Đề 3:
Tôi bước nhẹ ra khỏi phòng thông tin mà trong lòng lân lân một niềm vui sướng khó tả. Biết bao nhiêu là tin hay, tin tốt nào là:
- Một anh trung đội trưởng sau khi giết được bảy tên giặc đã tự sát bằng một quả lựu đạn cuối cùng.
- Đội nữ du kích Trưng Trắc giả làm người đi mua hàng đã bắt sống một tên quan hai bốt Thao ngay giữa chợ.
- Lại còn bao nhiêu tin đột kích nữa, chỗ này giết được năm tên Pháp với hai Việt gian; chỗ kia phá đổ được một xe tăng và một xe díp.
“Cứ thế, chỗ này giết một tí, chỗ kia giết một tí, cả súng ống cũng vậy, hôm nay dăm khẩu, ngày mai dăm khẩu, tích tiểu thành đại làm gì mà rồi thằng Tây không bước sớm”. Tôi miên man suy nghĩ với những thông tin đắc thắng quý giá ấy và nhanh chân đến quán dặn vợ một số việc rồi đi ra lối huyện cũ.
Ở đây, từng tốp người tản cư từ dưới xuôi lên rất đông, đứng lố nhố cả một khu vực rộng, dưới gốc đa to rợp bóng mát. Tôi ghé vào quán nước ven đường ngồi hút một điếu thuốc lào, uống một hụm chè tươi nóng, chóp chép cái miệng ngẫm nghĩ: bao nhiêu ý nghĩ vui thích chen chúc trong đầu óc tôi. Ngoài kia tiếng quạt mo, tiếng thở, tiếng cười, tiếng trẻ con, tiếng nói râm rang của đám thợ làm đường xôn xao cả quãng đường dài. Dưới chân đồi những thửa ruộng lúa xanh mơn mởn, uốn quanh co dưới trời nắng lấp lánh như một nhánh sông, có mấy cánh cò trắng bay qua bay lại. Ôi! cảnh vật hôm nay sao mà đẹp thế!
- Các cô, các chú ở đâu lên đây ạ? Tôi đặt bác nước xuống chõng và hỏi.
Một người nhanh miệng trả lời:
- Dạ, con ở Gia Lâm mới lên ạ! Dạo này bom đạn cày xới quá, mấy đứa nhỏ ở không nỗi mới khăn gói lên đây, chứ đi cũng không nỡ bác ạ.
- Ừ, đánh nhau cứ đánh, cày cấy cứ cày cấy, tản cư cứ tản cư… Hay đáo để.
- Này bác có biết mấy hôm nay súng nó bắn ở đâu mà nghe rát thế không?
Một người đàn bà cho con bú mé bên kia nói xen vào:
- Nó rút ở Bắc Ninh về qua chợ Dầu nó khủng bố ông ạ.
Tôi quay phắt lại lắp bắp hỏi:
- Nó… Nó vào chợ Dầu hở bác? Thế ta giết được bao nhiêu thằng? Người đàn bà ẵm con cong môi lên đỏng đảnh:
- Có giết được thằng nào đâu. Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây còn giết gì nữa.
Tôi nghe như sét đánh ngang tai, như đại bác dội bên mình, tôi điếng người, da mặt tê rân rân, cổ họng nghẹn lại, giọng lạc hẳn đi:
- Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ là tin đồn…
- Tin đồn đâu mà tin đồn, chúng tôi vừa ở dưới ấy lên đây mà lại. Việt gian từ thằng chủ tịch mà đi cơ ông ạ. Tây vào làng chúng nó bảo nhau vác cờ thần ra hoan hô. Thằng chánh Bệu thì khuân cả tủ chè, đỉnh đồng, vải vóc lên xe cam nhông, đưa vợ con lên vị trí với giặc ở ngoài tỉnh. Có người hỏi:
- Sao bảo làng chợ Dầu tinh thần lắm cơ mà?…
- Ấy thế mà bây giờ đổ đốn ra thế đấy!
- Thôi rồi!
Miệng tôi méo xệch, các lớp da nhăn nheo xô lại với nhau như không tin vào những gì đang xảy ra lúc này. Tôi vội trả tiền nước rồi bước nhanh ra về. Tôi đi thẳng, cố bước thật nhanh bỏ lại sau lưng tiếng cười nói xôn xao của đám người mới tản cư, cái cái giọng chua lanh lảnh của người đàn bà cho con bú:
- Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó! Đói khổ ăn cắp ăn trộm bắt được người ta còn thương. Cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát!
Tôi cúi gằm mặt xuống đất mà đi y như một kẻ trộm vậy. Tôi chợt nhớ tới bà chủ nhà, lần này về chắc mụ ta ghét ra mặt đây.
Về đến nhà tôi nằm vật ra giường, hai dòng lệ héo hon già nua chợt tuôn trào không ngớt. Trời ơi! Làng tôi theo giặc hay sao? Tôi khóc rống lên như con nai con thú bị trúng tên. Rồi đây sẽ sống sao? Tôi là dân là Việt gian ư? Con tôi là con Việt gian ư? Tim tôi đau nhói không chịu nổi, tôi quằn quại trên giường với nỗi đau thống thiết tột cùng. Trong thâm tâm tôi kiểm điểm lại từng người, họ toàn là những người có tinh thần cả mà, sao có thể là Việt gian được chứ? Họ đã ở lại làng. Quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy!… Nhưng sao lại nẩy ra cái tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích thị là người làng không sai rồi. Không có lửa thì sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước… Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa?
Chiều tối muộn, vợ tôi về. Đôi quang thúng thõng thẹo trên hai mấu đòn gánh. Bà đi thẳng vào trong nhà lúi húi xếp hàng vào một xó, rồi lẳng lặng ra bậc cửa ngồi ôm má nghĩ ngợi một hồi lâu. Đám trẻ cũng thấy lạ nên chẳng dám vòi quà, lặng lẽ đi tắm rửa rồi ăn cơm. Suốt buổi tối không ai nói với ai một lời nào. Tôi và vợ thì chẳng thể nuốt nổi cơm, người cứ bần thần, lo nghĩ.
Mãi khuya, khi lũ trẻ đã say giấc, bà mới thì thầm:
- Này thầy nó ạ, tôi nghe người ta …
- Biết rồi, khổ lắm, nhục nhã lắm. Tôi nói trong uất nghẹn, thút thít khóc. Vợ tôi cũng khóc theo:
- Sao mà cái đời mình khổ quá vậy thầy ơi! Rồi đây biết sống sao? Làm sao ngẩn mặt lên nhìn mọi người chứ. Cái làng chợ Dầu là Việt gian, gia đình mình là dân chợ Dầu mà, …
Bà nói trong tiếng nấc nghẹn cứng cổ họng.
- Hay là mình trở về làng?
- Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến. Bỏ Cụ Hồ…
Nước mắt tôi giàn ra,
- Về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây.
Gian nhà trên bỗng có tiếng nói léo xéo của mụ chủ nhà:
- Ta không chứa những người chợ Dầu nữa, …
Tôi chỉ biết nín thin thít, mà chịu đựng nào có dám phản ứng lại gì nữa.
Đã gần một tuần tôi không dám bước chân ra ngoài, cả đến bên nhà bác Thứ cũng không dám sang. Suốt ngày tôi chỉ quanh quẩn ở trong cái gian nhà chật chội mà nghe ngóng. Tâm trạng tôi bất an tột độ, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ người ta bàn tán đến “chuyện đó”. Từ cái ngày ấy mụ chủ nhà dường như để ý đến tôi hơn. Mụ bóng gió muốn đuổi gia đình tôi đi.
Sáng hôm nay lúc vợ tôi sắp sửa quang gánh ra hàng thì mụ chủ nhà không biết đi đâu về, mụ đứng dạng háng ở ngoài sân nói chõ vào:
- Bà lão chưa đi hàng cơ à? Muộn mấy?…
- Chưa bà ạ. Mời bà vào chơi trong này!
- Vâng bà để mặc em… à bà Hai này!… Mụ chạy sát vào bực cửa, thân mật:
- Trên này họ đồn giăng giăng ra rằng thì là làng dưới nhà ta đi Việt gian theo Tây đấy, ông bà đã biết chưa nhỉ? … Nghe nói, bảo có lệnh đuổi hết những người làng chợ Dầu khỏi vùng này không cho ở nữa.
Mụ chủ chép miệng, giọng ngọt xớt:
- Em cứ khó nghĩ quá… ông bà cũng là người làm ăn tử tế cả. Nhưng mà có lệnh biết làm thế nào. Đành nhẽ là ông bà kiếm chỗ khác vậy… Này, ở với nhau đang vui vẻ, ông bà dọn đi, em lại cứ nhớ đáo để đấy nhớ.
Vợ tôi cúi mặt xuống rân rấn nước mắt, và nói:
- Vâng… thôi thì dân làng đã chả cho ở nữa, chúng tôi cũng đành phải đi nơi khác chứ biết làm thế nào. Nhưng xin ông bà trên ấy nghĩ lại thư thư cho vợ chồng chúng tôi vài ba hôm để thu xếp công việc rồi sẽ đi.
Mụ ừ một tiếng rõ dài rồi quay đít đi đỏng đảnh.
Vợ tôi và con bé lớn nước mắt ròng ròng, lẳng lặng gánh hàng ra quán.
Tôi ngồi lặng trên một góc giường, bao nhiêu ý nghĩ đen tối, ghê rợn, nối tiếp bời bời trong đầu óc. Biết đem nhau đi đâu bây giờ? Đâu người ta chứa bố con tôi mà đi bây giờ?…
Tôi ôm thằng con út lên lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó, khẽ hỏi:
- Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con ai?
- Là con thầy mấy lỵ con u.
- Thế nhà con ở đâu?
- Nhà ta ở làng chợ Dầu.
- Thế con có thích về làng chợ Dầu không? Thằng bé nép đầu vào ngực tôi trả lời khe khẽ:
- Có. Tôi ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu lại hỏi:
- À thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai? Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:
- Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm! Nước mắt tôi lại giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má:
- Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ.
Khoảng ba giờ chiều hôm ấy, bỗng dưng ông chủ tịch làng Chợ Dầu ghé thăm nhà tôi. Và yêu cầu tôi khăn áo chỉnh tề dẫn ra phòng thông tin. Trên loa phóng thanh ông ấy dong dỏng: Làng chợ Dầu không theo Tây, tất cả chỉ là tin đồn nhảm nhằm chia rẽ khối đoàn kết của ta. Tôi nghe như mở cờ trong bụng, tôi vui quá la to và hét lớn:
- Đấy, đã bảo mà, làng tôi phải thế chứ làm gì có chuyện đó!
Tôi vội đi đến quán thông báo cho vợ biết tin vui này, vợ tôi mừng ra mặt rồi liến thoắng với mọi người chung quanh. Tôi nhanh chóng đi khắp làng cải chính:
- Láo! Láo hết, chẳng có gì sất. Toàn là sai sự mục đích cả!
Đến tối mịt tôi mới về đến nhà, vừa đến đầu ngõ tôi đã hô to:
- Chúng mày đâu rồi, ra thầy chia quà cho nào. Lũ trẻ ở trong nhà ùa ra, tôi vội rút cái gói bọc lá chuối khô cho con bé lớn:
- Bánh rán đường đây, chia cho em mỗi đứa một cái. Dứt lời tôi lại lật đật đi thẳng sang bên gian bác Thứ.
- Bác Thứ đâu rồi? Bác Thứ làm gì đấy! Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn! ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chính, ông ấy cho biết… Cải chính cái tin làng chợ Dầu chúng tôi là Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả.
Tôi lại lật đật bỏ lên nhà trên:
- Tây nó đốt nhà tôi rồi ông chủ ạ. Đốt nhẵn. Ông chủ tịch làng em vừa lên cải chính… Cải chính cái tin làng chợ Dầu chúng em Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết, chẳng có gì sất. Toàn là sai sự mục đích cả!
Mụ chủ nhà giương tròn cả hai mắt lên mà reo:
- A, thế chứ! Thế mà tớ cứ tưởng dưới nhà đi Việt gian thật, tớ ghét ghê ấy… Thôi, bây giờ thì ông bà lại cứ ở tự nhiên chả ai bảo sao. Ăn hết nhiều chứ ở hết là bao nhiêu. Mụ cười khì khì.
- Này, rồi cũng phải nuôi lấy con lợn… mà ăn mừng đấy! tôi gật gật:
- Được, được, chuyến này rồi phải nuôi chứ…
Tối hôm ấy tôi lại sang bên gian bác Thứ, ngồi trên chiếc chõng tre vén quần lên tận bẹn mà nói chuyện về cái làng của tôi. Kể lại cho mọi người nghe hôm Tây vào khủng bố: Chúng nó có bao thằng, bao nhiêu Tây, bao nhiêu Việt gian, đi những đường nào, đốt phá những đâu đâu, và dân quân, tự vệ làng ông bố trí, cầm cự ra sao; rành rọt tỉ mỉ với khí thế hừng hực và vui sướng.
Đấy thế đấy, chợ Dầu quê hương tôi anh dũng kiên cường thế đấy. Từ cổ chí kim ai ai cũng tốt, ai ai cũng trung hậu, đảm đang. Làng tôi giàu có cả về vật chất lẫn tinh thần, người dân hăng say trong lao động, bất khuất trong đấu tranh chống giặc. Sau sự việc này lòng tin với người dân quê tôi càng tăng gấp bội. Mai này chiến thắng, hoà bình tôi nhất định về xây dựng lại quê hương đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Chợ Dầu ơi! hãy chờ tôi nhé!