Biện pháp phát triển vùng Đông Nam Bộ:
Một là, hoàn thiện quy hoạch các quy hoạch chuyên ngành cho không gian phát triển kinh tế – xã hội, nhất là quy hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển đô thị.
Hai là, trong điều kiện không gian hợp tác kinh tế quốc tế được mở rộng, với việc Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đồng thời với việc gia nhập hàng loạt các cam kết quốc tế thế hệ mới sẽ tạo điều kiện cho nhiều phương thức thu hút đầu tư nước ngoài mới như M&A trong lĩnh vực công nghệ, tài chính, bất động sản…
Ba là, trong điều kiện phát triển kinh tế – xã hội ở mức cao trong nhiều năm, dư địa nguồn lực cho phát triển còn lại của vùng (như đất đai, nguồn nhân lực…) sẽ phải tập trung cho các ngành ngành sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, dược phẩm…; cùng với việc phát triển dịch vụ về tài chính, công nghệ, sở hữu trí tuệ, dịch vụ vận tải, logistic, dịch vụ kinh doanh du lịch, y tế, giáo dục, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hàng hải…có giá trị gia tăng cao sẽ là những ngành trọng điểm ưu tiên thu hút đầu tư trong giai đoạn tới.
Bốn là, xây dựng hệ thống đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn đạt tầm khu vực và quốc tế. Đảm bảo vùng cung cấp dồi dào nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến – chế tạo.
Năm là, tăng cường các hoạt động hợp tác liên kết vùng để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường; chú trọng liên kết với các tỉnh, nhất là các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, miền Trung – Tây Nguyên để tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và hiệu quả cao; tạo ra thế mạnh, sức lan toả để phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn.