Khoa học đã chứng minh được rằng: cứ 1000g nước cây hập thụ vào qua rễ thì có tới 990g nước thoát ra ngoài không khí qua lá; trong 10g còn lại thì chỉ có một lượng rất nhỏ khoảng tầm 2g là có tác dụng để tổng hợp chất khô. Macximop – Nhà sinh lí thực vật người Nga đã viết: “thoát hơi nước là tai họa tất yếu của cây”.
“Tai họa” ở đây là muốn nói, trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của mình, thực vật phải mất đi một lượng nước quá lớn và như vậy nó phải hấp thu một lượng nước lớn hơn lượng nước mất đi. Đó là một điều không dễ dàng gì trong điều kiện môi trường luôn luôn thay đổi.
Còn “tất yếu” là muốn nói thực vật cần phải thoát một lượng nước lớn như thế, vì có thoát nước mới lấy được nước.
Sự thoát nước ở lá đã tạo ra một sức hút nước, một sự chênh lệch về thế nước theo chiều hướng giảm dần từ rễ đến lá và nước có thể chuyển từ rễ lên lá một cách dễ dàng. Người ta gọi đó là động lực trên của con đường vận chuyển nước.
Mặt khác, khi thoát một lượng nước lớn như vậy, nhiết độ của bề mặt là được điều hòa, chỉ cao hơn nhiệt độ trong bóng râm một chút. Ngay ở sa mạc, nhiệt độ của lá nơi nắng chói chang cũng chỉ cao hơn trong bóng râm 6-7 độ C.
Một lí do quan trọng hơn nữa là khi thoát hơi nước thì khí khổng mở và đồng thời với hơi nước thoát ra, dòng CO2 sẽ đi từ không khí vào lá, đảm bảo cho quá trình quang hợp thực hiện một cách bình thường.