Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trách nhiệm xã hội với tư cách phương thức điều chỉnh, định hướng ý thức của con người trong các mối quan hệ giữa cá nhân với các cá nhân khác, với cộng đồng đang là một trong những yếu tố quan trọng và không thể thiếu đối với hành vi của con người nhằm tạo nên sự phát triển bền vững cho toàn xã hội. Đặc biệt, sự tác động nhiều chiều của nền kinh tế thị trường đã và đang đặt ra không ít yêu cầu đối với việc nâng cao trách nhiệm xã hội không chỉ của cá nhân, mà còn của toàn thể cộng đồng và các tổ chức xã hội.
Từ góc độ lý luận, đã có rất nhiều cách hiểu khác nhau về trách nhiệm xã hội nói chung, trách nhiệm xã hội của cá nhân nói riêng. Mỗi quan điểm này lại có một cách tiếp cận và những điểm hợp lý riêng. Về mặt nội hàm, thuật ngữ trách nhiệm được hiểu là: trách nhiệm bao giờ cũng gắn liền với con người, bị quy định bởi những nhu cầu phát triển của đời sống con người và về thực chất, đó chính là khả năng nhận thức về bổn phận, nghĩa vụ và hậu quả do những hành động của bản thân con người đưa lại. Do đó, hiểu một cách chung nhất, trách nhiệm là khái niệm của đạo đức học và luật học, nói lên một đặc trưng của nhân cách trong việc thực hiện nghĩa vụ do xã hội đề ra. Về phương diện thuật ngữ, trách nhiệm, khi gắn liền với nội dung xã hội hóa, mở rộng phạm vi ứng dụng và thực thi ra toàn xã hội, thường được hiểu là trách nhiệm xã hội; còn khi gắn với vai trò, nhận thức và hành vi của từng cá nhân thì được hiểu làtrách nhiệm xã hội của cá nhân. Do vậy, xét về bản chất, những khái niệm này có nội hàm tương đương như nhau. Từ đây, có thể đưa ra một cách định nghĩa chung về khái niệm này như sau:
Trách nhiệm xã hội, theo nghĩa hẹp, được hiểu là bổn phận của cá nhân cũng như của cộng đồng xã hội đối với những quyết định và hành động nhằm làm tăng nghĩa vụ và quyền lợi đối với mỗi thành viên trong xã hội. Trách nhiệm xã hội còn được coi là trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân trong việc giải quyết vấn đề chung, được thể hiện thông qua các yếu tố, như sự tôn trọng luật pháp, trách nhiệm với môi trường sống, trách nhiệm trong mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng, v.v.. Tuy mang ý nghĩa là bổn phận nhưng về bản chất, trách nhiệm xã hội là một sự tự nguyện, đứng trên trách nhiệm luật pháp với ý nghĩa điều chỉnh các hành vi của cá nhân trước và trong khi hoạt động, chứ không phải là tiêu chí đánh giá cá nhân sau khi hoàn tất hoạt động của mình. Chính vì vậy, trách nhiệm xã hội có thể bị phủ định trong trường hợp nó kiềm chế hoạt động của cộng đồng, và ngược lại, nó có thể được khẳng định khi mang ý nghĩa trách nhiệm trong hoạt động, tức là mang lại nhiều lợi ích đối với các thành viên cũng như cho cả xã hội.
Tuy nhiên, trách nhiệm xã hội không đơn thuần chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân trước những vấn đề chung. Chúng ta đều biết rằng, mỗi cá nhân chỉ tồn tại thực sự trong một xã hội nhất định, tồn tại trong quan hệ với những cá nhân khác và như C.Mác đã nói, “trong tính hiện thực của nó bản chất con người là tổng hòa những "quan hệ xã hội"”. Do vậy, mỗi cá nhân, trong quá trình hoạt động (lao động) của mình, sẽ tự điều chỉnh bản thân mình theo hướng hoạt động có trách nhiệm, làm cho hoạt động của mình phù hợp với các lợi ích của xã hội. Đồng thời, trách nhiệm xã hội không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa là những đòi hỏi, yêu cầu của xã hội đối với cá nhân (nghĩa vụ xã hội của cá nhân), mà còn bao hàm cả những đòi hỏi, yêu cầu của cá nhân (quyền của cá nhân) đối với xã hội.
Do vậy, trách nhiệm xã hội - đó chính là cá nhân có nghĩa vụ, có trách nhiệm đối với xã hội và ngược lại, xã hội cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm đáp ứng các quyền lợi của cá nhân. Xét về thực chất, đó chính là quyền và nghĩa vụ của cá nhân đối với xã hội và của xã hội đối với mỗi cá nhân. Chính vì vậy, trách nhiệm xã hội còn bao hàm cả trách nhiệm của toàn thể xã hội trong việc đảm bảo sự hoạt động của cá nhân mỗi con người trong hoạt động thực tiễn, trong mối quan hệ nhân quả với những cá nhân khác trong xã hội. Đây là cách hiểu trách nhiệm xã hội theo nghĩa rộng, và nó được thể hiện ở chỗ, xã hội cần xây dựng một cơ chế xã hội, một hiện thực xã hội rõ ràng, có đủ sức mạnh cần thiết để tạo môi trường cho các cá nhân thực hiện và nâng cao trách nhiệm của mình trước cộng đồng. Do vậy, trách nhiệm xã hội được thể hiện ở việc xây dựng một hệ thống giáo dục vững chắc để đào tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, làm cho họ có tinh thần trách nhiệm và nhận thức một cách đúng đắn, đầy đủ nhất về trách nhiệm cũng như nghĩa vụ xây dựng xã hội, nghĩa vụ đối với các mối quan hệ xung quanh mình để không xâm hại đến lợi ích của xã hội cũng như của các cá nhân khác.
Bên cạnh đó, khi xét về mặt chủ thể thực hiện trách nhiệm, trách nhiệm xã hội cũng có nhiều cấp độ biểu hiện. Trách nhiệm xã hội - đó là trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội (đối với gia đình, tập thể, đơn vị công tác, Tổ quốc, nhân loại nói chung...); là trách nhiệm của cá nhân đối với cá nhân khác với tư cách một con người, một thành viên của xã hội khi tham gia vào đời sống cộng đồng; là trách nhiệm của xã hội (của nhà nước, tập thể, gia đình…) đối với cá nhân. Như vậy, dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì trước hết, trách nhiệm xã hội cũng phải là bổn phận của cá nhân cũng như của cả cộng đồng xã hội trước những vấn đề chung liên quan tới sự duy trì cuộc sống của con người. Vì vậy, trách nhiệm xã hội chính là trách nhiệm đối với sự phát triển của xã hội loài người qua từng giai đoạn lịch sử nhất định. Trách nhiệm xã hội biến đổi theo sự phát triển của xã hội loài người và tùy từng cộng đồng, từng dân tộc, từng quốc gia nhất định mà có những biểu hiện, những hình thức thể hiện khác nhau. Trách nhiệm này không chỉ là sự đòi hỏi, yêu cầu của cộng đồng, của xã hội đối với mỗi người, mỗi tập thể (trách nhiệm pháp lý), mà còn là nhu cầu của sự tiến bộ, của sự hoàn thiện nhân cách của bản thân mỗi người (trách nhiệm đạo đức). Nếu trách nhiệm pháp lý là sự bắt buộc, là những yêu cầu mà mỗi cá nhân, trong hoạt động của mình, phải tuân thủ theo những chuẩn mực, những quy định, nguyên tắc của pháp luật thì trách nhiệm đạo đức lại chứa đựng tình cảm trách nhiệm của mỗi cá nhân trước người khác, trước cộng đồng và xã hội. Thực hiện trách nhiệm đạo đức là sự tự giác, không bị ràng buộc bởi động cơ cá nhân mang tính chất vụ lợi. Trách nhiệm xã hội nói chung, trách nhiệm đạo đức nói riêng có tác dụng quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách con người. Đó là sự thống nhất của quá trình nhận thức và hành động thực tiễn một cách có đạo đức của mỗi cá nhân, là quá trình rèn luyện, phấn đấu của mỗi chủ thể để vượt qua những cám dỗ vật chất nhỏ nhen, ích kỷ và những toan tính tầm thường, dưới tác động của những nhân tố cơ bản, như kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức… Mỗi thời đại kinh tế - xã hội với sự phát triển của kinh tế, sự thay đổi của chế độ chính trị, sự mở rộng của cơ chế dân chủ và những yêu cầu về văn hóa, đạo đức luôn có những đòi hỏi tương ứng về trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân với tư cách thành viên của cộng đồng xã hội.
Thông qua hoạt động thực tiễn và quá trình tham gia vào các mối quan hệ xã hội, mỗi cá nhân dần dần lĩnh hội được những yêu cầu, chuẩn mực đạo đức của xã hội, biến những yêu cầu, chuẩn mực ấy thành những hiểu biết của riêng mình, từ đó hình thành nhận thức đạo đức của mỗi cá nhân. Khi những yêu cầu, chuẩn mực đạo đức đã được lĩnh hội trở nên phù hợp với những nhu cầu phát triển của cá nhân và cộng đồng, nhận thức về trách nhiệm và hành vi có trách nhiệm với tư cách biểu hiện của hành vi có đạo đức sẽ dần được hình thành. Khi nhận thức và hành động có trách nhiệm trở thành một thói quen tự nhiên trong hoạt động của mỗi cá nhân sẽ dẫn đến trách nhiệm đạo đức. Có trách nhiệm đạo đức, con người sẽ tự giác hành động, làm theo lẽ phải, biết lựa chọn đúng sai, nhận thức được cái nên làm, phải làm vì sự phát triển chung của cả cộng đồng. Khi thực hiện trách nhiệm đạo đức và hoàn thành trách nhiệm đạo đức có nghĩa là bản thân mỗi cá nhân đã đem lại hạnh phúc cho người khác và nhất là cho chính bản thân mình. Đồng thời, khi thực hiện trách nhiệm đạo đức một cách tự nguyện, tự giác, con người sẽ luôn cảm thấy được sự thanh thản trong tâm hồn, cảm thấy hạnh phúc. Chính điều này càng thôi thúc con người hành động tốt hơn, hướng đến điều thiện nhiều hơn và mong muốn đem lại hạnh phúc cho những người khác, cho cộng đồng nhiều hơn.
Từ phương diện trách nhiệm xã hội của cá nhân, trách nhiệm của con người có nội dung khách quan và nội dung này, suy đến cùng, do những yêu cầu của xã hội quy định. Việc đưa ra những yêu cầu, quy định, quy tắc, điều luật này của xã hội chính là để tạo ra một cơ chế hoạt động của xã hội mà mỗi cá nhân, với tư cách thành viên trong xã hội, phải nhận thức, thấu hiểu và tuân thủ nghiêm ngặt nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho xã hội. Hoạt động của con người càng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của xã hội thì nội dung của trách nhiệm xã hội càng phong phú, đa dạng. Việc ý thức một cách sâu sắc những yêu cầu mang tính quy luật đó sẽ cho phép con người quyết định và lựa chọn hành động, hành vi một cách đúng đắn hơn, có trách nhiệm hơn. Đồng thời, sự phát triển của xã hội và lịch sử nói chung chỉ có thể diễn ra bình thường, lành mạnh, đi đúng quy luật khi mỗi cá nhân tự giác nhận thức được mối quan hệ cá nhân - xã hội. Do vậy, xét về khía cạnh lợi ích, vai trò và chức năng của trách nhiệm xã hội thể hiện ở chỗ, nó có thể kiềm chế và kích thích con người trong mọi hành động, góp phần điều chỉnh hệ thống các nhu cầu của con người trên cơ sở của sự thống nhất lợi ích. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, “chừng nào con người còn ở trong xã hội hình thành một cách tự nhiên, do đó chừng nào sự chia cắt giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, do đó chừng nào còn có sự phân chia hoạt động còn được tiến hành không phải một cách tự nguyện mà một cách tự nhiên thì chừng đó hành động của bản thân con người sẽ trở thành một lực lượng xa lạ, đối lập với con người, và nô dịch con người, chứ không phải bị con người thống trị”(1). Các ông còn nhấn mạnh: "Nếu như lợi ích đúng đắn là nguyên tắc của toàn bộ đạo đức thì do đó cần ra sức làm cho lợi ích riêng của con người cá biệt phù hợp với lợi ích của toàn thể loài người"(2). Điều này chỉ có thể thực hiện được khi mỗi cá nhân luôn có ý thức về trách nhiệm xã hội và năng lực chịu trách nhiệm đối với mỗi hoạt động của bản thân mình. Khi mọi người đều sống một cách có trách nhiệm với nhau và ý thức được sự cần thiết phải hợp tác trong các quan hệ xã hội thì ở họ, tất yếu sẽ nảy sinh sự tương trợ nhau, quan hệ bình đẳng và công bằng đối với nhau. Do vậy, hiểu một cách đầy đủ, trách nhiệm xã hội của cá nhân chính là năng lực tự xác định lợi ích hoặc tác hại đối với người khác, đối với toàn xã hội do những hành động của mình.
Trong mọi hoạt động của mình, con người đều hướng đến một mục đích nhất định, song không phải tất cả đều nhằm đến cái lợi cá nhân mà chà đạp lên lợi ích chính đáng của người khác, bất chấp các quy phạm, các chuẩn mực đạo đức của xã hội. Nền kinh tế thị trường là môi trường thuận lợi cho con người tìm kiếm lợi nhuận nhưng không phải chỉ cho riêng mình, mà cho sự tiến bộ chung của cả cộng đồng. Do vậy, những cá nhân có chỗ đứng vững vàng trong cơ chế thị trường, ngoài năng lực trí tuệ, khả năng thích ứng nhanh trên thương trường, họ còn luôn đặt chữ “tín” lên hàng đầu, trọng đạo nghĩa và luôn biết tự điều chỉnh hoạt động của mình trong khuôn khổ những chuẩn mực pháp lý, đạo đức. Điều này đã trở thành yêu cầu về trách nhiệm đạo đức đối với mỗi cá nhân trên tất cả mọi lĩnh vực hoạt động. Để có trách nhiệm, con người cũng cần phải có được những hiểu biết cần thiết trong hoạt động và cuộc sống của mình (chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp…). Những hiểu biết này không chỉ giúp họ hoạt động có hiệu quả và do vậy, có trách nhiệm hơn trong công việc của mình, mà còn giúp họ ứng xử hợp chuẩn xã hội, tức là có trách nhiệm trong cuộc sống. Để có trách nhiệm, con người còn phải có năng lực chịu trách nhiệm. Năng lực này biểu hiện ở ý thức về hậu quả của hành động, hành vi, ở ý chí vượt khó hoàn thành nghĩa vụ, ngăn chặn tác động tiêu cực và phát huy tác động tích cực của hành động đối với lợi ích xã hội. Tất cả những điều kiện cho sự hình thành và phát triển trách nhiệm này đều có liên quan và bị quy định bởi sự phát triển của nhận thức, đạo đức và nói chung, của nhân cách con người và do vậy, nó chỉ có thể có được khi con người tham gia vào mọi hoạt động của đời sống cộng đồng một cách có đạo đức, có ý thức trách nhiệm. Theo đó, có thể nói, trách nhiệm xã hội góp phần điều chỉnh, định hướng và phát triển nhân cách con người theo hướng ngày càng tiến bộ.
Bên cạnh đó, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của con người còn luôn gắn với sự phát triển của đời sống kinh tế, chính trị, có tác động đến các quan hệ lợi ích và đời sống tinh thần của xã hội. Cùng với đạo đức, trách nhiệm xã hội là một trong những yếu tố đảm bảo sự ổn định về chính trị và tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động kinh tế phát triển lành mạnh. Do vậy, việc tham gia rộng rãi vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội sẽ làm phong phú và nâng cao vai trò của trách nhiệm như một động lực của sự phát triển xã hội. Trên thực tế, sự phát triển của trách nhiệm xã hội, trách nhiệm đạo đức sẽ làm cho xã hội bớt đi những tác động trái chiều do mặt trái của kinh tế thị trường mang lại và trong nhiều trường hợp, còn có thể dựa trên những chuẩn mực đạo đức, những yêu cầu về trách nhiệm đạo đức để ngăn chặn các hành vi vô trách nhiệm, thiếu ý thức tôn trọng cộng đồng. Trong hoạt động kinh tế, với tính chất cạnh tranh hết sức khắc nghiệt, bất kỳ doanh nghiệp hay cá nhân nào, khi tham gia vào thị trường, đều chỉ có thể thành công và tồn tại lâu dài, nếu như nhà quản lý biết khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác, lương tâm nghề nghiệp của tập thể. Một khi bản thân nhà kinh doanh biết quan tâm đến hiệu quả, đến các giá trị đích thực, trọng chữ tín, tôn trọng con người và môi trường tự nhiên thì hoạt động của họ sẽ thành công và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng xã hội. Sự nghiệp đổi mới ở nước ta trong những năm vừa qua đã cho thấy những cá nhân, những doanh nghiệp thành công trên thương trường thì hoạt động của họ luôn có sự tôn trọng những chuẩn mực đạo đức và sự tuân thủ pháp luật. Đó chính là ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi công dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, là sự thể hiện thái độ chính trị tích cực cũng như lối ứng xử văn minh trong thời đại mới. Đây cũng chính là sức mạnh của mỗi cá nhân, của xã hội, là nhân tố tạo ra năng lực cạnh tranh hiệu quả trong nền kinh tế thị trường, trong sự hội nhập và giao lưu với khu vực và quốc tế. Trong thời đại ngày nay, nhân loại tiến bộ đã ý thức được rằng, những giá trị, chuẩn mực đạo đức và yêu cầu trách nhiệm đạo đức vẫn luôn là vấn đề có ý nghĩa hết sức cần thiết đối với bất kỳ xã hội nào, thời đại nào. Việc đánh giá trình độ phát triển, sự tiến bộ của xã hội luôn gắn liền với những chuẩn mực giá trị, yêu cầu đạo đức bởi đó chính là nền tảng tinh thần, là nội lực thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Ngày nay, quá trình hiện đại hóa và yêu cầu đổi mới xã hội diễn ra trên quy mô toàn cầu đã và đang làm cho trách nhiệm của con người được nâng cao hơn bao giờ hết. Những nhân tố cơ bản nhất quy định quá trình hiện đại hóa xã hội, như kinh tế thị trường, tiến bộ khoa học - công nghệ, dân chủ hóa, toàn cầu hóa..., đang tạo ra những điều kiện, những đảm bảo ngày một tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần cho sự phát triển trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân. Những nhân tố này đang thúc đẩy mạnh mẽ, nhưng cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với sự phát triển trách nhiệm xã hội nói chung, trách nhiệm xã hội của cá nhân nói riêng. Ở Việt Nam hiện nay, khi nền kinh tế nước ta đang từng bước hội nhập với nền kinh tế thế giới, nhất là sau khi chúng ta gia nhập WTO, cùng với những thuận lợi, những cơ hội phát triển, chúng ta đang phải đối diện với hàng loạt thách thức và những điều kiện ràng buộc đối với mọi mặt của đời sống xã hội và con người, thì vấn đề trách nhiệm xã hội và những yêu cầu thực hiện trách nhiệm xã hội lại càng mang một ý nghĩa quan trọng và cần thiết. Giải quyết một cách hợp lý những đòi hỏi này của quá trình đổi mới sẽ là một bước tiến mạnh và vững chắc để chúng ta thực hiện mục tiêu phát triển xã hội hài hòa và bền vững.
Sau hơn hai mươi năm tiến hành đổi mới đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta đang từng bước được xác lập và hoàn thiện. Kinh tế thị trường cùng với những thành tựu to lớn đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục… đã tạo ra môi trường kinh tế - xã hội và điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân rèn luyện, phát huy năng lực của bản thân, hình thành những giá trị tự thân, thích ứng ngày càng tốt hơn những đòi hỏi của xã hội. Kinh tế thị trường luôn đề cao lợi ích của cá nhân và về thực chất, là đề cao trách nhiệm của cá nhân, trước hết là trách nhiệm với lợi ích kinh tế. Nhờ đó, tinh thần, ý thức trách nhiệm đạo đức và năng lực chịu trách nhiệm đạo đức của cá nhân cũng được nâng lên. Tuy nhiên, những mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng tác động tiêu cực đến tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực đạo đức, trong đó có vấn đề thực hiện trách nhiệm xã hội.
Việc thực hiện trách nhiệm xã hội có liên quan mật thiết đến vấn đề phát triển bền vững của đất nước nói chung, của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp nói riêng trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Bởi lẽ, vấn đề trách nhiệm xã hội luôn được đặt ra từ tình hình thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang tích cực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa luôn đòi hỏi mỗi cá nhân không chỉ năng động hơn, có trình độ học vấn cao hơn, mà trách nhiệm đạo đức trước xã hội cũng phải cao hơn. Các định hướng giá trị mới do công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo ra đòi hỏi thực hiện trách nhiệm xã hội không chỉ bó hẹp trong quá trình lao động sản xuất, mà cả trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên xung quanh vì lợi ích thiết thân của con người.
Có thể nói, không chỉ những mặt tích cực, mà cả những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường, của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đều đặt ra những yêu cầu cụ thể về trách nhiệm xã hội của cá nhân, của các doanh nghiệp và toàn xã hội khi tham gia vào đời sống kinh tế - xã hội. Những yêu cầu đó là:
- Thứ nhất, trong lĩnh vực kinh doanh, việc tối đa hóa lợi ích cá nhân, pháp nhân là yêu cầu quan trọng của hoạt động kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường. Nói cách khác, đặc trưng bản chất của kinh tế thị trường là kinh doanh với sự điều tiết của nguyên tắc chi phí nhỏ - lợi nhuận lớn. Khi các chủ thể kinh doanh bị chính yếu tố lợi nhuận chi phối tất sẽ dẫn đến hành động bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được lợi ích cho cá nhân mình, như cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, vi phạm các yêu cầu về bảo vệ môi trường... Điều này đồng nghĩa với việc các chủ thể kinh doanh chối bỏ không chỉ nghĩa vụ, mà cả quyền thực hiện trách nhiệm xã hội. Do đó, trách nhiệm xã hội trong kinh doanh là yêu cầu cần phải được đặt ra để buộc các chủ thể kinh doanh, khi tham gia thị trường không chỉ tự giác, mà còn tự nguyện tuân thủ các nguyên tắc thị trường, biến việc thực hiện nguyên tắc thị trường thành nhu cầu tinh thần, đạo đức.
- Thứ hai, trong lĩnh vực đạo đức xã hội, kinh tế thị trường đề cao tự do cá nhân, là môi trường làm nảy sinh chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái đạo đức, tệ sùng bái đồng tiền, coi đồng tiền là thước đo đánh giá giá trị của bản thân và của những người khác. Cũng vì thế mà mỗi người chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình mà quên đi trách nhiệm đối với những người xung quanh, trách nhiệm đối với xã hội. Lợi ích cá nhân, tâm lý làm giàu nhanh, làm giàu bằng bất cứ giá nào đã dẫn đến hiện tượng nhiều chủ thể kinh tế coi thường kỷ cương, phép nước, lừa đảo, tham ô, tham nhũng, lương tâm và danh dự ngày càng mờ nhạt dần. Do vậy, giáo dục ý thức trách nhiệm và thực hiện trách nhiệm xã hội cần phải được đặt ra như một yêu cầu tất yếu đối với mọi cá nhân, mọi tổ chức và toàn thể xã hội.
- Thứ ba, cùng với những thành quả to lớn về phương diện kinh tế - xã hội, trong những năm qua, chúng ta cũng đã vấp phải không ít vấn đề gây cản trở lớn đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là về phương diện giá trị, bản sắc dân tộc. Một trong những nguy cơ của toàn cầu hóa là sự hòa tan các nền văn hóa vào một nền văn hóa chung, duy nhất theo mô hình phương Tây, hay là sự phương Tây hóa các nền văn hóa. Điều này có thể làm mất đi tính đa dạng của những giá trị truyền thống, làm tiêu tan bản sắc riêng có của từng dân tộc, từng quốc gia. Sự du nhập lối sống ngoại lai trong quá trình hội nhập quốc tế có thể khiến cho nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp bị mai một, bị đồng hóa, bị hòa tan bởi các giá trị văn hóa ngoại lai, xa lạ. Những biểu hiện tiêu cực của kinh tế thị trường đến đời sống tâm lý, lối sống, phong cách tư duy của các tầng lớp trong xã hội,… đang thực sự trở thành những vấn đề nóng bỏng. Do vậy, trong xu thế giao lưu, hội nhập toàn cầu hiện nay, xây dựng bản lĩnh văn hóa Việt Nam là vấn đề mang tính sống còn trong việc bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ý thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề này, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta đã khẳng định chủ trương: “tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hóa…, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh con người Việt Nam”(3).
Đứng trước hiện thực này, yêu cầu đặt ra là trách nhiệm của mỗi cá nhân, hay rộng hơn nữa, trách nhiệm của cả cộng đồng, trách nhiệm xã hội của một quốc gia, một dân tộc nhất định phải được thể hiện như thế nào đó để vừa thúc đẩy quá trình phát triển trong sự hội nhập với cộng đồng thế giới, vừa phải đảm bảo việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc và khẳng định được bản lĩnh của mình trước nguy cơ đồng hóa. Đòi hỏi cần quan tâm chính là vấn đề giáo dục và phát huy truyền thống dân tộc, giáo dục ý thức, trách nhiệm công dân, trách nhiệm với Tổ quốc. Những thay đổi của đời sống kinh tế - xã hội, sự phát triển với tốc độ vũ bão của khoa học và công nghệ cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa không những không làm giảm đi vai trò của trách nhiệm xã hội mà trái lại, còn làm cho vai trò của nó ngày càng tăng và dần trở thành yếu tố không thể thiếu.
Có thể nói rằng, sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước có thành công hay không và mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại có thực hiện được hay không phụ thuộc phần lớn vào việc phát huy nội lực của đất nước, trong đó phát huy trách nhiệm của mỗi cá nhân, của toàn xã hội là một yếu tố hết sức quan trọng. Thực hiện trách nhiệm xã hội đòi hỏi mỗi người cần phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích bản thân, tôn trọng những chuẩn mực đạo đức, tự giác tuân thủ pháp luật. Chính vì vậy, để mỗi cá nhân thể hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình thì vấn đề quan trọng là phải tạo ra một cơ chế xã hội đủ mạnh để giáo dục, khuyến khích tinh thần trách nhiệm trong mỗi con người, làm cho họ nhận thức đầy đủ, rõ ràng trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển cộng đồng, phát triển xã hội. Điều này không nằm ngoài yêu cầu thực hiện một cách đồng bộ và nhất quán các giải pháp kinh tế, pháp luật và giáo dục trách nhiệm xã hội. Công việc này không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân hay tổ chức, mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng, cả xã hội.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |
Thưởng th.11.2024 |
Bảng xếp hạng |