Ngồi uống cốc nước mát ở trước cửa một rạp chiếu phim ở phố Cao Thắng (TP Thanh Hóa). Tuy là giữa trưa trời nắng như đổ lửa nhưng ở đây vẫn rất nhộn nhịp. Số người có mặt ở đây đa phần là các bạn trẻ. Ở ghế đối diện tôi, một cô bé khoảng 13 – 14 tuổi trông khá sành điệu với mái tóc nhuộm thời trang, môi tô son đỏ, bàn tay mỗi móng một màu, bên cạnh là chiếc túi hàng hiệu và trên tay cầm chiếc smartphone đời mới. Lân la hỏi chuyện, việc tôi hỏi thì cứ hỏi còn em, những ngón tay đủ màu vẫn liên tục bấm và mắt không rời khỏi chiếc điện thoại. Em cho biết, đang học lớp 8, nhà ở phường Đông Vệ. Qua cuộc trao đổi, được biết: Lý do mà đáng lẽ giờ này, ở độ tuổi của em phải đang sum họp, quây quần bên mâm cơm gia đình thay vì ngồi ở đây là do bố mẹ em làm kinh doanh, thường xuyên đi xa. Thời gian em ở với người giúp việc có khi còn nhiều hơn cả thời gian ở cùng với bố mẹ. Do không có thời gian cho con, nên em được bố mẹ bù đắp bằng khoản tiền tiêu vặt từ 3 – 5 triệu đồng/tháng, thậm chí có tháng em đã tiêu tới gần chục triệu đồng cho việc ăn, chơi, mua sắm. Sẵn tiền, em không chỉ chi mạnh tay vào các món đồ hàng hiệu mà mỗi khi đi ăn uống em cũng chọn những nhà hàng, quán cà phê đẹp, bắt mắt và theo tiêu chí “sang chảnh” của giới trẻ.
Dạo quanh những địa điểm mua sắm nổi tiếng trong thành phố như ở đường Lê Hoàn, Trung tâm thương mại VinCom... vào những ngày cuối tuần tôi cũng bắt gặp rất nhiều bạn “teen” tung tăng cười nói, tay xách nách mang những túi đồ vừa mua. Hóa đơn thanh toán tiền shopping của những bạn trẻ “sành điệu” này cũng ngót vài triệu đồng. Có lẽ, quần áo, phụ kiện túi xách, giày dép và trang sức đã tốn không ít thời gian và tiền bạc của nhiều bạn trẻ. Trong khi ở tuổi này lẽ ra, thời gian phần lớn các em phải dành cho việc học tập, gần gũi, giúp đỡ bố mẹ và các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí trong khuôn khổ cho phép phù hợp với từng gia đình.
Còn vào buổi tối, tôi cũng đã bắt gặp những tốp bạn trẻ dàn hàng đôi, hàng ba trên những chiếc xe “tay ga” đủ loại. Tài xế là những chàng trai mới lớn, tóc nhiều màu. Ngồi sau xe là những cô gái mặc những bộ trang phục tiết kiệm vải đến mức triệt để. Sau khi dạo một vòng quanh phố, tôi quyết định theo chân một nhóm bạn vào một quán cà phê trên đường Tô Hiến Thành, nơi khá đông các bạn trẻ lui tới. Bước vào quán, ngay trước mắt tôi là một nhóm khoảng 5 – 6 bạn nam chỉ đang ở độ tuổi học cấp 3. Trong số này, người thì cầm smartphone, có bạn tay cầm điếu thuốc phì phèo ngồi tán dóc, thi thoảng lại có bạn cầm điếu thuốc lào, rít một hơi thật mạnh, nhả khói như để thể hiện mình là... người đàn ông trưởng thành. Và ở một góc khác, có những bạn nam đang hút thuốc lá điện tử rất sành điệu.
Việc đầu tư quá nhiều thời gian và tiền bạc cho bản thân của các bạn trẻ một phần là do đua đòi, một phần muốn nổi trội đối với bạn bè tạo sự thu hút và chú ý đối với bạn khác giới. Tuy nhiên, ít bạn biết rằng, những đồng tiền mình đang tiêu xài không phải tự nhiên có mà đó là mồ hôi, là công sức và thậm chí cả nước mắt của bố mẹ. Trong lúc mình đang mải mê ăn chơi, mua sắm cùng bạn bè là lúc cha mẹ đang lao tâm khổ tứ với công việc, thậm chí nơm nớp với rủi ro trong kinh doanh.
Nguyên nhân dẫn đến lối sống hưởng thụ của một bộ phận giới trẻ hiện nay ngoài bản thân các em thì cũng có một phần từ phía gia đình. Nhiều bậc phụ huynh do kiếm tiền quá dễ nên đã để cho con mình ăn chơi thỏa thích mà không hề tính toán. Nhiều người thì do quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc nên bù đắp bằng cách cho con thật nhiều tiền. Và nhiều gia đình mặc dù không có điều kiện nhưng vẫn muốn cho con bằng bạn bằng bè, thắt lưng buộc bụng cho con tiêu xài. Chị Hà, ở phường Lam Sơn kể về câu chuyện của gia đình mình với nhiều tâm trạng: Hai vợ chồng tôi chỉ có một cô con gái “rượu”, năm nay 17 tuổi. Ban đầu tôi cũng nghĩ mình làm được chút tiền thì lo cho con cái và để chúng hòa nhập với bạn bè. Song càng ngày, nó càng lạm dụng sự dễ dãi của tôi. Nó đòi hỏi quá mức. Tiền trang trải hàng ngày tôi phải tiêu dè xẻn để dành khi ốm đau, vậy nhưng nó thấy tôi có tiền là lại vòi vĩnh, không cần biết bố mẹ phải vất vả làm lụng như thế nào. Nhiều hôm tôi đi làm tối về mới nấu cơm vậy mà nó chỉ sà vào ăn rồi lại áo áo, quần quần xách cặp đi, chẳng biết có học hành gì không nữa, nếu bố mẹ có nhắc nhở hay hỏi han gì là nó xẵng giọng cãi lại ngay.
Lối hưởng thụ của giới trẻ cũng đang đem đến hệ luỵ đó là sự thờ ơ vô cảm. Giới trẻ hiện nay dễ vừa lòng với bản thân mình, với những gì mình đã có, nên sức ỳ rất lớn. Họ hay a dua theo số đông, người ta làm thế nào thì mình cũng làm thế. Nhiều người thường than phiền rằng, bạn trẻ hiện nay chỉ biết cái lợi cho bản thân mà không nghĩ đến cộng đồng, thậm chí sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của người khác. Họ dành nhiều thời gian cho những sở thích mang tính trào lưu thay vì phát triển thêm tri thức... Do vậy, nhiều bạn trẻ đang tự đào thải mình ra khỏi những cơ hội tốt để thể hiện và khẳng định bản thân.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần thay đổi những biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ. Đầu tiên cần bắt đầu từ sự giáo dục, định hướng của gia đình, sự quan tâm chia sẻ, động viên của bố mẹ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục giới trẻ. Ngoài các giờ học văn hóa, đạo đức trên lớp, nhà trường cần đưa thêm các chương trình ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Tổ chức đoàn cần nêu cao vai trò giáo dục thanh, thiếu niên, hướng họ vào lối sống tích cực, lành mạnh, vì cộng đồng, chấp hành pháp luật. Bản thân mỗi thanh, thiếu niên cũng phải tự ý thức và rèn luyện kỹ năng sống, thường xuyên trau dồi kiến thức, ứng xử, lối sống, đạo đức và cần biết sàng lọc những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống để có lối sống lành mạnh.