"Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về".
Dẫu biết rằng thời gian bốn mùa luôn luân chuyển hết xuân đến hạ, thu sang rồi đông tới, thế nhưng ta vẫn cảm thấy ngỡ ngàng khi quên đi nhịp sống sôi động hàng ngày mà lắng nghe tiếng mùa thu đi để cảm nhận thời khắc đặc biệt bước chuyển mùa của thiên nhiên. Sang thu của Hữu Thỉnh giúp ta chiêm ngưỡng lại những giây phút giao mùa tinh tế đầy ý vị mà bấy lâu nay ta hững hờ. Đó là lúc hồn ta run lên những cảm nhận dung dị.
Chỉ với bốn câu thơ ngắn mở đầu, Hữu Thỉnh đã đem đến cho chúng ta những cảm nhận sâu sắc về thiên nhiên. Những tín hiệu của mùa thu với những nét phác họa tài hoa: hương ổi, gió se, sương chùng chình giản dị mà hiện lên đầy gợi cảm.Không phải là sắc “mơ phai” hay hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác” mà là hương ổi thân quen nơi vườn mẹ đã đánh thức những giác quan tinh tế nhất của nhà thơ :
"Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se"
Từ “bỗng” được gieo lên trong niềm ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Từ bao giờ nhỉ, thu về? Tất cả đến với tác giả nhẹ nhàng, mà đột ngột quá, thu về với đất trời quê hương, với lòng người mà không hề báo trước. Để rồi trong giây phút ngỡ ngàng ấy, nhà thơ mới chợt nhận ra hương ổi. Vì sao lại là hương ổi mà không phải là các hương vị khác? Người ta có thể đưa vào bài thơ về mùa thu các hương vị ngọt ngào của ngô đồng, cốm xanh, hoa ngâu,… nhưng Hữu Thỉnh thì không. Giữa tiết trời cuối hạ đầu thu, ông nhận ra hương vị chua chua, ngòn ngọt của những quả ổi chín vàng ươm. Hương ổi, thứ hương thơm quê mùa, dân dã. Hương ổi không nồng nàn. Đó là thứ hương dìu dịu, nhè nhẹ.Hương vị ấy đơn sơ, mộc mạc, đồng nội, rất quen thuộc của quê hương. Thế mà ít ai nhận ra sự hấp dẫn của nó. Bằng cảm nhận tinh tế, bằng khứu giác, thị giác, nhà thơ đã chợt nhận ra dấu hiệu của thiên nhiên khi mùa thu lại về. Chúng ta thật sự rung động trước cái “bỗng nhận ra” ấy của tác giả. Chắc hẳn nhà thơ phải gắn bó với thiên nhiên, với quê hương lắm nên mới có được sự cảm nhận tinh tế và nhạy cảm như thế!