1. Cơ sở so sánh
1.1. Định nghĩa
Thứ nhất, cải cách là một biện pháp được thực hiện để giải quyết những đòi hỏi của thực tiễn với mục tiêu rõ ràng, chương trình cụ thể. Cải cách còn có thể hiểu là sự sửa đổi, điều chỉnh lớn đối với các cấu trúc chính trị, văn hóa của xã hội.
Xã là tên gọi chung chỉ đơn vị hành chính cấp cơ sở, cấp thấp nhất trong hệ thống nhà nước. Xã còn là nơi cung cấp sức người, sức của cho nhà nước, là nơi trực tiếp quản lý dân cư, thực thi các chính sách của nhà nước.
1.2. Sơ lược về Lê Thánh Tông và Minh Mệnh
*Lê Thánh Tông
Lê Thánh Tông (1442 - 1497), tên là Tư Thành, hiệu Thiên Nam động chủ, con thứ tư của Lê Thái Tông. Lê Thánh Tông lên làm vua năm 1460, là vị Hoàng đế thứ năm của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, hai lần đổi niên hiệu: Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497). Trong gần 40 năm làm vua, ông đã đưa triều Lê phát triển tới đỉnh cao về mọi mặt: chính trị, xã hội, kinh tế, quốc phòng, văn hóa.
*Minh Mệnh
Vua Minh Mệnh hay là Minh Mạng (1791 - 1841), tên là Nguyễn Phúc Đảm, còn gọi là Nguyễn Phúc Kiểu, là vị vua thứ nhì của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1820 đến năm 1841, là hoàng tử thứ tư của vua Gia Long. Năm 1816, ông được phong làm Hoàng Thái tử. Tháng Giêng năm Canh Thìn (1820) ông lên ngôi, lấy niên hiệu là Minh Mạng. Từ nhỏ Minh Mạng có tư chất thông minh, hiếu học, năng động và quyết đoán, là người tinh thông Nho học; là người đã có nhiều cải cách tiến bộ trong suốt thời kỳ trị vì đất nước.
1.3. Nguyên nhân cải cách
Trải qua mấy chục năm, bộ máy hành chính nhà nước dần bộc lộ những hạn chế, yếu kém và bất cập. Cơ chế hành chính còn nhiều tầng, quyền hạn quan lại rất lớn, tình trạng đó thường dẫn đến sự lộng quyền và có nguy cơ nội chiến.
Nền kinh tế còn lạc hậu, kém phát triển, quan tham còn nhiều, đời sống của nhân dân trở nên khổ cực trăm đường. Cần có đội ngũ quan lại có trình độ cao, yêu nước, thương dân, thấm nhuần tư tưởng nho giáo và thuyết “an dân”.
Nguy cơ ngoại xâm là rất lớn. Do vậy, cần xây dựng nhà nước hùng mạnh từ trung ương đến địa phương và xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh.
Nhu cầu phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan nhà nước, để hoạt động của bộ máy nhà nước được hiệu quả hơn.
Vì vậy mà tiến hành cải cách cấp xã là việc làm cấp thiết nhằm hạn chế nguy cơ và thế lực của những lực lượng phong kiến địa phương, ngăn ngừa sự phân quyền cát cứ, tăng cường quyền lực của trung ương. Mặt khác làm tăng cường sự lãnh đạo, quản lí ở địa phương có hiệu lực và hiệu quả hơn.
2. So sánh cải cách ở cấp xã của hoàng đế Lê Thánh Tông và Minh Mệnh
2.1. Mục đích, biện pháp cải cách
Mục tiêu cơ bản của cải tổ bộ máy nhà nước của Lê Thánh Tông là nhằm tập trung tuyệt đối quyền lực nhà nước vào trong tay nhà vua theo nguyên tắc “tôn quân quyền” của Nho giáo và tăng cường hiệu lực của bộ máy quan liêu.
Biện pháp chủ yếu của cuộc cải tổ này là này là: Bỏ bớt một số chức quan, cơ quan và cấp chính quyền trung gian để đảm bảo sự tập trung quyền lực trong tay nhà vua; các cơ quan giám sát, kiểm soát lẫn nhau để loại trừ sự lạm quyền và nâng cao trách nhiệm; không tập trung quá nhiều quyền hành vào một cơ quan mà tản ra cho nhiều cơ quan để ngăn chặn sự lạm quyền.
Thời Minh Mệnh, mục đích sâu xa của cuộc cải cách là ông muốn làm như vua Lê Thánh Tông: xây dựng một đất nước rộng lớn, cường thịnh, bền vững, lâu dài.
Minh Mệnh có những biện pháp cải cách: Bãi bỏ chức tham tụng (tức tể tướng dễ lộng quyền) thay bằng nội các do 4 viên quan hàng tam tứ thẩm cùng quản lí, đặt ra cơ mật viện có nhiệm vụ dự bàn những việc cơ mưu, trọng yếu giúp đỡ việc quân sự, kế thừa cơ chế đã có về lục bộ đứng đầu là thượng thư và lục tư đứng đầu là các tự khanh để giám sát kiềm chế lẫn nhau, cải cách các cơ quan chuyên trách về văn hóa và các cơ quan thông vận.
2.2. Tổ chức và hoạt động của bộ máy cấp xã
Vì xã là nơi cung cấp sức người, ngân khố cũng như là nơi trực tiếp thi hành các quyết định, mệnh lệnh nhà vua ban hành nên Lê Thánh Tông cũng rất chú trọng cải cách tổ chức và hoạt động của cấp xã:
Thứ nhất, ông phân định lại các làng xã, có 3 loại xã: đại xã có từ 500 hộ trở lên, trung xã có từ 300 hộ trở lên và tiểu xã có trên dưới 100 hộ. Các xã không phải cố định bất biến mà có sự tách lập xã cũ, xã mới nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa làng và nước, có thể kiểm soát nhưng vẫn tôn trọng sự tự trị của làng xã.
Thứ hai, Lê Thánh Tông bãi bỏ các xã quan và đổi là xã trưởng do dân bầu ra. Xã trưởng gồm các chức: xã chính, xã sử, xã tư. Các xã trưởng được bầu theo các tiêu chuẩn: nam giới từ 30 tuổi trở lên, biết chữ, có hạnh kiểm tốt, là con em nhà hiền lành…; anh em thân thích không được có hai người cùng làm xã trưởng để loại bỏ tệ nạn đồng đảng, bè cánh; thải loại những xã trưởng gian tham hoặc già lão ốm yếu, hoặc kém năng lực không kham nổi công việc.
Qua những cải cách trên, Lê Thánh Tông không chỉ nhằm củng cố quyền lực của bản thân mà còn tìm cách can thiệp vào tổ chức và hoạt động của bộ máy cấp xã nhằm hạn chế tối đa chính quyền tự trị của làng xã, góp phần củng cố nền quân chủ quan liêu chuyên chế.
Sau khi kế nghiệp Gia Long, từ năm 1820, Minh Mệnh đã từng bước cải cách bộ máy chính trị quốc gia từ trung ương tới địa phương. Dưới thời vua Minh Mệnh, cấp độ làng xã cũng được chú trọng cải cách, triều đình đặt một số quy chế và nguyên tắc quản lý làng xã. Tổ chức xã gồm có Cơ quan quyết nghị và Cơ quan chấp hành.
Cơ quan quyết nghị là Hội đồng kỳ mục. Bất kỳ công việc chung nào của xã đều được đưa ra bàn bạc trước Hội đồng. Người có quyền cao nhất trong Hội đồng là Tiên chỉ, người có quyền hòa giải các việc hộ và xét các tội phạm nhỏ về hình. Chế tài chủ yếu là phạt tiền, đòn roi, phạt xạ. Tiêu chuẩn tham gia Hội đồng kì mục là các thân hào có danh tiếng trong xã. Hội đồng kì mục không phải do dân bầu, không giới hạn về số lượng hoặc nhiệm kỳ; không chịu trách nhiệm trước cư dân bản xã nhưng đa số thành viên là người có phẩm hàm nên chịu sự kiểm soát của triều đình.
Cơ quan chấp hành: gồm Lí trưởng, Phó lí và Trương tuần. Từ năm 1825, xã trưởng được đổi thành Lý trưởng, làm nhiệm vụ thi hành mệnh lệnh của cấp trên, chịu trách nhiệm mọi công việc trong xã. Những xã có số đinh dưới 50 chỉ đặt 1 lí trưởng, nếu trên 50 thì đặt thêm 1 Phó lí và nếu trên 150 thì đặt 2 Phó lí. Phó lí thay chức danh thôn trưởng. Giống với thời Lê Thánh Tông, các Lí trưởng đều được bầu lên bởi dân chúng và được bầu lên bởi các tiêu chuẩn: nam giới trên 30 tuổi, không có quan hệ ruột thịt với cai tổng, có một số tài sản nhất định và có phẩm chất cần thiết. Trương tuần do Hội đồng kì mục bầu, phụ trách công việc tuần phòng trong xã.
Vậy, nguyên tắc “tôn quân quyền” và nguyên tắc tản quyền được vua Minh Mệnh và Lê Thánh Tông áp dụng triệt để, góp phần đảm bảo sự tự quản mà vẫn duy trì sự ổn định của làng xã.
2.3. Pháp luật
* Lê Thánh Tông:
Lê Thánh Tông đã rất thành công trong việc giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và làng xã là bởi vì chính ông đã giải quyết được một cách hài hoà mối quan hệ giữa quyền quản lý nhà nước và truyền thống tự trị của làng xóm. Triều đại vua Lê Thánh Tông triều đình đã ra sắc lệnh để hạn chế và kiểm duyệt hương ước. Bộ luật Hồng Đức đã ghi lại chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông về việc biên soạn và thi hành hương ước. Một số tập tục, lệ làng đã thẩm thấu vào văn bản luật nước, như trong các quy định của Bộ luật Hồng Đức về hôn nhân -gia đình, thừa kế, ruộng đất, hương hỏa.
* Minh Mệnh:
Triều Nguyễn cai trị đất nước, với Minh Mệnh - Ông vua có khát vọng tái hiện công nghiệp của Lê Thánh Tông, pháp luật được cụ thể hơn về hình phạt. Ở làng xã ông đã có những văn bản pháp luật quy định về lệ làng, nhằm vừa can thiệp vừa tôn trọng tính tự trị của làng xã.
3. Hiệu quả
Thứ nhất, về ưu điểm, thông qua những biện pháp cải tổ đối với cấp xã, Lê Thánh Tông không chỉ tăng cường hiệu lực của chính quyền cấp cơ sở mà quan trọng hơn là tìm cách can thiệp sâu vào làng xã nhằm tăng cường sự chi phối của triều đình và hạn chế tối đa tính tự trị của làng xã, qua đó góp phần củng cố nền quân chủ chuyên chế. Nhìn chung, thông qua cải cách, Lê Thánh Tông đã tạo được hệ thống hành chính thống nhất trong phạm vi cả nước. Hệ thống khá gọn gàng với chức trách phân minh, bảo đảm sự chỉ đạo và tập trung quyền lực của trung ương. Đây là mô hình tiên tiến nhất của chế độ quân chủ phong kiến đương thời, trong đó, trung ương và địa phương gắn liền nhau, quyền lực được bảo đảm từ trên xuống dưới.
Giống với cải cách của vua Lê Thánh Tông, bộ máy hành chính cấp xã thời Minh Mạng đã bảo đảm được nguyên tắc tập trung quyền tối thượng vào tay nhà vua. Tuy nhiên, cải cách hành chính cấp xã của Minh Mạng có những tiến bộ hơn: Bộ máy hành chính trở nên gọn nhẹ hơn; gắn kết và hoạt động hiệu quả hơn; các quan chức trong hệ thống quản lý hành chính có chức năng và nhiệm vụ rõ ràng, vai trò cá nhân quan chức được đặc biệt đề cao. Vì vậy năng lực cá nhân đã được phát huy tối đa. Đây là sự tiến bộ mà cải cách dưới thời vua Lê Thánh Tông chưa thực hiện được.
Có thể nói rằng, trong lịch sử hình thành và phát triển Nhà nước quân chủ đến sau cải cách Minh Mạnh hoàn thiện và đạt đến đỉnh cao.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu song cuộc cải cách của Lê Thánh Tông và Minh Mạng đều gặp phải những hạn chế:
Đầu tiên, ở cải cách của Lê Thánh Tông, chính sách cải cách hành chính cấp xã của Lê Thánh Tông trên thực tế đã không triệt tiêu được “sự tha hóa quyền lực” của bộ máy quản lý cấp xã dẫn đến tình trạng cường hào nhũng nhiễu, tạo vấn đề nhức nhối trong xã hội. Mặt khác, do nhà nước trung ương không còn nắm được bộ máy quản lý làng xã như trước nữa nên những biện pháp quản lý không phát huy tác dụng và hiệu quả.
Đối với cải cách của Minh Mạng, tuy bộ máy nhà nước có chức năng và nhiệm vụ rõ ràng nhưng vẫn gặp phải những hạn chế do những chính sách của triều đình bất cập, không hợp lòng dân, nặng về củng cố vương quyền, nhẹ về cải thiện dân sinh nên dẫn đến nhiều biến loạn.