“Nam Cao, nhà văn không biết khóc cho khốn khó đời mình lại rất dễ khóc cho đời người. Khó biết nhân vật hay tác giả khóc, bởi mỗi chữ ứa lệ khi lão Hạc khóc. Khi “rân rấn”, khi “ầng ậng nước”, khi khóc thầm, khi vỡ òa. Nước mắt ẩn cả trong nụ cười, “cười đưa đà”, “cười nhạt”, “cười và ho sòng sọc”, “cười như mếu”. Thật xúc động khi đọc đoạn lão khóc con đi phu. Tôi chỉ còn biết khóc, chứ còn biết làm sao được nữa? Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta đã chụp rồi. Nó lại đã lấy tiền của người ta. Nó là người của người ta rồi, chứ đâu có còn là con tôi?...
Với đứa con trai duy nhất, Nam Cao nhìn ra ở người cha xác xơ, còm cõi này một tình phụ tử nguyên sơ và vĩnh cửu. Không phải lão không biết quý sinh mạng của mình. Tuy nhiên có một thứ lão còn quý hơn: ấy là đạo làm người, làm cha! Hoàn cảnh cùng cực ấy đã đẩy lão đến một sự lựa chọn nghiệt ngã: Muốn sống thì phải lỗi đạo làm cha (phải xâm phạm vào mảnh vườn – tài sản duy nhất đáng giá mà lão đêm ngày giữ gìn để bù trì tạo lập cho giọt máu duy nhất mình để lại chơ vơ trên cõi đời này), còn để trọn đạo làm cha thì phải chết. Và lão đã quyên sinh. Cái chết của lão Hạc khiến ta đâu đớn nhận ra tình phụ tử mộc mạc ấy mới thăm thẳm và mới thiêng liêng làm sao!”.