Đề bài: Nghị luận xã hội: Tranh giành và nhường nhịn.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
1. Mở bài
Tranh giành và nhường nhịn là 2 vấn đề có nhiều chuyện để bàn.
2. Thân bài
- Giải thích:
+ Tranh giành: giành giật, vơ vét lấy công sức, thành quả - của người khác về phần mình.
+ Nhường nhịn: là cho, chia sẻ công sức, thành quả của mình cho người có ít hơn mình.
- Bàn luận:
+ Tranh giành là biểu hiện của lòng tham, của lốì sống vị kỉ, vun vén cho lợi ích cá nhân; làm xấu đi mọi quan hệ xã hội.
+ Nhường nhịn là biểu hiện của tình thương, của lối sống mình vì mọi người; làm con người ngày càng lớn lên, hoàn thiện về nhân cách.
+ Chỉ biết giành mà không biết cho, biết nhường thì ắt sẽ tự giết chết mình trong sự cô lập của cộng đồng, của xã hội.
+ Mỗi người phải học cách nhường nhịn, cách sẻ chia và cách yêu thương con người.
3. Kết bài
Sống nhường nhịn, không tranh giành là lẽ sống cao đẹp cần vươn tới của mỗi người.
Lập dàn ý chi tiết
I. Mở bài:
Từ xa xưa ta đã có câu: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Nhưng trong xã hội phát triển như tên lửa hiện nay, không chỉ có vấn đề nhường nhịn mà tồn tại song song với nó còn là vấn đề tranh giành. Vậy chúng ta suy nghĩ gì về hai vấn đề này?
II. Thân bài:
1. Giải thích:
- "Tranh giành" là giành giật, vơ vét lấy công sức, thành quả của người khác về phần mình.
- "Nhường nhịn" là chấp nhận để người khác hơn mình, là thái độ hoà nhã không có ý định tranh giành hơn thua. Nhường nhịn là sự thông cảm, tha thứ cho nhau trong giao tiếp ứng xử để cuộc sống tốt đẹp hơn.
2. Biểu hiện:
- “Tranh giành” và “nhường nhịn” là khái niệm luôn đối lập với nhau. Nhưng chúng có cùng điểm chung là cùng thể hiện qua hành động, lời nói, giao tiếp từ trong gia đình, đến ngoài xã hội.
- Ngay từ nhỏ, khi còn sống với gia đình, ta giành nhau từ cái kẹo hay đơn giản chỉ có chỗ ngồi. Rồi từ cái nhỏ đó cứ lớn dần lên. Khi ra ngoài xã hội, những cái nhỏ đó trở thành một tính xấu là ích kỉ, giành giật những thứ không phải của mình. Còn ngược lại, nếu từ nhỏ, ta đã biết nhường nhịn người khác thì lớn lên sự nhường nhịn đó đã trở thành sự yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ mọi người dù ta không quen biết.
- Từ thời nguyên thủy xa xưa không hề có sự tranh giành hay nhường nhịn. Họ tạo được ra của cải vật chất thì họ được dùng. Nhưng từ khi xã hội có giai cấp, có sự phân biệt giàu nghèo thì sự tranh giành, nhường nhịn bắt đầu xuất hiện. Khi những địa chủ, lãnh chúa tìm mọi cách lấy đi ruộng đất của nông dân thì nhiều người nông dân đã biết yêu thương, đùm bọc, bảo vệ lẫn nhau. Sự tranh giành, nhường nhịn ra đời từ đó.
3. Bàn luận:
- "Tranh giành", "nhường nhịn" là hai mặt, hai khái niệm trái ngược nhau, đối lập nhau. Chỉ vì quyền lợi cá nhân mà vơ vét sức lao động của người khác, thể hiện rõ sự ích kỉ, tư lợi bản thân. Chỉ vì quyền lợi cá nhân về vật chất, họ tranh giành nhau bằng cách này, cách nọ để đạt được. Sự tranh giành làm con người trở nên ích kỉ, làm xấu đi nhiều mối quan hệ. Vậy liệu sự tranh giành có tốt hay không? Không, sự tranh giành không hề tốt mà nó là mặt xấu của xã hội bởi nó mang đến những điều không có lợi cho bất kì ai.
- Ngược lại, nhường nhịn là sự chia sẻ cảm thông với người khác. Người biết nhường nhịn không màng tới vật, họ không vì quyền lợi cá nhân mà là vì mọi người xung quanh. Bởi họ biết nhường nhịn nhau, biết chia sẻ cho người khác. Vậy nếu ta biết nhường nhịn hơn là cứ tranh giành nhau thì chắc chắn xã hội này sẽ tốt đẹp hơn.
- Từ lâu, ông cha ta đã dạy rằng: “Lá lành đùm lá rách – lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Sống ở trên đời không thể lúc nào cũng sung túc, ai cũng phải có lúc gặp khó khăn. Vậy nên trong một cộng đồng phải biết đùm bọc nhau, yêu thương, chia sẻ với nhau. “Một điều nhịn, chín điều lành”, điều đó đã khuyên chúng ta nên nhường nhịn nhau sẽ tránh gặp những điều bất hòa. Nạn đói năm 1945, hơn hai triệu người đã chết vì đói. Bác Hồ đã khơi dậy phong trào “Hũ gạo chống đói” để giúp đỡ những người đang đói. Mỗi ngày, Bác nhịn một bữa trưa đẻ góp gạo chống đói. Truyền thống nhường nhịn tốt đẹp vẫn luôn tồn tại đến tận bây giờ . Gần đây nhất, cả nước ta đã ủng hộ tiền cho những người nghèo qua quỹ ủng hộ người nghèo. Tuy có những người đóng góp không nhiều, nhưng thể hiện sự chia sẻ, đùm bọc nhau. Đó chính là biểu hiện của sự nhường nhịn. Nếu bạn để ý đọc kĩ ở mỗi số báo “An ninh thế giới”, đều thấy có một phần mục nhỏ dành để nói lời cảm ơn tới những người hảo tâm góp tiền làm từ thiện.
4. Ý kiến đánh giá:
Quan niệm: tiền bạc, quyền lợi được một số người coi là tất cả. Như vậy, liệu cứ tranh giành mãi thì có tốt hay không? Chúng ta phải làm gì để sự nhường nhịn nhiều hơn?
Trong cuộc sống, có quá nhiều người chỉ biết nghĩ tới bản thân mình và coi thường người khác. Họ ích kỉ và nghĩ rằng chỉ họ mới đáng có đủ mọi thứ mà thôi. Vậy làm thế nào để ý nghĩ ích kỉ đó giảm đi? Chúng ta nên hướng bản thân mình vào lối sống đẹp, cách sống đẹp ấy là không vì bản thân, mà vì mọi người. Ta cần biết nhường cơm sẻ áo cho người khác. Hơn nữa, ta cần phải học nhường nhịn, học cách chia sẻ và học cả cách yêu thương con người. Bên cạnh đó, ta cần giáo dục cho trẻ em – tương lai của đất nước, để trẻ em thấy rằng các em cần phải biết nhường nhịn, chia sẻ với mọi người xunh quanh và không nên sống vì riêng mình – đó chính là hạnh phúc.
III. Kết bài:
Lối sống nhường nhịn và không tranh giành là một lối sống đẹp và cần phát huy. Chúng ta là những học sinh nên hướng về lối sống đẹp này.