Không thì là bài này ngắn hơn nè :
Tác phẩm Chiếc lá cuối cùng là một trong những tác phẩm vô cùng tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Ô-hen-ri. Câu chuyện với lối dẫn dắt tự nhiên đã mở ra cho người đọc một câu chuyện vô cùng cảm động về tình người, về giá trị thực sự của nghệ thuật, đó chính là nghệ thuật trong đời sống thực tế của con người. Đặc biệt, thông qua hình ảnh của chiếc lá thường xuân cuối cùng, tác giả Ô-hen-ri đã gửi một thông điệp màu xanh đầy cảm động.
Nếu theo dõi tác phẩm, ta có thể thấy hình ảnh chiếc lá thường xuân xuyên suốt câu chuyện, nó không chỉ có tác động to lớn đến nhận thức và suy nghĩ của những nhân vật trong câu chuyện mà nó còn là hình ảnh biểu tượng cho giá trị đích thực của nghệ thuật mà nhà văn O-hen-ri muốn truyền tải đên người đọc. Trước hết, hình ảnh chiếc lá thường xuân nó là hiện thân của sự sống đang ngày ngắn ngủi của cô họa sĩ nghèo Giôn-xi. Giôn-xi bị mắc bệnh sưng phổi, cô đã quá tuyệt vọng nên đã nhìn những chiếc lá thường xuân trên tường để theo dõi sự sống của chính mình, bởi cô cho rằng khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống thì cô cũng lìa xa cuộc sống trần thế.
Trải qua những trận mưa giông, những chiếc lá rụng dần, cùng với đó là sự tuyệt vọng ngày càng lớn của Giôn-xi, dường như cô nằm đó chỉ đợi chờ cái chết sẽ đến với mình. Nhưng thật kì lạ, trải qua trận bão lớn nhưng trên bức tường cũ kia, vẫn có một chiếc lá thường xuân kiên cường bám trụ. Nhìn thấy được khát vọng sống mãnh liệt của cây thường xuân, Giôn-xi đã có sự thay đổi về nhận thức, về sự sống của chính mình.
Cô không còn bi quan mà đã nhóm lại được ngọn lửa của sự sống, khát khao sống bên trong con người mình, và cũng nhận ra trong thời gian qua mình đã buông lơi sự sống của mình đầy tiêu cực: “Em thật là một con bé hư, chị Xiu thân yêu ơi…Có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một cái tội. Giờ thì chị có thể cho em xin một tí cháo và chút sữa pha ít rượu vang đỏ…”.
Như vậy,chiếc lá thường xuân cuối cùng chính là cứu tinh của Giôn-xi, vì sau đó Giôn-xi đã lạc quan và có hi vọng sống, bệnh tình cũng thuyên giảm đáng kể. Đối với cụ Bơ- men thì hình ảnh của chiếc lá thường xuân vừa là kết tinh của tình thương của cụ giành cho Giôn-xi vừa là tác phẩm có giá trị nhất trong cuộc đời họa sĩ của cụ. Để vẽ được chiếc lá thường xuân cuối cùng, cụ Bơ-men đã đánh đổi cả mạng sống của mình nhưng giá trị của bức tranh ấy thì thật lớn lao.
Chiếc lá sở dĩ chân thực đến mức một người họa sĩ như Giôn-xi cũng không nhận ra bởi nó được vẽ bằng tất cả tình thương, tất cả tâm huyết của cụ Bơ-men, sau khi vẽ xong bức tranh, cụ Bơ-men cũng bị viêm phổi mà qua đời, nhưng kiệt tác của cụ đã cứu sống được Giôn-xi, tác phẩm chiếc lá cuối cùng ấy xứng đáng là một kiệt tác có giá trị to lớn.
Như vậy, chiếc lá cuối cùng không chỉ nói về câu chuyện cảm động về tình người, tình thương giữa những người nghệ sĩ nghèo, mà còn truyền tải một thông điệp nghệ thuật sâu sắc: một tác phẩm nghệ thuật có giá trị không phải tác phẩm được tô vẽ cầu kì mà là tác phẩm gắn với cuộc sống và mang lại lợi ích cho cuộc sống của con người.