Sách có thể cung cấp kiến thức khi ta cần đến trong tất cả mọi lĩnh vực. Gọi nó là người bạn vì nó có thể chia ngọt sẻ bùi, gắn bó với chúng ta ở mọi lúc mọi nơi. Sách giúp ta mua vui giải trí những khi rảnh rỗi. Sách mở mang hiểu biết những điều sâu xa và thầm kín. Sách dẫn dắt ta vào mọi miên kiến thức của nhân loại. Từ toán học đến thiên văn, từ sinh vật đến máy móc, điện tử. Sách đưa ta về với lịch sử xa xưa và gợi mở những chân trời tương lai. Sách đưa ta vào những cuộc phiêu lưu, thám hiểm xuống đáy đại dương sâu thẳm hay miền Bắc cực lạnh giá. Sách đưa ta tới những miền xa lạ như rừng châu Phi nhiệt đới hay rừng Amadôn nguyên sinh bên châu Mỹ. Sách đưa ta vào thám hiểm vũ trụ, nhìn tới những vì sao xa xăm.
Khi cầm quyển sách văn học trên tay, ta sẽ hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới và tâm hồn của con người. Vẻ đẹp tao nhã: "Mai cốt cách, tuyết tinh thần" của hai chị em Thúy Kiều; vẻ đẹp cổ kính: "Nét cười đen nhánh sau tay áo, Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa" của bà mẹ trẻ. Sách dạy ta nhận ra bộ dạng nói dối: "Lặng nghe lẩm nhậm gật đầu" của Sở Khanh, thái độ thiếu văn hóa của Mã Giám Sinh: "Ghế trên ngồi tót sỗ sàng". Sách dạy ta vẻ đẹp của phong cách:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.
Sách là người bạn lớn rất cởi mở với những ai chăm chỉ, biết quya trọng nó mà thôi. Nếu chúng ta đọc sách mà đọc vội vàng, cưỡi ngựa xem hoa thì sách chẳng cho ta hiểu được điều gì. Sách sẽ quay lưng lại với ta và ta cũng chóng chán sách. Rất nhiều người cầm đến sách là hai mắt híp lại. Và khi cơn ngủ kéo dài đến thì quyển sách rơi phủ mặt xuống gối.Sách yêu những người bạn kiên nhẫn, biết giữ gìn và nâng niu, biết đọc đi đọc lại những chỗ khó hiểu. Có khi sách đòi hỏi phải tra cứu và khi hiểu được rồi thì sẽ có một niềm vui vô hạn.Sách như con người, nó chờ đợi những người tri âm, tri kỉ. Đó là người đọc biết tìm ra chìa khóa để đi vào thế giới của sách. Đọc thơ không giống đọc truyện, đọc lịch sử không như đọc toán. Không phải sách gì chúng ta cũng đều đọc. Nhà văn Nga Mắcxim Gorki nói ông không thích đọc tiểu thuyết của Vích to Huygô, nhưng lại rất thích tác phẩm của Stăngđan, Bandắc, Phơloobe. Các em thì thích đọc truyện cổ tích, truyện phiêu lưu, như truyện Tây Du Kí, Rôbinxơn một mình trên đảo hoang.
Học sinh thường chọn sách theo thị hiếu tuổi trẻ của mình. Đối với các em học sinh sách triết học nom như cụ già râu tóc bạc phơ khó tính, khó hiểu. Sách nghiên cứu như những nhà bác học nghiêm nghị. Các em thích những sách phổ cập, vừa sức, vừa thú vị như khoa học vui, truyện lịch sử như "Những vì sao đất nước". Những em không biết chọn bạn, tìm đọc sách những vụ án, những sách bạo lực và thiếu lành mạnh, kể những tội ác với một thái độ dửng dưng, kể những chuyện an chơi một cách khinh bạc, anh chị những "yêng hùng" phá quậy, nững mối tình mùi mẫn, rẻ tiền. Như những người bạn xấu, những sách ấy không những làm ta mất thì giờ một cách vô ích, mà còn có thể đầu độc tâm hồn trẻ thơ trong trắng của các bạn. Khi người ta lớn hơn, thị hiếu đối với sách cũng thay đổi.
Dù như thế nào thì sách cũng là bạn của con người. Nhà văn Nga Sêkhốp kể một câu chuyện như sau: có một nhà buôn giàu sụ đánh cuộc hai triệu rúp cho ai tự giam mình đọc sách 15 năm không đi ra khỏi nhà. Muốn đọc sách gì ông sẽ cung cấp. Một thanh niên chấp nhận cuộc chơi. Anh bắt đầu đọc sách văn nghệ, rồi đến sách lịch sử, sách khoa học, đọc hết loại này đến loại khác. Gần 15 năm nhà buôn kia phá sản, định lẻn vào nhà kia thủ tiêu người chấp nhận đánh cuộc để khỏi mất hai triệu rúp. Khi vào nhà thì người kia đã bỏ đi rồi, để lại mảnh giấy, cho biết anh ta không cần nhận tiền, anh ta đi để tìm cuộc sống đáng sống. Sách đã làm thay đổi con người.
Con người muốn nắm bắt được tri thức cuộc sống, muốn làm chủ được vũ trụ rộng lớn thì phải chăm đọc sách, quý trọng sách. Ngày nay nhiều người vì điều kiện công việc người ta mất dần đi thói quen đọc sách, đó là một điều không nên. Chúng ta nên rèn luyện thói quen đọc sách hàng ngày và chọn lọc những trang sách phù hợp với mục đích để nhanh chóng thực hiện được mục đích của mình.