Trong một đoạn văn ngắn, tác giả đã đưa ra những con số hết sức xác thực, cụ thể minh chứng cho sự tốn kém kinh khủng của cuộc chạy đua vũ trang hết sức vô lí trong suốt nửa sau của thế kỉ XX. Tác giả không đưa ra con số một cách thông thường mà trong phép so sánh với những nhu cầu thiết yếu của con người. Một kế hoạch để giải quyết những vấn đề cấp bách cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất trên thế giới tỏ ra là một giấc mơ không thể thực hiện được vì tốn kém 100 tỉ đô la.
Trong khi đó, người ta có thể bỏ ra đúng số tiền đó để đầu tư cho “100 máy bay ném bom chiến lược B.1B của Mĩ và cho dưới 7000 tên lửa vượt đại châu”. Chưa dừng lại ở đó, tác giả tiếp tục đưa ra con số so sánh vói các lĩnh vực y tế, thực phẩm, giáo dục. Một số tiền khổng lồ để chi phí cho một con số nhỏ bé trong ngành công nghiệp hạt nhân (10 chiếc tàu sân bay, 27 tên lửa), nhưng lại đủ để thực hiện chương trình phòng bệnh hay cung cấp thực phẩm cho một tỉ người hay khiêm tốn cũng là 575 triệu người. Thật là một nghịch lí đến phi lí.
Bởi sự tốn kém tiền của để tạo ra những vũ khí hạt nhân, chỉ để chứng minh sức mạnh quân sự của các cường quốc hay chỉ vì chiến tranh hủy diệt lại có thể giải quyết được những nhu cầu cấp bách của hàng tỉ con người trên thế giới. Nếu số tiền khổng lổ đó đầu tư cho dân sinh (y tế, giáo dục) thậm chí cứu mạng sống cho người dân nghèo khổ, đói rét ở châu Phi thì sẽ có ý nghĩa lớn biết nhường nào! Nhưng đó chỉ là giả thiết, bởi thực tế cuộc chạy đua vũ trang đó đã diễn ra suốt hơn nửa thế kỉ tiêu tốn số lượng kinh phí khổng lồ. Vì vậy, con số mà tác giả đưa ra như lời nhắc nhở, kêu gọi các quốc gia hãy điều chỉnh lại chi phí cho vũ trang hạt nhân, để những khoản tiền đó được đầu tư vào những công việc có ích hơn, ý nghĩa hơn giúp đỡ các khu vực khó khăn cùng phát triển.
Đoạn văn này cho thấy cách nhìn nhận rất sâu sắc, toàn diện của nhà văn, nhà hoạt động xã hội lỗi lạc Mác-két. Những con số được tác giả đưa ra trong thế so sánh đầy nghịch lí đã có sức thuyết phục rất lớn. Điều đó đã giúp người đọc hình dung cụ thể sự tiêu tốn tiền của cho cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân vô lí. Nghệ thuật lập luận của Mác-két tỏ ra rất sắc bén, tác động lớn đến tâm lí, tư tưởng của độc giả.