Bất hợp lý đó là: Trong bảng chữ cái hiện hành dạy cho học sinh các cấp, 3 con chữ c, k, q cùng được dùng để ghi âm “cờ” /k/, kiểu như cả 3 từ (tiếng) “ca, ka, qua”, tuy về mặt chữ viết khác nhau nhưng đều cùng phát âm như nhau là “ca” /ka/. Để khắc phục bất hợp lý này, gần đây đã có tác giả nêu ra một ý kiến hết sức kỳ quặc, không khả thi là đồng nhất cách viết cả 3 con chữ c, k, q chung thành một chữ là chữ k, cùng ghi chung âm “cờ” /k/, đã gây nên nhiều luồng dư luận trái chiều, phản đối kịch liệt.
Ngoài ra, sách còn đưa ra hệ thống câu hỏi giúp học sinh tìm hiểu về các nhược điểm của chữ quốc ngữ và những quy tắc khắc phục các điểm bất hợp lý đó: “Trong chữ quốc ngữ có một số âm có cách ghi khác nhau. Chẳng hạn âm “cờ” được ghi bằng 3 cách: c, k, q...”; “Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, đã hình thành bộ quy tắc điều chỉnh các cách ghi này. Do đó, việc giao tiếp viết bằng chữ quốc ngữ không bị ảnh hưởng. Ví dụ, để biểu thị âm “cờ”, chữ quốc ngữ dùng: - k: khi đi trước i, e, ê, iê. Ví dụ: thế kỷ, thước kẻ, kể chuyện, con kiến… (trừ một số trường hợp phiên âm tiếng nước ngoài hoặc từ ngoại nhập: vải ka ki...). - q: khi đi trước âm đệm u. Ví dụ: quả, quanh... - c: trong các trường hợp còn lại. Ví dụ: cái cân...”
Như vậy, trong trường hợp viết chữ ghi âm “cờ” như đã dẫn trên, các trường hợp viết là “k” chỉ có hai ngoại lệ là “phiên âm tiếng nước ngoài hoặc từ ngoại nhập”, trong lúc ý kiến bạn đọc nêu ra “Bắc Kạn, Kông Tum” không thuộc phạm vi ngoại lệ trên.