Nhận thấy tình hình đã chuyển biến nghiêm trọng và có nguy cơ lan rộng, chính quyền Pháp ở thuộc địa đã tập trung lực lượng để đàn áp tiêu diệt phong trào. Đến giữa năm 1931, thực dân Pháp trở lại thực hiện chính sách khủng bố, trấn áp phong trào này. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh dần lắng xuống, rồi thoái trào và cuối cùng đi đến thất bại, chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh chỉ tồn tại sau bốn, năm tháng.
Trong quá trình trấn áp, chính quyền Pháp đã điều động binh lính lập hệ thống đồn bốt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nhằm phong tỏa, bao vây cô lập và tiến đến kiểm soát vùng này. Cùng việc cho lực lượng binh lính đi càn quét, triệt hạ làng mạc, bắn vào lực lượng nổi dậy, quân Pháp còn dùng thực hiện việc chia rẽ mua chuộc một số phần tử trong cuộc biểu tình này.
Ngày 12 tháng 9 năm 1930, thực dân Pháp cho máy bay ném bom xuống các đoàn biểu tình của nông dân huyện Hưng Nguyên (cách Bến Thủy 10 km), làm chết 217 người và 120 người bị thương, điều động lính Pháp và lính khố xanh về đóng chốt tại Vinh_ Bến Thủy,cho quân đốt phá, triệt hạ làng mạc. Hai làng Lộc Châu và Lộc Hải bị triệt hạ, 217 nóc nhà bị đốt cháy, 30 người bị bắn chết. Nhiều cơ quan đầu não của Đảng, các cơ sở trong dân bị phá vỡ, nhiều đảng viên, người biểu tình bị bắt giam hoặc hành quyết. Theo ước tính, có hàng trăm người bị bắt, bị kết án tù giam trong các nhà tù ở Nghệ An, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, và Côn Đảo.