Kết quảNgay trong đêm 7 tháng 11 năm 1917 (25 tháng 10 theo lịch Nga cũ), Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ hai tuyên bố khai mạc tại điện Smoniyl và tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết do Lenin đứng đầu. Các sắc lệnh đầu tiên của chính quyền Xô Viết đã được thông qua là Sắc lệnh hòa bình và Sắc lệnh ruộng đất. Chính quyền Xô Viết còn thực hiện các biện pháp thủ tiêu các tàn tích của chế độ cũ như xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp, những đặc quyền của giáo hội, thực hiện chính sách nam nữ bình đẳng.
Sau thành công ở Petrograd và Moscow, các cơ quan trung ương và Xô Viết các địa phương được thành lập. Tới cuối tháng 11, Chính quyền Xô viết đã được thành lập ở 28 tỉnh (trong tổng số 49 tỉnh) thuộc phần lãnh thổ châu Âu của nước Nga. Đến cuối tháng 3 năm 1918, Chính quyền Xô viết đã giành được thắng lợi hoàn toàn trên phạm vi cả nước Nga rộng lớn.
Tháng 12 năm 1917, Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao được thành lập nhằm xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Hội đồng có trách nhiệm thực hiện cải cách ruộng đất, theo đó xóa bỏ việc chiếm hữu ruộng đất của giới địa chủ, trao lại ruộng đất cho nông dân. Đối với công nghiệp, thực hiện quốc hữu hóa một số nhà máy lớn, đồng thời thực hiện chính sách lao động tiên tiến (ngày làm việc 8 giờ, cấm sa thải công nhân bừa bãi, quy định chế độ nghỉ phép đối với công việc nặng nhọc...)
Ngày 3 tháng 3 năm 1918, nước Nga Xô Viết ký Hòa ước Brest-Litovsk với các nước phe Liên minh Trung tâm, chính thức rút khỏi Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cuộc chiến tranh đẫm máu do Sa hoàng phát động đã khiến hơn 2 triệu binh sĩ Nga tử trận và gần 5 triệu người bị thương, đến đây là kết thúc. Dù phải chấp nhận những điều khoản bồi thường nặng nề, nhưng Lenin đã dự đoán rằng Đế quốc Đức sẽ không còn tồn tại lâu nên khoản bồi thường đó sẽ sớm bị vô hiệu (và dự đoán này đã chính xác khi Đế quốc Đức sụp đổ vào tháng 11/1918). Quan trọng hơn, người dân Nga cuối cùng đã có được hòa bình để bắt tay vào hàn gắn những tàn phá mà thế chiến thứ nhất gây ra cho đất nước mình.
Ngay sau khi cách mạng vừa thắng lợi, ngày 2/11/1917 (theo lịch Nga cũ), Chính phủ Xô viết đã tuyên bố bản Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga. Tuyên bố khẳng định những nguyên tắc căn bản của Chính quyền Xô viết đối với các vấn đề dân tộc, khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc và cho phép các dân tộc có quyền tự quyết[2]:
- Bình đẳng và chủ quyền của các dân tộc
- Quyền của các dân tộc nước Nga được tự quyết một cách tự do.
- Xóa bỏ tất cả các đặc quyền và hạn chế về dân tộc và tôn giáo – dân tộc.
- Các dân tộc thiểu số và các nhóm dân chúng sống trên lãnh thổ Nga được phát triển tự do.
Đó là những nguyên tắc pháp lý quan trọng về vấn đề dân tộc. Nhà nước Xô viết đã tán thành quyền tách ra độc lập của Phần Lan, Ba Lan, xóa bỏ mọi hiệp ước bất bình đẳng của Chính phủ Nga hoàng trước đây đối với Thổ Nhĩ Kì, Ba Tư (Iran) và các nước khác. Ngày 10-1-1918, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ III đã khai mạc. Đại hội quyết định hợp nhất các Xô viết đại biểu nông dân với Xô viết đại biểu công nhân và binh lính, thông qua bản "Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị bóc lột". Tuyên ngôn đã trở thành cơ sở cho bản Hiến pháp đầu tiên của nước Nga Xô viết, được thông qua vào tháng 7-1918. Đại hội đã thông qua quyết định lịch sử cải tổ nước Cộng hòa Xô viết Nga thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga, trên cơ sở liên minh tự nguyện giữa các dân tộc ở nước Nga.
Theo sư ủy nhiệm của Trung ương Đảng, tháng 4-1918, Lênin viết tác phẩm "Những nhiệm vụ trước mắt của Chính quyền Xô viết". Trong tác phẩm này, Lênin kêu gọi cần "tổ chức thật chặt chẽ sự kiểm soát và kiểm soát của toàn dân đối với sản xuất và phân phối sản phẩm", củng cố kỉ luật lao động, lôi kéo các chuyên gia tư sản, sử dụng những thành tựu mới nhất của khoa học và kĩ thuật.
Từ mùa xuân năm 1918, Sắc luật ruộng đất bắt đầu được thực hiện, nông dân Nga đã nhận được (không phải trả tiền) hơn 150 triệu héc ta ruộng đất từ giai cấp địa chủ, tư sản, nhà thờ và hoàng gia Nga hoàng cũ. Nông dân Nga đã được giải phóng khỏi những khoản tiền lĩnh canh phải nộp hằng năm, xóa được 3 tỷ Rúp tiền nợ các ngân hàng. Với việc thu ruộng đất và nông cụ của địa chủ cũng như tịch thu một phần của phú nông, quá trình trung nông hóa trong nông dân đã bắt đầu (từ 20% lên 60%). Trung nông đã tin tưởng và đi theo Chính quyền Xô viết. Đó là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng ở nông thôn.
Trong khi nước Nga đang xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa thì các phần tử bạch vệ với sự giúp sức của 14 nước đế quốc đã ra sức lật đổ chính quyền Xô Viết. Trước tình hình đó, nước Nga Xô Viết đã áp dụng chính sách cộng sản thời chiến, xây dựng Hồng quân công nông. Cuộc nội chiến Nga đã diễn ra từ đầu năm 1918 đến tháng 11 năm 1920 khi Hồng quân đã đánh tan ngoại xâm và nội phản. Cuộc nội chiến kết thúc với thắng lợi thuộc về chính quyền Xô Viết, nước Nga Xô Viết được giữ vững.