Để kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, trường em đã tổ chức một buổi gặp gỡ cấc chú bộ đội tại sân trường. Đó là một ngày cuối tháng, cả thành phố đang nhộn nhịp đón mừng Giáng sinh, sắm sửa cây Noen và mua thiệp chúc Tết thì lễ đài trường em lại xuất hiện rất nhiều chậu hoa kiểng rực rỡ thơm ngát.
Mặc dù đã được Ban Giám hiệu báo trước đầu tuần nhưng em cũng hơi giật mình khi mới bước vào trường đã thấy lấp lánh những bộ quân phục, những huy trương trên ngực áo của các chú bộ đội trên hàng ghế danh dự. Sau buổi lễ chào cờ và giới thiệu quan khách, Ban Giám hiệu đã mời đại diện các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ra phát biểu ý kiến. Ngày ấy chúng em được may mắn gặp anh hùng không quân Nguyễn Thành Trung. Đó là một thanh niên gia nhập Đảng Cộng sản năm 18 tuổi, quê ở Bến Tre, xuất thân trong một gia đình cách mạng có cha và anh đều tham gia chống Mỹ.
Khi anh được tổ chức bí mật giao nhiệm vụ tham gia vào lực lượng không quân Mỹ ngụy, gia đình không hề hay biết, mẹ anh rất xấu hổ với bà con làng xóm vì có một con trai phản lại cha anh, cầm súng Mỹ ngụy bắn vào đồng bào mình. Anh cũng buồn lắm chỉ nói với mẹ rằng: “Má ơi! Mai mốt đây má sẽ hiểu con”. Từ đó anh được chính quyền ông Thiệu đưa đi Mỹ đào tạo. Tổ chức cách mạng đã dặn dò anh phải học lái cho bằng được máy bay chiến đấu F117. Tuy đã làm được việc ấy nhưng chú Trung nói rằng chờ thời cơ để được phân công trong đội bay, dùng vũ khí địch để tấn công địch là điều rất khó. Điều khó hơn nữa là phải làm sao khi chúng bắt anh ném bom vào lực lượng cách mạng trong những trận chiến đấu giằng co giữa hai bên.
Đầu tháng 4/1975, thời cơ đặc biệt đã đến! Anh được vào đội bay chiến đấu, được lệnh xuất phát đem bom đi ném vào lực lượng cách mạng, trong đội bay gồm ba người. Nhưng lúc ấy, trong đầu anh cũng phải có những cân nhắc khó khăn. Anh tự đặt câu hỏi và phải tự trả lời: Đánh thì sao? Không đánh thì sao? Anh không sợ chết, chỉ sợ liên lụy đến vợ con anh đang sinh sống trong lòng giặc. Nhưng rồi anh nhanh chóng lựa chọn con đường tiến công vào đầu não giặc. Tạo sự hiểu lầm trong nội bộ địch, anh lái máy bay về dinh độc lập ném bom vào sào huyệt của Nguyễn Văn Thiệu rồi từ đó bay thẳng về vùng cách mạng. Để đáp xuống mặt đất an toàn, anh đã trải qua nhiều nguy nan và nỗ lực vì vùng đất ấy chưa xây dựng sân bay.
Em được đại diện tập thể lớp đứng lên phát biểu cảm nghĩ của mình trước tấm gương chiến đấu gan góc của chú Nguyễn Thành Trung: “Thưa Ban Giám hiệu và toàn thể quan khách. Kính thưa anh hùng Nguyễn Thành Trung! Em đã nhiều lần được nghe kể về những gương chiến đấu can trường, hi sinh anh dũng của các chiến sĩ yêu nước anh dũng, nhưng em chưa thấy một sự chiến đấu nào âm thầm, dai dẳng và có chuẩn bị một cách chu đáo từ lâu và có sự sắp đặt sẵn từ hơn mười năm trước như trường hợp này. Để có thành tích ném bom vào dinh tổng thông ngụy, chú Trung đã cùng tổ chức chuẩn bị kế hoạch từ năm 18 tuổi. Chú lại phải nhẫn nhục chịu sự khỉnh khi oan uổng quê hương và gia đình vì mang tiếng là phản cha anh, đi theo giặc. Trong thời gian phục vụ trong ngành không quân của giặc, chú Trung đã lấy được những bằng cấp xuất sắc ở Mỹ không phải vì sự vinh thân cho cá nhân mà là để phục vụ cho cách mạng, cho chiến đấu của dân tộc phục vụ cho thống nhất tổ quốc. Sự hi sinh cuối cùng là chú bất kể đến sinh mạng của vợ con mình trong lúc hoàn thành nhiệm vụ. May mắn sao! Những đồng đội đã kịp bảo toàn tính mạng cho gia đình của người anh hùng ấy!