Thơ là một khái niệm vô cùng quen thuộc với mọi người, ở đó có vần có nhịp, có ý nghĩa mà khi đọc lên mỗi con người sẽ có cảm nhận khác nhau. Mỗi người có quan niệm khác nhau về thơ hay, có người thì cho rằng chỉ cần ý thơ hay, nội dung thơ diễn tả được nội tâm, tâm hồn của người đọc thì đó là một tác phẩm hay. Thơ hay theo em là một sản phẩm thơ có vần có dịp, có ý nghĩa để bộc lộ tâm trạng, cảm xúc của mỗi nhà thơ với tác phẩm thơ đó của mình.
Mỗi người có một quan niệm khác nhau về thơ hay tùy thuộc vào cách mà họ cảm nhận về bài thơ đó như thế này. Có người rất thích thơ Tố Hữu vì nó gần gũi với con người, có mang dịp điệu của dân gian có những người lại thích thơ Xuân Diệu vì thơ Xuân Diệu đầy lưu luyến và chan chứa cảm xúc yêu say đắm trong tâm hồn. Có những người lại thích dòng thơ cách mạng, có người lại thích dòng thơ hiện đại… sở thích của mỗi người khác nhau nên quan niệm và cách nhìn về thơ khác nhau.
Thơ hay là một tác phẩm thơ có vần có nhịp. Ví như:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
-Tố Hữu-
Đoạn thơ trên có vần, có nhịp. Vần chân câu một xứng với vần chân câu ba, vần chân câu hai xứng với vần chân câu bốn làm cho bài thơ như có vần, có nhịp, có phách khiến cho người đọc như bị thu hút và gợi trí tò mò vần nhịp trong những khổ thơ tiếp theo.
Thơ hay là phải có màu sắc, có ngôn từ tượng hình, liên tưởng giúp người đọc hình dung, mường tượng ra nhân vật.
“Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”
Hình ảnh của chị em Thúy Kiều hiện lên một cách trang trọng dưới ngòi bút của Nguyễn Du. Câu thơ lục bát như một lời kể chuyện rủ rỉ, ngọt ngào, khơi gợi trí tò mò của người đọc với hai nhân vật trong tác phẩm của mình.
Hình ảnh phải nổi bật, phải đặc sắc nhưng cũng phải đảm bảo sự gần gũi với người đọc, người nghe bằng các biện pháp ẩn dụ trong chính câu thơ
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”
-Huy Cận-
Hình ảnh đẹp mà gần gũi với người dân làng chài, chính câu thơ của tác giả cho người đọc cảm nhận được cảnh hoàng hôn trên biển, cảnh mặt trời lặn không còn là khuất sau ngọn tre hay khuất sau ngọn núi nữa mà từ từ đi xuống phía chân trời và giống như chìm dần xuống biển. Hình ảnh ở đoạn thơ này rất đẹp, rất trong sáng, rất gần gũi khiến cho người ta cảm nhận tình yêu thương thiên nhiên với phong vị thường ngày mà họ vẫn nếm trải.
Thơ hay là phải có ý nghĩa, có dụng ý nghệ thuật. Người ta thường nói, thơ mà không có ý nghĩa thì không phải là thơ, cũng giống như văn xuôi hay truyện ngắn dù viết rất hay nhưng không có nội dung ý nghĩa thì đoạn văn xuôi đó cũng không có giá trị.
Thơ thì phải có ý nghĩa, dù không vần, không dịp nhưng không thể xa rời ý nghĩa và thông điệp được nhắn gửi phía sau nó. Có những bài thơ ở thể loại tự do, không một chút vần chút nhịp nào cả nhưng khi đọc lên lại có những xao xuyến nhất định ở trong lòng. Đó chính là việc đánh vào cảm xúc của người đọc.
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết tròng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó… “
-Nguyễn Khoa Điềm”
Một bài thơ về đất nước rất hay và ý nghĩa mặc dù bài thơ không có vần, có nhịp nhưng phần nào đã khơi lên khát vọng của tình yêu đất nước, yêu quê hương, yêu Tổ quốc.
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
-Xuân Diệu-
Thơ hay là đẹp về tư tưởng, đẹp về tình cảm, là thơ chiếm được cảm xúc của độc giả qua mỗi tác phẩm thơ của tác giả. Thơ hàm súc, mang ý nghĩa và có giá trị cao.
Đối với tôi, thơ hay là thơ dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi sâu vào cảm xúc của con người, có vần có nhịp, có thanh, có hình ảnh và đặc biệt là có ý nghĩa. Còn rất nhiều những quan niệm khác nhau nữa về thơ hay vì đó là tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người.