"Có thực mới vực được đạo". Đó là câu cửa miệng của bất cứ người Việt Nam nào khi muốn nói đến những việc thiết thực. Thực là ăn. Đạo là những điều to tát, thiêng liêng, mang tính lý tưởng (đạo lý) muốn làm được những việc lớn, trước hết phải có sức khỏe, mà muốn có sức khỏe thì con người ta phải ăn mới đủ năng lượng. Câu nói trên còn hàm ý rộng hơn: Trong cuộc sống, cần quan tâm trước hết tới những điều thiết thực nhất. Ai từng sống thời kháng chiến chống Pháp (1946-1954) đều biết đến hũ gạo kháng chiến. Đây là sáng kiến do Bác Hồ nghĩ ra: Nhà nào cũng có một hũ đựng gạo tiết kiệm. Mỗi bữa, hãy bớt lại một nắm gạo cho vào hũ để đề phòng lúc thiếu, đói (giống như tiền bỏ lợn đất ngày nay). Ngoài ra, Bác còn kêu gọi mỗi tuần, hãy nhịn ăn một bữa. Đó là một biện pháp để giải quyết chuyện thiết thực: Chống đói. Bác cũng phát động phong trào tăng gia, sản xuất, tiết kiệm. Tất cả mọi biện pháp chỉ nhằm mục đích duy nhất là giải quyết vấn đề lương thực, chuyện ăn (Thực) cho quân dân để có sức đánh giặc, mà cuộc kháng chiến được xác định là trường kỳ. Hồi đó, trong thơ, văn, bài hát luôn nổi rõ đề tài sản xuất lương thực, hoa màu, giữ gìn, gia tăng sức khỏe để chống thực dân Pháp. Người Việt ta về tâm hồn thì lãng mạn, bay bổng, nhưng lại luôn có óc thực tế, giải quyết việc gì không viển vông, hão huyền, mà luôn coi trọng tính hiệu quả. Vậy nên cái gì cũng phải thiết thực, cụ thể. Biểu hiện rõ nhất của điều này là lời răn dạy "Có thực, mới vực được đạo". Đồng nghĩa, cần hiểu là không có ăn thì đừng mong làm những chuyện xa xôi, to tát. Rất đáng tiếc là trong xã hội hôm nay, không phải ai, cơ quan, đoàn thể nào cũng ghi lòng tạc dạ điều chí lý đó để có những dự định công việc còn mang tính viển vông, bất khả thi, không hướng đến quyền lợi thiết thực của người dân.