Việt Nam vốn có truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam luôn anh hùng, kiên cường trong chống giặc ngoại xâm, và trước sức mạnh ấy thì các thế lực bạo tàn cũng đã lật lượt bị đánh đuổi ra khỏi bờ cõi của Việt Nam, làm nên những chiến thắng lừng lẫy, oai hùng đó không chỉ bởi sức mạnh lớn lao, tinh thần đoàn kết của quân dân ta mà còn bởi những vị tướng tài giỏi, có tài mưu lược và cầm quân, như Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lí Bí, Trần Quốc Tuấn….Trong nền văn học viết, các nhà văn, nhà thơ cũng đã thể hiện thái độ tôn trọng cũng như sự đề cao đối với các nhân vật này, còn trong sự phát triển của văn học dân gian, khi văn học viết còn chưa ra đời thì hình tượng của những người anh hùng được phản ánh thông qua các tác phẩm của truyền thuyết, thông qua các nhân vật hư cấu, thể hiện được khát vọng của nhân nhân về người anh hùng cứu nước chống giặc ngoại xâm. Và nói đến truyền thuyết về người anh hùng thì không thể không nhắc đến truyền thuyết “Thánh Gióng”.
Thánh Gióng là một trong những truyền thuyết tiêu biểu của nền văn học dân gian Việt Nam, truyện kể về nhân vật chính, đó chính là người anh hùng chống giặc ngoại xâm Thánh Gióng, đó là một nhân vật mang sức mạnh phi thường, kì diệu và chính sức mạnh siêu nhiên đó đã quét sạch quân xâm lược Ân ra khỏi bờ cõi nước ta. Và sau khi đã giúp cho dân chúng dẹp loạn giặc cỏ thì Thánh Gióng đã cùng ngựa bay về trời xanh. Ngay từ phần mở đầu thì các tác giả dân gian đã nói về sự ra đời kì lạ của Thánh Gióng, bố mẹ của Thánh Gióng vốn là những người hiền lành, phúc đức nhưng mãi mà vẫn chưa có một mụn con.
Và sự kì diệu đã xảy đến, trong một lần ra đồng, thấy vết chân to, bà đặt lên ướm thử thì về nhà có thai và sinh ra Thánh Gióng. Ta có thể thấy ngay sự xuất hiện của Thánh Gióng cũng không giống người thường mà mang chút gì đó huyền kí, kì ảo. Có lẽ chính từ những chi tiết đầu tiên các tác giả dân gian đã làm cho Thánh Gióng khác thường để báo hiệu về một con người đầy phi thường. Nhưng sự kì lạ chưa kết thúc ở chi tiết đó, bởi khi Thánh Gióng được sinh ra thì dù đã ba tuổi nhưng không hề biết nói, biết cười, đặt đâu ngồi đấy. Đây quả thực là một trường hợp rất lạ lùng, bởi trước nay hầu như không có những trường hợp ba tuổi nhưng không nói, không cười như vậy.
Nhưng những chuyện kì lạ đã xảy ra, khi nghe tiếng sứ giả rao tìm người tài giỏi cứu nước thì Thánh Gióng bỗng cất tiếng dõng dạc nói với mẹ: “Mẹ mời sứ giả vào đây”. Đây thực sự là một chuyện rất kì lạ, gây ra sự bất ngờ không chỉ với chính bố mẹ Thánh Gióng mà còn đối với chính những độc giả theo dõi câu chuyện. Vì một đứa bé bình thường cũng khó có thể nói được những lời dõng dạc, nghiêm túc đến vậy, nói chi đến Thánh Gióng một đứa trẻ mà ba năm không nói, không cười. Mẹ của Thánh Gióng tuy cũng rất bất ngờ nhưng cũng theo lời Thánh Gióng mà mời sứ giả vào. Khi sứ giả vào thì chàng cũng không hề vòng vo mà nói thẳng vào việc chính: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”.
Ở trong truyền thuyết này, các tác giả dân gian có lẽ không quá miêu tả vào sự kì lạ của Thánh Gióng, cũng như đề cập đến những sự bất ngờ, hoài nghi của sứ giả khi nghe những lời Thánh Gióng yêu cầu về việc đánh giặc. Bởi mục đích chính của các tác giả dân gian đó chính là xây dựng hình ảnh của người anh hùng chống giặc ngoại xâm. Và những người anh hùng này thường mang những nét phi thường, những đặc điểm kì lạ của những con người có tầm vóc. Quay trở lại với câu chuyện, ngay sau khi đưa ra những yêu cầu với sứ giả về những vật dụng cần thiết mà mình cần để chống giặc, thì chú bé Thánh Gióng bỗng chốc trở nên nhanh nhẹn,linh hoạt khác hẳn với dáng vẻ của một chú bé ba tuổi.
Chàng lớn nhanh như thổi, cơm ăn bao nhiêu cũng không no, áo mới mặc nhưng cũng bị bục chỉ. Bố mẹ của Thánh Gióng dù có làm ra bao nhiêu cũng không đủ cơm gạo để nuôi. Thấy sự tình kì lạ bà con láng giềng cũng chung tay góp sức gom góp gạo để nuôi Thánh Gióng, vì ai cũng muốn chàng giết giặc, cứu nước. Khi giặc Ân đã kéo đến chân núi Trâu, tức đã xâm phạm vào lãnh thổ của nước ta, người người đều vô cùng hoảng hốt, lúc bấy giờ thì Thánh Gióng đã “vươn vai một cái, bỗng chốc trở thành một tráng sĩ, mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt”. Thánh Gióng mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt cầm roi sắt đơn phương độc mã mà lao vào trận chiến.
Tuy chỉ có một mình nhưng trước sức mạnh phi thường của Thánh Gióng thì lũ giặc ngoại xâm cũng bị đánh cho tơi bời : “Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ”. Khi đang chiến đấu thì roi sắt bị gãy, Thánh Gióng đã nhổ những cụm tre bên đường mà quật vào lũ giặc làm cho lũ giặc sợ hãi hoảng hốt giẫm đạp lên nhau mà chạy trốn. Ngay khi đã diệt xong giặc Ân, Thánh Gióng không về triều đình lĩnh thưởng, cũng không trở về thăm lại bố mẹ, làng xóm mà lên đỉnh núi Sóc rồi cả người lẫn ngựa bay lên trời.
Như vậy, Thánh Gióng là một nhân vật mà tác giả dân gian đã sáng tạo ra để thể hiện khát vọng về hình tượng anh hùng chống giặc ngoại xâm anh dũng, phi thường. Tuy có mang những sức mạnh kì lạ, bởi đó là sự hư cấu, tưởng tượng của nhân dân, nhưng qua truyền thuyết này ta có thể thấy các tác giả đã tái hiện được phần nào sức mạnh của con người Việt Nam xưa, kiên cường, anh dũng, đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm.