩnh vực nào đó và trở thành giáo sư, tiến sĩ được mọi người kính trọng, nhưng đó chỉ là với lĩnh vực mà bạn nghiên cứu còn các lĩnh vực khác trong đời sống thì bạn sẽ còn phải học tập nhiều. Chắc bạn đã được nghe kể về câu chuyện của một vị tiến sĩ được mọi người nể phục bởi tri thức và tài năng, ông đã đạt được nhiều thành tựu vẻ vang trong lĩnh vực của mình nhưng ông lại hoàn toàn bó tay với việc đi chợ, ông tỏ ra bối rối trước bà bán rau. Ở khía cạnh này có thể nói những bà nội trợ học hành nông cạn cũng có thể giỏi hơn vị tiến sĩ miệt mài đèn sách có những công trình lớn. Vì vậy trong cuộc sống, chúng ta phải luôn linh động để học hỏi và tiếp thu, cần tránh tư tưởng bảo thủ học tập theo lối mòn của bản thân mà không tự thử thách để tìm ra tri thức mới.
Học, học nữa, học mãi, việc học cứ thế theo chúng ta suốt cả cuộc đời. Chẳng ai bảo người già là không phải học, chẳng ai dám chắc những người kém may mắn bị khiếm khuyết các bộ phận trên cơ thể là không phải vất vả với việc học. Bạn thường nghĩ khi về già có lẽ mình sẽ dành khoảng thời gian còn lại để nghỉ ngơi, vui vẻ bên con cháu vì mình đã dành quá nhiều thời gian để học. Cấp một thì phải học viết, học tính, học để có thể lên cấp hai. Rồi khi lên cấp hai thì lại gấp rút ôn luyện để vào được trường cấp ba mong muốn. Nhưng bạn cũng chỉ có thể nhẹ nhõm một khoảng thời gian đầu sau khi vượt qua kì thi lên cấp ba. Rồi cơn ác mộng của học sinh mới chính thức bắt đầu, bạn sẽ không còn nhiều thời gian để chơi bời như hồi cấp hai, nhiều tuổi hơn đồng nghĩa với việc bạn phải có trách nhiệm với bản thân mình, bạn nhận ra rằng chỉ có học là con đường ngắn nhất để dẫn đến thành công, và cũng vì thế, bạn bắt đầu tham gia các lớp học thêm để cải thiện trình độ, nâng cao năng lực chuẩn bị cho kì thi lên đại học. Tưởng đâu chỉ cần học là đủ nhưng rồi những tháng còn lại của năm học cấp ba, đó là khoảng thời gian tươi đẹp nhất của thời học sinh. Lúc đó bạn lại chợt nhận ra trong khoảng thời gian ấy mình bỏ lỡ nhiều quá, vẫn còn nhiều lời chưa nói, nhiều tâm sự chưa được giãi bày, bạn vẫn còn muốn níu kéo lại khoảnh khắc ngồi trong lớp nghe thầy cô giảng bài, mặc dù trước đó bạn vẫn thầm mong đến giờ ra chơi để thoát khỏi những thứ tri thức đáng sợ khiến bạn buồn ngủ. Khi con người dần mất đi một thứ gì đó họ mới lại biết trân trọng nó, khi nhận ra được giá trị của nó thì cũng đã muộn, vì vậy mọi người bắt đầu phải học cách chấp nhận, học cách tự an ủi lấy bản thân mình và sống sao cho thật có ý nghĩa với những ngày tháng còn lại. Những gương mặt lạ hoắc, những giận hờn, kéo bè kéo cánh bắt nạt nhau thủa đầu mới vào cấp ba đã biến mất từ lúc nào không biết và theo đó là những mối quan hệ phức tạp, tình cảm bạn bè khăng khít như anh em chung một nhà vậy. Tất cả, tất cả rồi sẽ qua đi và ta sẽ phải học cách chấp nhận.
Tưởng chừng như sắp kìm nén được nỗi đau trong tim mình về việc phải chia xa mái trường thì những bê bối khác lại kéo đến. Cuối cấp các lớp rủ nhau chụp ảnh kỉ yếu, nào là mất thời gian chọn váy, trọn từ trang phục đến địa điểm, cần đi những đâu mua những gì đều được các bạn dứt óc suy nghĩ. Nhưng làm gì có suy nghĩ nào giống nhau nên lại nảy sinh mâu thuẫn khiến tình cảm bạn bè rạn nứt, và khi đó ta phải học cách chia sẻ, học cách để đồng tình với nhau, học cách tha thứ và học cách sử dụng hiệu quả thời gian của mình. Những ngày khó khăn nữa là việc chọn trường, chọn ngành nghề tương lai. Việc đó thực sự là rất quan trọng, nhiều người đã dành cả thời học sinh để phấn đấu theo đuổi ước mơ của mình nhưng đến khi đặt bút viết lên phiếu đăng kí nguyện vọng thì lại gạch lên gạch xuống, học vẫn còn băn khoăn với lựa chọn của mình, mơ ước là một chuyện nhưng liệu nó có còn phù hợp với thời đại của chúng ta và kinh tế gia đình mình có đủ để theo học ròng rã bốn năm trời. Những lúc như thế chúng ta lại phải tự học hỏi, tự tìm tòi, chúng ta xin ý kiến từ thầy cô, những anh chị đang theo học ngành nghề đó, rồi sau cùng lại về nhà hỏi ý kiến bố mẹ. Đôi khi nhận ra bản thân mình đã thực sự tìm được ngành nghề triển vọng nhưng lại vì hoàn cảnh gia đình mà lỡ dở. Lúc ấy chúng ta cần học cách chấp nhận, học cách đối diện với thực tại, đừng đổ lỗi cho bất cứ ai vì sau cùng bố mẹ và mọi người cũng đã cố gắng hết sức để nuôi dạy chúng ta ăn học đến bây giờ.
Nhiều người may mắn thuận lợi vượt qua cửa ải của việc đăng kí nguyện vọng nhưng sau cùng lại mắc kẹt bởi kết quả thi. Năm ấy chúng tôi cũng đã tham gia vào kì thi định mệnh của cuộc đời mình và nó không dễ dàng như chúng tôi nghĩ. Đề thi thật sự khó, báo đài tràn lan tin tức về mức độ khó của đề thi và hơn hết lại là việc gian lận thi cử của cả một tỉnh. Dù biết là đề thi thật sự khó nhưng việc không làm được bài của tôi là không thể chối cãi, tôi đã khóc, đã buồn rất nhiều, khi bước ra khỏi phòng thi tôi đã rất thất vọng và khi nhìn thấy bố, tôi đã thật sự vỡ òa. Tôi tự thấy mình kém cỏi, bao nhiêu công sức nuôi dạy của bố mẹ và mấy năm chuẩn bị cho kì thi của tôi đã đổ sông đổ bể, chưa nhắc đến đề thi khó mà ngay chính bản thân tôi cũng mắc lỗi khi không thể làm hết sức mình, tôi bị áp lực khá nặng nề, buổi ấy tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng và nghĩ đó là dấu chấm hết cho cuộc đời mình. Nhưng sau tất cả mọi chuyện tôi lại hiểu ra được vài điều, tôi học được cách yêu thương và vượt qua nỗi đau của mình, và đó cũng là lần đầu tiên trong suốt quãng đường đi học bố an ủi tôi với kết quả bài thi của mình, bố động viên tôi hết mực.
Sau khi đã vượt qua tất cả sóng gió của thời học sinh thì mỗi người chúng ta lại đến với chật vật của thời sinh viên. Hồi cấp ba ai cũng bảo lên đại học nhàn lắm, lên đại học không sợ bị kiểm tra bài cũ, không sợ ghi sổ đầu bài, không đi học cũng không bị cô giáo gọi về nhà, lên đại học là cả một thế giới mới tha hồ vùng vẫy nhưng đó cũng chỉ là những câu chuyện huyền thoại khiến ta có động lực để lên đại học. Khi đặt chân vào cánh cổng trường đại học thì nỗi bất hạnh mới thực sự bắt đầu, phải sống tự lập, cả tháng mới được về nhà một lần, phải tự đi làm thêm kiếm tiền nuôi thân, nhiều lúc ra xã hội bị lừa gạt, bị bắt nạt đau đớn mà không dám gọi điện về kể cho bố mẹ vì sợ bố mẹ lo lắng. Sau nhiều cố gắng ta tự học được cách sống tự lập, sống có trách nhiệm, sống có kỉ luật, tự giác hơn, ta cũng biết được giá trị của đồng tiền và từ đó biết tiết kiệm, quý trọng từng đồng hơn.
Cuộc sống luôn đáng sợ hơn cái vẻ ngoài mĩ miều mà chúng ta được thấy, bộ mặt của xã hội chỉ thực sự bị phơi khi chúng ta trực diện đối đầu với nó, và để làm được như vậy thì không thể thiếu một thứ hành trang là kiến thức. Chúng ta không ngừng học tập từng ngày để hoàn thiện bản thân mà còn thêm vào đó là cải thiện đời sống, góp phần thay đổi xã hội. Bạn thử tưởng tượng mà xem, nếu chúng ta không có tri thức thì cuộc sống sẽ ra sao? Chúng ta thiếu đi kiến thức về bảo vệ môi trường và rồi liên tục phá hoại môi trường sống, kết quả là nhân loại sẽ dần dần chịu chung cảnh rơi vào bờ vực tuyệt chủng. Chúng ta thiếu kiến thức, thiết bị lao động thô sơ sẽ khiến cho sản xuất ngưng trệ, tổn hại sức khỏe khiến tuổi thọ giảm đi, khoảng thời gian chúng ta được tồn tại trên đời sẽ ngắn đi, sống ít ý nghĩa hơn. Chúng ta cũng có thể thiếu đi kiến thức về các mối quan hệ, thiếu khả năng giao tiếp và hoàn toàn bất lực trước đám đông. Vì lười học nên chúng ta không tích lũy tri thức cho mình và trở nên lạc hậu, lỗi thời, điều này không những làm ảnh hưởng đến bản thân ta mà còn ảnh hưởng đến cả mọi người xung quanh, vì vậy kiến thức là rất quan trọng và nền tảng của tri thức bắt nguồn từ việc học.
Có người vẫn thường hỏi người khác tại sao học mãi mà không thấy chán, câu trả lời là họ học nhưng thực sự coi đó là một việc cần thiết, có ích đối với bản thân mình và từ đó họ trở nên có hứng thú, hăng say với công việc của mình. Còn với những người chưa biết cách học họ chỉ học tập một cách sáo rỗng mang tính chất bắt buộc, học không xuất phát từ niềm đam mê học hỏi, học để thu lượm kiến thức sẽ không thể học lâu dài, học trước quên sau khiến chúng ta trở nên nản lòng vì mệt mỏi.
Hiểu biết thực sự rất quan trọng đối với một con người vì vậy mỗi chúng ta phải không ngừng học tập, rèn luyện. Mỗi người lại có các phương pháp học tập khác nhau nên không thể lấy của người này áp dụng cho bản thân mình, cần tìm ra cách học đúng đắn phù hợp với bản thân mình để có hiệu quả tốt nhất cho việc học. Vì nếu cứ cố chấp sử dụng phương pháp của người khác không phù hợp với mình sẽ thất bại, gây nản lòng và mất niềm tin vào việc học. Bởi vậy học sao cho tốt, cho đúng cũng là một lưu ý rất đáng quan tâm của mọi người khi bắt tay vào việc thu lượm kiến thức.
Học tập là cả một quá trình, không phải là một giai đoạn hay một nghĩa vụ mà nó phải xuất phát từ nhu cầu và mục đích của việc học. Từ cánh đồng bao la đến nhà máy rộng lớn, tri thức có thể bắt nguồn từ bất cứ nơi đâu, từ bất cứ ai, vì vậy hãy không ngừng học hỏi, tôn trọng người khác vì biết đâu họ có thể không giỏi về lĩnh vực này nhưng họ lại là thầy của chúng ta về lĩnh vực khác. Đừng cảm thấy nặng nề với việc học và cũng đừng tự quá đề cao mình khi đạt được một thành công nào đó. Chúng ta phải luôn luôn trong tư thế sẵn sàng để học tập, để thu lượm kiến thức. Và đó cũng là nội dung được đưa ra trong lời khuyên đầy triết lí của Lê-nin mà đến tận bây giờ chúng ta vẫn luôn tự nhủ bản thân mình phải noi theo: "Học, học nữa, học mãi".
0
0
Quỳnh Anh Đỗ
24/03/2019 18:43:05
Lênin là nhà cách mạng kiệt xuất của nhân loại. Tên tuổi của Người gắn liền với cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Bên cạnh đó, đối với nhiều thế hệ người Việt Nam, tên tuổi Lênin đã trở thành thân thuộc với câu châm ngôn nổi tiếng: “Học, học nữa, học mãi”.
Khái niệm “học” mà Lê-nin sử dụng ở đây có thể hiểu theo những cách khác nhau, tùy theo mức độ rộng hay hẹp trong ý nghĩa.
Theo nghĩa hẹp: học là hoạt động thu nhận và tái hiện tri thức của học sinh dưới sự hướng dẫn và truyền đạt của thầy giáo trong nhà trường. Hoạt động học như thế gắn liền với một giai đoạn cụ thể trong cuộc đời: lứa tuổi thanh thiếu niên, gắn liền với một không gian xác định: nhà trường.
Theo nghĩa rộng: Hoạt động học diễn ra ở mọi nơi mọi lúc, trong suốt cuộc đời một con người. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi cuộc đời là “trường đời”. đây là mái trường mở ra theo bước chân của con người trên mọi nẻo đường đời, ở mọi lứa tuổi. Theo ý nghĩa này, Gorki đã gọi cuộc đời là “trường đại học của tôi”. Và đây cũng là ý nghĩa chính trong khái niệm học của Lê-nin. Bản thân cuộc đời Lênin là một minh chứng cho quan niệm này. Qua trường đời, Lê-nin thu nhận tri thức để trở thành nhà trường có kiến thức sâu rộng. Qua trường đời, Lê-nin “học làm cách mạng" rồi trở thành nhà cách mạng vĩ đại. Tri thức của nhà trường theo nghĩa hẹp dù phong phú, toàn diện đến đâu cũng có giới hạn. Tri thức của tnrờng đời mới là nguồn tri thức rộng lớn, phong phú. Trong trường đời mọi sự kiện, mọi lĩnh vực đời sống là trang sách. Mọi người quanh ta đều là thầy ta. Người ta phải học tất thảy mọi điều dù là nhỏ nhặt nhất như câu tục ngữ đã tổng kết: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Với cách hiểu trên, hoại động học là rất cần thiết. Nhờ học mà xã hội loài người luôn phát triển. Thế hệ sau kế thừa những thành tựu của thế hệ trước để từ đó tạo lập nên những thành tựu mới. Lí giải về sự thành công của mình, nhà bác học Niutơn đã nói một cách hõm hỉnh: Tôi đã đứng trên vai người khổng lồ. “Người khổng lồ” ở đây lá một cách nói hình tượng về những tri thức đã được nhà bác học tiếp thu qua nhưng hoạt động học tập của mình.
Nghĩa gốc của từ “học” trong tiếng Nga mà Lênin sử dụng chỉ hoạt động diễn ra trong một quá trình kéo dài. Người lặp lại từ này ba lần chính là để nhàn mạnh tính thường xuyên, liên tục, không ngừng của hoạt động học. Có điều đó là bởi tri thức trong trường đời là vô hạn. Nó bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau và luôn luôn được bổ sung, phát triển. Đây chính là lí do để chúng ta phải “học nữa, học mãi”. Ngừng học tập cũng tức là chúng ta đặt mình ra khỏi vòng quay của cuộc sống đang không ngừng đổi thay, phát triển.
Nhưng “học nữa, học mãi” không có nghĩa là học tràn lan mọi lĩnh vực, học không có trọng điểm kiến thức. Bên cạnh việc học toàn diện, chúng ta còn phải biết hướng sự học vào giải quyết những mục tiêu cụ thể trong cuộc sống. Mục đích của học không phải chỉ để tiếp thu tri thức mà còn phải vận dụng tri thức đó vào thực tế cuộc sống, để đạt tới những thành tựu có ý nghĩa, để tạo ra tri thức mới. Học như thơ mới đem lại sự say mê và bổ ích. Đây là động lực để hoạt động học gắn bó với con người trong cuộc đời của mình.
Chúng ta đang sống trong một xã hội được mệnh danh là “xã hội tri thức”, “xã hội thông tin”: Hơn bao giờ hết, phương châm “Học, học nữa, học mãi” của Lênin thật sự trở nên thiết yếu với mỗi con người. Sự giàu có đích thực của mỗi con người, mỗi quốc gia ngày nay là sự giàu có tri thức. Chỉ có phát triển tri thức mới đưa đất nước “sánh vai các cường quốc năm châu” như mong ước của Bác Hồ vĩ đại.
Câu châm ngôn “Học, học nữa, học mãi” của Lê nin thật giản dị nhưng lại hàm chứa một chiều sâu trí tuệ. Đất nước đang đứng trước những vận hội mới. Thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam vì thế phải khắc sâu lời nhắc nhở của Lênin và biến nó trở thành hiện thực bằng những hoạt động cụ thể của mình.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×