Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Em hiểu thế nào về câu: Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

5 trả lời
Hỏi chi tiết
6.752
6
2
Trần Hữu Việt
02/07/2018 22:33:19
Ca dao tục ngữ từ xưa đến nay vẫn là một kho tàng quý báu về cách sống, cách làm người mà ông cha ta để lại cho con cháu. Xã hội chúng ta là một tập thể, mọi người đều phải kết nối với nhau, không ai có thể sống một mình. Vì vậy, trong cuộc sống, chúng ta không thể nào tránh khỏi việc giao tiếp với người khác. Vậy chúng ta cần làm như thế nào để có thể làm cho đối phương vừa lòng? Ông cha ta có một câu ca dao về vấn đề này, đó là:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
Câu ca dao nói về thái độ, lời nói của mỗi chúng ta khi giao tiếp: cần phải nhẹ nhàng, nói những lời lẽ đúng mức, lịch sự, để không gây khó chịu cho đối phương.
Lời nói là của chúng ta. Nói lời hay cũng không sao, mà nói lời dở cũng chẳng vấn đề gì. Tất nhiên là không mất tiền mua, vì đó chính là một thứ xuất phát từ bản thân mình, được coi như một thứ tài sản của mình. Đó không phải là một thứ mình phải tốn công sức, tiền của quá nhiều thì mới có được. Đó là công cụ để chúng ta giao tiếp với mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Có những người thì lúc nào cũng nói năng một cách bỗ bã, thô thiển khiến cho người nghe cảm thấy khó chịu. Ngược lại, cũng có những người có cách nói chuyện rất duyên dáng, hóm hỉnh, khiến mọi người rất muốn trò chuyện cùng. Ngoài ra, lời nói cũng phụ thuộc một phần vào trình độ văn hóa và môi trường giáo dục. Nếu như một người được giáo dục một cách cẩn thẩn sẽ khác với một người không đi học, không biết chữ. Như vậy, khi chúng ta giao tiếp với nhau, cần phải chú ý đến đối tượng giao tiếp, để có thể có cách diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ một cách hợp lí.
Ông cha ta có câu: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, để diễn đạt một vấn đề có rất nhiều cách để nói. Nếu như chúng ta diễn đạt một cách hợp lí thì sẽ đạt được hiệu quả rất tốt. Và ngược lại, nếu như chúng ta diễn đạt không khéo léo sẽ dẫn đến những hậu quả mà chúng ta không thể tưởng tượng được. Ví dụ, một người giáo viên mà mắng học sinh rằng: “Em học dốt quá!”, sẽ khiến cho em học sinh ấy sợ sệt, và cảm thấy mặc cảm, tự ti. Có thể em ấy sẽ càng ngày càng học kém đi. Nhưng nếu một giáo viên biết cách diễn đạt, biết cách nói ra khuyết điểm của học sinh một cách tinh tế nhất, thì bạn học sinh ấy rất dễ có thể tiếp thu và có động lực để tiến bộ. Một người bác sĩ, khi gặp tình trạng nguy kịch của người bệnh, nhưng vẫn luôn động viên người đó lạc quan để chữa trị, chứ nhiều khi, họ không nói thẳng với người bệnh rằng cuộc sống của họ sắp kết thúc. Có rất nhiều điều kì diệu sẽ xảy ra nếu con người ta vẫn còn nghị lực sống, vẫn còn niềm tin vào cuộc sống. Một người khôn ngoan, khéo léo là một người biết cách lựa chọn cách diễn đạt tốt nhất trong mọi tình huống.
Tuy nhiên, để có thể có khả năng nhận biết tình huống hay nói năng một cách nhẹ nhàng, dễ nghe thì chúng ta phải trải qua một quá trình học tập, rèn luyện rất chăm chỉ. Cần biết để ý, quan sát mọi người xung quanh, để học hỏi và rút kinh nghiệm. Những người biết chú ý quan sát mọi người, sẽ biết được những điều nên làm và những điều nên tránh. Ông cha ta có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Mọi việc trong cuộc sống của chúng ta, ngay từ những việc nhỏ nhặt nhất như việc ăn như thế nào cho lịch sự, nói thế nào cho đúng, cho hay cũng là cả một quá trình. Khi còn nhỏ, chúng ta được thầy cô, cha mẹ dạy phải biết lễ phép với người lớn, hòa nhã với bạn bè, nhường nhịn những người ít tuổi hơn. Và bài học ấy, vẫn luôn theo chúng ta trên mọi bước đường đời. Nếu chúng ta biết thực hiện đúng những điều mà chúng ta được dạy, được học, thì chúng ta sẽ trở thành một người được rất nhiều người xung quanh, vì cách nói chuyện dễ mến, nhẹ nhàng và lịch sự.
Nhưng, coi trọng việc sử dụng ngôn ngữ một cách lịch sử, đúng mực, đúng hoàn cảnh không đồng nghĩa với việc lúc nào cũng nói tốt, mặc kệ có đúng sự thật hay không. Nói hay không có nghĩa là nói sai. Có nhiều người chỉ vì muốn làm cho người nghe vui, hoặc muốn tư lợi cho bản thân mà chỉ toàn nói những lời nói nịnh hót, không đúng sự thật. Những người như thế, thật đáng lên án. Chúng ta cần biết dũng cảm chỉ ra cho bạn bè, người thân biết được những điểm chưa tốt của họ, để họ có thể sửa được và tiến bộ hơn trong tương lai. Không thể vì không muốn người khác buồn, mà không dám chỉ ra khuyết điểm của họ, chỉ toàn khen họ, để họ ảo tưởng rằng họ đã tốt rồi, không cần sửa gì nữa. Như vậy, chính là hại người ấy, chứ không phải là làm cho họ vui. Hay chỉ là vui trong chốc lát mà phải gánh hậu quả về sau. Tuy nhiên, cũng cần biết lựa chọn cách góp ý cho hợp lí.
Trong cuộc sống của chúng ta, có rất nhiều cuộc giao tiếp với nhiều mục đích khác nhau. Chúng ta cần biết cách ứng xử phù hợp với từng tình huống, để có thể đạt được một cuộc giao tiếp vui vẻ, thoải mái cho cả hai bên. Tuy nhiên, cũng cần phải biết thẳng thắn khi đúng lúc, chứ không chỉ lúc nào cũng chỉ vì muốn “vừa lòng nhau” mà nói những lời ngon ngọt, hãy trở thành một người nói chuyện thông minh.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
7
7
Trần Hữu Việt
02/07/2018 22:34:23
"Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Một tiếng cám ơn, một lời chào hỏi, nếu được thực thi với tất cả chân tình là một biểu lộ của một lòng tin sâu sắc. Nói một tiếng cám ơn, biểu lộ một cử chỉ thân thiện với người khác là muốn nói lên rằng tình liên đới giữa con người là một điều thiết yếu và ta cần có người chung quanh để sống với. Nói một tiếng cám ơn với người nào đó là khẳng định giá trị và nhân phẩm của người đó. Nhưng ở đời, có ai mà không cho ta một món quà hay không dạy ta bất cứ bài học nào đó.
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Tâm buồn chẳng nói lời nào,
Tâm vui lời nói ngọt ngào dễ thương.
Khi yêu thương, nói sao cũng được,
Hết thương rồi, nói ngược nói xuôi.
Trong cuộc sống hằng ngày, để hiểu nhau biết nhau, trao đổi tin tức, phổ biến văn hóa, con người thường dùng ngôn ngữ, tức là: chữ viết và tiếng nói. Ðôi khi, không cùng chữ viết, cũng không cùng tiếng nói, nhưng con người cũng có thể hiểu biết nhau qua dáng điệu, cử chỉ, nét mặt, thái độ, hay giọng nói.
Lời nói có ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt đời sống của mọi người trên thế gian này. Dù quen biết trước, hay chưa quen biết, khi gặp mặt nhau, con người thường hay: chào hỏi với nhau. Một lời chào hỏi, khéo léo lịch thiệp, vui vẻ cởi mở, có thể khởi đầu, một mối quan hệ, tốt đẹp lâu dài.
Có người mở miệng nói, dù chỉ một lời, người nào cũng ưa, cũng thương cũng mến, cũng có cảm tình, cũng tin tưởng được, cũng đều nghe theo. Cũng có người mở miệng nói, dù có nói nhiều, cũng không ai tin, cũng không ai nghe, cũng không ai ưa, cũng không ai thích. Có những lời nói đem lại sự mát dịu trong tâm hồn người nghe. Người nghe có cảm giác như vừa uống được một ngụm nước cam lồ tươi mát. Cũng có những lời nói khiến người nghe phải đi xức dầu cù là, hoặc là, phải uống thuốc nhức đầu, có khi ngất xỉu, hay là, nghỉ thở luôn!
Lời nói đổi trắng thay đen.
Thiên đàng địa ngục bon chen lối nào?
Trực ngôn tâm chẳng lao xao.
Giữ tâm thiền định, biết bao an lành.
Người đời thường nói: "Cái lưỡi không xương, nhiều đường lắc léo". Nghĩa là cái lưỡi của con người không có xương, cho nên con người muốn nói kiểu nào, muốn nói cách nào, muốn nói thế nào, tùy theo trường hợp, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nhân cách của mỗi người. Những người thường hay, nói ngược nói xuôi, không giữ uy tín, không giữ tư cách, không giữ lời hứa, người ta mỉa mai: đó là hạng người, trở mặt nuốt lời, như người đời trở bánh tráng!
Trong sách có câu: "Một người nói ngang, ba làng không cãi lại". Nghĩa là: khi có một người, nói năng ngang tàng, bất kể lẽ phải, bướng bỉnh cố chấp, đi khắp ba làng, chẳng ai đếm xỉa, chẳng ai thèm cãi, chẳng ai ngu dại, phí công phí sức, phí cả thời gian, hơn thua với họ. Chứ không phải: ba làng cãi không lại!
Bởi vì lời nói của mình khó nghe, người đời thường gọi là nói đâm hơi, nói móc họng, cho nên không có ai muốn kết bạn với mình, không có ai dám làm thân với mình, không có ai dám tâm sự với mình. Tại sao vậy? Bởi vì, sống ở trên đời, đâu có ai thích, bị người khác chơi, bới móc đời tư, bươi móc dòng họ, tổ tiên của mình, khai ra lý lịch, đưa lên mặt báo, bàng dân thiên hạ, mọi người đều biết. Cũng vậy, nếu mình kênh kiệu điêu ngoa, đốp chát thẳng thừng, chẳng ngừng chửi bới, lên mặt thầy đời, khuyên người lương thiện, hiền lành dễ thương, còn mình thì không, chơi người chẳng ngừng, tưng bừng đăng báo, làm thơ lếu láo, nhắn gửi chửi người, chắc chắn có ngày, người ta chơi lại, chết chẳng kịp ngáp.
Lời nói đôi khi có những tác dụng không thể lường trước được. Có những lời nói có thể đem lại an vui, hạnh phúc cho người. Có những lời nói có thể đem lại sự ly tán, tan nát hạnh phúc của người khác, đôi khi đổ vỡ hạnh phúc của chính người nói nữa. Có những lời nói, làm cho người nghe, mỉm cười tươi tắn, vui vẻ khỏe khoắn. Có những lời nói, khiến cho người nghe, nhăn mặt nhíu mày, đau đầu nhức óc, lộn gan lộn ruột, nhói tim mất ngủ! Có những lời nói có thể cứu người, cũng có những lời nói có thể hại người, một cách dễ dàng.
Thí dụ như là: Lời nói của vị, luật sư lương tâm, khó kiếm khó tầm, chức nghiệp cao quí, có thể cứu người, thoát khỏi tội oan, còn như mưu toan, của một nhân chứng, khai gian nói dối, làm cho người khác, phải bị tù tội. Một vị bác sĩ, khéo lựa lời nói, khuyến khích khuyên lơn, an ủi động viên, làm dịu tinh thần, giúp được bệnh nhân, yên tâm dưỡng bệnh, chóng qua hiểm nghèo, sớm được bình phục. Bằng như ngược lại, lời nói vô ý, có thể làm cho, bệnh nhân kích động, bệnh tình trầm trọng, tắt thở tức thì.
Cũng như lời nói, của nhà ngoại giao, hay các sứ thần, hoặc các sứ giả, có thể đem lại, hòa bình hai nước, hoặc gây chiến tranh, binh lửa lan tràn, khắp cả mọi nơi. Nhiều khi lời nói, của một con người, sức mạnh lớn hơn, cả một đoàn quân. Có người thường nói năng ngọt ngào với người dưng bên ngoài, nhưng đối với những người thân thích, bên trong gia đình, không bao giờ lời nói được ngọt ngào như vậy.
Con người thường thường, không ưa thích nhau, làm mích lòng nhau, chỉ vì lời nói, ngay cả bạn thân, hay giữa vợ chồng, cha mẹ con cái. Tuy nhiên đến khi, một người bất hạnh, chẳng may qua đời, người khác kể lể, dài dòng văn tự, khóc lóc thảm thiết, nói lời tha thiết, nhớ nhung da diết, dù có hối hận, cũng quá muộn màng!
Có chuyện lạ đời, trên thế gian này, chuyện đó chính là: con người thường chỉ, có thể nói chuyện, ngọt ngào dễ thương, với người nằm xuống, chỉ còn nằm yên, bất động để nghe, không còn đối đáp, cãi cọ được nữa, hoặc là nói chuyện, hằng ngày hằng giờ, với tấm mộ bia, ở ngoài nghĩa địa. Nhưng khi người đó, còn sống hiện tiền, con người chẳng thể, mở miệng nói ra, nói được lời nào, cho thiệt dễ nghe, cho thiệt dễ thương! Tại sao như vậy? Có lẽ bởi vì, con người thường không, sợ người còn sống, nhưng hay sợ người, đã chết trở về, bóp cổ mình chăng?
Con người có thể, thương yêu súc vật, *** mèo chim chuột, cho đến côn trùng, nhưng thường lắm khi, không thể chịu đựng, không thể nhịn được, những người chung quanh, cha mẹ anh em, vợ chồng con cái, bạn bè gần xa, hàng xóm láng giềng, chỉ vì một điều: lời nói của họ, sao quá khó nghe! Tại sao như vậy? Bởi vì súc vật, không hề biết nghe, không nói tiếng người, cho nên không bị, con người mích lòng! Người đời thường nói: Hai gà ghét nhau, chỉ vì tiếng gáy. Hai *** ghét nhau, chỉ vì tiếng sủa. Hai cô ca sĩ, bao giờ thương nhau?
Ở những xứ có nhiều sắc dân khác nhau cùng chung sống, người ta có thể không hiểu người khác nói gì, vì bất đồng ngôn ngữ, nhưng người ta có thể đoán được người khác muốn nói gì, qua sắc mặt, cách nói và giọng nói. Cho nên sắc mặt, cách nói và giọng nói của chúng ta cũng đóng một vai trò quan trọng, trong các cuộc giao thiệp, hay tiếp xúc hằng ngày. Giọng nói êm ái, lễ độ tế nhị, ngọt ngào từ tốn, sắc mặt hiền hòa, dễ thương dễ mến, nhiếp phục lòng người, hơn là giọng nói, ồm ồm rào rào, ồn ồn ào ào, chanh chua khế chát, the thé khó nghe, mặt mày đỏ ké, khoa tay múa chân. Lời nói hiền từ, hòa nhã thanh tao, thân thiết thành thật, ngay thẳng rõ ràng, sáng suốt khôn khéo, cởi mở vui vẻ, rất là dễ dàng, cảm hóa lòng người, có thể hướng dẫn, người vào chánh đạo. Trong sách có câu:
Chim khôn hót tiếng thanh nhàn.
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
Trong sách có câu: "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy". Nghĩa là một lời nói ra, bốn ngựa khó đuổi theo kịp. Có những lời nói nhẹ tựa lông hồng, có những lời nói nặng tựa núi non. Có những lời nói như vậy, nhưng thực không phải vậy. Sửa đổi được lời nói, sửa đổi được giọng nói, sửa đổi được cách nói, tức là chúng ta đã sửa đổi được tâm tánh, giảm bớt
5
4
Trần Hữu Việt
02/07/2018 22:35:12
Tiên học lễ, hậu học văn
Từ xưa, lễ nghi đã trở thành bài học đầu đời, khi mỗi con người cất tiếng nói , việc đầu tiên là học lễ nghi. Trong lễ nghi bao gồm cả cách giao tiếp với mọi người xung quanh. Và câu tục ngữ “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là một trong những câu nói có ý nghĩa lớn lao trong việc dăn dạy con người cách ứng xử giao tiếp.
Khi trưởng thành, chúng ta được ông bà cha mẹ dạy chào người lớn là ngoan, lên 15 tuổi ta đủ nhận thức được rằng chào hỏi người khác là phép xã giao , phép lịch sự tối thiểu mà mỗi con người cần có. Như vậy lời nói đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành cách ứng xử của con người. Lời nói chính là công cụ, phương tiên để con người giao tiếp với nhau, thể hiện và biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc bằng ngôn từ. Lời nói không thể mua được bằng vật chất bởi nó không phải thứ ta không thể chạm vào bằng tay, nhìn bằng mắt mà chỉ có thể nghe bằng tai. Cả câu tục ngữ là một bài học nhận thức cho ta biết tầm quan trọng của lời nói , dăn dạy chúng ta về cách ứng xử và giao tiếp trong cuộc sống.
Vì sao ý nghĩa câu tục ngữ trên lại là một lời khuyên đúng đắn? Bởi trong thực tế, lời nói là công cụ cần thiết của con người trong mọi tình huống , hoàn cảnh nào. Có thể đó là lời chào hỏi, lời cảm ơn , lời mời.. Không những thế lời nói tốt đẹp, cách thể hiện ngôn từ khéo léo giúp con người được lòng tất cả mọi người, đôi lúc có lợi cho bản thân mình. Lời nói khéo léo còn thể hiện bản thân là một con người có học, tế nhị và tinh tế. Và khi ta biết cách giao tiếp, ngôn ngữ trở nên hữu dụng và đẹp đẽ biết nhường nào. Khi ta nhắc đến lịch sử, ta nhớ về sứ giả lỗi lạc một thời Mạc Đĩnh Chi, người có ngoại hình thấp bé, không ưa nhìn nhưng nhờ tài ăn nói của ông, ông được vua và các quan nước giặc nể phục không thôi. Như vậy, lời nói là thứ không mua được bằng tiền những khi có nó, ta có thể dùng nó đê kiếm tiền, Giống như những người bán hàng, sở hữu thuật ăn nói khéo léo thuyết phục được khách hàng mua sản phẩm , đó chính là nghệ thuật bán hàng. Và khi người khác giúp đỡ ta, ta cất tiếng cảm ơn, thì lúc này lời nói chính là thước đo giá trị nhân phẩm của mỗi người.
Vậy ta nên làm những gì để khéo léo trong cách cư xử? Trước hết ta nên rèn luyện vốn ngôn ngữ của bản thân, để nó trở nên phong phú hơn, giàu có hơn. Điều quan trọng nhất là phải lễ phép với người lớn tuổi hơn mình. Sau đó con người mới có thể học cách giao tiếp, cách ăn nói với người xung quanh. Thiết nghĩ để chúng ta có thể cư xử một cách khôn khéo thì không nên quá bồng bột nổi cáu trước một vấn đề nào đó chưa giải quyết được. Bên cạnh đó, ta cần phê phán những kẻ không biết ăn nói, luôn nói trúng không, ngại đối ngoại giao tiếp. Hay những kẻ nói nhiều, nói dài nhưng nói dại, hay phát ngôn một cách bừa bãi thiếu tế nhị. Ông cha ta xưa cũng có câu: “ uốn lưỡi bẩy lần hãy nói” cũng dăn dậy chúng ta về cách cư sử trong cuộc sống.
Trong thực tế cuộc sống cho thấy, chính văn hóa hành vi trong giao tiếp sẽ nói lên thật nhiều sự thanh lịch đích thực của một con người. Câu nói là một bài học ứng xử quý giá mà mỗi con người luôn phải nỗ lức học hỏi , tiếp thu một cách chân thành.
7
2
Nguyễn Tấn Hiếu
03/07/2018 06:56:28
Sống trong xã hội, con người luôn phải giao tiếp và ứng xử với nhau. Vì vậy ta cần thận trọng khi dùng lời ăn tiếng nói để giao tiếp. Ca dao có câu:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
Đây là một bài học dạy ta về cách đối nhân xử thế.
Như chúng ta cũng biết thì giữa con người với nhau luôn có những mối quan hệ, mỗi mối quan hệ khác nhau thì có những cách giao tiếp và trao đổi khác nhau nhưng dù trong mối quan hệ nào thì khi trao đổi, giao tiếp với nhau ta cũng nên dùng những lời lẽ ôn hòa, lịch sự để cho người nghe được hài lòng vừa ý. Hay nói cách khác là ta phải nói năng lễ phép, hòa nhã để tạo tình đoàn kết, thân ái khi giao tiếp.
Bởi lẽ, chúng ta không sống lẻ loi mà tập hợp thành một xã hội. Xã hội con người là một xã hội có tổ chức, có văn hóa, giữa con người với con người từ lâu có mối quan hệ mà lời nói là công cụ để giúp ta trao đổi, giao tiếp với nhau trong cuộc sống. để giữ mãi tình cảm tốt đẹp, mối quan hệ khăng khít với nhau ta phải biết lựa lời mà nói, tức là ta phải chọn lời hay ý đẹp để người nghe không buồn lòng phật ý. Lời nói lịch sự, hòa nhã khiến cho người nghe dễ dàng tiếp thu ý kiến của mình, dù đó là những lời phê bình. Biết lựa lời khi trao đổi là ta trọng người trọng mình . điều này làm cho người nghe kính nể ta hơn. Lời nói khiếm nhã, thô lỗ không những mất tình đoàn kết, có khi dẫn đến những tai họa khôn lường. Chẳng hạn, một người lãnh đạo nói năng khiêm tốn, cởi mở, vui vẻ luôn luôn được ủng hộ, đồng tình của người duwois quyền . bạn bè thật tình khuyên bảo sửa sai nhau bằng những lời lẽ ôn hòa, dịu dàng tất nhiên bạn dễ chấp nhận tiếp thu….Đây cũng là bí quyết giúp ta thành công trong cuộc sống, đồng thời mối quan hệ giữa người với người trong xã hội trở nên gắn bó, đoàn kết và tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên không phải để cho vừa lòng nhau mà ta nói những lời xu nịnh, a dua. Cách xử thế như vậy không tốt cần phải tránh .
Lời ca dao là một bí quyết giúp ta thành công trong cuộc sống, giúp ta biết cách đối xử ở đời. Đây cũng là một bài học rèn luyện tu dưỡng đạo đức giúp con người trở thành một người có văn hóa, lịch sự.
3
2
Quỳnh Anh Đỗ
06/08/2018 11:13:30

Lời nói là phương tiện để con người trao đổi tư tưởng, tình cảm và kinh nghiệm với nhau (bao gồm cả kinh nghiệm xử thế, lao động sản xuất, học tập... ). Vì thế, nó có giá trị đặc biệt trong đời sống. Để khuyên bảo mọi người cách nói năng sao cho đạt hiệu quả cao nhất trong giao tiếp, ông cha ta đã từng căn dặn:

Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Trong cuộc sống hằng ngày, con người thường xuyên phải dùng ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp. Nếu biết lựa chọn lời nói thích hợp thì mọi người sẽ hiểu nhau hơn, công việc sẽ thuận lợi hơn, kết quả sẽ cao hơn. Mỗi người bình thường đều có khả năng nói lên mọi điều nhưng có lời hay, lời đẹp mà cũng có lời thô, lời vụng. Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe. Ta có thể chọn lựa được lời nói tùy theo ý định và trình độ văn hóa của mình. Ông cha ta nhận thấy lời nói như một thứ công cụ dễ kiếm, dễ chọn trong tầm tay của mọi người. Nếu chọn đúng, lời nói sẽ tạo hiệu quả lớn, còn lựa sai, thì lời nói sẽ làm mất lòng nhau.

Hiệu quả của lời nói đẹp là làm vừa lòng nhau. Lời nói đẹp tạo ra sự cảm thông, sự ăn ý và hiểu biết lẫn nhau. Đó là cơ sở để con người đạt được mục đích trong giao tiếp. Để cho vừa lòng nhau, cần phải biết lựa chọn lời nói thích hợp với đối tượng, với hoàn cảnh, với sắc thái tình cảm.

Cùng nói về một hiện tượng là cái chết nhưng có nhiều cách diễn đạt khác nhau: sư già đã viên tịch; người chiến sĩ ấy đã hy sinh vì Tổ quốc; ông cụ nơi khuất núi... Người có văn hóa khi giao tiếp thường biết lựa chọn cách nói thích hợp. Một lời nói hợp cảnh, hợp tình sẽ làm cho quan hệ thêm tốt đẹp và việc làm thêm hiệu quả. Một lời nói hớ hênh, vô ý sẽ làm hỏng hết mọi dự định. Chọn được những lời nói thích hợp chính là ta đã làm tốt việc lựa lời.

Nhưng để có khả năng lựa lời, chúng ta phải học tập, rèn luyện liên tục, lâu dài. Ông cha ta đã từng để lại rất nhiều lời khuyên về sự cẩn trọng trong cách nói năng của con người: Ăn phải nhai, nói phải nghĩ; Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Tuy chú ý đến việc lựa lời để để đạt được hiệu quả giao tiếp nhưng người xưa không bao giờ cho rằng mục đích giao tiếp là để vừa lòng nhau.

Cần phải chọn lời nói thích hợp, nhưng đúng đắn chứ không phải chỉ quan tâm đến sự đồng tình của người nghe, bởi vì có những khi nói thật mất lòng. Một lời nói êm tai, nhẹ nhàng nhưng giả dối không thể coi là một hành vi giao tiếp đúng đắn. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, lời nói thích hợp trước hết phải là lời nói chân thật, sau đó mới là lời nói đẹp.

Lời nói là công cụ giao tiếp, lời nói thể hiện phẩm chất, trình độ của mỗi con người . Biết dùng lời nói thích hợp sẽ tạo được hiệu quả tốt trong giao tiếp. Vì vậy, chúng ta cần phải tự rèn luyện cách nói năng văn minh, lịch sự để đạt được mục đích như mong muốn.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Tiếng Việt Lớp 4 mới nhất
Trắc nghiệm Tiếng Việt Lớp 4 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư