Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Nhắc tới Việt Nam, người ta thường nghĩ tới những danh lam thắng cảnh như vịnh Hạ Long, hồ Hoàn Kiếm với truyền thuyết trả gươm thần hay những món hàng đặc trưng như lụa tơ tằm, nón Bài thơ. Nhưng đặc biệt, điều mà du khách nước ngoài tới Việt Nam cảm thấy thú vị hơn cả là thú vui ẩm thực: phở, bún chả, hay bánh chưng, bánh giầy vào dịp Tết. Dễ dàng nhận ra rằng những món ăn đó được làm từ gạo. Thứ hạt trắng đó là sản phẩm của cây lúa - một loại cây không thể thiếu trong đời sống con người Việt Nam.
Để có được cây lúa, những người nông dân đã vất vả lao động từng ngày: từ gieo mạ, cấy mạ rồi chăm sóc, vun xới cho cây. Lúa được trồng ở những vùng đồng bằng châu thổ, nơi có phù sa bồi đắp. Cũng như đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long là một vựa lúa lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ có ở đồng bằng, cây lúa còn được trồng trên vùng cao với những ruộng bậc thang xanh mướt. Lúa thích nghi đặc biệt với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam theo hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Phần lớn những người nông dân còn phụ thuộc vào cây lúa. Đây là một hình thức sản xuất nông nghiệp phổ biến và dễ thấy ở Việt Nam. Cây lúa đã đưa Việt Nam từ nước đói kém sau chiến tranh thành một quốc gia xuất khẩu lúa gạo đứng thứ hai trên thế giới. Mặc dù là cây nông nghiệp nhưng không thể thiếu những cây đó trong đời sống người Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao cây lúa lại có một vai trò quan trọng trong đời sống Việt Nam đến như vậy? Có thể thấy rằng, từ khi sinh ra, con người đã gắn bó với cây lúa và hạt gạo. Cây lúa không những là cây nông nghiệp mà còn là một loại cây lương thực cung cấp thực phẩm chủ yếu cho con người. Đôi khi người ta thấy rằng con người ăn cơm lâu, muốn thay đổi hương vị, đã tìm đến những quán phở, hàng bún. Đó là một cách thay đổi khẩu vị hay đúng hơn là gạo đã dược biến tấu bằng một cách chế biến khác. Hay ở những vùng thôn quê, thậm chí là ở thành thị, người ta vẫn thường quen với tiếng rao quà: Ai bánh chưng, bánh nếp, bánh giầy, bánh khoai nào!
Thật quen thuộc mà cũng rất giản dị. Những thứ bánh thơm dẻo đó cũng được làm ra từ hạt gạo. Đặc biệt hơn là gạo nếp. Lúa làm ra gạo. Cũng thật độc đáo, gạo lại được chế biến thành muôn kiểu món ăn, phục vụ cho nhu cầu ăn uống của người dân Việt Nam.
Chúng ta biết rằng, khi lúa chín trĩu bông, người ta gặt về, đem tuốt lúa. Và sau đó có được gạo và một thứ vỏ ngoài màu vàng nhạt. Đó chính là vỏ trấu. Bước chân đi tới những miền quê Việt Nam ngày nay vẫn còn thấy những gian bếp nhỏ đun vỏ trấu, vỏ trấu cũng rất hữu dụng trong việc làm thức ăn cho gia cầm và dùng trong lò ấp trứng. Phần cây lúa sau khi đã gặt xong không phải là thừa. Nó được phơi khô, chất thành những đống rơm cao ngất. Rơm cũng được dùng làm chất đốt ở những vùng nông thôn. Ngoài ra, rơm còn được dùng để trồng nấm làm thực phẩm cho người dân Việt Nam. Đặc biệt, người ta còn dùng rơm để lợp mái nhà, rất tiện dụng và tiết kiệm.
Như vậy, cây lúa đã trở thành một loại cây gắn bó thân thiết với người dân Việt Nam: trong lao động sản xuất, trong đời sống, nhất là những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Không những vậy, cây lúa còn mang một giá trị văn hoá tinh thần sâu sắc.
Giữ một vị trí quan trọng như vậy nên khi nhắc tới Việt Nam, người ta nhắc tới một nền văn minh lúa nước. Cây lúa đã đi vào lịch sử dân tộc của Việt Nam, trở thành một đặc trưng cho văn hoá Việt. Một nét đặc trưng mà có lẽ khó có thể mất đi hay phai mờ. Cây lúa đã đứng lên, đã hội nhập quốc tế bằng chính chất và lượng của nó. Người ta đã biết tới một Việt Nam không chỉ là một nước anh dũng kiên cường trong đấu tranh mà còn là một dân tộc kiên trì cần mẫn trong lao động sản xuất. Và giờ đây họ nhìn vào con số gạo xuất khẩu: hàng triệu tấn một năm của Việt Nam để đánh giá và đưa ra nhận xét. Không những thế, cây lúa còn giữ một vai trò không thể thiếu trong những lễ vật dâng lên tổ tiên. Những món ăn thơm thảo đó thể hiện rất rõ nét ẩm thực cũng như tính cách của người Việt. Nó thể hiện sự hiếu lễ kính trọng của con cháu đối với những người đi trước. Đặc biệt là trong những dịp Tết Nguyên Đán, những chiếc bánh chưng, bánh giầy không báo giờ thiếu trên mâm cỗ của từng nhà. Trung thu với bánh dẻo, bánh nướng làm cho đêm đón trăng của trẻ em càng thêm rộn ràng... Từ cây lúa, những thức quà ngon đã được làm ra ngày càng gắn bó, thân thiết với người dân Việt Nam.
Cây lúa là biểu tượng Việt Nam, là loại cây không thể thiếu trong đời sống văn hoá Việt, cả ẩm thực và lễ hội. Có lẽ vì vậy, cây lúa cũng đã trở thành đề tài sáng tác cho nhiều nhà thơ, nhà văn. Trần Đăng Khoa đã có một bài thơ được phổ nhạc thành bài hát (Hạt gạo làng ta):
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hổ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi hôm nay...
Trần Đăng Khoa đã rất tinh tế khi viết về hạt gạo trắng thơm. Để có lúa, có gạo là công sức của biết bao con người, là sự hoà quyện của biết bao hương vị: vị phù sa, hương sen thơm, lời mẹ hát... Những lời ca trong trẻo của bài hát ấy cứ ngân lên, thể hiện tính cách của con người Việt Nam: tuy sống vất vả nhưng cần mẫn với lúa gạo.
Và hơn thế, cây lúa còn làm tăng vẻ đẹp quê hương đất nước:
Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông.
Câu ca dao đã khắc hoạ một Việt Nam tươi đẹp và đầy sức sống với màu xanh mênh mông bát ngát của lúa. Những đồng lúa thẳng cánh cò bay đã in sâu trong tâm trí của những người con xa quê.
Cây lúa vốn đã thân thiết nay càng gắn bó hơn. Có thể nói rằng nó không thể thiếu trong đời sống con người Việt Nam, cả về vật chất cũng như tinh thần. Nó làm con người thoải mái và vui vẻ hơn sau ngày lao động mệt nhọc với bát cơm thơm thảo. Mỗi khi bưng bát cơm thơm, được nấu từ những hạt gạo trắng ngần, lòng ta lại bâng khuâng nghĩ đến quê hương, nghĩ đến những con người đã từng đổ mồ hôi, sôi nước mắt để làm ra hạt gạo.
Nếu được chọn lựa, có lẽ tất cả chúng ta sẽ vẫn chọn cây lúa là cây lương thực chính, là biểu tượng của nền văn minh, văn hoá cho vẻ đẹp Việt Nam.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |