(BTV) Những thành tựu của cách mạng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ phát thanh, truyền hình và đặc biệt là internet đã tạo ra sự bùng nổ thông tin trên phạm vi toàn cầu. Sự phát triển của báo chí trên cơ sở đó là tất yếu và là một thực tế khách quan, làm thay đổi nhanh trong cả về hình thức và nội dung của các loại hình báo chí truyền thống. Các cơ quan báo chí muốn theo kịp trình độ phát triển chung của xã hội thì cần phải đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sự đa dạng của thông tin, không thể bó hẹp thông tin trong phạm vi một quốc gia hay một khu vực cũng như không thể giới hạn trong một phương thức truyền thông cụ thể nào. Đó là tiền đề cho sự ra đời của phương thức truyền thông đa phương tiện.
Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, các loại hình báo chí truyền thống như báo in, phát thanh, truyền hình luôn có sự độc lập tương đối với nhau với những đặc thù và thế mạnh riêng. Sự bùng nổ của internet đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của hệ thống báo chí thế giới nói chung. Trước hết, với sự ra đời của báo điện tử (còn gọi là báo mạng), thông tin được cung cấp cho công chúng theo hình thức đa phương tiện sinh động, hấp dẫn hơn. Trong tiếng Anh, “multimedia” được dịch là “truyền thông đa phương tiện”, là sự truyền tải một thông điệp bằng sự kết hợp của các loại hình ngôn ngữ viết, ảnh, video, âm thanh, thiết kế đồ họa và các phương thức tương tác khác; các hình thức thể hiện đa diện góp phần tạo nên một bức tranh toàn cảnh đầy đủ thông tin và có sức thuyết phục cao.
Theo hình thức truyền thông thông thường, thông tin được truyền tải mang tính chất đơn nhất về hình thức thể hiện, công chúng chỉ có thể được tiếp cận thông tin bằng cách đọc, nghe hoặc xem, nhưng với phương thức truyền thông đa phương tiện, tính chất đơn nhất ấy đã bị phá vỡ, khi thể hiện một nội dung thông tin trên các website, người ta có thể vừa thể hiện bằng bản chữ viết (text), vừa trình bày, minh họa bằng hình ảnh (picture, video), âm thanh (audio). Đó là đặc thù của phương thức truyền tải thông tin truyền thông đa phương tiện. Với cách tiếp cận này, công chúng được tiếp nhận thông tin bằng cách thoả mãn các giác quan khác nhau, tạo nên hiệu ứng tương tác mạnh mẽ nhất so với các loại hình truyền thông truyền thống. Trong một thời gian hình thành và phát triển ngắn, loại hình truyền thông đa phương tiện đã có một vị trí khá vững chắc và có thể khẳng định nó sẽ là xu hướng phát triển mạnh mẽ nhất về mặt phương thức truyền thông cả hiện tại và tương lai.
Truyền thông đa phương tiện là xu hướng phát triển mang tính khách quan đáp ứng nhu cầu thông tin của lớp công chúng mới.
Trong một xã hội hiện đại với sự bùng nổ thông tin, công chúng ngày càng có những nhu cầu cao hơn đối với nội dung cũng như chất lượng thông tin. Phương thức truyền thông đa phương tiện cho phép công chúng thu nhận thông tin bằng cả hình ảnh, âm thanh, văn bản làm thay đổi cách tiếp cận thông tin của công chúng, nhất là đối với thế hệ trẻ, thế hệ nhạy bén nhất đổi với khoa học và công nghệ tạo ra sự phát triển của một lớp công chúng mới của truyền thông. Trái lại, với các loại hình báo chí truyền thống, công chúng đang ngày càng bị phân tâm bởi nhiều hình thức cung cấp thông tin động, hấp dẫn, tiếp cận trên toàn bộ các giác quan, cảm quan: đọc, nghe, nhìn, đối thoại, tham gia trực tiếp… Internet phát triển với sự ra đời của vô vàn các trang tin điện tử, các kênh truyền hình, phát thanh trực tuyến (online) và các giao thức liên lạc (Email, chatting) và thoại (voice) được tích hợp làm thoả mãn tất cả các nhu cầu thông tin của công chúng, bao gồm cả nghe, nhìn, đọc, nói của công chúng.
Internet với đặc trưng tương tác của nó, đã thu hẹp những giới hạn về không gian và thời gian trong việc tiếp cận thông tin trên quy mô toàn thế giới. Cùng với sự phát triển của hệ thống internet, hàng loạt sản phẩm công nghệ truyền thông mới được phát triển như công nghệ di động với các phương thức truyền dữ liệu tốc độ cao, hay các thiết bị đầu cuối được phát triển theo xu hướng di động hoá, cá nhân hóa cao độ tạo nên một sức mạnh mới mà các loại hình truyền thông truyền thống khó cạnh tranh nổi.
Sự phát triển của công nghệ truyền thông cũng đã tạo cho báo chí một hướng đi mới: tích hợp các phương tiện truyền thông. Tính chất đa phương tiện được biểu hiện rõ ràng nhất qua sự tích hợp này. Xu hướng phát triển này là phù hợp với nhu cầu thông tin của xã hội, do vậy đi theo sự phát triển này là sự lựa chọn đúng đắn của các nhà truyền thông. Hay nói cách khác, truyền thông đa phương tiện là xu hướng phát triển mang tính khách quan đáp ứng nhu cầu thông tin của lớp công chúng mới.
Các tổ chức truyền thông đa phương tiện hình thành qua hai yếu tố chính. Một là, qua sự hợp nhất các tổ chức truyền thông truyền thống, các tổ chức viễn thông, công nghiệp giải trí với nhau, tạo ra một “đế chế thông tin” mạnh mẽ và có phạm vi ảnh hưởng và đối tượng công chúng khổng lồ. Có thể minh chứng cho sự hợp nhất này như hãng Time Warner sát nhập với hãng American Online, là sự kết hợp các phương tiện truyền thông cũ và mới là báo điện tử và báo giấy. Hai là, sự khai thác triệt để thế mạnh và tiềm năng của internet và các ứng dụng của công nghệ thông tin. Nếu biết được tên của các hãng thông tấn, báo chí trên thế giới, chỉ cần gõ vài chữ tên của nó vào trang tìm kiếm Google, sẽ dễ dàng tìm được đường dẫn đến website của các hãng này trên Internet. Các hãng khác như FOX, BBC, CNN, HBO… đều có những trang chính trên Internet. Sự tồn tại của các hãng nầy trên Internet không chỉ dừng lại như một phương thức liên lạc đơn thuần mà là một thương thức truyền thông cơ bản của hãng đó. Bill Gates, ông vua của lĩnh vực công nghệ thông tin đã nhận định rằng, truyền thông trên nền internet sẽ trở nên phổ cập, nhiều hãng viễn thông lớn đang gia cố cơ sở hạ tầng cho viễn cảnh đó. Công chúng sẽ được thưởng thức tất cả các dịch vụ trên một nền duy nhất.
Nền tảng duy nhất, theo quan điểm của Bill Gates về mặt hình thức tổ chức thì là một cơ quan báo chí thống nhất trên có sở hợp thành bởi nhiều cơ quan quản lý báo chí trước đó; về mặt nội dung thì đó là nền tảng công nghệ truyền tải thông tin - Internet và các ứng dụng công nghệ số và các phương thức truyển tải khác nhau. Biểu biện cụ thể về các sản phẩm báo chí truyền thông đa phương tiện có thể vẫn tồn tại theo hình thức truyền thống vốn có, tuy nhiên người ta có thể tìm thấy tính đa dạng của nó qua các cách truyền tải đồng thời. Ví dụ người ta có thể khai thác thông tin qua kênh truyền hình CNN, nhưng cũng thông tin đó có thể được khai thác trên website của CNN.com, hay cùng một lúc có thể vừa nghe radio, vừa lướt web trên điện thoại di động hoặc xem trên truyền hình một nội dung thông tin do một tổ chức truyền thông đưa ra.
Sự phát triển của hệ thống báo chí Việt Nam theo xu hướng truyền thông đa phương tiện
Sau 25 năm thực hiện chính sách đổi mới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ kinh tế – xã hội của đất nước, hệ thống báo chí truyền thông của nước ta cũng đã có bước phát triển chưa từng thấy. Tính đến hết tháng 3/2011, cả nước ta đã có 46 báo điện tử, 287/745 cơ quan báo chí có trang tin điện tử (tỷ lệ gần 40%), hàng ngàn trang tin điện tử có nội dung thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các đoàn thể, hội, hiệp hội và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đã có 67 đài phát thanh - truyền hình ở Trung ương và địa phương với 200 kênh chương trình sản xuất trong nước và 67 kênh nước ngoài được phát trên hệ thống truyền hình trả tiền. Nhiều cơ quan báo đã tích hợp lên trang tin điện tử cả nội dung báo in, phát thanh và truyền hình, tiêu biểu như các Vov.com.vn; dantri.com.vn, tuoitreonline.com.vn, thanhnien.com.vn… Có thể nói, sự phát triển chung của báo chí Việt Nam trong thời gian qua có sự góp phần không nhỏ của sự phát triển về phương thức truyền thông đa phương tiện. Theo số liệu nghiên cứu mới nhất, cả nước hiện có khoảng 26,8 triệu người, bằng khoảng 31% dân số sử dụng internet, đạt tốc độ gia tăng bình quân trong giai đoạn 2000 – 2010 là 12,03%, đây là tốc độ tăng trưởng người dùng internet nhanh nhất trong khu vực. Có thể nói, cùng với sự phát triển của internet, báo chí Việt Nam đã từng bước theo kịp trình độ phát triển hiện đại, hội nhập với các đồng nghiệp khu vực và quốc tế.
Sự phát triển nhanh chóng internet và các loại hình báo chí khác đã tạo ra sức ép lớn, buộc các cơ quan báo chí phải tìm ra phương hướng phát triển thích hợp, nếu như muốn sản phẩm báo chí được công chúng tiếp nhận. Phương hướng ấy được thể hiện khá rõ ở sự đa dạng hóa về loại hình và phương tiện ở các cơ quan báo chí lớn. Hầu như tất cả các cơ quan báo chí đáng kể đều có trang website song hành với loại hình báo chí truyền thống. Một số tờ báo đơn nhất đã thực sự trở thành những cơ quan báo chí đa phương tiện với việc xuất bản đồng thời nhiều loại hình sản phẩm báo chí khác nhau như: nhật báo, tuần báo, nguyệt san, chuyên san, báo buổi chiều, báo mạng điện tử. Sự tồn tại đồng thời các loại hình sản phẩm báo chí truyền thông khác nhau cho phép các cơ quan báo chí có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng, tạo điều kiện cho các loại hình sản phẩm hỗ trợ lẫn nhau về mặt tài chính, quảng bá thương hiệu, cũng như tận dụng các khả năng khai thác thông tin, tư liệu. Việc ứng dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin đã gắn liền với việc phát triển và tích hợp tốt các loại hình sản phẩm báo chí, tạo ra hiệu ứng tốt cơ chế truyền thông và hiệu quả thông tin, góp phần “chú trọng và nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biên xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và của đất nước”, các loại hình truyền thông đa phương tiện đã góp phần “phát triển và mở rộng việc sử dụng Internet, đồng thời có biện pháp quản lý, hạn chế mặt tiêu cực, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động lợi dụng Internet để truyền bá tư tưởng phản động, lối sống không lành mạnh”.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, mô hình phương thức truyền thông đa phương tiện tuy mới hình thành nhưng còn bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém.
Thứ nhất, việc mở rộng hoạt động của cơ quan báo chí mới chỉ được sử dụng thuần tuý ở góc độ công nghệ mà chưa thực sự khai thác và sử dụng nó như một công cụ để xử lý và phổ biến thông tin. Thế mạnh của Internet là nó có thể tạo ra giao thức tương tác hai chiều giữa nguồn thông tin và người tiếp nhận. Tuy vậy, người sử dụng nói chung và công chúng của báo chí nói riêng hầu như chỉ dừng lại ở góc độ giải trí là chính, đơn giản và một chiều, các công cụ phản hồi, tương tác hầu như không được thiết lập hoặc không biết cách nào để thiết lập. Những tiện ích vô cùng hữu hiệu như Email có rất ít người sử dụng, đó là thực tế ở nước ta. Vì vậy, với nhiều cơ quan báo chí, Internet, trang web riêng, hay hộp thư điện tử… chỉ mang tính biểu tượng của truyền thông đa phương tiện thời thượng. Công chúng có thể click chuột vào một đường dẫn đến nhiều báo điện tử, trang tin của nhiều cơ quan và có thể rất thất vọng với những trang thông tin chết và đã quá lâu rồi không được cập nhật.
Thứ hai là, việc mở rộng theo hướng truyền thông đa phương tiện mà không có chiến lược khai thác sẽ dẫn tới việc lãng phí trong đầu tư. Nhất là các khoản đầu tư cho nội dung thông tin lien quan đến hình ảnh và âm thanh phải đầu tư rất lớn về vật chất, kỹ thuật và nhân lực. Các trang web “chết” phần nhiều là do không có thông tin đưa lên, hoặc do thông tin không hấp dẫn, không “hot” sẽ nên không hấp dẫn được người truy cập, hệ luỵ của nó nằm trong sự so sánh với các loại hình sản phẩm báo chí khác cùng cơ quan chủ quản sẽ lép vế, dẫn đến tình trạng sống dở, chết dở.
Thứ ba là, truyền thông đa phương tiện đòi hỏi năng lực lãnh đạo và quản lý phải rất cao và đồng bộ, nhìn nhận ở góc độ quản lý thì nguồn nhân lực cho vấn đề này còn chưa được quan tâm đúng mức nếu như không nói là chưa được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn. Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện nhưng thiếu sự quy hoạch chung vừa là sự lãng phí vừa làm giảm hiệu quả của truyền thông. Cùng một nội dung thông tin người ta có thể khai thác được ở quá nhiều nguồn khác nhau sẽ tạo ra tâm lý rằng hình như thông tin đó coppy của nhau, không có bản sắc riêng, do đó nhiều nguồn thông tin trở nên mờ nhạt, thiếu tính chính xác, nhất là với các nguồn tin trên các trang báo điện tử.
Thứ tư là, với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông, nhất là phát triển theo hướng truyền thông đa phương tiện tạo ra sự cạnh tranh và chạy đua ghê gớm cả về việc khai thác, sử dụng và truyền bá thông tin. Cạnh tranh là động lực cho phát triển tích cực, nhưng có thể buộc nhiều cơ quan báo chí phải chạy theo việc hấp dẫn công chúng bằng mọi cách, chạy theo thoả mãn nhu cầu thị hiếu tầm thường, kích động bạo lực, tính dục, đề cập quá sâu vào chuyện riêng tư cá nhân…
Một số giải pháp quản lý báo chí theo xu hướng phát triển.
Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin, việc phát triển truyền thông đa phương tiện là xu hướng phát triển tất yếu của các cơ quan báo chí ở Việt Nam. Tình hình mới của đất nước đòi hỏi báo chí ngày càng phải phát huy hơn nữa vai trò to lớn của mình trong lĩnh vực căn hóa tư tưởng, góp phần bình ổn các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đưa đất nước vượt qua những khó khăn hiện nay, hội nhập với khu vực và thế giới. Muốn thực hiện tốt những nhiệm vụ to lớn đó, đầu tiên và trước hết phải chú trọng đến công tác quản lý hoạt động báo chí. Công tác quản lý báo chí được cần thiết phải tập trung tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
Xây dựng quy hoạch phát triển báo chí phù hợp. Phương hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với hoạt động báo chí là “phát triển đi đôi với quản lý tốt”. Việc tiếp tục mở rộng quy mô của báo chí trong phạm vi toàn xã hội là một yêu cầu tất yếu. Xã hội luôn phát triển, dân trí ngày càng cao, nhu cầu thông tin, giao tiếp tăng lên. Hoạt động báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nhất là sự bùng nổ của thông tin toàn cầu... đang đặt ra những yêu cầu mới về quy hoạch báo chí theo hướng chiến lược. Chiến lược thông tin phải đánh giá được thực trạng thông tin ở nước ta, đánh giá đúng được xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ, nhất là sự phát triển của công nghệ thông tin. Từ đó, đưa ra được các quan điểm chỉ đạo và các giải pháp và bước đi phù hợp để thực hiện chiến lược đó.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí. Chất lượng, hiệu quả quản lý xã hội của Nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật. Vì vậy, yêu cầu về một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ trong lĩnh vực báo chí là hết sức cần thiết. Phải thống nhất nhận thức và chỉ đạo động báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước, vừa bảo đảm sự chặt chẽ trong quy định, chế tài, vừa bảo đảm sự thông thoáng cho nhà báo và các cơ quan báo chí phát huy tính năng động, sáng tạo. Qua hơn 20 năm thi hành Luật Báo chí, một số điều quy định của Luật đã không còn phù hợp. Vì vậy, pháp luật báo chí cần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật báo chí cần hướng vào các nội dung sau: Thứ nhất, cụ thể hoá, chi tiết hoá các điều khoản quy định. Thứ hai, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động báo chí. Thứ ba, rà soát, bổ sung những vấn đề mới do thực tiễn và sự phát triển của báo chí đặt ra. Thứ tư, bảo đảm quyền tự do báo chí của công dân.
Hoàn thiện chế độ chính sách và đầu tư thích hợp đối với lĩnh vực báo chí. Chế độ, chính sách đối với lĩnh vực báo chí trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường là một vấn đề lớn cần được xem xét, giải quyết cả về lý luận và thực tiễn. Thời gian qua, chúng ta đã có những bước chuyển biến nhất định trong việc thực hiện chế độ chính sách mềm dẻo đối với báo chí. Tuy nhiên, các chế độ, chính sách đối với báo chí vẫn còn lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển hoạt động báo chí. Do vậy, cần khẩn trương rà soát để bổ sung, sửa đổi một số chính sách, chế độ báo chí như: lương báo chí, thuế, nhuận bút, chính sách tài trợ, giá, quảng cáo. Nhà nước cũng cần có kế hoạch khảo sát, nghiên cứu các hình thức hoạt động kinh doanh của các cơ quan báo chí lớn để có chính sách khuyến khích các hình thức kinh doanh phù hợp, tạo nguồn thu, tăng cường cơ sở vật chất đồng thời thực hiện đúng nghĩa vụ với Nhà nước.
Hiện nay, Nhà nước vẫn đầu tư khá lớn cho báo chí với cơ cấu ngân sách gồm: ngân sách nhà nước cho phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử. Trong đó, phần đầu tư cho phát thanh, truyền hình là lớn nhất do các phương tiện trang thiết bị ban đầu rất đắt tiền. Trong tương lai, phần đầu tư cho báo điện tử cũng đòi hỏi lượng ngân sách khá lớn. Thực tế, đa số các báo, đài đều hoạt động dựa vào ngân sách. Nhà nước vẫn nên cấp ngân sách nhưng cần tính toán rõ các tiêu chí: mức trợ cấp, đối tượng, thời gian, trợ cấp không hoàn lại hoặc cho vay ban đầu với lãi suất thấp... để báo chí hoạt động đúng pháp luật, đúng định hướng, có hiệu quả. Tăng cường đầu tư cho các báo địa phương vùng sâu, khó khăn; có chính sách để tăng cường xuất bản và phát sóng thêm các đài bằng thứ tiếng của các dân tộc thiểu số để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với đồng bào các dân tộc. Tựu chung lại, Nhà nước cần có chính sách tài chính quốc gia, huy động được các nguồn lực tài chính phục vụ cho hoạt động phát triển thông tin; có chính sách và đầu tư thích hợp đối với hoạt động báo chí, đầu tư đủ, đúng trọng điểm đối với những cơ quan báo chí xứng tầm, cần thiết.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý nhà nước về báo chí Mỗi quốc gia có điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội khác nhau nên có sự khác nhau trong hoạt động và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về báo chí. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập toàn cầu, hoạt động báo chí cần phải đáp ứng yêu cầu thu hẹp sự khác biệt về công nghệ, trình độ nghiệp vụ.... với các nước trong khu vực và thế giới. Sự hợp tác quốc tế về quản lý báo chí phải bảo đảm vừa phát triển quan hệ, nhanh chóng hội nhập vừa bảo đảm chủ quyền, độc lập dân tộc, bình đẳng, các bên cùng có lợi. Trước hết, cần tổ chức thực hiện tốt các văn bản quốc tế quan trọng có liên quan như: Công ước toàn cầu về Luật bản quyền, Công ước Brussels về phân phối các tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh, Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật... Chủ động xây dựng các kế hoạch khảo sát kinh nghiệm quản lý báo chí ở một số nước trên thế giới; tham dự các hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực về xã hội thông tin, về quản lý internet, trực tiếp tham gia vào các tổ chức báo chí khu vực và quốc tế vì các mục đích trên.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả bộ máy quản lý. Cần xây dựng các quy định cụ thể, rõ ràng nhằm điều chỉnh tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa Bộ Thông tin và truyền thông với các bộ, ngành có liên quan. Cần xây dựng các quy định mới và cụ thể hơn để tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước cũng như để nâng cao vai trò của các Sở Thông tin và truyền thông. Triển khai áp dụng phương tiện kỹ thuật và công nghệ quản lý hiện đại vào hệ thống quản lý nhà nước về báo chí. Với một đội ngũ cán bộ, nhân viên thiếu, trình độ có hạn, đầu việc nhiều thì đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ thông tin, phương pháp quản lý hiện đại vào hệ thống quản lý báo chí là việc làm cấp thiết. Điều đó vừa tinh giản được biên chế theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, vừa quán xuyến công việc một cách có hiệu quả.
Hoàn thiện cơ chế quản lý. Hiện nay, việc tổ chức thực thi pháp luật báo chí của các cơ quan nhà nước vẫn còn chồng chéo, chưa có sự thống nhất. Vì vậy, cần bổ sung các quy định nhằm cải tiến phương thức, lề lối làm việc, cơ chế phối hợp thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Cụ thể: xác định rõ các nguyên tắc làm việc và quy chế phối hợp trong sự vận hành của bộ máy quản lý nhà nước về báo chí; định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chỉ đạo, cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan báo chí.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật báo chí. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật báo chí để các chủ thể tuân thủ, thực hiện là một vấn đề quan trọng. Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Nhà báo và đặc biệt là các cơ quan báo chí cần có kế hoạch tập huấn thường xuyên Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật mới về báo chí; cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật từ khi soạn thảo văn bản để lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng liên quan.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra. Đây là nhiệm vụ quan trọng của quản lý nhà nước về báo chí vì báo chí có quan hệ trực tiếp tới chính trị. Báo chí không những phản ánh dư luận mà còn tạo ra và hướng dẫn dư luận. Vì vậy, hoạt động này cần diễn ra thường xuyên, nhanh nhạy để kịp thời ngăn chặn, xử lý những vi phạm pháp luật về báo chí.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, khi đất nước ta ngày càng hội nập sâu và đầy đủ trên tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới, công tác thông tin báo chí càng thể hiện được vai trò xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh phát triển báo chí nói chung, của phương thức truyền thông đa phương tiện và nâng cao vai trò quản lý báo chí là việc làm cấp thiết hiện nay nhằm xây dựng một nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, làm tốt hơn nữa chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn tin cậy của nhân dân./. Báo chí tác động từng ngày, từng giờ đến đời sống xã hội. Vì vậy, mọi chế độ chính trị đều có chủ trương và biện pháp quản lý báo chí theo hướng có lợi nhất cho mình. Ở nước ta, mục tiêu cao nhất của báo chí cách mạng là phục vụ cho sự phát triển của đất nước và lợi ích của nhân dân. Bởi vậy, quản lý nhà nước về báo chí trong từng thời kỳ phát triển của đất nước cũng phải có sự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với sự thay đổi hàng ngày của thực tế đời sống đất nước.