Đình và chùa làng là hai biểu tượng của làng quê đã có từ ngàn xưa khi người Việt Nam bắt đầu dựng nước, dựng làng. Nếu đình là nơi cúng kỵ những người có công dựng làng thì chùa là nơi thờ Phật để dân làng lễ bái, tu thân, trau dồi đức hạnh, ăn hiền ở lành, để phước để đức lại cho con cháu. Đó là đời sống tinh thần thiết thân của người Việt Nam mà nếu không có nó thì mất đi ý nghĩa của một làng,
Tại mỗi làng quê, trải qua thời gian, mưa nắng vẫn giữ được những ngôi chùa, đình, đền có niên đại hàng trăm năm tuổi. Từ lâu, nét đẹp về làng quê bình dị, thân thương với mái đình, giếng nước, ngôi chùa, cây đa đã bước vào văn học, đi sâu vào bao nhiêu người con của làng xã dù có đi xa vẫn mãi thổn thức, in đậm về hình ảnh quê nhà.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam được người Việt Nam tiếp nhận và đã góp phần tạo nên nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Trong tiến trình thành lập làng xã ở vùng Bắc Bộ hay trong tiến trình thành lập làng xã trong cuộc Nam tiến, người Việt Nam định cư tới đâu, lập làng ở đâu là dường như dựng chùa ở đó. Những ngôi chùa được xây dựng trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và có khi trở thành nét đẹp, biểu tượng trong tâm hồn những người con của làng, xã.
Cùng với đình, cha ông ta thường đặt chùa ở vị trí đắc địa, trung tâm của làng. Người xưa tin rằng sự yên ổn của ngôi chùa có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trong làng. Ngày trước, đình làng là nơi tụ họp, gặp gỡ bàn những công việc trọng đại trong làng và chỉ dành cho các đấng nam nhi, còn chùa là nơi luôn mở rộng cửa đón nhận tất cả mọi người. Ngôi chùa làng đã in dấu trong tâm trí của bao thế hệ với hình ảnh thầy trụ trì hiền hậu với tiếng chuông chùa sớm chiều vang lên trong không gian quê yên bình, dường như nhắc nhở mọi người hãy sống thuận hòa, biết chăm lo cày cấy để có cuộc sống no ấm.
Ở những ngôi chùa làng, trước sân điện thờ, thường có những cây cổ thụ tỏa bóng mát tạo thêm không gian u tịch, cổ kính cho ngôi chùa. Theo các cụ xưa, trước khi xây chùa đã phải định vị trí trồng cây trước điện thờ với những loại cây như cây đại, cây đa để khi chùa dựng xong đã có bóng mát của cây xanh tỏa xuống. Tuổi thơ nhiều người đã từng gắn bó với sân chùa, cây đa, gốc đại với những kỷ niệm đẹp. Nét trầm lặng, u tịch, rêu phong của những ngôi chùa làng còn thể hiện ở đó nét đẹp và chiều sâu văn hóa với những nét đặc trưng về kiến trúc, điêu khắc, lịch sử của làng nói riêng và của đất nước nói chung.
Tôi còn nhớ, thuở bé thơ thường theo bà lên chùa vào những ngày Mồng Một, ngày Rằm hàng tháng. Bà tôi ăn mặc chỉnh tề với chiếc áo nâu quen thuộc. Trên con đường làng quanh co tôi theo bà đi lễ, qua cổng tam quan to rộng đến sân điện thờ tam bảo. Mọi người lặng lẽ cầu mong, khấn vái Đức Phật. Không gian yên tĩnh, tiếng chuông chùa ngân vang cùng nhịp mõ đều đều của vị sư già trong buổi tụng kinh chiều làm cho tâm người đi lễ thật thanh thản, hướng thiện. Đến đây dường như mọi sự ồn ào và sự hỗn tạp của đời sống như tan biến. Và đôi khi những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống của những người dân thôn dã được giãi bày, tâm sự sẻ chia. Lúc này, các vị sư trụ trì như những “nhà tư vấn” giúp họ tâm an và có động lực vượt qua những vướng mắc khó khăn của cuộc sống. Đạo và đời như gắn kết thêm, tạo niềm tin cho họ sống tốt hơn. Do đó chùa làng là của chung, nhưng ai cũng có cái riêng trong đó, tâm tư tình cảm riêng và cả những kỷ niệm riêng mình. Và cứ thế hệ này qua thế hệ khác, tình cảm của người dân đối với ngôi chùa làng lại dày thêm theo năm tháng.
Trên con đường về các làng quê Việt, đặc biệt ở đồng bằng Bắc bộ, chúng ta có thể thấy ngôi chùa làng hiện ra xa xa mờ ảo trong làn sương khói dưới những tán cây cổ thụ. Hình ảnh đó gợi trong lòng kẻ tha hương nỗi rộn ràng náo nức. Tiếng chuông chùa ngân nga mỗi hoàng hôn như lưu giữ tình quê, cho ai dù ở bốn phương trời, nhớ về quê cũ vẫn mong được nghe một tiếng chuông chùa, ngắm nhìn làng quê trong buổi chiều hôm với những cánh cò vội vã bay về tổ ấm.