Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên.(Trời có bốn mùa, mùa xuân đứng đầu Người đời có trăm tánh tốt, hiếu là trước hơn hết). Đủ thấy “hiếu” với cha mẹ vốn là nền tảng nhân cách của cá nhân, là cơ sở đạo đức của xã hội. Để khuyên răn về đạo làm con phải hiếu, từ xưa, ông cha ta đã có một bài ca dao ngắn rất nổi tiếng mà dường như bất cứ người Việt Nam nào cũng thuộc lòng:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Ngày nay, Bác Hồ lại dạy quân đội ta: Trung với nước, hiếu với dân. Như vậy, quan niệm về chữ hiếu ngày xưa và ngày nay phải hiếu như thế nào cho đúng?
Bài ca dao mở đầu bằng hai hình ảnh so sánh thật đẹp và thật trang trọng để ca ngợi công ơn lớn lao của cha mẹ. Tác giả dân gian dùng lối nói ví quen thuộc của ca dao để biểu hiện, lấy những cái to lớn mênh mông vĩnh hằng của thiên nhiên làm hình ảnh so sánh, vì chỉ những hình ảnh to lớn không cùng và vĩnh hằng ấy mới diễn tả nổi.
Trước hết công cha được so sánh với chiều cao ngất trời của ngọn Thái Sơn sừng sững. Núi Thái Sơn là ngọn núi cao nổi tiếng của Trung Quốc. Xưa nay, trong thơ văn người ta thường dùng hình ảnh này để so sánh nêu bật sự lớn lao của sự vật.
Tiếp đến, nghĩa mẹ được so sánh với nước trong nguồn chảy ra nghĩa là nguồn nước không bao giờ cạn, ý chỉ sự vô tận, vô cùng của nghĩa mẹ, của công mẹ.
Những hình ảnh so sánh ấy có cả bề cao, bề rộng, bề sâu nhưng không thể nào đo được cũng như công cha nghĩa mẹ đối với con cái.
Bài ca dao khẳng định công lao cha mẹ là vô cùng to lớn không gì hơn được. Ca ngợi như vậy, là nhằm nhắc nhở mọi người đạo làm con phải hiếu với cha mẹ nghĩa là phải thờ mẹ kính cha.
Bài Ca dao đã làm sáng đẹp thêm một nét son rực rỡ và thiêng liêng nhất trong tâm hồn con người Việt Nam. Lời khuyên của bài này hoàn toàn đúng, vì đây là một chân lí hiển nhiên đã bám rễ vào huyết mạch, tâm cảm của mọi ngừơi.
Vì sao làm con phải hiếu? Điều này dễ hiểu. Đó trước hết là vì cha mẹ là người sinh thành ra chúng ta. Không có cha mẹ nhất định là không có chúng ta. Do vậy, ơn cha nghĩa mẹ có từ khi bắt đầu của cuộc đời ta. Mẹ mang nặng đẻ đau, chín tháng cưu mang vất vả, đau đớn. Cha cũng hết lòng, hết sức nuôi nấng chăm sóc chúng ta khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau. Làm sao kể hết bao nỗi gian lao, khổ nhọc, bao sợi tóc bạc đầu, bao vết nhăn vầng trán cứ nhiều thêm, cứ sâu thêm của cha mẹ do vất vả, lo âu vì con cái.