Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Soạn bài: Thúy Kiều báo ân báo oán

2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
776
0
0
Nguyễn Thị Nhài
05/08/2017 01:56:27
THUÝ KIỀU BÁO ÂN BÁO OÁN
(Trích Truyện Kiều)
Nguyễn Du I. KIẾN THỨC CƠ BẢN 1. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng dựng lên một cảnh báo ân báo oán. Thế nhưng, khác rất nhiều so với các câu chuyện cổ tích, cảnh báo ân báo oán trong Truyện Kiều không đơn giản là sự thể hiện khát vọng công lí của nhân dân. Sức hấp dẫn của đoạn trích thể hiện chủ yếu ở khả năng khắc hoạ tâm lí nhân vật của nhà thơ. Cả đoạn trích gồm 34 câu với ba nhân vật, rất ít lời miêu tả, hầu như chỉ có lời Thuý Kiều nói với Thúc Sinh, lời qua tiếng lại giữa Thuý Kiều và Hoạn Thư, vậy mà không chỉ chân dung, từ giọng điệu, tính tình của từng nhân vật đều được bộc lộ hết sức sinh động.
Có thể dễ dàng nhận thấy trong đoạn trích có hai cảnh: báo ân và báo oán.
2. Chàng Thúc Sinh khi được "gươm mời đến" thì "Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run". Thúc Sinh run vì nhiều lẽ: trước cảnh ba quân gươm giáo sáng loà - run ; được chứng kiến Thuý Kiều đã trừng trị những kẻ đã gây bao đau khổ cho đời nàng như thế nào lại càng dễ run hơn nữa. Thúc Sinh không thể nghĩ rằng mình lại được trả ân bằng "gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân" bởi trong thực tế, chàng ta chẳng có công lao gì nhiều với Thuý Kiều. Ngay cả khi chứng kiến vợ mình hành hạ Thuý Kiều, Thúc Sinh cũng chỉ biết ngậm đắng nuốt cay, không biết bênh vực thế nào.
Vậy tại sao Thúc Sinh lại được Thuý Kiều "báo ân" hậu hĩnh như thế? Lí giải được điều này, chúng ta sẽ hiểu thêm về Thuý Kiều, từ đó càng hiểu thêm nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Du. Nhân vật Thuý Kiều đã được xây dựng rất nhất quán từ đầu đến cuối tác phẩm. Dù khi phải dằn lòng trao duyên cho Thuý Vân, khi một mình đối cảnh ở lầu Ngưng Bích hay khi có đủ vị thế để báo ân báo oán sòng phẳng thì Thuý Kiều vẫn luôn là người nặng tình nặng nghĩa:
Nàng rằng: "Nghĩa nặng tình non
Lâm Tri người cũ, chàng còn nhớ không?
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân?
Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân.
Tạ lòng, dễ xứng báo ân gọi là...".
Lí lẽ của Thuý Kiều rất rõ ràng: đây không phải là sự báo ân mà là sự trả nghĩa, đúng hơn là trả cái tình mà Thúc Sinh đã dành cho nàng trước đây. Như vậy, đối với Thúc Sinh, Thuý Kiều đã không xử bằng lí mà bằng cái tình của nàng. Điều này có vẻ như không hợp với cách nghĩ thông thường, không thoả mãn được một số bạn đọc khó tính nhưng chính ở đây lại làm bật lên giá trị nghệ thuật của tác phẩm: Nguyễn Du đã không xây dựng nhân vật Thuý Kiều theo một công thức định sẵn. Ngược lại, ông đã tạo nên một nhân vật rất sinh động, rất đời thường. Kiều đã suy nghĩ, nói năng và hành động hoàn toàn hợp với phẩm chất và tính cách của nàng. Điều này càng được chứng minh rõ ràng hơn qua cảnh tiếp theo.
3. Đối tượng báo oán ở đây là Hoạn Thư - vợ Thúc Sinh. Mặc dù không trực tiếp đẩy Thuý Kiều vào lầu xanh nhưng Hoạn Thư cũng là kẻ đã gây không ít đau khổ cho cuộc đời Kiều. Con người đã trở thành hình tượng điển hình cho sự ghen tuông ấy đã lặng lẽ cho người đến bắt nàng về, đã dựng cảnh trớ trêu: bắt nàng hầu rượu Thúc Sinh để mà hả hê sung sướng khi tận mắt chứng kiến nỗi cực nhục của cả hai người. Thuý Kiều hẳn không thể quên nỗi nhục hôm ấy, theo đó thì tội của Hoạn Thư đáng chết một trăm lần.
Thế nhưng Nguyễn Du đã không để cho lí trí của mình dẫn dắt sự việc một cách giản đơn. Ông âm thầm chứng kiến cuộc đối đầu giữa hai người đàn bà (mà theo Thuý Kiều là "kẻ cắp, bà già gặp nhau"), thuật lại cuộc đấu khẩu của họ. Biệt tài của Nguyễn Du là khi chứng kiến và miêu tả cuộc đụng độ "nảy lửa" ấy, ông đã không thiên vị một ai, không đứng về phía nào. Ông để cho sự việc tự nó phát triển, từ đó đã tạo nên một trong những chi tiết nghệ thuật giàu chất sống, chất "tiểu thuyết" nhất của tác phẩm.
Vị thế giữa hai người phụ nữ đã hoàn toàn đảo ngược. Trước đây, khi Hoạn Thư làm chủ tình thế, Thuý Kiều không những bị đánh đập mà còn bị làm nhục theo một cách thức rất riêng của Hoạn Thư. Nỗi đau tinh thần của Kiều lúc ấy còn lớn gấp hàng chục lần nỗi đau thể xác. Thế nhưng giờ đây, người làm chủ tình thế lại là Thuý Kiều. Chỉ cần nàng phẩy tay một cái, hẳn Hoạn Thư sẽ "thịt nát xương tan".
Thuý Kiều đã khởi sự "báo oán" như thế nào?
Thoắt trông nàng đã chào thưa:
"Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan!
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều".
Ngòi bút miêu tả của Nguyễn Du thật đáng nể phục. Nàng Kiều duyên dáng, thuỳ mị, "e lệ nép vào dưới hoa" ngày nào, giờ đối diện với kẻ thù, dường như đã hoá ra một con người khác. Nếu như Kiều ra lệnh trừng phạt Hoạn Thư ngay thì không có gì nhiều để bàn luận. Nhưng Kiều đang sung sướng hưởng thụ cảm giác của kẻ bề trên, đang tìm cách dùng lời nói để "rứt da rứt thịt" Hoạn Thư theo đúng cách mà trước đây mụ ta đã đối xử với nàng. Bằng giọng điệu đầy vẻ châm biếm, Kiều gọi Hoạn Thư là "tiểu thư", cẩn thận báo cho mụ ta biết về "luật nhân quả" ở đời ("Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều"). Kiều tin chắc vào chiến thắng đến mức sẵn sàng chấp nhận đấu khẩu!
Thế nhưng Hoạn Thư thật xứng với danh tiếng "Bề ngoài thơn thớt nói cười – Mà trong nham hiểm giết người không dao":
Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu
Khấu đầu dưới chiếu, liệu điều kêu ca.
Rằng: "Tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình...".
Giữa dáng điệu bề ngoài với lời nói bên trong của Hoạn Thư có cái gì đó rất mâu thuẫn. Nếu quả thật đã "hồn lạc phách xiêu", Hoạn Thư khó có thể biện hộ cho mình một cách khéo léo như vậy. Không những khẳng định "ghen tuông chỉ là thói thường của đàn bà", Hoạn Thư còn kể đến những việc mà tưởng như mụ đã "làm ơn" cho Thuý Kiều: cho ra nhà gác để viết kinh, khi Thuý Kiều trốn đã không đuổi bắt... Đó là những lí lẽ rất khôn ngoan mà Kiều khó lòng bác bỏ được. Thì ra, vẻ "hồn lạc phách xiêu" chỉ là bộ điệu mà mụ ta tạo ra để đánh vào chỗ yếu của Thuý Kiều. Đứng trước cơ hội duy nhất để có thể thoát tội, mụ đã vận dụng tất cả sự khôn ngoan, lọc lõi của mình.
4. Rốt cuộc, người thua trong cuộc đấu trí, đấu khẩu đó lại chính là Thuý Kiều. Bằng chứng là khi nghe xong những lời "bào chữa" của Hoạn Thư, Thuý Kiều đã xuôi lòng mà tha bổng cho mụ, không những thế lại còn khen: "Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời" và tự nói với mình rằng: "Làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen".
Kết cục đó có thể bất ngờ với người đọc nhưng lại rất hợp lí với lô gích của tác phẩm. Đoạn "báo ân" với Thúc Sinh đã cho thấy: dù thế nào đi nữa, nàng vẫn là người phụ nữ đa sầu đa cảm, nặng tình nặng nghĩa. Một người phụ nữ như thế, thật khó có thể đối đầu được với một kẻ gian ngoan, quỷ quyệt như Hoạn Thư.
5. Đây là một đoạn trích rất hấp dẫn, một sáng tạo đặc sắc của Nguyễn Du. Bằng cách để cho các sự việc tự vận động, nhân vật tự bộc lộ mình qua những lời đối thoại, Nguyễn Du đã đưa nghệ thuật miêu tả nhân vật của văn học trung đại tiến một bước rất dài. Miêu tả chân thực và sinh động đời sống như nó đang xảy ra, đó là một yếu tố quan trọng tạo nên "Chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du".
II. RÈN LUYỆN KỸ NĂNG
1. Từ Hải cứu Thuý Kiều khỏi chốn lầu xanh ô nhục, lại giúp nàng đền ơn trả nghĩa, đồng thời trừng trị những kẻ đã đày đoạn nàng những năm tháng vừa qua. Trong đoạn trích này chỉ có hai nhân vật được gọi đến là Thúc Sinh và Thuý Kiều. Tuỳ theo công và tội của mỗi người, Thuý Kiều đã cư xử rất có lí, có tình. Điều này cho thấy tấm lòng nhân hậu, vị tha của nàng.
2. Qua đoạn trích, ta càng thấy rõ thêm tài năng của Nguyễn Du trong việc khắc hoạ tính cách nhân vật hầu như chỉ qua ngôn ngữ đối thoại:
- Lời lẽ của Thuý Kiều với Thúc Sinh:
Nghĩa nặng nghìn non
Lâm Tri người cũ, chàng còn nhớ không?
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng,
Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân?
- Lời lẽ của Thuý Kiều với Hoạn Thư:
"Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!
Đàn bà dễ có mấy tay,
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan!
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều".
- Lời lẽ của Hoạn Thư với Thuý Kiều:
Rằng: "Tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Nghĩ cho khi gác viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Lòng riêng riêng những kinh yêu,

Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai".

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
Nga
09/04/2021 21:27:06
+4đ tặng

Trả lời câu 1 (trang 108 SGK Ngữ văn 9, tập 1):

Mười hai câu đầu tả cảnh Thúy Kiều báo ân

   Qua lời của Kiều nói với Thúc Sinh, ta thấy Kiều là người xem trọng ơn nghĩa. Nàng trân trọng việc Thúc Sinh đã chuộc mình ra khỏi lầu xanh. Việc hai người không vẹn tình vợ chồng là do Hoạn Thư ghen tuông. Bởi thế mà nàng vẫn thấy cần báo ân cho Thúc Sinh với lễ vật rất hậu: gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân. Trong khi báo ân Thúc Sinh, Kiều nhắc đến Hoạn Thư chính vì bao nhiêu oan khổ của nàng đều do Hoạn Thư gây ra. Nàng cũng báo trước cho Thúc Sinh rằng Hoạn Thư là kẻ quỷ quái tinh ma, thị sẽ bị trừng phạt.

    Những từ ngữ Kiều dùng với Thúc Sinh là những từ Hán Việt trang trọng: nghĩa, chữ tòng, cố nhân, tạ, … Trong khi đó, khi nói về Hoạn Thư thì lời lẽ nôm na, dùng thành ngữ dân gian: quỷ quái tinh ma, kẻ cắp bà già, kiến bò miệng chén. Đây là hai thái độ, một đằng là với người được báo ân thì trịnh trọng, phù hợp với tính cách của một nho sinh ưa chữ nghĩa. Còn với Hoạn Thư thì lời lẽ nôm na, theo kiểu dân gian. Hành động trừng phạt theo quan điểm nhân dân được diễn đạt bằng lời ăn tiếng nói của nhân dân.

Câu 2

Trả lời câu 2 (trang 108 SGK Ngữ văn 9, tập 1):

Những câu thơ còn lại tả cảnh Thúy Kiều báo oán

        Giọng điệu của Kiều trong đoạn thơ báo oán thể hiện sự mỉa mai. Hoạn Thư bị đưa đến như là một phạm nhân, thế nhưng Kiều vẫn chào hỏi, lại dùng từ xưng hô cũ “tiểu thư” trong khi ngôi vị của hai người đã hoàn toàn thay đổi. Sau sự mỉa mai, Kiều đã chỉ đích danh con người Hoạn Thư là con người ghê gớm xưa nay hiếm trong cả giới phụ nữ (Đàn bà dễ có mấy tay – Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan). Liên tiếp các từ ngữ dùng theo nghệ thuật hoán dụ (tay, mặt, gan) Kiều đã khẳng định Hoạn Thư là con người ghê gớm hiếm có từ xưa đến nay. Càng cay nghiệt, càng gây nhiều oan trái thi tất nhiên sẽ càng phải hứng chịu những trừng phạt sòng phẳng từ phía người bị hại. Thái độ của Kiều là dứt khoát, rõ ràng. Nàng sẽ thẳng tay trừng trị Hoạn Thư.

Câu 3

Trả lời câu 3 (trang 108 SGK Ngữ văn 9, tập 1):

       Trước thái độ của Kiều, Hoạn Thư đã vô cùng hoảng hốt và sợ hãi. Sợ đến nước “hồn lạc, phách xiêu”. Nhưng sau phút choáng váng, Hoạn Thư đã lấy lại được bình tĩnh, thể hiện sự khôn ngoan. Đầu tiên là nói về phận đàn bà. Nêu lên phận đàn bà, Hoạn Thư – tội nhân đưa Thúy Kiều – quan tòa về vị trí là người cùng giới, cùng chịu những thiệt thòi. Tiếp theo, Hoạn Thư nêu chuyện ghen tuông là chuyện không thể tránh khỏi. Như vậy tội của Hoạn Thư là tội của cả giới phụ nữ. Nếu kết tội ghen thì phải kết tội cả giới phụ nữ. Sau đó Hoạn Thư mới kể đến ơn của mình với Kiều: chấp nhận cho ra gác Quan Âm để biết kinh, khi Kiều trốn đi thì không đuổi theo nữa. Hoạn Thư còn khéo lấy lòng rằng thị vẫn kính yêu, nhưng vì chung chồng nên khó mà chiều. Cuối cùng, Hoạn Thư đã thừa nhận là mình có tội “gây chuyện chông gai”, và xin mở lượng khoan hồng.

       Lí lẽ của Hoạn Thư chặt chẽ, khôn ngoan, đã tác động mạnh đến Thúy Kiều. Từ chỗ quyết tâm trừng phạt, báo thù, Kiều đã tha bổng cho Hoạn Thư.

       Qua lí lẽ của Hoạn Thư, ta càng thấy Hoạn Thư là người khôn ngoan, đúng như lời luận tội, nhưng cũng có thể hiểu là lời đánh giá chính xác của Thúy Kiều: Đàn bà dễ có mấy tay – Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan.

Câu 4

Trả lời câu 4 (trang 108 SGK Ngữ văn 9, tập 1):

Thúy Kiều tha bổng Hoạn Thư vì mấy lí do:

+ Thứ nhất là lời lẽ khôn ngoan của Hoạn Thư khi trình bày lí do để cãi tội. Ghen là chuyện thường tình, có công với Kiều, vẫn kính yêu Kiều, nhưng không thể đối xử khác trong tình huống chồng chung.

+ Thứ hai là Hoạn Thư đã thừa nhận tội lỗi của mình.

+ Thứ ba là thị đã xin mở lượng khoan hồng: Trong tình huống đó, nếu Kiều vẫn không tha cho Hoạn “Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”. Thư thì nàng sẽ mang tiếng là người nhỏ nhen, là người cố chấp khi kẻ tình địch đã biết nhận lỗi, đã cất lời xin. Kiều là con người rộng lượng, chính vì vậy nàng tha bổng Hoạn Thư.

=>Điều này thể hiện tấm lòng nhân đạo và trí tuệ sáng suốt của Nguyễn Du. Ông đã không để Kiều trừng phạt Hoạn Thư như trong sách của Thanh Tâm Tài Nhân. Và vì thế nàng Kiều của Nguyễn Du nhân hậu và độ lượng hơn.


 

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×