Tôi học không giỏi, nhưng cũng không thuộc hạng học sinh yếu kém, nên đối với tôi, con điểm tám, điểm chín sao xa vời quá thể… Cứ đeo đẳng theo tôi là những con điểm 5, điểm 6, từ suốt từ đầu đến cuối những năm học lớp sáu, bảy, tám. Chúng cứ bám lấy tôi như những người bạn tri âm, tri kỉ, cứ như vậy hơn ba năm trời… Nói là hơn ba năm trời mà không phải là bốn năm trời, vì mới chỉ gần đây thôi, tôi, cuối cùng cũng nhận ra điều mình cần làm để thay đổi thái độ học tập của mình…
Gia đình tôi không mấy khá giả, mẹ tôi là kiểm nghiệm viên phòng hóa chất, xui rủi thế nào, lại rước vào thân mình căn bệnh ung thư quái quỉ, ba tôi là một công nhân viên chức, nhưng cũng sắp sửa về hưu, nên ông thường tranh thủ đi làm thêm để có đủ tiền trang trãi cho cuộc sống gia đình những năm sắp tới. Tôi – thằng con một ham chơi hơn ham học, ngày nào cũng “đón nhận” những tràng “pháo nổ” từ mẹ khi nhắc tới chuyện bài vở trong lớp. Trong lớp, tôi cũng chẳng có gì nổi bật. Niềm “tự hào” duy nhất của tôi – điều khiến tôi nổi trội nhất lớp, đó là những câu pha trò hài hước, mấy lần phải khiến cả lớp cười ngang cười ngửa. Phải chăng vị thần may mắn đã tới gõ cửa nhà tôi? Cũng có lẽ vì điều đó, hoặc là do cá tính của tôi như vậy, đầu năm học năm trước, tôi đã lọt vào mắt xanh của một cô bạn gái dễ thương, có lẽ vì hợp gu, có chung tính cách,… Chúng tôi càng lúc càng thân mật, và cứ mỗi buổi trưa tan trường, hai đứa chúng tôi lại lui tới góc sân – nơi có cây phượng vĩ đẹp, xỏa bóng mát xuống rợp cả một hàng ghế đá. Những buổi gặp gỡ càng lúc càng trở nên quen thuộc hơn rất nhiều, khiến một vài người trong lớp cũng phải thấy lạ về cách hành xử của tôi khác hẳn với những cái cách hành xử trước đây. Đến nỗi cũng có người phải chọc quê khiến tôi sượng sùng, đỏ mặt:
- Mỗi buổi trưa, mày không về lại đi đâu tót vào góc sân trường thế hả, Trung?
- Tao nói rồi, tao có chuyện bận mà, và đó cũng chẳng phải chuyện của mày đâu, Phú.
- Mày đừng có chối, mọi việc mày làm bọn này đều biết cả thôi, thậm chí bọn này còn biết ý định của mày nữa cơ đấy – Nó hít hà một câu, rồi lủi đi mất.
Thấy tình hình đang bị đe dọa, tôi thủ thỉ thầm thì với nhỏ, nhưng nhỏ không nao núng, cũng chẳng bẽn lẽn gì, chỉ phán 1 câu: “đơn giản thôi, chúng ta thay đổi chỗ hẹn thì sẽ chẳng còn ai trêu chọc nữa đâu”. Tôi lại hỏi: “Ở đâu bây giờ?”. Nhỏ ngẫm nghĩ một hồi, rồi trả lời: “đến nhà mình đi, mình sẽ học chung”. Tôi xém chút nữa đã quíu cả tay chân, khi nghe lời đề nghị đó, tôi đành cáo từ, ra về để …nghĩ ngợi. Tôi vốn sẵn đã ***, giờ lại phải đi học chung nữa sao, nhỡ không “thuộc bài” bị “cô giáo” bắt bí, là mất điểm ấn tượng như chơi. Thế là tôi đành phải vùi đầu vào học, với một quyết tâm cao độ, vì một mục đích trong… tối, đó là ghi điểm với “người đẹp” của mình. Đầu óc của tôi đã u muội, giờ lại càng thêm *** đặc, do không theo kịp bài vở trên lớp, cứ ỷ y có “kẻ tòng phạm” bên cạnh cho xem bài ké. Nên vì vậy, tôi học mãi chẳng vào, nên mới nhờ tới sự cầu cứu của “kẻ tòng phạm”: Minh.
Mấy lần hắn qua “dạy kèm” cho tôi, lần nào, tôi cũng nghe những câu kêu vãn “trời ơi” của Minh, rồi lại nghe giọng của chính mình trả lời “ơi” thật là buồn cười khiến hắn ta gần như tức lộn ruột. Hắn bắt tôi vẽ đường tròn và tam giác nội tiết, tôi cạy cục mãi chẳng xong. Hắn bảo tôi chứng minh tích dời hình, thì tôi lại chứng minh rằng tôi chẳng biết thứ gì ráo. Cứ ngày qua ngày, hắn cứ tới kèm tôi tận mạng. Từ 5 buổi một tuần cho đến mỗi ngày, hắn đều qua. Phần vì hắn hối thúc tôi theo kịp bài trên lớp, phần vì bố mẹ ủng hộ, khen Minh biết quan tâm đến bạn bè, và phần vì tôi luôn muốn được “học chung” với “người đẹp”, nên tôi biết, tôi đã hết đường thoát. Đành phải bấm bụng, cắn răng chịu đứng để có thể thực hiện ý đồ “đen tối” của mình. Nhưng cũng vì ý đồ “đen tối” ấy, tôi lại được Minh khen: “mày quả sáng dạ hơn tao tưởng”. Tôi cũng mừng thầm, vì đúng là trình độ của tôi cũng đã tiến bộ được đôi chút so với trước, tôi bắt đầu hiểu bài, làm bài bớt trật đi, tiếp thu bài nhanh hơn rất nhiều. Và cũng vì mong chóng tới ngày được “làm thầy” cho người đẹp của mình, nên tôi bắt đầu nảy ra tinh thần tự học. Thấy vậy, bố mẹ tôi cuống cuồng cả lên, tưởng tôi là thiên tài đội lốt không bằng, cứ hễ thấy tôi tự ngồi vào bàn học, họ lại tìm cách phục vụ tôi tận tình, chu đáo. Có vẻ họ sẽ chẳng bao giờ ngờ rằng tôi học đâu phải vì … tôi, mà là vì cái “mục đích cao cả” kia kìa – tôi càng nghĩ lại càng tức cười, nhưng cũng đã mơ hồ nhận ra làm người tài cũng có lắm cái hay. Ngày đầu tiên “xuất quân” bên dinh thự của “công chúa”, thật là một thành công mĩ mãn. Tôi thao thao bất tuyệt, còn nàng chỉ biết ngóng cổ nghe và… chờ sự hướng dẫn của tôi. Thế là tôi lại được dịp vừa “dạy”, vừa liếc học trò của mình, những chẳng bao giờ nhìn lâu cả. Lần đầu tiên trong toàn cuộc đời tôi, con điểm 10 môn Toán – môn mà tôi rất ghét và bao giờ cũng đặt biệt danh là môn… Oán – đã nằm gọn trong tay tôi, các bạn thấy chuyện lạ thế giới trong lớp, nhốn nháo cả lên, khiến tôi mừng rơn.
Chắc là khi nghe kể tới đây, bất kì ai cũng phải cười, nếu không có miệng thì thôi, còn nếu có thì phải ngoác ra ấy chứ, vì thấy tôi có cái mục tiêu bất bình thường quá. Nhưng mặc dư luận có nói gì, tôi vẫn cứ trên đà tiến tới. Cứ như vậy, những điều tốt đẹp cứ đến với tôi, từ khi tôi bắt đầu chăm học, và từ từ tôi cũng đó nhận thức được rằng, chỉ có học, mới là sự mở đầu dành cho tương lai của tôi mà thôi. Tôi quả thật sáng dạ hơn tôi nghĩ, và tôi dám chắc chắn rằng, nếu tôi bỏ tánh ham chơi, và nâng cao ý thức tự học của mình, thì một ngày không xa, tôi sẽ thành tài.