Trong “Mỗi người mỗi việc” nhà thơ đã nhân hóa những vật dụng đồ đạc xung quanh có công việc chăm chỉ, siêng năng cần cù chịu khó như đức tính tốt đẹp của con người. Ở đây không có bóng dáng con người nhưng việc làm theo chức năng của từng cá thể, vật thể đều mang tính năng động của con người vừa cụ thể vừa có sự chọn lọc so sánh. Bắt đầu là cái chổi “thấy rác, quét nhà” và cứ thế : “cái kim sợi chỉ giúp bà vá may”. Ta hình dung từ cái kim, sợi chỉ bé nhỏ này như hình bóng các em cứ quẩn quanh quấn quýt bên bà mà hào hứng biết bao. Có một câu thơ lạ chợt chen vào có vẻ như phi lý nhưng lại hợp lý với tư duy trẻ nhỏ “Quyển vở chép chữ cả ngày”. Chính các em chép bài vào quyển vở chứ vở thì làm gì chép được. Điều đó khơi dậy trong em mối giao hòa đồng cảm: Quyển vở là vật vô tri thụ động thế mà cũng biết chủ động chép chữ , huống gì các em . Rồi ngọn mướp vươn tay, đồng hồ chỉ thời gian “cái rá vo gạo, hòn than đốt lò”. Từ nhà ra vườn cứ thế không gian được nới rộng. Có cái bếp lửa nấu ăn khi vo gạo thì mới có liên tưởng đến hòn than đốt lò. Thì ra cứ tưởng liệt kê công việc, nhưng không tất cả đều chọn lọc có lý. Cứ như khi nói về công việc cái đồng hồ thời gian nhà thơ đã dự báo cho cái đồng hồ của “Con gà gáy báo sáng ò o”. Rồi khép lại quay về với ngôi nhà nơi có cái chổi quen với công việc quét nhà là “cánh cửa biết mở để cho nắng vào”. Nhà sạch, nhà mát thì tuyệt vời vùa gói gọn vừa mở ra với nắng vào, nắng mới, ngày mới. Bao nhiều công việc cứ thế tuần tự diễn ra một cách tự nguyện, tự giác để tới câu hỏi: “Mỗi người mỗi việc vui sao – Bé ngoan làm được việc nào bé ơi”. Câu hỏi bỏ ngỏ đánh thức trong em khơi dậy trong em tính độc lập, hiếu động tự tin chăm chỉ công việc , học bài để xứng đáng với danh hiệu “bé ngoan”.