Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

3 trả lời
Hỏi chi tiết
2.159
2
1
CenaZero♡
01/08/2017 02:30:52
Đề bài: Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu
Bài làm
1. Nhiều nhà phê bình văn học đã đặt cho Tố Hữu danh hiệu: “Nhà thơ của lí tưởng cộng sản”. Quả là thơ Tố Hữu hầu như bài nào cũng là lời ngợi ca lí tưởng của giai cấp vô sản. Ông coi đấy là lẽ sống của nhân loạn, của dân tộc, và tất nhiên, cũng là của cuộc đời mình. Cho nên, đối với Tố Hữu, gặp được lí tưởng cộng sản là hạnh phúc tuyệt vời, là niềm vui lớn nhất. Nhìn chung, thơ Tố Hữu, từ tập này đến tập khác (Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa, Một tiếng đờn, Ta với ta) đều là sự ngợi ca lí tưởng ấy và thể hiện niềm vui ấy. Tất nhiên, ở mỗi tập thơ, phản ánh mỗi giai đoạn cách mạng và mỗi bước đường trưởng thành khác nhau về tư tướng của Tố Hữu, lí tưởng ấy, niềm vui ấy lại được thể hiện với những sắc thái riêng.

Từ ấy nằm trong tập thơ đầu của Tố Hữu, lại ở ngay phần đầu của tập thơ (phần Máu lửa). Vậy sự thể hiện lí tưởng ấy và niềm vui ấy có sắc thái gì riêng biệt ?
Từ ấy có nghĩa là từ cái giây phút ấy, cái giây phút đầu tiên chàng thanh niên học sinh Nguyễn Kim Thành bắt gặp lí tưởng cộng sản. Cái giây phút hết sức thiêng liêng, quyết định cả một cuộc đời, cả một số phận, cả một sự nghiệp, cả một hồn thơ.
Là một thanh niên đầy nhiệt huyết, hăm hở đi "kiếm lẽ yêu đời" mà chưa tìm ra ("Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn - Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời" - Nhớ đồng), bỗng một buổi kia gặp được lí tưởng cộng sản:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim.
Nếu để ý quan sát thế giới nghệ thuật của các nhà thơ đã có phong cách định hình, sẽ thấy mỗi hồn thơ đường như lại thích hợp với một thứ ánh sáng riêng. Thơ cổ điển thường thiên vị với ánh trăng. Hoài Thanh nói, thơ Hồ Chí Minh đầy trăng. Trước Cách mạng tháng Tám, tâm hồn Huy Cận rất nhạy cảm với cái ánh nắng úa tàn của những buổi hoàng hôn. Xuân Diệu thì vừa là nhà thơ của mùa xuân và bình minh, vừa là thi sĩ của những đêm trăng lạnh. Thơ Hàn Mặc Tử cũng tràn ngập ánh trăng, nhưng là một thứ ánh trăng vừa vồ cùng tinh khiết vừa có một cái gì rờn rợn ma quái, v.v. Xem ra, hiếm có một hồn thơ nào thích hợp với cái ánh nắng chói gắt mùa hạ. Mà ngay Tố Hữu cũng vậy thôi. Tinh thần lạc quan cách mạng quả đã khiến ông có cảm tình đặc biệt với ánh nắng. Nhưng phải là cái ánh nắng trong trẻo, tươi mát những buổi sáng mùa xuân, hoặc cái ánh nắng dịu dàng của những buổi chiều thu. Nhà thơ của tình thương mến ngọt ngào, nhà thơ của Huế - "Đây xứ mơ màng đầy xứ thơ" (Dửng dung) - tất nhiên chỉ thích hợp với cái ánh nắng ấy :
- Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt
Nắng soi sương giọt long lanh.
(Bài ca mùa xuân 61)
- Ngoài này nắng đổ cành cam
Chắc trong ấy nắng xanh lam ngọn dừa.
(Tiếng hát sang xuân)
Vậy thì cái ánh nắng chói chang mùa hạ trong bài Từ ấy phải được xem là trường hợp hiếm hoi đặc biệt. Bình luận về trường hợp này, Hoài Thanh đã liên tưởng tới tâm trạng của một cô gái nào đó trong ca dao xưa choáng ngợp trước một mối tình sét đánh :
- Thấy anh như thấy mặt trời,
Chói chang khó ngó, trao lời khó trao.
Chân lí lớn quá, lí tưởng rực rỡ quá, chói lọi quá, khiến chàng thanh niên chưa đầy mười tám tuổi cảm thấy choáng váng.
Thực ra không phải chỉ ở câu thơ này, mà toàn bộ khổ thơ đầu đều thể hiện tâm trạng của tác giả bằng những từ ngữ có sức diễn tả cực mạnh : "bừng nắng hạ", "chói qua tim", "rất đậm hương", "rộn tiếng chim". Ánh sáng và niềm vui tràn ngập trong lòng, bật lên thành tiếng reo vui, cất lên thành tiếng hát sôi nổi, say mê, náo nức :
- Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.
Theo dõi toàn bộ sáng tác của Tố Hữu, ta bắt gặp không biết bao nhiêu lần ông dừng hình ảnh nắng xuân và vườn xuân để diễn tả niềm vui lớn của mình và ca ngợi lí tưởng cách mạng. Nhưng dùng đến cái nắng chói chan" mùa hạ thì chỉ có một lần Từ ấy. Giải thích niềm vui đặc biệt này của Tố Hữu không gì hơn là mượn ngay lời tự bạch của chính nhà thơ trong bài Một nhành xuân, ông viết "Tặng Đảng thân yêu tròn 50 tuổi" :
Năm 20 của thế kỉ 20
Tôi sinh ra. Nhưng chưa được làm người
Nước đã mất. Cha đã làm nô lệ.
Ôi những ngày xưa... Mưa xứ Huế
Mưa sao buồn vậy, quê hương ơi!
Ngẩng đầu lên, không thấy mặt trời
Đất lai láng những là nước mắt...
Có lẽ vậy thôi... Tôi đã trôi như con thuyền lay lắt
Trên dòng sông mù sương
Tôi đã khô như cây sậy bên đường
Đâu dám ước làm hoa thơm trái ngọt
Tôi đã chết, lặng im, như con chim không hao giờ được hót
Một tiếng ca lảnh lót cho đời
Nếu chậm mùa xuân ấy, em ơi !
2. Từ ấy là một bài thơ gọn ghẽ, xinh xắn, chỉ gồm có ba khổ. Quan trọng nhất là khổ đầu. Có thể coi đó là cái gốc. Hai khổ sau là cành, là ngọn, phát triển ra từ cái gốc lí tưởng ấy, cái gốc "mặt trời chân lí" ấy.
Đối với Tố Hữu, chân lí Mác - Lê-nin khône chỉ được tiếp nhận bằng lí trí mà còn bằng tình cảm, bằng trái tim nữa : "Mặt trời chân lí chói qua tim".
Điểu này rất có ý nghĩa đối với người chiến sĩ Tố Hữu và nhà thơ Tố Hữu. Có tình cảm mãnh liệt mới có hành động chiến đấu hi sinh ; có tình cảm sôi nổi mới có thơ Từ ấy - lí tưởng trớ thành "vườn hoa lá - Rất đậm hương và rộn tiếng chim", nghĩa là thành hình ảnh, thành nhịp điệu, thành thơ ca.
Thực ra lí tưởng cộng sản đã bao hàm ngay trong nội dung của nó nguồn tình cảm lớn. Đó là chủ nghĩa nhân đạo của giai cấp vô sản hướng về quần chúng nghèo khổ, về nhân loại cần lao. Cho nên giác ngộ lí tưởng cộng sản, nhà thơ bỗng thấy mình lớn lên gấp trăm lần, gấp triệu lần. Cái tôi cá nhân bé nhỏ, yếu đuối "như cây sậy bên đường", trở thành cái tôi giai cấp, cái tôi nhân loại, mang sức mạnh của cả một "khối đời" vĩ đại ("Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời").
Không phải ngẫu nhiên mà tác giả dùng hàng loạt số từ và đẩy vọt lên từ trăm đến vạn : "trăm nơi", "vạn nhà", "vạn kiếp", "vạn đầu em nhỏ",... Đâu phải nhà thơ chỉ muốn nói số trăm, số vạn. Trăm, vạn ở đây không có nghĩa là số trăm, số vạn cụ thể, mà là để nói rất nhiều, nhiề lắm, là tất cả "mọi người", là biết "bao hồn khổ", là cả nhân loại cần lao, là giai cấp vô sản toàn thế giới liên hiệp lại (Tuyên ngôn đảng cộng sản).
Cũng không phải ngẫu nhiên mà tác giả dùng hàng loạt từ ngữ chỉ quan hệ ruột thịt : "là con", "là em", "là anh". Vì giác ngộ tình cảm giai cấp, nhà thơ muốn buộc chặt cái tôi của mình với nhân loại cần lao bằng tình cảm thân thiết nhất, như tình cám ruột thịt của những đứa con trong cùng một gia đình vậy.
Và giọng thơ thì, từ câu đầu đến câu cuối càng lúc càng sôi nổi, say sưa. Và nhịp thơ thì hăm hở, dồn dập, với những điệp từ càng lúc càng được dùng với tần số cao :
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gùi nhau thêm mạnh khối đời.
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ...
Tử ấy, đúng là tiếng lòng sôi nổi, hăm hở của một thanh niên trong buổi đầu bắt gặp lí tưởng cộng sản.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Tô Hương Liên
05/08/2017 18:54:49
Tố Hữu là ngọn cờ đầu của phong trào thơ cách mạng Việt Nam với những tác phẩm tự sự nhưng dạt dào tình cảm. “Từ ấy” là bài thơ rút trong tập thơ cùng tên sáng tác năm 1938, đánh dấu sự trưởng thành của người thanh niên cách mạng. Bài thơ chính là tiếng reo vui của tác giả khi được đứng trong hàng ngũ đảng cộng sản Việt Nam.
“Từ ấy” là một từ chỉ thời gian đánh dấu bước ngoặc có ý nghĩa lớn trong cuộc đời của người thanh niên cách mạng, đánh dấu sự trưởng thành, lớn lên về tâm hồn cũng như lý tưởng cách mạng. Giây phút ấy khiến cho tác giả nghẹn ngào, dường như không nói được nên lời, chỉ có thể dồn trong hai từ “từ ấy”. Từ ấy chính là cảm xúc chủ đạo của bài thơ, là tiếng lòng reo vui, rộn rã, tràn ngập tin yêu của một người thanh niên khi được đứng trong hàng ngũ cao quý của Đảng. Sau thời gian xác định “từ ấy” chắc chắn người thanh niên đó sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc đời cũng như trong con đường hoạt động cách mạng của mình.

Tác giả đã mở đầu bằng một lời thơ rộn rang, tràn ngập tin yêu:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Tác giả vui mừng không nói nên lời, chỉ biết ngập ngừng “từ ấy”, và sau thời gian “từ ấy” đó chính là những bước ngoặc cũng như sự giác ngộ lý tưởng lớn. Một loạt hình ảnh ẩn dụ “bừng nắng hạ”, “mặt trời chân lý” đều mang trong mình ý nghĩa biểu tượng cho những gì tươi sáng, tốt đẹp, rạng ngời nhất. Từ “bừng” ở câu thơ đầu tiên như làm sáng lên cả bài thơ, từ bừng mang ý nghĩa là thức tỉnh, một sự thức tỉnh có quá trình. Nắng hạ là thứ nắng chói chang, nắng đẹp, tràn ngập niềm vui và sức sống. Tác giả như bước ra, thoát khỏi chốn tăm tối, bế tắc, không lối thoát của cuộc đời để đến với ánh sáng của cách mạng và niềm tin. Giây phút được bước vào hàng ngũ của đảng như là “chân lý”, điều đáng trân trọng một đời.
Sự chuyển biến rõ nhất diễn ra trong tâm hồn người chiến sĩ cách mạng
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
Sự thức tính và giác ngộ cách mạng khiến tâm hồn của người chiến sĩ trẻ như một vườn hoa tràn ngập tiếng chim và rực rỡ sắc hoa. Phép so sánh ấy thực sự rất tài tình và đầy ý nghĩa. Một tâm hồn thực sự sinh động, tràn đầy sức sống, tác giả đã biến cuộc đời mình tràn ngập niềm tin và tự hào. Chỉ với khổ thơ đầu này nhưng dường như cả bài thơ đã được vẽ lên bằng một gam màu tươi sáng và đẹp đẽ nhất.
Sự giác ngộ trong lý tưởng cách mạng đó đã hình thành nên tư tưởng lớn trong tâm hồn:
Tôi buộc lòng tôi với mọi nhà
Để tình trang trải đến trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm vạn khối đời
Một khổ thơ vừa  bộc lộ rõ nét cái tôi cá nhân vừa bộc lộ cái ta rộng lớn, bao la nhất. Từ “buộc” ở câu thơ đầu tiên gợi lên cảm giác gắn bó đối với người chiến sĩ cách mạng với mọi người. Từ “buộc” chính là sợi dây, là con đường, là lẽ sống mà người chiến sĩ đã lựa chọn và theo đuổi dến cùng. Với một tấm lòng kiên trung, tình yêu thương rộng lớn, người chiến sĩ muốn mang đến sự bình an, ấm no nhất cho nhân dân, để có thể cùng nhân dân gánh bớt nỗi khổ, cực nhọc.
Từ chân lý muốn được bao bọc, chở che, gắn bó với mọi nhà, ở khổ thơ cuối chính là lời khẳng định vị thế của mình:
Tôi là con của vạn nhà
Là anh của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ
Khổ thơ mang ý nghĩa liệt kê nhưng nó vẫn toát lên được tình cảm, sự tin yêu và gắn  bó của người chiến sỹ đối với toàn thể nhân dân.Từ “là” được lặp đi lặp lại nhằm nhấn mạnh mối quan hệ hiên nhiên giữa mình với nhân dân, gắn bó với họ, cùng san sẻ, cùng gánh vác khổ đau, đương đầu với sóng gió, quyết không để lùi bước. Tinh thần ấy của tác giả thực sự đáng ngưỡng mộ và khâm phục. Tác giả coi mình cũng như một người vô danh “cù bất cù bơ” nhưng có tinh thần đoàn kết và kiên trung
Quả vậy, “Từ ấy” là bài thơ ý nghĩa đánh dấu sự trưởng thành của một con người và của một chặng đường cách mạng gian nan. Tiếng reo vui của tác giả như hòa chúng vào với niềm vui chung của nhân dân.
1
1
CenaZero♡
06/08/2017 17:49:25
Bài thơ “Từ Ấy” nằm trong tập thơ cùng tên, được Tố Hữu sáng tác vào năm 1938, đã đánh dấu sự trưởng thành trong lí tưởng của người thanh niên cách mạng. Bài thơ là tiếng reo vui sướng, hạnh phúc của một người trẻ vẫn đang trên con đường tìm kiếm lẽ sống thì gặp được ánh sáng của lí tưởng, của Đảng, của cách mạng.
“Từ ấy” là một từ để chỉ thời gian, là mốc son đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời và trong cả tâm hồn của nhà thơ. Giây phút ấy khiến nhà thơ vui mừng đến nỗi không thể định nghĩa chính xác được, chỉ biết là “từ ấy”.
“ Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim”
Một loạt những hình ảnh ẩn dụ “ bừng nắng  hạ”, “ mặt trời chân lí”, “chói qua tim” được nhà thơ sử dụng tài tình. Người thanh niên vẫn đang loay hoay trong bóng tối của mùa đông mù mịt, chưa tìm thấy lối đi, chưa tìm thấy lí tưởng thì mặt trời bỗng bừng lên xua tan bóng tối, soi đường chỉ lối cho anh. “Bừng nắng hạ” - đó là ánh nắng mùa hè chói chang, mạnh mẽ và rực rỡ, đủ để soi rọi sau những ngày tăm tối. Đó là ánh sáng đến từ “trong tôi”, từ trái tim người chiến sĩ trẻ. Sự xuất hiện của lí tưởng Đảng, của cách mạng đã soi sáng cho tâm hồn nhà thơ, như soi rọi cả những góc khuất nhất trong con người, khiến cho cả con người người chiến sĩ trẻ bừng tỉnh ngộ sau những đêm dài tối tăm.
“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Tố Hữu đã ví “hồn tôi” với “vườn hoa lá”. Với cách so sánh độc đáo này, nhà thơ đã khiến một thứ vô hình trở nên hữu hình, sinh động trước mắt người đọc. Tâm hồn người chiến sĩ trẻ, được ví như một vườn hoa lá, được tắm ánh mặt trời ấm áp và đang sinh sôi nảy nở rất tươi tốt, đầy những thứ hoa thơm quả ngọt, rất “đậm hương”, thu hút bao nhiêu chim chóc về đây, rộn ràng ca hót. Đây có thể coi là một khổ thơ hay nhất, sinh động nhất trong bài thơ, khiến cho người đọc cũng có thể cảm nhận được sự háo hức, say sưa, rạo rực và tràn đầy nhiệt huyết của nhà thơ khi tìm được lí tưởng của mình.
Từ giác ngộ lí tưởng, người chiến sĩ trẻ tuổi tiếp tục chọn cho mình một lẽ sống mới:
“ Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải khắp muôn nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”
Nhà thơ tự nguyện “buộc” lòng mình với mọi người, tự nguyện gắn mình với những người dân lao động, với tất cả đồng bào Việt Nam. Ông tự nhận mình cũng là một người đứng trong hàng ngũ những người dân lao động, cùng ăn, cùng ngủ, cùng chia sẻ cay đắng ngọt bùi với nhau, để trở thành một gia đình lớn. Tình cảm trang trải khắp nơi, họ yêu thương nhau, đùm bọc lẫn nhau. Những người cùng khổ, họ dễ cảm thông, chia sẻ với nhau hơn. Từ “khối đời” là một từ rất trừu tượng, nhưng đã khái quát được lòng mong ước xây dựng một tập thể quần chúng vững chắc, gần gũi, thân thiết như ruột thịt để tạo nên một sức mạnh không gì sánh nổi.
Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu
Bốn câu thơ tiếp theo là sự khẳng định của nhà thơ về vai trò, vị trí của mình:
“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ”
Tố Hữu hòa mình với nhân dân, đã tự nguyện trở thành con, thành em, thành anh của bao quần chúng lao động cực khổ, những con người với kiếp sống “phôi pha”, sống hôm nay chưa biết đến ngày mai, những kiếp sống mòn mỏi đáng thương, những đứa trẻ tội nghiệp nghèo khổ đói rách. Từ “là” được nhà thơ sử dụng lặp đi lặp lại, như khẳng định một cách chắc chắn mối quan hệ giữa mình và nhân dân lao động, cũng như một lời khẳng định vai trò của mình đối với người dân, với cộng đồng và xã hội. “Cù bất cù bơ” - một tính từ vô cùng mới mẻ, như những lời nói thường ngày của những người lao động nói chuyện với nhau. Cuộc sống bơ vơ, tác giả nói mình, nhưng cũng là nói chung những người dân quanh mình, những người anh em của mình, đồng thời bày tỏ lòng xót thương của nhà thơ trước tình cảnh bất công, trái ngang của cuộc đời.
“Từ ấy” là tiếng reo vui không chỉ của nhà thơ, mà còn là của cả một thế hệ thanh niên khi tìm thấy lí tưởng của Đảng, nguyện chiến đấu hết mình vì lí tưởng, vì nhân dân, vì đất nước. Họ là những người chiến sĩ trẻ, mang trong mình nhiệt huyết, mang trong mình lí tưởng, và lòng yêu thương đồng bào, yêu thương đất nước. Có thể nói, thơ của Tố Hữu là thơ của nhân dân, những lí tưởng cao đẹp được diễn tả bằng những từ ngữ lãng mạn nhưng cũng vô cùng giản dị, gần gũi, là đại diện cho một lớp nhà thơ mới.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập Ngữ văn Lớp 11 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư