2.
Nhà phê bình người Nga Bêlinxki viết: “ Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó” (Lý luận văn học - Nhà Xuất bản Giáo dục - 1993, trang 62). Bằng hiểu biết về văn học, anh (chị) hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên.
Có ai yêu một loài hoa không hương, không sắc; có ai yêu cánh chim bay không gửi lại cuộc đời tiếng hót ngọt ngào, đắm say?; và có ai yêu những áng văn chương nghệ thuật ép khô trong xác chữ vô cảm. Bởi tư tưởng, tình cảm là linh hồn của tác phẩm cũng như hương sắc, tiếng ca là linh hồn của một đời hoa, đời chim vậy. Và “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc không trả lời những câu hỏi đó” (Lý luận văn học - Nhà Xuất bản Giáo dục - 1993, trang 62). (Bêlinxki).
Qua ý kiến của mình, nhà phê bình Bêlinxki đã nêu lên yêu cầu có tính chất sống còn đối với tác phẩm nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng: thông qua bức tranh cuộc sống được miêu tả trong tác phẩm, người nghệ sĩ phải gửi gắm được tư tưởng, tình cảm của bản thân. Có như vậy, văn chương nghệ thuật mới thoát khỏi sự băng hoại, tàn phai nghiệt ngã của thời gian. Đi sâu vào ý kiến đánh giá, ta gặp cách nói giả định “nếu” đầy ấn tượng, ám ảnh. Một điều gì đó hoảng sợ, xót xa, lo lắng như luồng gió lạnh ùa vào cảm nhận của người đọc nếu ngày mai tác phẩm nghệ thuật - cụ thể là văn học “miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả”. Giữa nhà văn, nhà thơ với người thợ chụp hình sẽ không còn khoảng cách bởi văn chương chỉ còn là bức tranh sao chép vẹn nguyên hình ảnh cuộc đời. Còn đâu hơi thở dồn dập khi tình cảm ngày đêm ào ạt xô bờ trong trái tim người đọc. Khi đó văn chương sẽ không còn là văn chương, nghệ thuật sẽ không còn là nghệ thuật. Nói như vậy không đồng nghĩa với việc ta phủ nhận vai trò phản ánh cuộc sống của văn chương. Bởi cuộc đời chính là nơi khơi nguồn, bắt nước và cũng là nơi hướng tới của nghệ thuật chân chính. Một làn gió thở than cuối đông lạnh, mùa thu vàng tàn tạ theo nhịp lá rơi ... “tiếng đời lăn náo nức” ấy được tắm đẫm trong bầu cảm xúc nồng nàn của nghệ sĩ mà vút lên thành thơ ca, văn học vậy? Đã bao giờ bạn băn khoăn tự hỏi con đường nào đưa nghệ thuật đứng riêng một cõi với các bộ môn khoa học tự nhiên khác cũng bắt rễ từ cuộc đời?. Ấy chính là xúc cảm, tư tưởng của tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Bởi nghệ thuật, trong đó có văn học là quy luật của tình cảm, trái tim. Nghe vang vang lời đồng vọng của thi sĩ lớn Gamzatôp “Thơ sinh ra từ lòng căm thù hay tình yêu, từ nụ cười trong sáng hay giọt nước mắt đắng cay”. Như hương ngọc lan nồng nàn trong đêm vắng, như tiếng chim sơn tước vút lên say đắm giữa cuộc đời; xúc cảm là “cú hích sáng tạo” đối với người nghệ sĩ. Hơn thế nữa, mỗi niềm vui nỗi buồn anh gửi theo làn gió văn chương góp phần nối nhịp tâm hồn đồng điệu giữa tác giả - bạn đọc.
Ai sẽ an ủi, vỗ về ta những phút nhớ nhà, nhớ mẹ nếu không có thơ Exênin; ai mở lối cho trái tim mình bước vào thế giới kì diệu của tình yêu nếu thiếu Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Puskin. Trong quá trình sáng tạo, người nghệ sĩ đã tự đốt mình lên trong bầu trời cảm xúc nóng bỏng để mỗi áng văn thơ là “ngọn lửa nhen lên trong lòng người, một ngọn lửa đốt cháy, sưởi ấm và soi sáng” ... Chính vì vai trò đặc biệt quan trọng ấy, cho nên “tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả”, đáng sợ hơn “nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc không trả lời những câu hỏi đó”, nghĩa là tác phẩm không còn bất cứ một giá trị nào, không để lại trong lòng người đọc những day dứt, ám ảnh. Ấn tượng về sự vô cảm và trống trải của cõi văn chương ấy sao gần vậy với ngày mai, trong thơ Xuân Quỳnh “Nếu ngày mai em không làm thơ - Cuộc sống trở về bình yên - Ngày nối nhau trên đường phố” êm đềm - Không nỗi khổ không niềm vui bất chợt”.
Sự “bình yên” phẳng lặng ấy là cái chết của nghệ thuật, cái chết của con người trong trái tim nghệ sĩ. Bởi “Người nghệ sĩ chân chính trước hết phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ”. Không còn yêu thương, căm thù làm sao anh có thể viết nên những tác phẩm “là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan” để truyền vào lòng người đọc những ấn tượng rực lửa. Ngô Tất Tố đã khóc cho cuộc đời chị Dậu trước khi người đọc âm thầm nhỏ lệ trên từng con chữ trong “Tắt đèn”. Và ai trong chúng ta có thể cảm nhận được “lời ca tụng hân hoan” sự đổi đời của nhân vật Đào (“Mùa Lạc”) nếu Nguyễn Khải không hát lên tiếng ca yêu thương tin tưởng vào con người mới, xã hội mới? “Cô lấy hồn tôi để hiểu hồn người” lẽ sáng tạo bắt nguồn từ cảm xúc và tìm đến với cảm xúc ấy của Hoài Thanh tưởng không bao giờ cũ với mỗi người cầm bút !.
Sức mạnh nào đã giúp cả dân tộc Trung Hoa bừng tỉnh sau khi đọc những trang văn Lỗ Tấn. Ta có thể thờ ơ trước vấn đề nhân cách, nhân phẩm mỗi lần gấp lại sáng tác của Nam Cao?. Chính nhiệm vụ cải tạo xã hội của văn học đã gọi thức những câu hỏi day dứt, ám ảnh và sự tỉnh ngộ kì diệu ấy. Văn chương “là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan” để bồi đắp thế giới tình cảm, tâm hồn; văn chương còn là những lời hỏi day dứt ám ảnh được đặt ra trước một vấn đề nhức nhối, nóng bỏng trong xã hội. Có như vậy những sáng tác ấy mới có thể ùa vào, tràn ngập trong lòng người đọc, xoá bỏ đi hay khắc sâu thêm những tình cảm con người: những nhỏ nhen, ích kỉ bị loại bỏ, những gì cao quí, đẹp đẽ sẽ được tôn lên ... Ai đã một lần đến với nghệ thuật, ai từng dành trọn cuộc đời mình cho thơ phú văn chương có lẽ hiểu rằng ta say đắm tác phẩm không chỉ bởi hiện thức muôn màu được phản ánh; mà quan trọng hơn để cùng chia sẻ thái độ, tình cảm hay những day dứt của nhà văn, nhà thơ trước cuộc sống. Platô từng khuyên bạn văn rằng “Hãy hát lên khi mỗi tâm hồn anh là một sợi dây đàn” thiếu những tha thiết ấy, thế giới tình cảm của người đọc sẽ ra sao? Nơi nào có thể thay thế văn chương cho ta gửi gắm những nỗi niềm tâm sự.
Như vậy, soi chiếu từ góc độ bạn đọc, tác phẩm hay chủ thể sáng tạo, yếu tố tư tưởng tình cảm trong tác phẩm là lẽ sống còn của văn chương vậy. Nó không chỉ làm nên sức sống, sức hấp dẫn mà còn tạo nên tính khuynh hướng cho tác phẩm. Đồng thời tư tưởng, tình cảm còn chi phối khá sâu sắc, tới hình thức nghệ thuật thể hiện. “Từ trong nước chảy ra đều là nước, từ trong máu chảy ra đều là máu, từ những rung động mãnh liệt, chân thành của trái tim nghệ sĩ, văn chương đã ra đời và sống mãi trong tâm hồn chúng ta bởi nó “miêu tả cuộc sống” không “chỉ để miêu tả” bởi nó “là tiếng thét khổ đau, lời ca tụng hân hoan”, biết “đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”.
Thời gian trôi qua, năm tháng trôi qua nhưng những day dứt ám ảnh về thân phận của kẻ tài hoa bạc mệnh vẫn ngày đêm nhói lên trong sáng tác Nguyễn Du. Tiếng thơ người dành tặng cho cuộc đời Tiểu Thanh ngõ còn ngân lên ai oán, đau đớn như nhịp tơ đồng nhỏ máu nơi cảm nhận người đọc.
“Tây hồ hoa uyển tận thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hận
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư
Cổ kim phận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
Bài thơ đưa người đọc tìm về thời quá khứ ngày xưa bên đất nước Trung Hoa xa xôi. Núi Cô Sơn có còn in bóng nàng Tiểu Thanh trong những ngày đau khổ cuối đời. Nàng là một người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng trớ trêu thay phải chịu kiếp “lấy chồng chung”, ngày đêm sống trong sự hành hạ, dày vò của người vợ cả tàn nhẫn. Tiểu Thanh ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, khát khao hạnh phúc của một đời người con gái gửi lại trong những vần thơ. Và hai trăm năm sau, Nguyễn Du tìm đến tiếng tơ lòng đau đớn ấy trong cảnh Tây Hồ tàn tạ để khóc thương cho người con gái “hồng nhan bạc mệnh”, khóc thương cho nỗi oan nghiệt của chính mình. Trong cuộc đời bất hạnh của Tiểu Thanh, ta gặp lại tiếng đàn Kiều mười lăm năm truân chuyên, ai oán; nghe đồng vọng giọt nước mắt âm thầm của người kỹ nữ đất Long Thành thẳm xa ... Con tạo xoay vần, cuộc đời nghiệt ngã vùi dập kẻ tài hoa ... hiện thực ấy trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Du nhưng không hề trở nên quen nhàm mòn cũ bởi mỗi vần thơ là một “tiếng thét khổ đau”, mỗi lần làm thơ là một lần trái tim Nguyễn Du thổn thức rung động. Câu chuyện về nàng Tiểu Thanh, cảnh Tây hồ tàn tạ theo năm tháng đã đi qua dòng rung cảm mãnh liệt của Nguyễn Du mà vút lên thành “Độc Tiểu Thanh ký”. Thi sĩ đã “miêu tả cuộc sống” không “chỉ để miêu tả” bởi từng câu, từng chữ đều thẫm đẫm xa xót yêu thương, đều vang vọng “tiếng thét khổ đau” của đời hoa giữa dòng nước xoáy.
“Tây hồ hoa uyển tận thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.”
Sự đời “thương hải ví tang điền”, vòng xoay chuyển tàn phai nghiệt ngã ấy cuốn đi tất cả. Tây hồ kia, đài các diễm lệ là thế nay cũng không thoát khỏi bàn tay tạo hoá, từ “tận” diễn tả sự suy biến tận cùng, ngày hôm qua, ngày hôm nay bị đẩy xa vời vợi bởi từ “tận” dữ dội, ghê gớm ấy. Người đọc cảm nhận được tấc lòng đau xót tiếc thương của nhà thơ nhói lên qua âm chắc nặng ấy. Làm sao có thể thờ ơ vô tình khi nhớ về quá khứ tươi đẹp, khi cầm trên tay tập di cảo còn vương sót lại của đời người con gái tài hoa. Cảnh ấy cũng như người vậy
“Ghi phấn hữu thần liên tử hận
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư”
Tiểu Thanh không còn nhưng mối sầu hận cuộc đời vẫn ngày đêm nhức nhối, day dứt. Có lẽ bởi nàng cũng như Thuý Kiều, người kĩ nữ đất Long Thành, hơn ai hết đáng được hưởng hạnh phúc, vậy mà ngay cả hai chữ bình yên cũng vợi xa. Son phấn hay nhan sắc?, văn chương hay tâm hồn? vẫn ngày đêm nấc lên như tiếng thét đau đớn của kẻ tài tử đòi quyền được sống.
“Cổ kim phận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư”
Câu hỏi gửi tới non cao vời vợi kia phải chăng cũng là câu hỏi ném vào xã hội tàn ác. Tuy nhà thơ không nói nhưng cuộc đời yểu mệnh bị đầy đọa cả sau khi chết của Tiểu Thanh là sự lên tiếng gay gắt nhất. Tìm đâu thấy hạnh phúc mong manh, tìm đâu thấy tấc lòng tri kỷ biệt nhỡn liên tài trong xã hội ấy. Cái đẹp bị ganh ghét, tài năng bị dập vùi, nỗi đau bi phẫn nhói lên qua những thanh trắc “cổ”, “phận”, “sự”, “vấn”. Cuộc đời hắt hủi, thiên hạ chối bỏ, những kiếp tài tử tìm về bên nhau cùng xót xa cho cái “thông luỵ của bọn tài tử trong gầm trời suốt cả xưa nay vậy”.
“Rất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
Đây có lẽ là hai câu thơ thể hiện rõ nhất sự đồng cảm sẻ chia cũng như nỗi đau thân phận của Nguyễn Du. Thơ xưa khuôn mình trong những vần luật chặt chẽ; khuyên thi sĩ nên “đạm” chớ nên “nồng” nhưng dường như nỗi đau đớn bi phẫn đã đưa Nguyễn Du vượt qua lề lối tù túng ấy. Nỗi niềm xót thương người con gái tài sắc hiện lên qua chữ “tận”, qua bóng dáng cô độc viếng nàng tới cái lắng tai nghe tiếng thổn thức của văn chương, son phấn nay bừng cháy thành câu hỏi thương thân: Nàng cũng như ta “cùng hội cùng thuyền” bị trời ganh ghét, viếng nàng qua đôi mảnh giấy tàn lại chạnh lòng thương ta. Nỗi thương người, thương thân đã quyện vào một trong câu hỏi khao khát sự đồng vọng, xẻ chia ấy. “Khấp”, chỉ một tiếng khóc, một tiếng khóc thôi cũng đủ an ủi linh hồn ta rồi. Qua từ “khấp” ấy, Nguyễn Du nhắn gửi tới người đọc hãy biết trân trọng cái nhỏ nhoi. Phải, nếu mỗi người đều có tiếng “khấp” ấm áp, nhỏ nhoi ấy thôi, có lẽ cuộc đời này sẽ không còn những số phận như Thuý Kiều, Tiểu Thanh.
Như vậy qua một bài thơ ngắn, Nguyễn Du không chỉ tái hiện lại vẹn nguyên cuộc đời truân chuyên của một người con gái tài hoa bạc mệnh, sự thay đổi nghiệt ngã, vô tình của tạo hoá; sâu sắc hơn, qua đó Nguyễn Du đã thể hiện tấc lòng xót thương đồng cảm với “tiếng thét khổ đau” đòi quyền sồng của Tiểu Thanh. Từng câu, từng chữ vang lên tiếng hỏi đời, hỏi người, khao khát một giọt nước mắt chia sẻ nhỏ nhoi, ấm áp. Giọt nước mắt - nụ cười, may mắn - bất hạnh, niềm vui - nỗi buồn ... dường như nỗi đau buồn tìm được sự đồng vọng, cảm thông trong lòng người. Phải chăng vì vậy mà mỗi lần trở về làng quê Vũ Đại, gặp Chí Phèo ngất ngưởng tỉnh say, nỗi niềm thương xót lặng thấm, âm thầm, nhói buốt không nguôi “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi”. Đoạn văn tả tiếng chửi Chí Phèo gợi mở trong lòng người đọc hai thế giới vời vợi cách xa. Bên này là một thằng say rượu ồn ào, cô độc; bên kia là cả dân làng Vũ Đại câm lặng, đông đúc. Bên này là âm vang đau đớn của một nhân cách đang quằn quại đòi sống như con người; đáp lại chỉ có thái độ hờ hững, khinh bỉ. Ta lắng tai nghe khao khát giao cảm trong tiếng chửi Chí Phèo để rồi lặng buồn trước khoảng trống yêu thương, đồng cảm. Ai đã một lần lạc lôi vào đoạn văn không trạng ngữ chỉ không gian, thời gian ấy chợt thấy những tháng dằng dặc, những con đường thăm thẳm vô định như bi kịch cuộc đời Chí. Nhân cách càng sống dậy mạnh mẽ, Chí càng bị người đời nhấn sâu vào định kiến “quỉ dữ”, bao khao khát chia sẻ gửi đi, chỉ nhận về khoảng lặng lìa bỏ. Có ai đó từng nói tiếng chửi Chí Phèo như tiếng hát lộn ngược của tâm hồn bị méo mó. Trong cảm nhận của riêng tôi âm thanh gay gắt ấy là tiếng thét khổ đau đòi quyền sống, quyền làm người của Chí. Đã bao giờ bạn băn khoăn tự hỏi điều gì đã khiến Lê Văn Chương nhặt “Chí Phèo” lên từ sọt rác, và sức mạnh nào giúp tác phẩm sống mãi trong lòng người đọc muôn đời. Có lẽ bởi Nam Cao “miêu tả cuộc sống” không “chỉ để miêu tả”.
Ẩn mình trong những trang văn diễn tả sâu sắc, hiện thực người nông dân bị tha hoá nhân cách ấy là tình cảm xót thương, đau đớn ông giành trọn cho nhân vật. Nhà văn đã lặng lẽ theo gót Chí Phèo trên những bước đường tỉnh say, lắng nghe “tiếng thét khổ đau” của một nhân cách đang quằn quại sống dậy nhưng bị cuộc đời lìa bỏ. Và rồi từ những trang văn ấy, lời văn ấy vang lên lời chất vấn gay gắt: làm sao để cứu được nhân cách của người nông dân đang chấp chới bên bờ vực tha hoá? Còn nhỏ, Tô Hoài từng kể lại rằng Nam Cao là một con người rất nhút nhát. Dường như cái mạnh mẽ quyết liệt đã ẩn sâu trong văn chương của ông, lời văn không nói, câu văn không tố cáo gay gắt nhưng tiếng thét “Ai cho tao lương thiện” cùng kết cục bi thảm của cuộc đời Chí Phèo như cơn sóng ngầm cuốn phăng xã hội gian ác ấy. “Cần phải thay đổi” ta như nghe thấy tiếng vọng từ sâu thẳm trang văn Chí Phèo vậy !.
Ai đó từng nói rằng giữa thiên tài thường có sự gặp gỡ, đồng vọng, câu hỏi của người này tìm thấy tiếng đáp lời của người kia. Xuân Diệu – Tố Hữu là những điệu tâm hồn đồng vọng như thế. “Lời kỹ nữ”(Xuân Diệu) và “Cô gái sông Hương” (Tố Hữu) cùng là nỗi lòng cảm thương sâu sắc của các nhà thơ đã dành trọn cho số phận bất hạnh của người con gái làng chơi. Một kỹ nữ thu mình trong đêm lạnh, ôm nỗi sầu mênh mang như biển lớn, bao ái ân chẳng níu được bước chân lữ khách. Một cô gái trôi nổi bập bềnh trên dòng sông, sông Hương thơ mộng lững lờ sao dòng sông cuộc đời cô sục sôi, đau đớn đến vậy. “Thuyền em rách nát còn lành được không”. Mỗi lần tìm về vần thơ ấy, vẫn thấy vẹn nguyên giọt nước mắt mặn chát đọng lại trong cảm nhận của mình, phải chăng Tố Hữu và Xuân Diệu đã sống hết mình với nỗi đau đớn tủi nhục của những người phụ nữ ấy để cất lời xót xa.
“Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da”
Dường như hơi lạnh từ “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách” năm nào trong thơ Bạch Cư Dị hay cảm giác “Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh” đã ngược dòng thời gian mà thấm buốt vào câu chữ. Một không gian vời vợi, cao rộng, trống trải, không hình bóng kẻ “viễn du”, không hơi ấm chia sẻ, chỉ còn ngươi kỹ nữ lẻ loi cô độc đang thu mình lại thê thiết khẩn cầu “chớ để riêng em phải gặp lòng em” . Mỗi từ tựa như một giọt trăng tái buốt nhỏ xuống cõi lòng run rẩy, hoảng sợ của ngươi kỹ nữ. Sự cộng hưởng ngữ nghĩa giữa: giá băng, đầy trăng, lạnh lẽo, suốt xương da tạo thành một dòng lạnh chạy dọc câu thơ. Ngỡ người đọc đang run lên trong hơi thở, trong nỗi lòng cô quạnh của kỹ nữ. Từ cảm giác “Em sợ lắm” ấy đến nỗi buồn, nỗi đau cho thân phận người con gái trên dòng sông Hương trong thơ Tố Hữu, tưởng không mấy cách xa.
“Thuyền em rách nát còn lành được không?”
Câu thơ như một tiếng nấc nghẹn ngào, hờn tủi của người con gái bạc phận. Nỗi niềm xót xa ấy là tâm trạng tuyệt vọng, đau đớn của đời người con gái ý thức sâu sắc được chân giá trị của mình. Số phận nghiệt ngã xô đẩy vào kiếp phù du, còn đâu hi vọng hạnh phúc, ước mong bình yên thửa trước. Câu thơ trở đi trở lại trong lòng người đọc như nỗi ám ảnh khôn nguôi về số phận người phụ nữ trong xã hội cũ. Vầng trăng kia sao lạnh lẽo đến thế hay bởi lòng người quá cô độc, tủi sầu; biết tìm đâu bến bờ cho thuyền em neo đậu. Và câu hỏi ấy đã được Tố Hữu trả lời.
“Rằng không cô gái bên sông
Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài
Thơm như hương nhụy hương lài
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng”
Ngày mai mở ra tươi sáng và hạnh phúc biết bao. Ta cảm nhận được sự hồi sinh kì diệu của những kiếp đời bất hạnh trong hương thơm hoa lài, trong dòng nước ngọt mát lấp lánh ánh ban mai. Một điều gì đó bình yên, tinh khiết, phong nhụy đang lấn dần, lấn dần những đêm trăng lạnh, những tháng ngày tăm tối trên dòng Hương giang. Câu chữ sáng lên trong ngày mai, ban mai, trong niềm vui náo nức của cuộc đời mới. Hỡi những kiếp người đau đớn nổi nênh một thủa, xin hãy về đây đắm mình trong dòng suối thanh khiết, cho lắng lại những nỗi buồn, khổ đau để hướng tới cuộc đời mới. “Dòng sông thơ vẫn vỗ nhịp tháng năm, mỗi ngọn sóng là một tấm lòng sứ điệp” những vần thơ của Xuân Diệu ngày đêm dào dạt như câu hỏi không nguôi về hạnh phúc của người kỹ nữ để rồi “Cô gái sông Hương” của Tố Hữu hát lời sẻ chia, lý giải bằng cuộc sống mới, xã hội mới. Ngày mai tươi sáng, bình yên, ngày mai ngọt ngào, hạnh phúc. Và như thế, vần thơ Tố Hữu đã trở thành bờ cát cho con sóng thao thức của Xuân Diệu tìm về ngủ yên. Đến với hai bài thơ, hai chiều thời gian, hai nửa tối - sáng của cuộc đời, người đọc chợt hiểu văn học phải “đặt ra những câu hỏi” và “trả lời những câu hỏi đó” . Có như vậy “Cái chết luôn quì gối trước nghệ thuật”.
Sức sống bất diệt của “Chí Phèo” (Nam Cao); “Độc Tiểu Thanh ký” (Nguyễn Du); “Lời kỹ nữ” (Xuân Diệu), “Cô gái sông Hương” (Tố Hữu) ... giúp người đọc khẳng định thêm ý nghĩa lời nhận định của Bêlinxki “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”. Văn chương chỉ thực sự là văn chương, nghệ thuật chỉ thực sự là nghệ thuật khi nó phản ánh hiện thực thông qua bầu cảm xúc nồng nàn mãnh liệt của nhà văn, khi mỗi tác phẩm là một dấu hỏi day dứt, trở trăn trước cuộc đời. Bởi nhà văn phải khóc nếu muốn người đọc xúc động thực sự (ý của Chế Lan Viên). Thái độ thờ ơ, nông cạn của người nghệ sĩ sẽ là cái chết đối với văn chương nghệ thuật.
Bản chất văn học là tình cảm - nơi tác phẩm ra đời, đi tới, nơi níu lòng người đọc ở lại muôn đời. Điều này lý giải tại sao những tác phẩm viết theo chủ nghĩa đề tài nhanh chóng rơi vào quên lãng; hiện thực tuy hào hùng nhưng trái tim anh trơ lì, vô cảm, làm sao người đọc có thể nồng nhiệt đón nhận. Qua lời nhận định của Bêlinxki, người đọc tìm thấy con đường đi vào thế giới tác phẩm: bay trên đôi cánh chân thành mãnh liệt của cảm xúc ẩn sâu trong bức tranh hiện thực được phản ánh để tìm thấy ánh ngọc tư tưởng, tình cảm. Ta chợt thấm thía hơn bản lĩnh nghệ thuật của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng. Sâu ẩn trong những trang văn lạnh lùng đến rợn người, hiện thực đến trần trụi ấy là tấm lòng ấm nóng yêu thương họ đã dành cho cuộc đời này, mong muốn con người gần người hơn, sống tốt đẹp, thân ái hơn.
Ngày xửa ngày xưa, chuyện kể rằng một người hành khất yêu nước đã giết giặc bằng giọng hát kì diệu của mình. Và khi quân thù phanh trái tim nhỏ bé vẫn phập phồng trong lồng ngực anh, tiếng hát vút bay lên giữa đất trời, sông núi. Câu chuyện ấy gợi nhắc tôi về cảm xúc trong thơ ca - dòng chảy mãnh liệt băng qua năm tháng để trong lắng tâm hồn người đọc. Và như thế những vần thơ, áng văn bắt nguồn từ cảm xúc chân thành để cất lên “tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan”, “đặt ra những câu hỏi”, “trả lời những câu hỏi đó” sẽ không bao giờ chết