cau 1
Bằng các giải pháp hữu hiệu, Hà Tĩnh đã thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông trên đia bàn. Thông qua các hoạt đông tuyên truyền “Năm An toàn giao thông 2012”, ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc đảm bảo ATGT được nâng lên rõ rệt. Văn hóa giao thông đang hiển hiện trên mỗi con đường, tuyến phố.
Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, năm 2012, toàn tỉnh xẩy ra 298 vụ TNGT, làm chết 144 người, bị thương 231 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 1,1 tỷ đồng. So với năm 2011, giảm 31% về số vụ, 31,7% số người chết và 38,7 % số người bị thương. Theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, Hà Tĩnh là một trong những địa phương dẫn đầu trong việc kiềm chế TNGT trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương.
Bà Lotte Brondum, đại diện Quỹ phòng chống thương vong Châu Á và đại diện Ban ATGT tỉnh trao mũ bảo hiểm cho các em HS trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh)
Chánh Văn phòng Ban ATGT Hoàng Minh Việt cho rằng, chưa năm nào công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT lại diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp như năm 2012. Thực hiện kế hoạch hành động "Năm An toàn giao thông - 2012". Ban ATGT tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch hành động, đồng loạt tổ chức lễ ra quân hưởng ứng "Năm ATGT - 2012" và phát động tiếp tục thực hiện giải tỏa hành lang ATGT đường bộ. Ban ATGT tỉnh phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 04/2012 quy định tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng về đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 100% huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, khối trường học tổ chức ký cam kết đảm bảo trật tự ATGT đến tận các hộ gia đình, cán bộ, chiến sỹ, học sinh, sinh viên, đoàn viên (các cơ quan, đơn vị, trường học đạt tỷ lệ 100% cán bộ tham gia ký kết; các xã, phường, thị trấn đạt trên 90% số người dân tham gia ký kế. Riêng Mặt trận Tổ quốc đã triển khai ký cam kết đối với 355.000 hộ gia đình theo mẫu hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành trên toàn quốc).
Cùng với việc thực hiện cuộc vận động Thanh niên với văn hóa giao thông, Hội thi viết “Thanh niên Hà Tĩnh với an toàn giao thông” đã thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia với hơn 140.000 bài dự thi trên tổng số 150.000 đoàn viên thanh niên cả tỉnh (đạt 93%). Hội thi đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần giáo dục, tuyên truyền pháp luật ATGT đối với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Quốc Anh, chúng ta xây dựng ý thức của người tham gia giao thông phải bắt đầu từ trường học. Những chủ nhân tương lai của đất nước cần được giáo dục ATGT để hiểu rõ và có ý thức tự giác cao, nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định về ATGT. Trên thực tế hiện nay, khái niệm "văn hóa giao thông" vẫn còn khá mơ hồ đối với nhiều học sinh, do vậy hiện tượng học sinh vi phạm ATGT vẫn còn khá phổ biến. Do đó, thành công của ngành giáo dục trong việc đưa “văn hóa giao thông” vào trường học được xem là giải pháp lâu dài trong việc hình thành văn hóa giao thông.
Với thông điệp “Hành động vì người đang sống”, Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” được các địa phương, đơn vị trên địa bàn phối hợp tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, thể hiện được sự cảm thông, chia sẻ với nỗi đau của người thân, gia đình người tử vong do TNGT, đồng thời kêu gọi ý thức ngăn ngừa thương tích tai nạn giao thông đường bộ của mỗi công dân.
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, trong năm qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các kế hoạch, phương án tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tư ATGT. Theo số liệu từ Phòng CSGT tỉnh, năm 2012, lực lượng CSGT đã lập biên bản 91.272 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 86.382 trường hợp vi phạm, thu nộp kho bạc nhà nước hơn 30 tỷ đồng. Tạm giữ 5.844 mô tô, 151 ô tô, tước GPLX có thời hạn 976 trường hợp và thông báo đến công an địa phương cư trú 1.676 trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, thực hiện theo Kế hoạch của Công an tỉnh về việc huy động phối hợp các lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát 113 và Công an huyện, thị xã phối hợp tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự giao thông. Các tổ công tác đặc biệt đã xử lý hơn 5000 trường hợp vi phạm. Đây được coi là biện pháp mạnh mẽ và hữu hiệu nhất trong việc trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT, ATGT, nhất là các đối tượng thanh thiếu niên coi thường pháp luật (thực tế các đối tượng này chỉ riêng lực lượng CSGT không thể xử lý được)...
Những kết quả đạt được trong công tác giảm thiểu, kiềm chế TNGT thời gian qua phản ánh quyết tâm xây dựng tính bền vững cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, theo Phó Ban ATGT tỉnh Lương Phan Kỳ, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn cũng đang tồn tại nhiều yếu tố khó lường. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở tỉnh ta được quan tâm đầu tư xây dựng. Song so với nhu cầu phát triển thì hệ thống hạ tầng giao thông ở tỉnh ta vẫn tồn tại nhiều bất cập, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đang trong giai đoạn vừa thi công, vừa khai thác, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn khi lưu thông. Bên cạnh đó, tình tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT diễn ra khắp nơi, chưa được xử lý, nhiều điểm đen về tai nạn giao thông chưa được xóa bỏ.
Những biện pháp mà chúng ta đang thực hiện để giữ vững trật tự ATGT suy cho cùng chính là việc hình thành văn hóa cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT nhiều lúc, nhiều nơi chưa đi vào chiều sâu, việc ký cam kết không vi phạm trật tự ATGT ở nhiều địa phương, đơn vị còn mang tính hình thức.
Do đó chúng ta chưa loại bỏ được tình trạng uống rượu, bia khi tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm, lạng lánh đánh võng... Hiện tượng “bến cóc”, “xe dù” hoạt động trên lĩnh vực vận tải hành khách chưa được loại bỏ. Có khi, các đối tượng coi thương pháp luật, ngang nhiên chèn ép, tranh giành khách trên hai tuyến xe buýt TP Vinh - TP Hà Tĩnh và tuyến TP Hà Tĩnh - Vũng Áng (Kỳ Anh). Điều đáng nói là tình trạng này đã tồn tại khá lâu, nhưng đến khi dư luận lên tiếng, các cơ quan chức năng mới tiến hành xử lý.
“Đảm bảo trật tự ATGT liên quan đến nhiều yếu tố, nếu chúng ta không triển khai thực đồng bộ các giải pháp thì sự vào cuộc dù tích cực đến đâu nếu là riêng lẻ, không thường xuyên của bất cứ ngành nào, đơn vị, địa phương nào cũng không đem lại được kết quả như mong muốn về công tác bảo đảm trật tự ATG” - Phó Ban ATGT tỉnh Lương Phan Kỳ nhấn mạnh.
Giảm thiểu TNGT là trách nhiệm của cả cộng đồng, xã hội. Chúng ta hãy cùng nhau có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, người thân, bạn bè và với toàn xã hội. Mà hành động mỗi chúng ta có thể làm ngay, đó là chấp hành nghiêm pháp luật về đảm bảo TTATGT. Để đảm bảo tính bền vững cho sự phát triển, hãy hành động như năm nào cũng là năm ATGT.