Câu 2: Nhân nghĩa là:
*NHÂN:
Đây là phạm trù vừa mang tính khởi đầu vừa là hạt nhân của Khổng Tử; nó mang một nội dung tương đối rộng, với những điều chính yếu sau:
- Nhân là "lòng thương người"
- "Khống chế mình theo đúng lễ là nhân, một ngày khống chế mình theo đúng lễ, thiên hạ về với nhân đấy"
- "Người nhân... cư xử thì cung, chấp hành công việc thì kính, đối với người ta thì trung"
- "Người nhân ra cửa như gặp vị thánh lớn, sai khiến dân như đang tiến hành cuộc lễ lớn, cái gì mình không muốn thì chớ đem làm với người khác."
- "Người nhân thì cung kính, khoan hoà, tín, nhạy bén, rộng rãi"
- "Người nhân thì mình muốn lập mà lập cho người, mình muốn đạt mà đạt cho người"
Mạnh Tử đã phát triển quan niệm về Nhân của Khổng Tử thành học thuyết "Nhân Chính" với những nội dung sau:
- Bớt hình phạt, nhẹ thuế má, tạo cho mọi người một sản nghiệp để họ đủ sống.
- Dạy đạo đức trung hiếu, lễ nghĩa cho dân, tạo cho xã hội một sự hoà hợp.
- Coi trọng dân, "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" (Dân là quý, xã tắc kế theo, vua là thường).
NGHĨA
Theo Khổng Tử, Nghĩa là một trong những cái đức lớn của người quân tử. "Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi" (Người quân tử hiểu rõ nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ lợi). Nghĩa là cái chính đáng của thiên lý, lợi là cái ham mê của nhân dục. Người quân tử hiểu sâu sắc việc nghĩa nên mới dốc lòng làm việc nghĩa. Nghĩa tuy không cụ thể nhưng lại có thể "biết được, hiểu được". Người có nghĩa là người đặt suy nghĩ của mình vào việc chung trước việc riêng, hành động vì đạo nghĩa chứ không vì lợi.
Từ những phát thảo trên, Mạnh Tử đã đi sâu giải mã thêm những vấn đề kiến giải của thầy. Lại thêm quan niệm "Bản tính con ngưòi là thiện" nên rất nhiều lần Mạnh Tử đã đề cập đến Nghĩa hay Nhân Nghĩa nói chung. Ông cho rằng, về đường chính trị phải lấy nhân nghĩa làm gốc. Vua Huệ Vương nước Lương đã từng hỏi: "Ông có điều gì làm lợi cho nước Lương không?" Mạnh Tử đã gạt đi mà nói rằng: "Vua hà tất phải nói lợi. Chỉ có nhân nghĩa mà thôi. Nếu ông vua nói rằng: làm thế nào cho lợi nước ta, quan đại phu nói rằng làm thế nào cho lợi nhà ta, kẻ sĩ và thứ dân nói rằng: làm thế nào cho lợi thân ta, kẻ trên ng#íi dưới thi nhau nói về lợi, thì nguy vậy". Ông cũng đã từng khuyên một người thuyết khách rằng: "Xưa nay vua tôi, cha con, anh em đều bỏ cả nhân nghĩa, chỉ đem cái bụng mong lợi mà tiếp đãi nhau, như thế mà nước không mất là chưa có vậy . Lấy nhân nghĩa mà nói, thì người làm tôi đem lòng nhân nghĩa mà thờ vua, người làm con đem lòng nhân nghĩa mà thờ cha, người làm em đem lòng nhân nghĩa mà thờ anh. Vua tôi, cha con, anh em đều bỏ lợi, chỉ đem nhân nghĩa mà tiếp đãi nhau, thế mà không trị được thiên hạ là không có vậy."