"Vì mưu tính việc lớn, chọn đóng ở chỗ trung tâm, lo cho con cháu hàng muôn đời. Trên kinh vâng mệnh trời, dưới làm theo ý dân, thấy tiện lợi mới dời đô"...
Sau khi Ngọa Triều chết (tháng ll-909) Lý Công Uẩn được dân chọn lên làm vua, qua những tiếng sấm truyền. Và ông vua tài đức này đã không phụ lòng dân. Ông đã làm một cuộc dời đô vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, sáng tạo văn hoá Thăng Long, nay thành thủ đô Hà Nội gần một nghìn năm văn hiến. Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn công bố năm 1010 là một áng văn tuyệt tác mở ra nền văn hoá Thăng Long.
Chiếu dời đô, đến nay đã được chứng minh là một tầm nhìn thiên niên kỷ. Phân tích Chiếu dời đô, chúng ta sẽ thấy tầm vóc của một ông vua Việt Nam, đi suốt thời gian, đi suốt không gian, nhìn trước nghìn năm, bồi đắp nên văn hoá và sự sống.
1 - "Chiếu dời đô”, thể hiện một học vấn uyên bác, một tinh thần học tập nhân loại:
Trong Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn đã học tập Bàn Canh, vua thứ mười bảy của nhà Thương (Trung Quốc) năm lần dời đô. Lịch sử Trung Quốc kể cuộc dời đô của Bàn Canh vô cùng vất vả. Đại đa số quý tộc luyến tiếc cuộc sống an nhàn, không muốn dời đô. Một số kẻ có thế lực còn xúi giục nhân dân nổi dậy. Bàn Canh không lay chuyển, đã quyết vượt sông Hoàng Hà đến đất Ân làm phục hưng triều Thương. Mới đầu đô ở đất Bạc, sau lần lượt dời đô đến các đất Hiệu: Tương, Cảnh, Hình, Ân (khoảng mười bốn thế kỷ trước Công nguyên). Lý Công Uẩn còn học vua Thành Vương đời thứ ba nhà Chu (Trung Quốc), khoảng một mười thế kỷ trước Công nguyên, cũng ba lần dời đô vì muốn tìm nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu.
2. "Chiếu dời đô" chứa đựng một tinh thần phê phán
Tìm ra chỗ yếu kém của các vua Đinh, Lê khinh thường quy luật, không noi theo gương sáng của Thương, Chu, cứ chịu đóng đô ở Hoa Lư rừng núi, lụt lội, ẩm, thấp, không tiện đi lại khiến cho "trăm họ hao tổn, muôn vật không được thích nghi". Lý Công Uẩn có một cái nhìn vượt xa các thế hệ trước ông. Và ông đã dám "dời non, lấp bể" để xây nghiệp lớn, không phụ thuộc vào cái có sẵn, không chịu đi trên những con đường mòn cũ, lạc hậu.
3. "Chiếu dời đô, có một tầm nhìn xuyên suốt thời gian, không gian, một cảm quan vũ trụ, một triết lý nhân sinh phương Đông (Thiên - Địa - Nhân) hợp nhất. Lý Công Uẩn đã phân tích thành Đại La “ở vào nơi trung tâm trời đất được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi ". Ông còn thấy được hướng núi, hướng sông, địa thế bằng phẳng, đất cao mà thoáng, là nơi tụ hội của bốn phương". Lý Công Uẩn là một nhà địa lý, nhà khoa học, nhà triết học phương Đông luôn hành động vì cuộc sống của dân.
4. "Chiếu dời đô" là lòng yêu nước thương dân toả sáng muôn đời.
Ngôn ngữ của Lý Công Uẩn trong Chiếu dời đô sắc gọn, giàu ý chí, nhưng tất cả đều hướng về mục đích vì dân “tính kế muôn đời cho con cháu, "dân khỏi chịu cảnh khốn khổ , 'phong tục phồn phinh”; "chốn tụ hội bốn phương"... Rõ ràng Lý Công Uẩn là một ông vua yêu hoà bình, lo xây dựng cơ ngơi cho dân chúng làm ăn, no đủ, xây dựng văn hoá, phong tục đẹp đẽ. Tinh thần yêu nước, thương dân của Lý Công Uẩn khó có ông vua nào sánh kịp.Từ tư tưởng văn hoá trong Chiếu dời đô, sau khi dời đô, Lý Công Uẩn đã thực sự xây nền văn hoá Thăng Long qua việc đặt tên cho quốc đô là Thăng Long. Nhanh chóng xây dựng, sửa chữa nhiều chùa chiền ở nội ngoại thành Thăng Long, xoá bỏ thuế cho dân và mời các thiền sư (lúc đó là các bậc trí thức của dân tộc) vào cố vấn cho nhà vua. . . Đặc biệt Lý Công Uẩn coi trọng truyền bá Phật giáo, tạo nên nét văn hoá dân tộc độc đáo truyền đến ngày nay.
Mười chín năm làm vua (l009 - l028), Lý Công Uẩn đã mưu tính việc lớn, lo cho con cháu hàng muôn đời". Đó là bài học lớn mãi mãi sáng soi qua Chiếu dời đô.
Kính trọng một ông vua đầy tài năng và sáng tạo,mchúng tôi tìm về chùa Thiên Tâm (Bắc Ninh), nơi thiền sư Vạn Hạnh trụ trì và nuôi dạy Lý Công Uẩn. Từ trong ngôi chùa cổ nghìn năm, như vẳng lên tiếng ngâm thơ của cậu bé Lý Công Uẩn nghịch ngợm:
Trời làm chăn gối, đất làm đệm
Nhật nguyệt cùng ta ngủ trước song
Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi
Chỉ sợ lăn kềnh cả núi sông
Đó phải chăng là tiếng nói của những tài năng? Họ ý thức được việc làm của họ trước vận mệnh dân tộc. Xin hãy cùng chúng tôi lắng nghe và suy ngẫm những thông tin của một nghìn năm văn hoá Thăng Long, bạn sẽ nhận ra nhiều điều thú vị.