Với vị trí và trách nhiệm của người đứng đầu, 67 năm trước, Hồ Chí Minh đã cầm lái, đưa con thuyền Tổ quốc vượt khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đây là bài học vô cùng quý giá để chúng ta học tập vượt qua khó khăn, thử thách hiện nay, hoàn thành thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XI đã đề ra.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng giới Công Thương Hà Nội trong Tuần Lễ Vàng
Để giải quyết những nhiệm vụ cấp bách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn giải pháp họp Hội đồng Chính phủ không có nghi thức. Phiên họp của Hội đồng Chính phủ được tiến hành giản dị nhưng có nội dung thiết thực, súc tích. Việc Hồ Chủ tịch đưa ra sáu vấn đề cấp bách thì mỗi một nhiệm vụ đã chứa đựng khả năng thực thi. Những nhiệm vụ này phải tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả đưa đất nước từng bước vượt qua tình thế khó khăn nhưng lại có ý nghĩa lâu dài, cho đến tận hôm nay. Diệt giặc đói, giặc dốt
Để khắc phục nạn đói, Hồ Chủ tịch đề nghị Hội đồng Chính phủ phát động chiến dịch tăng gia sản xuất và mở cuộc lạc quyên cứu đói. Người viết thư gửi đồng bào toàn quốc, hô hào nhân dân chống nạn đói, “coi cuộc chống nạn đói cũng như cuộc chống ngoại xâm”. Trong thư gửi nông gia VN, Người khẩn thiết kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”.
Tiếp đó, trên tinh thần nhường cơm sẻ áo, Hồ Chủ tịch đề xướng phong trào quyên gạo cứu đói. Bằng những lời đầy xúc động, Người viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn
ăn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”.
Ở những giờ phút hiểm nghèo của lịch sử, trái tim người đứng đầu đất nước, đứng đầu Chính phủ đập cùng nhịp với mấy chục triệu trái tim của đồng bào cả nước. Lời nói của Người đi
đôi với việc làm, ngắn gọn, giản dị nhưng làm ngay, mang sức nặng giá trị của trách nhiệm, bổn phận người đứng đầu. Tấm gương của vị Chủ tịch tại buổi khai mạc buổi lạc quyên đã khích lệ đồng bào cả nước. Một phong trào tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách với nhiều hình thức phong phú như “hũ gạo cứu đói”, “ngày đồng tâm nhịn ăn” được tổ chức khắp nơi trong cả nước. Nhờ biện pháp đó, mỗi tuần nhân dân cả nước đã quyên góp được hàng vạn tấn gạo cứu đói. Nạn đói từng bước được đẩy lùi.
Để xây dựng nền tài chính quốc gia và ngân sách quốc phòng, ngày 4/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh đặt ra Quỹ Độc lập và gửi thư kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng Tuần lễ vàng ủng hộ Chính phủ. Người viết: “Muốn củng cố nền tự do độc lập, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có”.
Nhờ tấm lòng và tấm gương thật sự vì nước vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước, đặc biệt ở các thành phố, đã tự nguyện đóng góp được 370 kg vàng và 20 triệu đồng vào Quỹ Độc lập và 40 triệu đồng vào Quỹ Đảm phụ quốc phòng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương kịp thời những cá nhân xuất sắc trong cuộc vận động. Ông bà Trịnh Văn Bô, bà Vương Thị Lài đã nhận được huy chương vàng.
Bác Hồ thăm nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao năm 1962
Cùng với chiến dịch diệt giặc đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch diệt giặc dốt. Người viết “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. Với suy nghĩ giáo dục cho tất cả mọi người, làm cho ai cũng biết đọc biết viết, ai cũng được học hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ, Hội đồng cố vấn học chính để giúp Chính phủ soạn thảo chương trình giáo dục mới của đất nước. Mục tiêu giáo dục Người nêu ra cách đây gần 70 năm vẫn nóng hổi tính thời sự và có giá trị trong thời đại ngày nay khi Đảng ta đang bàn về việc đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện. Đó là một nền giáo dục “sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục sẽ làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn nhân cách người học theo tinh thần của C. Mác “tự do cho mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” sẽ làm cho non sông Việt Nam tươi đẹp, dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu.
Cùng với chiến dịch diệt giặc dốt là cuộc vận động đời sống mới, xây dựng một nền văn hóa mới “có tính cách dân tộc, tính cách đại chúng để thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại”.
“Công bộc” của dân
Về mặt chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội. Bị các phần tử Việt quốc, Việt cách chống phá, nhưng với một niềm tin vô bờ bến vào nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhân dân rất thông minh. Họ sẽ biết dùng lá phiếu của mình, Tổng tuyển cử sẽ thành công”.
Trong những ngày bận rộn, khó khăn đó của đất nước, cùng với việc kiểm tra công việc chuẩn bị Tổng tuyển cử, với tinh thần trách nhiệm cao trước vận mệnh của đất nước, đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài báo khẳng định Chính phủ là công bộc của dân, các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Chính phủ nhân dân thì bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì tránh. Người nhấn mạnh không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các Ủy ban nhân dân làng, phủ với tư cách là chính phủ địa phương. Người tuyên bố Chính phủ phải chọn trong những người công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi của dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo nhân dân tín nhiệm. Người nhấn mạnh Chính phủ “phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ”.
Khi lựa chọn giải pháp họp Hội đồng Chính phủ không có nghi thức, Người nói rằng tuy tất cả mọi người đều chưa quen với kỹ thuật hành chính, nhưng điều đó không lo ngại, cả việc “chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm”. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh “lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, đồng thời phải có can đảm sửa chữa khuyết điểm” thì “chắc chúng ta sẽ thành công”. Chính lòng yêu nước, yêu nhân dân thật sự là động lực để sửa chữa khuyết điểm. Và chỉ có lòng can đảm sửa chữa khuyết điểm thì mới vượt qua được tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta những bài học vô cùng quý giá để vượt qua những khó khăn, thử thách.
Với cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tinh thần tự chỉ trích. Người viết: “Sau khi làm xong một công tác gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”. Người cho rằng “ủng hộ Chính phủ không phải chỉ bằng những lời hoan hô suông thôi, mà cần một mặt giải thích cho dân chúng về những nỗ lực của Chính phủ, một mặt phê bình, giám sát, tham gia ý kiến vào công việc Chính phủ”.
Một câu hỏi lớn của người đứng đầu nhà nước Dân chủ Cộng hòa non trẻ là “Sao cho được lòng dân?”. Và câu trả lời cũng xuất phát từ tấm lòng thật sự vì dân, dựa vào sức mạnh, trí tuệ vĩ đại, quyền hành của toàn dân và nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu: “Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”. Đó là bài học lớn, quý giá giúp chúng ta hôm nay vượt qua cam go, thử thách để hoàn thành thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XI đã đề ra.