2. Hồ Chí Minh cho rằng, đối với các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, trọng đạo lý, việc tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân, mỗi con người có vai trò vô cùng quan trọng. Riêng với thế hệ trẻ, việc tu dưỡng này còn quan trọng hơn, vì họ là "người chủ tương lai của nước nhà"1; là cái cầu nối giữa các thế hệ - "người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai". Chính vì vậy, việc giáo dục đạo đức và chăm lo cho việc rèn luyện đạo đức của sinh viên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ rất sớm. Nói chuyện với sinh viên, Người khẳng định: "Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người".
Người chỉ rõ việc thực hành tốt đạo đức cách mạng trong đời sống hàng ngày của mỗi cá nhân không chỉ có tác dụng tôn vinh, nâng cao giá trị chính họ mà còn tạo sức mạnh nội sinh, giúp họ vượt qua khó khăn, thử thách. Người viết: "có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phát, khiêm tốn, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ"; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thuần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa".
Nhấn mạnh vai trò của đạo đức trong đời sống của mỗi cá nhân trong xã hội. Hồ Chí Minh không phân biệt đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường, đạo đức cán bộ và đạo đức công dân. Người chỉ rõ, trong xã hội mỗi người có công việc, tài năng và vị trí khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức cách mạng đều là người cao thượng.
- Kiên trì tu dưỡng theo các phẩm chất đạo đức Hồ Chí Minh
Cũng như với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân khác, đối với tầng lớp sinh viên, thanh niên trí thức, Hồ Chí Minh đã sớm xác định những phẩm chất đạo đức cần thiết để họ có phương hướng phấn đấu rèn luyện. Trong Bài nói tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ hai (7-5-1958), những phẩm chất đó được Người tóm tắt trong "Sáu cái yêu:
Yêu Tổ quốc, Yêu như thế nào? Yêu là phải làm sao cho Tổ quốc ta giàu mạnh. Muốn cho Tổ quốc giàu mạnh thì phải ra sức lao động, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Yêu nhân dân: Mình phải hiểu rõ sinh hoạt của nhân dân biết nhân dân còn cực khổ như thế nào, biết chia sẻ những lo lắng, những vui buồn, những công tác nặng nhọc với nhân dân.
Yêu chủ nghĩa xã hội: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm. Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm.
Yêu lao động: Muốn thật thà yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội thì phải yêu lao động, vì không có lao động thì chỉ là nói suông.
Yêu khoa học và kỷ luật: bởi vì tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có khoa học và kỷ luật".
Theo người, để có được những phẩm chất như vậy, sinh viên phải rèn luyện cho mình những đức tính như: trung thành, tận tụy, thật thà và chính trực. Phải xác định rõ nhiệm vụ của mình, "không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hoi mình đã làm gì cho nước nhà. Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn. Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào". Trong học tập, rèn luyện, phải kết hợp lý luận với thực hành, học tập với lao động; phải chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chống tư tưởng hám danh, hám lợi. "Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang"1. Phải trả lời được câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Phải xác định rõ thế nào là tốt, thế nào là xấu? Ai là bạn, ai là thù?... Người chỉ rõ: "Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù... Điều gì phải, thì phải cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ".