Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích vẻ đẹp người anh hùng Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng

4 trả lời
Hỏi chi tiết
467
1
0
Trần Thị Huyền Trang
12/05/2019 09:18:21
Từ Hải xuất hiện trong tác phẩm, trước hết là một anh hùng cái thế, đầu đội trời chân đạp đất. Khi cứu Kiều ra khỏi lầu xanh, là vì việc nghĩa, là vì trọng Kiều như một tri kỉ. Nhưng khi kết duyên cùng Kiều, Từ thực sự là một người đa tình. Song dẫu đa tình, Từ không quên mình là một tráng sĩ. Trong xã hội phong kiến, đã làm thân nam nhi phải có chí vẫy vùng giữa đất trời cao rộng. Từ Hải là một bậc anh hùng có chí lớn và có nghị lực để đạt được mục đích cao đẹp của bản thân. Chính vì thế, tuy khi đang sống với Kiều những ngày tháng thực sự êm đềm, hạnh phúc nhưng Từ không quên chí hướng của bản thân. Đương nồng nàn hạnh phúc, chợt "động lòng bốn phương", thế là toàn bộ tâm trí hướng về "trời bể mênh mang", với "thanh gươm yên ngựa" lên đường đi thẳng.
Không gian trong hai câu thứ ba và thứ tư (trời bể mênh mang, con đường thẳng) đã thể hiện rõ chí khí anh hùng của Từ Hải.
Tác giả dựng lên hình ảnh "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong" rồi mới để cho Từ Hải và Thuý Kiều nói lời tiễn biệt. Liệu có gì phi lôgíc không ? Không, vì hai chữ "thẳng giong" có người giải thích là "vội lời", chứ không phải lên đường đi thẳng rồi mới nói thì vô lí. Vậy có thể hình dung, Từ Hải lên yên ngựa rồi mới nói những lời chia biệt với Thuý Kiều. Và, có thể khẳng định cuộc chia biệt này khác hẳn hai lần trước khi Kiều từ biệt Kim Trọng và Thúc Sinh. Kiều tiễn biệt Kim Trọng là tiễn biệt người yêu về quê hộ tang chú, có sự nhớ nhung của một người đang yêu mối tình đầu say đắm mà phải xa cách. Khi chia tay Thúc Sinh để chàng về quê xin phép Hoạn Thư cho Kiều được làm vợ lẽ, hi vọng gặp lại rất mong manh vì cả hai đều biết tính Hoạn Thư, do đó gặp lại được là rất khó khăn. Chia tay Từ Hải là chia tay người anh hùng để chàng thoả chí vẫy vùng bốn biển. Do vậy, tính chất ba cuộc chia biệt là khác hẳn nhau.
Lời Từ Hải nói với Kiều lúc chia tay thể hiện rõ nét tính cách nhân vật. Thứ nhất, Từ Hải là người có chí khí phi thường. Khi chia tay, thấy Kiều nói :
Nàng rằng : "Phận gái chữ tòng,
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi".
Từ Hải đã đáp lại rằng :
Từ rằng : "Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình".
Trong lời đáp ấy bao hàm lời dặn dò và niềm tin mà Từ Hải gửi gắm nơi Thuý Kiều. Chàng vừa mong Kiều hiểu mình, đã là tri kỉ thì chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, vừa động viên, tin tưởng Kiều sẽ vượt qua sự bịn rịn của một nữ nhi thường tình để làm vợ một người anh hùng. Chàng muốn lập công, có được sự nghiệp vẻ vang rồi đón Kiều về nhà chồng trong danh dự
Quả là lời chia biệt của một người anh hùng có chí lớn, không bịn rịn một cách yếu đuối như Thúc Sinh khi chia tay Kiều. Sự nghiệp anh hùng đối với Từ Hải là ý nghĩa của sự sống. Thêm nữa, chàng nghĩ có làm được như vậy mới xứng đáng với sự gửi gắm niềm tin, với sự trông cậy của người đẹp.
Thứ hai, Từ Hải là người rất tự tin trong cuộc sống
Từ ý nghĩ, đến dáng vẻ, hành động và lời nói của Từ Hải trong lúc chia biệt đều thể hiện Từ là người rất tự tin trong cuộc sống. Chàng tin rằng chỉ trong khoảng một năm chàng sẽ lập công trở về với cả một cơ đồ lớn.
Trong đoạn trích, tác giả đã sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn từ Hán Việt và ngôn ngữ bình dân, dùng nhiều hình ảnh ước lệ và sử dụng điển cố, điển tích. Đặc biệt, nhân vật Từ Hải được Nguyễn Du tái tạo theo khuynh hướng lí tưởng hoá. Mọi ngôn từ, hình ảnh và cách miêu tả, Nguyễn Du đều sử dụng rất phù hợp với khuynh hướng này.
Về từ ngữ, tác giả dùng từ trượng phu, đây là lần duy nhất tác giả dùng từ này và chỉ dùng cho nhân vật Từ Hải. Trượng phu nghĩa là người đàn ông có chí khí lớn. Thứ hai là từ thoắt trong cặp câu :
Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Nếu là người không có chí khí, không có bản lĩnh thì trong lúc hạnh phúc vợ chồng đang nồng ấm, người ta dễ quên những việc khác. Nhưng Từ Hải thì khác, ngay khi đang hạnh phúc, chàng "thoắt" nhớ đến mục đích, chí hướng của đời mình. Tất nhiên chí khí đó phù hợp bản chất của Từ, thêm nữa, Từ nghĩ thực hiện được chí lớn thì xứng đáng với niềm tin yêu và trân trọng mà Thuý Kiều dành cho mình. Cụm từ động lòng bốn phương theo Tản Đà là "động bụng nghĩ đến bốn phương" cho thấy Từ Hải "không phải là người một nhà, một họ, một xóm, một làng mà là người của trời đất, của bốn phương" (Hoài Thanh). Hai chữ dứt áo trong Quyết lời dứt áo ra đi thể hiện được phong cách mạnh mẽ, phi thường của đấng trượng phu trong lúc chia biệt.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Hoàng Hà Chi
12/05/2019 09:18:48
Kiều bị lừa vào lầu xanh lần thứ 2, tâm trạng nàng vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. May sao Từ Hải đột ngột xuất hiện, đã xem Kiều như tri kỉ và chuộc nàng thoát khỏi lầu xanh. Cả 2 đều là những con người thuộc tầng lớp thấp kém (một gái lầuxanh, một tướng giặc) bị xã hội phong kiến thối nát lúc bấy giờ ruồng rẫy, coi thường, và họ đã đến với nhau trong 1 tình cảm gắn bó của đôi tri kỉ. Từ Hải đánh giá cao sự thông minh, khéo léo của Kiều và ngược lại Kiều nhận ra ở Từ Hải có chí khí anh hùng hiếm có trong thiên hạ, đồng thời cũng là người duy nhất có thể giải thoát cho nàng.Nhưng dù yêu thương,trân trọng Từ Hải, Kiều cũng không thể giữ chân bậc anh hùng cái thế.Đã đến lúc Kiều để Từ Hải ra đi lập sự anh hùng.Tính cách và chí khí của Từ Hải được biểu hiện qua cách sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn từ Hán Việt,ngôn ngữ bình dân,dùng nhiều hình ảnh ước lệ và sử dụng điển cố,điển tích.Đặc biệt nhân vật Từ Hải được Nguyễn Du tái tạo theo khuynh hướng lí tưởng hóa.Mọi ngôn từ,hình ảnh và cách miêu tả Nguyễn Du đều sử dụng rất phù hợp với khuynh hướng này.
“Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”.
“Nửa năm” là khoảng thời gian chung sống của Từ Hải và Kiều,thời gian chưa đủ dài để dập tắt hương lửa nồng nàn của “trai anh hùng,cái thuyền quyên”.Vậy nhưng,Từ Hải vội dứt áo ra đi,Từ không quên mình là một tráng sĩ.Trong xã hội phong kiến,đã làm thân nam nhi phải có chí vẫy vùng giữa trời đất cao rộng.Tác giả dùng từ “trượng phu” đây là lần duy nhất tác giả dùng từ này và dùng cho nhân vật Từ Hải.”Trượng phu” nghĩa là người đàn ông có chí khí lớn.Từ “thoắt” nghĩa là nhanh chóng trong khoảng khắc bất ngờ.Đó là cách xử sự bất thường,dứt khoát của Từ Hải.Nếu là người không có chí khí,không có bản lĩnh thì trong lúc hạnh phúc vợ chồng đang nồng nàn người ta dễ quên những việc khác.Nhưng Từ Hải thì khác,ngay khi đang hạnh phúc,chàng “thoắt” nhờ đến mục đích,chí hướng của đời mình .Tất nhiên chí khí đó phù hợp với bản chất của Từ Hải,hơn nữa,Từ Hải nghĩ thực hiện được chí lớn thì mới xứng đáng với niềm tin yêu và trân trọng mà Thúy Kiều dành cho mình .Cụm từ “động lòng bốn phương” theo Tản Đà là “động bụng nghĩ đến bốn phương”cho Từ Hải “không phải người một nhà,một họ,một xóm,một làng mà là người của trời đất,của bốn phương”(Hoài Thanh).Chính vì thế,chàng hướng về “trời bể mênh mang”,với “thanh gươm yên ngựa” lên đường đi thẳng:
“Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong”.
Không gian trời bể mênh mang,con đường thẳng đã thể hiện rõ chí khí anh hùng của Từ Hai.Tác giả dựng lên hình ảnh “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong”rồi mới để cho Từ Hải và Thúy Kiểu nói lời tiễn biệt.Liệu có gì phi lôgic không?Không,vì hai chữ “thẳng dong” có người giải thích là “vội lời”,chứ không phải lên đường đi thẳng rồi mới nói lời tiễn biệt.Ta có thể hình dung,Từ Hải lên yên ngựa rồi mới nói những lời chia biệt với Thúy Kiều.Lời Từ Hải nói với Thúy Kiều lúc chia tay thể hiện rõ rính cách nhân vật.Thứ nhất,Từ Hải là người có chí khí phi thường,khi chia tay thấy Kiểu nói:
Nàng rằng : “Phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.
Từ Hải đã đáp lại rằng:
Từ rằng : ”Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”.
Trong lời đáp ấy bao hàm lời dặn dò và niềm tin mà Từ Hải gửi gắm nơi Thuý Kiều. Chàng vừa mong Kiều hiểu mình, đã là tri kỉ thì chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, vừa động viên, tin tưởng Kiều sẽ vượt qua sự bịn rịn của một nữ nhi thường tình để làm vợ một người anh hùng. Chàng muốn lập công, có được sự nghiệp vẻ vang rồi đón Kiều về nhà chồng trong danh dự :
Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia".
Quả là lời chia biệt của một người anh hùng có chí lớn, không bịn rịn một cách yếu đuối như Thúc Sinh khi chia tay Kiều. Sự nghiệp anh hùng đối với Từ Hải là ý nghĩa của sự sống. Thêm nữa, chàng nghĩ có làm được như vậy mới xứng đáng với sự gửi gắm niềm tin, với sự trông cậy của người đẹp.
Thứ hai, Từ Hải là người rất tự tin trong cuộc sống :
Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì !
Từ ý nghĩ, đến dáng vẻ, hành động và lời nói của Từ Hải trong lúc chia biệt đều thể hiện Từ là người rất tự tin trong cuộc sống. Chàng tin rằng chỉ trong khoảng một năm chàng sẽ lập công trở về với cả một cơ đồ lớn.
Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi
Hai chữ “dứt áo” thể hiện phong cách mạnh mẽ,phi thường của đấng trượng phu trong lúc chia biệt.Hình ảnh “Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”là một hình ảnh so sánh đẹp đẽ và đầy ý nghĩa.Tác giả muốn ví Từ Hải như chim bằng cưỡi gió bay cao,bay xa ngoài biển lớn.Không chỉ thể trong câu thơ còn diễn tả được tâm trạng của con người khi được thỏa chí tung hoành “diễn tả một cách khoái trá trong giây lát con người phi thường rời khỏi nơi tiễn biệt”.Chia li và hội ngộ,hội ngộ và chia li,hai sự kiện trái ngược và nối tiếp chia cái đời thường của mỗi người ra thành những chặng đường giàu ý nghĩa hơn.Phải,nếu không có chia li và hội ngộ,cuộc sống chỉ là một dòng chảy đơn điệu và tẻ nhạt.Nếu hội ngộ là sướng vui,hạnh phúc thì chia li là sầu muộn,đau buồn.Có lẽ vì thế mà thơ ca viết về chia li nhiều hơn,thấm thía hơn?Trong “Truyện Kiều” Nguyễn Du đã ba lần khắc họa những cuộc chia biệt.Đó là Kiều tiễn Kim Trọng về quê hộ tang chú,ở đó có sự nhớ nhung của một người đang yêu mối tình đầu say đắm.Đó là cuộc chia tay Thúc Sinh để chàng về quê xin phép Hoạn Thư cho Kiều được làm vợ lẻ,hi vọng gặp lại mong manh.Cuộc chia tay Từ Hải là chia tay người anh hùng để chàng thỏa chí vẫy vùng bốn biển.Do vậy tính chất ba cuộc chia biệt là hoàn toàn khác hẳn nhau.Vậy nhưng,bằng tài hoa của một người nghệ sĩ bậc thầy,Nguyễn du đã khắc họa thành công chân dung nhân vật Từ Hải với những dấu ấn riêng biệt.
Dưới hình thức một cuộc chia li,đoạn trích “Chí khí anh hùng” mang chở khát vọng tự do,công lí của Nguyễn Du.Từ Hải như một con đại bàng vỗ cánh làm xáo động cả đất trời.Chỉ có đôi cánh ấy mới che chở được những nạn nhân sống dưới gần trời tăm tối của thể giới “Truyện Kiều”.
0
0
Ori
12/05/2019 09:19:06
Sau nửa năm chung sống, Kiều và Từ Hải có một mái ấm gia đình, đương lúc tình cảm giữa hai người nồng đượm nhất, Từ Hải lại "thoắt động lòng bốn phương". Người đời nói rằng anh hùng chí ở bốn phương, Nguyễn Công Trứ lại có câu "Chí làm trai nam bắc đông tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể". Nam nhi chi chí, đầu đội trời, chân đạp đất, sống là phải làm rạng danh dòng họ, rạng danh gia đình, "Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh". Có lẽ chính chế độ phong kiến đã tách Từ Hải ra khỏi Kiều – bởi chính chế độ ấy đã đem tư tưởng nam nhi áp đặt lên đầu chàng. Nhưng cũng chính tư tưởng ấy khiến chàng bảo vệ nàng, tạo nên nét riêng của chàng.
“Nửa năm hương lửa đương nồng​
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”​
Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng
Và Từ Hải đã luôn ở trong vị thế sẵn sàng – chàng luôn cầm chắc thanh gươm, yên ngựa luôn được đặt sắn – chàng biết chẳng chóng thì chầy chàng cũng sẽ ra đi. Chàng đã chuẩn bị sẵn tinh thần để không lưu luyến, bịn rịn, vì chàng là một nam tử hán, "nam nhân thà rơi máu chứ không rơi lệ".
“Trông vời trời bể mênh mang​
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.”​
Không gian xung quanh – rộng lớn, bao la, khoáng đạt, mênh mang đến cùng trời cuối bể – như khắc họa thêm vào bóng lưng quyết liệt, dứt khoát của chàng. Chàng như hòa vào với trời đất, chàng như trở nên khổng lồ – vì ý chí và hoài bão – vươn đến tận vũ trụ xa xôi.
“Quyết lời dứt áo ra đi​
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”​
Từ Hải như không còn là một người thường nữa – Nguyễn Du tả chàng như một vị tiên nhân – lướt gió, đạp mây mà đi – vượt bể, vượt núi cao, vượt qua bao sóng gió. Lòng chàng vẫn không thay đổi – chàng vẫn ‘quyết lời’, vẫn ‘dứt áo ra đi’. Bởi:
“Sinh vi nam tử yếu hy kỳ​
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di”​
Chàng muốn cho Kiều một cuộc sống hạnh phúc. Chàng tự tin vào tài năng của mình, giống như cách Đào Uyên Minh tự tin "Thiếu thời tráng thả lệ/ Vũ kiếm độc hành du”.
“Bao giờ mười vạn tinh binh​
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường​
Làm cho rõ mặt phi thường​
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”​
Chàng muốn cho Kiều một cuộc sống hạnh phúc
Từ Hải tin rằng chàng sẽ thực hiện được hoài bão của mình – ấy là trở thành một vị tướng quân dẫn "mười vạn tinh binh", chiêng trống "dậy đất", cờ xí "rợp đường". Mọi người rồi sẽ biết chàng tài năng thế nào. Đến lúc ấy, chàng sẽ cho kiệu tám người khiêng, đường đường chính chính rước Kiều vào phủ đệ – để Kiều làm một vị phu nhân, để những kẻ từng hãm hại Kiều phải ngày đêm sợ hãi. Việc ấy sẽ không lâu, "chầy chăng là một năm sau vội gì".
“Nàng rằng: Phận gái chữ tòng​
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi​
Từ rằng: Tâm phúc tương tri​
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”​
Từ Hải một mặt trách Kiều "sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình", một mặt lại lo lắng cho nàng:
“Bằng nay bốn bể không nhà​
Theo càng thêm bận biết là đi đâu”​
Chàng cũng rất mâu thuẫn – chàng muốn vợ mình cũng là một cô gái phóng khoáng, hiệp nghĩa để sánh đôi với chàng, tựa như Mộc Lan trong thơ của Đào Uyên Minh:
“Vạn dặm đi theo quân​
Vượt núi ải như bay​
[...]Tướng quân đánh trăm trận rồi chết​
Tráng sĩ mười năm mới trở về”​
Nhưng đồng thời, Từ Hải cũng không muốn Kiều phải chịu khổ sở – buổi đầu anh hùng lập nghiệp, ngao du tứ phương xem đất tựa giường, rơm tựa nệm chăn. Một tiểu thư khuê các như Kiều sao có thể chịu khổ như vậy? Đó là tấm lòng nghĩ cho vợ, tấm lòng hết sức tình cảm của một kẻ võ biền, thật đáng quý biết bao.
Nguyễn Du đã xuất sắc miêu tả một Từ Hải – một con người bình thường, với những hoài bão và ý chí to lớn, với những hành động phi thường, và rồi lại trở lại như một người chồng quen thuộc – một người chồng luôn lo lắng, quan tâm đến vợ.
John S.Mill từng nhận định rằng: “Châm ngôn sự thật luôn chiến thắng tội ác là lời dối trá ngọt ngào nhất mà con người cứ nhắc đi nhắc lại cho đến khi nó trở nên phổ biến. Lịch sử tràn ngập ví dụ về lòng bác ái và sự thật bị quật ngã bởi tội ác.” Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng như vậy. Dù đưa vào nhân vật Từ Hải – một anh hùng trong mắt Kiều và những người có số phận như Kiều hay phường giặc cỏ trong mắt triều đình phong kiến, nhưng cuối cùng, chàng vẫn bị quật ngã trước những thế lực đen tối xấu xa. Thế nhưng, chỉ với một đoạn xuất hiện ngắn ngủi, Từ Hải cũng đã soi sáng khát khao về một cuộc sống công bằng và hạnh phúc – một cuộc sống lý tưởng cho tất cả mọi người của Nguyễn Du.
0
0
Quỳnh Anh Đỗ
06/06/2019 18:48:37
Từ Hải là một giấc mơ của Nguyễn Du,giấc mơ anh hùng,giấc mơ tự do và công lý.Cho nên Từ Hải là một người chí khí,một người siêu phàm. Con người ấy đến từ một giấc mơ và ở lại như một huyền thoại. Hiện diện trong “Truyện Kiều” như một nhân cách sử thi,Từ Hải đã làm nên những trang sôi động nhất,hào sảng nhất trong cái thế giới buồn đau dằng dặc của “Đoạn Trường Tân Thanh”. Đoạn trích “Chí Khí Anh Hùng” là một đoạn trích tiêu biểu khắc họa rõ nét chí khí anh hùng của Từ Hải.
Có thể nói trong đoạn trích này, Nguyễn Du đã xây dựng một hình tượng nhân vật Từ Hải hoàn toàn mới so với hình tượng nhân vật này trong “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, ở “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hình tượng Từ Hải giống như một tướng cướp đã bị lược bỏ, thay vào đó là một hình tượng Từ Hải như một vị anh hùng tuyệt đẹp, phi thường. Hình tượng này là sự hợp nhất của hình tượng nhân vật có tính ước lệ – là nghệ thuật miêu tả nhân vật đặc sắc của Nguyễn Du và hình tượng con người vũ trụ với nét vĩ đại, lớn lao.
Sau khi bị mắc bẫy và rơi vào chốn lầu xanh lần thứ hai, Kiều luôn sống trong tâm trạng đau khổ, giày vò. Giữa lúc ấy, Từ Hải xuất hiện như một vị cứu tinh giúp Kiều thoát khỏi chốn lầu xanh đầy nhơ nhớp ấy. Nhưng tình yêu giữa Thúy Kiều và Từ Hải vẫn không thể nào che khuất đi ước mơ gây dựng một sự nghiệp lớn lao ở con người này. Đó chính là lí do mà khi mối tình của họ vừa chớm nở được “nửa năm” thì Từ Hải đã tiếp tục lên đường với khát khao cháy bỏng gây dựng sự nghiệp của mình:
Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong
Mặc dù trong thời gian sáu tháng, tình yêu của họ luôn nồng nàn, cháy bỏng nhưng với chí lớn và khát khao công danh nghiệp lớn Từ Hải thoắt đã “động lòng bốn phương”. “Lòng bốn phương” ở đây là hình ảnh tượng trưng, ước lệ cho chí nguyện lập công danh, sự nghiệp của Từ Hải. Hình ảnh “trời bể mênh mang” cũng mang ý nghĩa tương tự như vậy. Chúng như một sự ước lệ tạo nên một tầm vóc lớn lao, phi thường cho Từ Hải. Có thể nói tình yêu hay bất cứ một cái gì cũng không đủ sức để ngăn cản được bước chân của chàng. Trong cả một tác phẩm dài, Nguyễn Du chỉ dành duy nhất một từ “trượng phu” cho Từ Hải như thể khẳng định một chí khí lớn ở chàng. Hình ảnh “thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” diễn tả một phong thái ung dung của người “trượng phu” trên con đường gây dựng sự nghiệp ấy.
Đối với Thúy Kiều, Từ Hải không chỉ như một người chồng mà còn như một vị ân nhân có ơn vô cùng lớn đã cứu Kiều thoát khỏi chốn lầu xanh ô nhục. Vì vậy, trước quyết tâm ra đi vì nghiệp lớn của chồng mình, Thúy Kiều đã xin đi theo để là người chăm sóc, nâng khăn sửa túi cho chàng:
Nàng rằng: Phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi
Nàng xin đi để được làm trọn chữ “tòng” vì theo nàng thì “xuất giá tòng phu” lấy chồng thì phải theo chồng, nguyện cùng chồng gánh vác mọi chuyện.
Nhưng lời Từ Hải đã quyết, như để làm an lòng Thúy Kiều:
Từ rằng: Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia
Trước lời xin đi theo của Thúy Kiều, Từ Hải như trách Kiều: “Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”’, đó cũng như một lời khuyên Kiều đừng xem nặng quá vấn đề “lấy chồng là phải theo chồng”, hãy xem nhẹ chuyện tình cảm vì sự nghiệp lớn lao của chồng. Với một quyết tâm, chí khí lớn lao, Từ Hải nói như hứa hẹn sẽ gây dựng được một cơ đồ to lớn, nắm chắc trong tay “mười vạn tinh binh” và chàng sẽ trở về để đón Kiều trong “tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp trời”. Lúc thành công quay trở lại cũng là lúc Từ Hải sẽ “rước nàng nghi gia”, đem lại địa vị và danh phận cho người mà chàng xem là tri âm tri kỉ. Những lời của Từ Hải vào khoảnh khắc tiễn biệt này càng làm rõ “chí khí anh hùng” của nhân vật này, thay vì những lời nói thể hiện sự bịn rịn, quyến luyến khi chia tay thì là những ước mơ, sự khẳng định nhất định sẽ thành công của chàng.
Từ Hải còn thể hiện chí khí của mình ở việc cho rằng Thúy Kiều đi theo sẽ “càng thêm bận” nhưng sâu thẳm bên trong là sự lo lắng cho Kiều khi đi theo sẽ phải chịu cực khổ, nay đây mai đó “bốn bể không nhà”:
Bằng ngay bốn bể không nhà
Theo càng thêm bận, biết là đi đâu
Chàng còn dám khẳng định chắc chắn thời gian mà mình sẽ quay về đó là khoảng thời gian một năm. Từ Hải khuyên Kiều ở nhà đợi chàng trở về trong sự chiến thắng vẻ vang, hiển hách:
Đành lòng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì.
Cách chia tay của Từ Hải rất khác biệt ở chỗ những lời chia tay được thay bằng những lời hứa vào một chiến thắng không xa, sự quyến luyến được thay bằng một quyết tâm vào tương lai.
Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi
Chàng dứt khoát ra đi với một quyết tâm sắt đá như cánh chim bằng khi đã cất cánh tung bay trên bầu trời thì phải bay thật xa mới nghỉ cũng như Từ Hải khi đã chiến thắng, thành công thì mới quay trở về.
Với đoạn trích “Chí khí anh hùng”, Nguyễn Du đã xây dựng được một hình tượng người anh hùng lí tưởng hoàn toàn mới. Có thể nói Nguyễn Du đã thực sự thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật này chính bằng tài năng nghệ thuật thể hiện ở sự sáng tạo độc đáo và sự đam mê văn chương của mình.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo