Không chỉ vậy, giữa ca dao và thơ ca bác học cũng có những giây phút gặp gỡ nhau về quan niệm, về cách nhìn những vấn đề trong đời sống. Thật vậy, ta có thể cảm nhận điều đó qua sự tương đồng về cảm xúc giữa những câu hát than thân trong chương trình Ngữ văn 7 và bài thơ Bánh troi nước của Hồ Xuân Hương.
"Bánh trôi nước" của Hồ Xuân Hương mượn hình ảnh viên bánh trôi để nói về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Số phận người phụ nữ trong xã hội đương thời cũng là một đề tài quan trọng của ca dao tục ngữ và "Bà Chúa thơ Nôm" đã học ở dân gian cách biểu đạt tư tưởng khá độc đáo. Điều đầu tiên để nhận thấy là nét tương đồng trong việc sử dụng cách mở đầu tác phẩm bằng cụm từ “Thân em...". Ca dao có nhiều câu:
Thân em như dải lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.
Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.
Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.
Thân em như áo mới may
Như cau bửa miếng bỏ trên khay trầu
Trăm năm không bỏ ngãi chàng đâu
Vì bà Nguyệt Lão đã bắc cầu lương duyên
Thân em như bông bưởi trắng ròng
Mùi thơm nức mũi, mà lòng sạch trong
Thân em như bông cúc trên trang
Thân anh như manh chiếu rách bạn hàng bỏ quên
Thân em như cá ở trong lờ,
Hết phương vùng vẫy, không biết nhờ nơi đâu?
Thân em như cá rô mề,
Lao xao buổi chợ biết về tay ai?
Thân em như cái sạp vàng
Anh như chiếu rách bên đàng bỏ quên
Lạy trời cho gió nổi lên
Cho manh chiếu rách bay lên sạp vàng.
Thân em như cánh hoa hồng
Lấy phải thằng chồng như cứt bò khô
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng buổi mai
Chớ chê em xấu em đen
Em như nước đục đánh phèn lại trong.
Thân em như chiếc giường ngà
Thân anh như chiếu rách, người mà ngồi trên
Trăm lạy ông trời cho gió nổi lên
Cho manh chiếu rách nằm trê giường ngà
Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen.
Ai ơi! nếm thử mà xem
Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùị
Thân em như cúc mọc bờ rào
Kẻ qua ngắt nhụy, người vào bẻ bông.
Thân em như gánh hàng hoa
Sớm đi chợ sớm, chiều quay chợ chiều
Thân em như giếng giữa đàng
Người khen rửa mặt, người phiền rửa chân
Thân em như giếng giữa đàng (giữa đường)
Người khôn rửa mặt, người phàm (thường) rửa chân.
Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng (giữa chợ) hạt vào vườn hoa
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày
Thân em như lọn hương trầm
Không cha không mẹ muôn phần cậy anh.
Thân em như miếng cau khô
Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày
Thân em như ớt chín cây
Càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Thân em như tấm lụa điều
Đã đông nơi chuộng lại nhiều nơi thương.
Thân em như thể bèo trôi,
Sóng dập gió dồi, biết ghé vào đâu?
Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi, biết tấp vào đâu?
Thân em như trái đào non
Không may số kiếp lấy con nhà giàu
Hắn cợt như thể con hầu
Nửa đêm còn phải thái rau, băm bèo
Thân em như trái me chua
Người chê cũng lắm, người ưa cũng nhiều
Và “Bánh trôi nước” cũng vậy: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”. Sử dụng từ Thân em... để mượn lời người phụ nữ tự nói về thân phận mình, tác giả dân gian và nữ sĩ Xuân Hương đều muốn nói lên cái bé nhỏ, bẽ bàng, cô độc của người phụ nữ trong xã hội xưa. Hai từ “Thân em..." mang ý nghĩa "thân phận của em" và cũng có thể là "tấm thân của em", hai từ ấy vang lên đầy hờn tủi, đầy xót xa.
Không chỉ vậy, cùng hướng ngòi bút về người phụ nữ, dân gian và Hồ Xuân Hương đều thấy được vẻ đẹp sáng ngời trong dáng dấp bên ngoài và những đức tính tốt đẹp bên trong của người phụ nữ. Ca dao ngợi ca họ là những "dải lụa đào" mềm mại, thanh nhã; là giếng khơi mát lành, trong trẻo; là “hạt mưa" rào giữa cơn khát của nhân gian... Còn "Bánh trôi nước" thì vô cùng trân trọng cái vẻ đẹp "vừa trắng lại vừa tròn" rất mực xinh xẻo, đáng yêu của họ. Không chỉ vậy, họ còn là người có công lao sánh ngang tầm non nước "Bảy nổi ba chìm với nước non". Đặc biệt, dẫu cuộc đời khó khăn, nhọc nhằn họ vẫn mang "tấm lòng son" chung thủy.
Người phụ nữ trong xã hội xưa quả thực rất vẹn toàn về dung nhan và phẩm hạnh.
Tuy nhiên, nhắc đến người phụ nữ, sau những hình ảnh rất đẹp đẽ ngợi ca họ, ca dao lại ngậm ngùi nhắc đến thân phận bọt bèo, bé nhỏ của họ giữa cuộc đời. Họ chỉ là “hạt mưa sa”, là "giếng giữa đàng", là dải lụa đào giữa chợ .. Không chỉ bé mọn mà họ còn không được tự chủ số phận của mình. Cuộc sống của họ là phần dành cho người khác: "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử". Ta cũng gặp tiếng thở dài ấy trong bài thơ của Hồ Xuân Hương:
"Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn"
Đời người phụ nữ vốn đã nhọc nhằn với bao việc bếp núc, chợ búa, con cái,... để mưu sinh, để tồn tại. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” dùng để diễn tả sự long đong, lận đận ấy. Nhưng xót thương nhất là họ không có quyền quyết định số phận mình. May hay rủi, hạnh phúc hay bất hạnh đều là do người khác: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”.
Vậy là, dù thuộc hai dòng văn học khác nhau, chọn những hình thức thể hiện khác nhau song giữa những bài ca dao và bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương đều có sự tương đồng về cảm xúc khi cảm nhận về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ: đó là những người đẹp người đẹp nết nhưng số phận lại vô cùng mong manh, bé nhỏ.
Hình ảnh người phụ nữ hiện lên qua chùm ca dao “Thân em...” và bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương là một biểu hiện quan trọng của tinh thần nhân dạo trong văn học Việt Nam.