Với chúng tôi, những học trò lớp A niên khóa 1991- 1995 trường THCS Phạm Đình Quy, Tây Hòa, Phú Yên thì thầy Trần Xuân Ban là người thầy, người cha đáng kính. Xin bạn đừng nghi ngờ điều tôi nói. Tôi không khoa ngôn để “nịnh” thầy, để tung hô nghề giáo, xin thề, tôi nói thật. Người xưa dạy, “nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” ( một ngày làm thầy, cả đời làm cha), thầy Ban dạy Toán, chủ nhiệm tới ba năm liền thì đâu lạ gì chuyện học trò chúng tôi kính thầy như một người cha.
Còn nhớ, đó là năm 1991, tôi là học sinh duy nhất của trường Gò Ổi (phân trường tiểu học trong làng, nằm trên gò đất nhỏ, xung quanh toàn cây ổi ) vinh dự có mặt trong lớp chọn của ngôi trường bề thế ở huyện bên cạnh. Tôi cứ hất mặt lên vì thấy mình danh giá quá thể.
Biểu hiện của niềm kiêu hãnh “ếch ngồi đáy giếng” là tôi học hành có phần tắt nháy. Bị “báo ứng” liền. Cuối năm lớp 6, tôi là học sinh duy nhất của lớp ngôi sao có học lực trung bình, thi lại môn Toán. “Thấy muối mặt chưa ?” – chị Hai càm ràm rồi kết luận, đã dốt còn ham chơi. Hiểu lầm trầm trọng rồi, thì cũng có ham chơi tí đỉnh nhưng chưa đến nỗi bỏ bê việc học. Bằng chứng là mấy môn Văn, Sử tôi hàng tám phẩy mà. Chẳng thể giải thích nổi. Tôi học đều môn, thi tốt nghiệp lớp 5 hai môn Toán, Văn, tôi điểm 10, 9 nhưng khi trở thành học sinh THCS, tôi “dị ứng” với Toán. Tôi thấy ngán những phép tính và đặc biệt ghét những con số, đã khô như ngói lại cứ khiến người khác đau não. Tôi còn tin, nếu mình giỏi Toán thì sẽ khô cứng, đáng ghét như những con số vậy. Thế là tôi học tất cả các môn, trừ Toán.
Rồi tôi cũng ngoi lên lớp 7. Nhà trường thông báo thầy Ban sẽ chủ nhiệm và dạy Toán tới lớp 9 luôn. Chết chưa ??? Thầy Ban được các anh chị gọi lén sau lưng là “Ông thầy không biết cười”. Trời ơi ! Đã sợ môn Toán, giờ cộng thêm bi kịch – “ngán” ông thầy chủ nhiệm dạy Toán, tôi khủng hoảng trầm trọng. Nhìn thời khóa biểu, tôi duy nhất có một mơ ước to bự là, giá như trường học đừng có môn Toán. Vì trường học không thể chỉ có Văn, Sử nên cứ đến tiết Toán thì y như rằng tôi chỉ muốn đất nứt ra một lỗ lớn rồi chui ào xuống cho xong. Khổ thân lắm, vì điều ấy không xảy ra nên tôi ngồi học bằng tâm trạng sợ hãi, chăm chú nhìn nhưng là nhìn … xuống đất. Tôi lí lẽ thế này, nếu nhìn lên bảng, thầy sẽ “hiểu lầm” (tưởng hứng thú với Toán) rồi gọi đứng dậy trả bài là toi đời. Hồi ấy, tôi không thấy có điều hãi hùng nào lớn hơn việc bị “triệu” lên bảng làm Toán đâu.
Sẽ không bao giờ tôi quên được tiết học ngày hôm ấy. Là tiết Luyện tập, mấy bạn nhao nhao xung phong, tôi yên tâm chắc không đến phần đứa dốt như mình. Mới nghĩ xong thì tên bị gọi liền. Y như sét đánh bên tai, tôi giật thót, thiểu điều nhảy nhổm khỏi ghế. Lên bảng, tôi chân bước bụng run. Thầy nhắc lại “bí kíp” : bình tĩnh, đọc kĩ dữ liệu, xác định yêu cầu đề, vận dụng tất cả những kiến thức đã học để tìm cách giải quyết. “Bí kiếp” này tôi nghe thầy nói nhiều rồi nhưng lần này mới chịu ghi nhớ và vận dụng. May quá, tôi thở phào vì nó nằm trong khả năng. Nhận điểm 10 và lời khen: “Làm đúng, trình bày tốt! Hôm nay em khá lắm! ”, tôi mừng đỏ mặt dù đủ thông minh để hiểu, với bài toán dễ thì lời khen như thế là “hào phóng”. Nhưng tôi vẫn phấn khởi tưng bừng. Kể đến đây chắc bạn đã hình dung được sức mạnh của lời khen đó rồi chứ gì ? Còn phải nói, nó y như một liều doping học tập. Tin không, tôi đã ẵm nguyên si một em 10 môn Toán trong kì thi Tú Tài đấy.
Hôm đó, cùng lên bảng với tôi còn có Võ Thị Thủ. Nhỏ là tay Toán cừ khôi nhưng cũng lúng túng khi được “triệu” lên bảng. Đầu đuôi cũng từ thằng Sang ma quỷ, nghe thầy gọi họ tên nàng, nó nói to “Lúc nào cũng “thủ võ”!”, thế là cả lớp cười ồ. Thầy nghiêm mặt nhìn xuống lớp và ôn tồn: Bạn của thầy ngày xưa phải bỏ học vì cái tên – Nguyễn Nhũng Nhiễu - bị trêu chọc suốt. Thầy đã gặp ba mẹ bạn Thủ và cùng đến chính quyền địa phương, tiếc là không đổi giấy khai sinh được. Cuối cùng, ba mẹ bạn đồng ý với phương án, tất cả chúng ta hãy gọi bạn là Thư, và hãy xem đó là tên thường gọi của bạn.
Từ sau tiết học hôm đó, tôi khắc cốt ghi tâm bài học chế giễu người khác là tội ác, và tôi cũng xóa đi cái định kiến ngu xuẩn, Toán khiến người ta khô khốc.
***
Chúng tôi xa trường, xa thầy, giao hẹn ngày 20/11 ở nhà thầy làm ngày họp lớp. Lần nào cũng vậy, về với thầy, chúng tôi không có quà cáp gì, không khí vẫn y như ngày xưa, ngày chúng tôi còn là những cô cậu học trò lam lũ, 20/11 đến nhà thầy thập thò ngoài cửa, thầy sẽ ra dẫn vào, bày xoong nồi, đúc bánh xèo…
Riêng tôi, vì những lí do tế nhị mà mấy năm gần đây không tham gia họp lớp. Hôm trước tình cờ gặp lại Thư, nhỏ nói:
- Thầy nhắc mầy miết ! Chuyện của mầy thầy biết hết!
Tôi dù rất xúc động vẫn vờ nói:
- Hơn mười năm không họp lớp, tưởng thầy quên tui rồi chớ !
- Mầy quên thầy thì có!
Thư nói nhẹ nhàng nhưng tôi nghe ra lời trách mắng. Không đến thăm, đâu có nghĩa tôi quên thầy. Có trời làm chứng, tôi làm sao quên được người thầy đã thắp sáng ngọn lửa tâm hồn mình. Bằng chứng là khi đã trở thành một cô giáo, tôi nguyện làm sứ mệnh của một người truyền lửa như thầy. Bằng cách này hay cách khác, tôi luôn tìm cách giúp đỡ học sinh. Vẫn không dám nói mình đã làm được gì cho các em nhưng có một kỉ niệm làm tôi nhớ mãi: đó là năm đầu tiên làm công tác chủ nhiệm, lớp tôi có hai em học sinh tên Phạm Văn Pháp – bị bạn bè gọi là “Phạm Pháp”, Trần Thị Hợi – bị bạn bè trêu là “heo nái”, tôi liền nghĩ ngay đến bạn Thư nên đã thuyết phục phụ huynh làm lại giấy khai sinh cho các em vì luật pháp đã cho phép thay đổi tên họ (nếu cần). Và còn một điều quan trọng nữa là khi đứng trên bục giảng, tôi luôn tìm “cớ” khen ngợi học trò. Vì hơn ai hết, tôi biết sức mạnh của lời khen khi nó được đặt đúng chỗ.
Xin mượn lời của Alexander the Great để gửi đến thầy như lời tri ân cao đẹp nhất : “ Tôi mang ơn cha mẹ cho tôi sự sống nhưng tri ân thầy tôi đã dạy tôi sống đẹp