Thơ là nhạc của tâm hồn
Tiếng nói trong thơ là tiếng nói đầy âm nhạc, tiếng nói có nhịp điệu - nhịp điệu của những âm thanh vật chất, của tiếng nói thực tế ḥ̣òa với nhịp điệu cảm xúc bên trong tâm hồn nhà thơ. Thơ là nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn quảng đại và đa cảm. Tính nhạc được tạo nên bởi những âm hưởng gắn liền với hình ảnh, cảm xúc do sử dụng phối hợp âm thanh, nhịp điệu, từ ngữ... phù hợp với nội dung tư tưởng, tình cảm được biểu đạt.
Bàn về mối quan hệ giữa thơ và nhạc, Lê Đình Diên khẳng định “Thơ là sự biểu hiện của nhạc, thanh là sự hỗ trợ của thơ. Tính rung động phát ra thành thanh, người ta có thanh sau đó có thơ. Cho nên biết chỗ giống nhau của chúng cũng nên biết chỗ khác nhau của chúng... cái điều đáng giữ là thơ chứ không phải là thanh”. Nhà thơ Chế Lan Viên nhấn mạnh mối quan hệ giữa nội dung tư tưởng và nhạc điệu “Thơ đi giữa nhạc và ý”. Vấn đề cần hài hòa, cân đối giữa nhạc và thơ, tránh khuynh hướng cực đoan ở cả hai phía, nếu không dễ rơi vào hai trạng thái hoặc quá khô khan, hoặc quá tràn trề cảm xúc, làm mất đi nội dung quan trọng. Từ nhạc bên ngoài cuộc sống có thể tìm đến nguồn gốc của nhạc bên trong. Không có nhạc bên ngoài, bài thơ thiếu đi sự hấp dẫn, nhưng nếu không có nhạc bên trong tâm hồn, bài thơ khó có thể sâu sắc, gợi được liên tưởng sâu sắc.
Mỗi dân tộc, mỗi một ngôn ngữ đều có cách hoà âm riêng. Trong ngôn ngữ, thơ có đặc điểm về tính nhạc, nhưng ngôn ngữ âm nhạc không phải là một bộ phận của ngôn ngữ thơ mà là một chỉnh thể tồn tại độc lập với nó. So với văn xuôi, ngôn ngữ thơ giàu nhịp điệu, ngữ điệu, quãng cách và hòa âm. Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong ngôn ngữ và trong âm nhạc hoàn toàn khác nhau. Số lượng từ trong ngôn ngữ rất lớn, trong khi phạm vi một khuông nhạc chỉ có 8 nốt (mì, fa, sol, la, si, đô, rê, mi), được nâng lên hạ xuống tối đa một quãng tám từ một nốt nào đó. Như vậy, một nốt nhạc được dùng chung cho nhiều từ, cho nhiều ngôn ngữ, tiếng nói khác nhau.
Đặc điểm tiếng Việt giàu nguyên âm, phụ âm, thanh điệu. Ngôn ngữ thơ ca giàu nhịp điệu, phong phú về cách hoà âm, tiết tấu, từ láy, tính tượng hình, chính là thứ ngôn ngữ có cơ cấu dễ làm chỗ dựa cho các phương pháp diễn đạt âm nhạc. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai cho rằng “Kỹ thuật thơ trước hết là kỹ thuật hài hoà về âm hưởng tiết tấu. Âm nhạc của bất kỳ một thứ tiếng nào cũng đều xây dựng với hai âm tố của ngôn ngữ phụ âm và nguyên âm”. Mang đặc điểm đơn âm, độ dài âm tiết ngắn, tách rời, tiếng Việt có ưu thế tính nhạc so với các thứ tiếng có số lượng nguyên âm, phụ âm ít hơn và không thanh điệu. Một âm tiết tiếng Việt bao giờ cũng được biểu thị bằng một nốt nhạc, hoặc vài nốt nhạc luyến láy, làm cho ca từ “tròn vành rõ chữ” khi nhạc sĩ đặt lời.
Thơ và âm nhạc đều lấy trữ tình làm phương thức thể hiện. Thơ gợi cảm hứng, khơi nhạc hứng cho nghệ sĩ. Nhờ phong phú về nhịp điệu, cách hòa âm, tiết tấu, từ láy âm, tượng hình…ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ giàu tính nhạc hơn bất cứ ngôn ngữ ở thể loại khác. Nói khác đi, nó là một loại ngôn ngữ có cơ cấu để làm chỗ dựa cho các phương pháp diễn đạt âm nhạc. Ca từ từ thơ sang âm nhạc có quá trình chọn lọc theo quy luật ngôn ngữ. Thơ để phổ nhạc có những yêu cầu riêng, trong đó ca từ cần đạt tới độ chuẩn.
Thơ và nhạc có những điểm tương đồng. Nói như vậy, nhưng không có nghĩa thơ của bất kỳ nhà thơ nổi tiếng nào cũng có thể phổ nhạc. Nhạc sĩ khá kén khi chọn thơ phổ nhạc. Những đoạn văn xuôi chính luận khó có thể chuyển thành một bài hát đi vào lòng người, kể cả nghệ sĩ ấy được đánh giá là tài ba nhất.
Âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, tiếp nhận theo thời gian và cũng trôi đi theo thời gian. Không tinh nhạy như thị giác, nhưng qua âm thanh của nhạc, hình ảnh, hình tượng muôn màu cuộc sống hiện lên trong tâm hồn con người, gợi giá trị thẩm mỹ. Là tiếng nói tình cảm, phản ánh những cung bậc tình cảm của con người, âm nhạc tìm đến thơ như tìm đến người bạn tri âm, cùng phương thức thể hiện. Ca từ của ca khúc phải nhờ có sức gợi mở, lay thức thế giới nội tâm. Tiết nhịp của thơ có quy luật trọng âm (GS. Dương Viết Á). Đó là cách ngắt nhịp dồn ở thanh điệu tiếng cuối trong câu thơ. Ca khúc “Hành khúc ngày và đêm” (Phan Huỳnh Điểu) phổ từ bài thơ Ngày và đêm (Bùi Công Minh) đã tôn trọng quy luật trọng âm ấy, khi đọc thơ cũng như khi hát: Anh đang mùa hành quân/ Pháo lăn dài/ chiến dịch/ Bồihồi/ đêm xuất kích/ Chờ nghe tiếng/ pháo ran/ Ngôi sao như mắt em/ Trong những đêm/ không ngủ/ Giáo án/ em vẫn mở/ Cho ánh sao/ bay vào/.
Theo cách đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương nhờ độ cao thấp, nhịp nghỉ, ngắt, độ dài, ngắn của bài thơ “Vui thế hôm nay” (Tố Hữu) đã phổ nhạc thành ca khúc Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ. Các nốt nhạc thể hiện niềm hân hoan trong ngày đại thắng của dân tộc: Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ/ Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ/ Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển/ Xanh trời xanh, xanh của những giấc mơ...