Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Mở đầu đoạn văn, tác giả nêu lên cảm giác của nhân vật chính trước vùng đất Cà Mau xa lạ; sau đó miêu tả cụ thể các kênh rạch và con sông Năm Căn rộng lớn cùng cảnh chợ Năm Căn họp ngay trên mặt sông, đông vui và nhiều màu sắc độc đáo.
Vị trí của người kể chuyện (nhân vật An) trong bài này là ỏ trên con thuyền xuôi theo các kênh rạch chằng chịt rồi đổ ra sông Năm Căn và cuối cùng dừng lại ở chợ Năm Căn. Suốt cuộc hành trình, nhân vật có điều kiện quan sát một vùng thiên nhiên rộng lớn.
Cảm giác đầu tiên là màu xanh tràn ngập khắp nơi: xanh trời, xanh nước, xanh cây. Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá. Trong cảnh sắc tràn ngập màu xanh ấy là tiếng rì rào vọng về của hơi gió muối - tức là âm thanh và hơi thở mặn mòi của miền sông nước Cà Mau.
Chúng ta có thể hình dung những hình ảnh trong bài văn hiện lên như trong một cuốn phim, lúc nhanh, lúc chậm. Có đoạn đặc tả cận cảnh, có đoạn lùi xa bao quát toàn cảnh.
Trước hết là cách đặt tên cho các dòng sông, dòng kênh của người dân ở vùng này. Người ta không dùng những danh từ mĩ lệ, mà cứ theo đặc điểm riêng biệt của nó mà gọi thành tên: Chẳng hạn như gọi rạch Mái Giầm, vì hai bên bờ rạch mọc toàn những cây mái giầm cọng tròn xốp nhẹ, trên chỉ xoà ra độc một cái lá xanh hình chiếc bơi chèo nhỏ; gọi là kênh Bọ Mắt vì ở đó tụ tập không biết cơ man nào là bọ mắt, đen như hạt vừng...; gọi kênh Ba Khía vì ở đó hai bên bờ tập trung toàn những con ba khía, chúng bám đặc sệt quanh các gốc cây... Còn như xã Năm Căn thì nghe nói ngày xưa trên bờ sông chỉ độc có một cái lán năm gian của những người tới đốn củi hầm than dựng nên, cũng như Cà Mau là nói trại đi theo chữ “tức khơ mâu", tiếng Miên nghĩa là “nước đen”.
Cách đặt tên ấy cho thấy thiên nhiên ở đây rất hoang dã và con người sống gần gũi với thiên nhiên nên rất giản dị, chất phác.
Sau khi đi qua các dòng kênh, con thuyền thoát ra kênh Bọ Mắt đổ vào con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn. Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng... Hai bên bờ sông, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận.
Trạng thái hoạt động của con thuyền ở mỗi cảnh được diễn tả bằng những từ ngữ chính xác và tinh tế. Thoát qua là ý nói con thuyền vượt qua một nơi khó khăn, nguy hiểm; đổ ra diễn tả con thuyền từ kênh nhỏ ra dòng sông lớn; xuôi về diễn tả con thuyền nhẹ xuôi theo dòng nướcở nơi dòng sông êm ả.
Màu xanh của rừng đước được tả qua ba sắc độ khác nhau: màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ.Những sắc độ ấy chỉ màu xanh của các lớp cây đước từ non đến già tiếp nối nhau loà nhoà ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai.
ở đoạn trước, tác giả đặc tả cảnh sông nước Năm Căn; đến đoạn này, ông miêu tả cuộc sống của con người trên sông nước. Chợ Năm Căn rộng lớn, tấp nập, hàng hoá phong phú, thuyền bè san sát: những đống gỗ cao như núi... những bến vận hà nhộn nhịp dọc dài theo sông... những ngôi nhà bè ban đêm ánh đèn măng-sông chiếu rực trên mặt nước như những khu phố nổi...
Chợ Năm Căn tập trung đặc điểm của các chợ họp trên sông của vùng sông nước Cửu Long. Những con thuyền bán hàng len lỏi mọi nơi, người ta có thể cập thuyên lại, bước sang gọi một món xào, món nấu Trung Quốc hoặc một đĩa thịt rừng nướng ướp kiểu địa phương kèm theo vài cút rượu, ngoài ra còn có thể mua từ cây kim cuộn chỉ, những vật dụng cần thiết, một bộ quần áo may sản hay một món nữ trang đắt giá chẳng hạn, mà không cần phải bước ra khỏi thuyền.
Chợ còn là sự đa dạng về màu sắc, trang phục, tiếng nói của người bán, kẻ mua thuộc nhiều dân tộc: người Việt, người Hoa, người Khơ-me, người Chà Châu Giang. Những người con gái Hoa kiều bán hàng xởi lởi, những người Chà Châu Giang bán vải, những bà cụ già người Miên bán rượu, với đủ các giọng nói líu lô, đủ kiểu ăn vận sặc sỡ, đã điểm tô cho Năm Căn một màu sắc độc đáo, hơn tất cả các xóm chợ vùng rừng Cà Mau.
Phải là người sống và gắn bó thân thiết với mảnh đất Cà Mau, nhà văn mới cảm nhận và viết được những đoạn văn miêu tả tinh tế, đặc sắc như thế.
Bằng ngòi bút miêu tả sắc nét, vừa bao quát, vừa cụ thể, sinh động, qua đoạn văn Sông nước Cà Mau, nhà văn Đoàn Giỏi đã giúp cho người đọc tưởng tượng ra trước mắt cảnh thiên nhiên kì thú của sông nước Cà Mau và càng thêm yêu mến con người ở mảnh đất tận cùng của Tổ quốc.Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |