Tôi hiểu vùng bán đảo Cà Mau trước nay đều lo tính việc mở rộng phạm vi diện tích được kéo dài thời kỳ có nước ngọt trong năm, để phục vụ phát triển kinh tế xã hội mà trọng tâm là phát triển trồng lúa; đặc biệt những năm cuối 80 đàu 90 do tình hình cụ thể thời kỳ đó, lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức lo lắng cho sự thiếu đói lương thực của nhân dân ta.
Đã từng có phương án chủ trương làm các cống ngăn mặn trên sông Mỹ Thanh, sông Ghềnh Hào, sông Cái lớn-Cái bé, nhiều cống ngăn mặn khác, đào mới và nạo vét các kênh rạch để tiêu thoát và dẫn ngọt từ sông Hậu nhằm mở rộng khả năng phát triển lương thực. Người Pháp đã nghiên cứu dự án Quản lộ - Phụng hiệp từ năm 1918, họ đã cho đào 1 số kênh để tiếp ngọt và giao thông cho bán đảo Cà Mau; năm 1940 họ đã tiến hành nghiên cứu và thiết kế công trình ngăn mặn trên sông Mỹ Thanh tại vị trí Cổ Cò (gần cửa sông Mỹ Thanh), công trình đã bắt đầu thi công năm 1944, bị đình lại vì cuộc đảo chính của Nhật; năm 1970 chính quyền Sài Gòn đã hợp đồng với hãng Nippon của Nhật khảo sát thiết kế dự án ngăn mặn Mỹ Thanh và hoàn thành báo cáo thiết kế năm 1974, cũng lựa chọn một tổ hợp công trình ngăn mặn trên sông Mỹ Thanh tại vị trí Cổ Cò. Sau năm 1975, ta tiếp thu các kết quả nghiên cứu cũ, sơ bộ nghiên cứu quy hoạch toàn vùng bán đảo Cà Mau, dự kiến tiếp nước sông Hậu ngọt hoá ra tận biển cho toàn vùng phía đông sông Ghềnh Hào; cũng đã lựa chọn phương án xây dựng 1 tổ hợp công trình ngăn mặn giữ ngọt trên sông Mỹ Thanh tại Cổ Cò, gồm 1 đập ngăn sông dài 240m, cao 16m, 1 cống ngăn triều tiêu úng có 10 cửa mỗi cửa rộng 10m, lưu lượng tiêu là 1150m3/s. Công tình Mỹ Thanh đã khởi công xây dựng năm 1996, sau đó do khả năng đầu tư vốn hạn chế đã phải đình hoãn lại nhiều công trình, trong đó có công trình Mỹ Thanh; riêng công trình Mỹ Thanh (và còn vài công trình khác như cống đập Sài Gòn, hồ sông Luỹ...) vì nhiều lý do khác đã đình hoãn vô thời hạn.
Những năm trước 1995 công tác thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL chủ yếu tập trung cao độ vào mở các kênh trục lớn, kênh cấp II, đắp bờ bao chống lũ sớm, làm mạnh mẽ thuỷ lợi cơ sở nội đồng, tiêu và ém chua phèn, ngăn mặn, giữ ngọt, dẫn ngọt, phục vụ cho chuyển vụ đông xuân-hè thu, bảo đảm nước vụ mùa, góp phần lo tạo nguồn nước sinh hoạt và chăn nuôi, giao thông chân rết, phục vụ phát triển nông nghiệp, dân sinh vào sâu từng vùng rộng lớn; phần xây đúc yêu cầu rất lớn, nhưng chủ yếu do kinh phí hạn hẹp, đồng thời về chủ trương kỹ thuật cũng phải được nghiên cứu kỹ, qua làm thử nghiệm thực tế, kết luận chặt chẽ từng bước, nên mới làm được rất ít (Tôi cho rằng phần xây đúc trong công tác thuỷ lợi ở ĐBSCL sắp tới vẫn còn phải đầu tư lớn).
Quy hoạch thuỷ lợi vùng bán đảo Cà Mau, trong đó có quy hoạch thuỷ lợi khu Quản lộ-Phụng hiệp, được tiến hành nghiên cứu lần đi lượt lại; thời kỳ đầu sau 1975 việc nghiên cứu quy hoạch là dựa trên những tiền đề các ngành trung ương và chủ yếu do các tỉnh đề ra; vào cuối 80 đầu những năm 90 còn nhằm phục vụ xây dựng và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của QUY HOẠCH TỔNG THỂ ĐBSCL và đặc biệt QUY HOẠCH TỔNG THỂ BÁN ĐÀO CÀ MÂU. Theo như Báo cáo quy hoạch Thuỷ lợi chi tiết vùng bán đảo Cà Mau (Báo cáo tóm tắt) của Viện Quy hoạch Thuỷ lợi Nam bộ lần này đánh giá, thì thấy qua thực tế kiểm nghiệm việc thực hiện quy hoạch thuỷ lợi đã bám rất sát các mục tiêu của Quy hoạch Tổng thể bán đảo Cà Mau; nếu công trình hoàn thành đồng bộ, được quản lý sử dụng đúng mục đích, chắc chắn thực hiện được mục tiêu ngọt hoá toàn vùng Quản lộ-Phụng hiệp như Quy hoạch Tổng thể bán đảo Cà Mau đề ra. Một số điều tôi phân vân suy nghĩ là phải chăng: trên cả trục kênh chính Quản lộ-Phụng hiệp dàu như vậy, ta chưa đề ra cần có một vài công trình điều tiết là chưa phù hợp (chưa nhất thiết xây dựng ngay?) Trong bố trí kế hoạch thực hiện có lúc đã không nhất quán theo trình tự từ đông sang tây? Khi phát hiện ra có sự sử dụng đất đai trong vùng dự án có khác biệt xa với tình hình sử dụng đất làm tiền đề cho quy hoạch thuỷ lợi, do Quy hoạch Tổng thể bán đảo Cà Mau đề ra, ta đã chưa mạnh dạn kịp thời đề nghị Chính phủ cho dừng thực hiện dự án, để bổ sung quy hoạch phù hợp với tình hình mới? Trong quá trình thực hiện xây dựng dự án chưa kịp thời cho bổ sung kết cấu cong trình, để đảm bảo tất cả các cống ở vùng tranh chấp phát triển nông nghiệp nước mặn và phát triển nông nghiệp nước ngọt, đều có thể mở nước 2 chiều để muốn ngọt, muốn mặn đều có thể phục vụ), là điều Bộ hoàn toàn có quyền quyết định?