câu 3:
Giống như các địa phương khác trong cả nước, khi Chiếu Cần Vương được đưa đến Phú Yên, nhiều sĩ phu, văn thân yêu nước đứng ra lập các đạo quân ứng nghĩa để chống giặc. Họ xuất thân từ nhiều thành phần, địa vị và hoàn cảnh khác nhau: có người là tú tài nhưng đã bỏ mộng quan trường lui về trí sĩ, có người là chánh tổng, lý trưởng cai quản một tổng, một xã sớm hôm chăm lo đời sống người dân nơi thôn dã, có người là địa chủ, bá hộ nhưng vẫn luôn theo dõi tình hình đất nước, lo lắng cho vận mệnh của đồng bào trước họa ngoại xâm… Với uy tín của mình, Lê Thành Phương đã quy tụ thủ lĩnh của các đạo quân ứng nghĩa ở các địa phương trong tỉnh, hướng họ về cùng mục tiêu chống giặc cứu nước, khắc phục tình trạng phân tán thành các nhóm nhỏ lẻ, tự lập tác chiến như phong trào ở một số tỉnh.
Sau lễ tế cờ ngày 15/8/1885 tại Núi Một, thôn Tân An, tổng Xuân Vinh, Lê Thành Phương đã thành lập Bộ chỉ huy nhằm thống nhất các lực lượng khởi nghĩa cả tỉnh dưới một sự chỉ đạo chung. Bộ chỉ huy đứng đầu là Thống soái Lê Thành Phương và các tướng lĩnh với các chức tước tự phong như phó soái, hữu tham quân, tả tham quân, tán tương quân vụ, tán lý quân lương, kiểm biện, kiểm quân… Khi chính quyền trong tỉnh đã về tay nghĩa quân, chế độ quân quản được thiết lập mà ở đó các tướng lĩnh vừa đảm nhận việc chỉ huy lực lượng quân sự để đối phó với quân thù, đồng thời là người lãnh đạo chính quyền bảo vệ và chăm lo đời sống nhân dân. Sự phân chia chính quyền trong toàn tỉnh Phú Yên thành 3 quân khu với cơ sở là quân thứ các tổng đã giúp cho Lê Thành Phương điều hành công việc một cách thuận lợi và tránh tình trạng phân tán. Tại Quảng Nam, nơi phong trào Cần Vương diễn ra khá mạnh, việc điều hành thống nhất các nhóm ứng nghĩa cũng rất khó khăn. Thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu phải sử dụng đến biện pháp thanh trừng một số tướng lĩnh cầm đầu như tú Đỉnh, lãnh Hậu, huyện Thiện, tán Hoắc để dẹp tan mầm mống chia rẽ trong phong trào (1).
Từ các đạo quân ứng nghĩa riêng lẻ, Lê Thành Phương đã tập hợp thành một phong trào thống nhất. Phải nói rằng, ông đã thể hiện tài năng quân sự, uy tín chính trị lớn trong toàn thể dân chúng và các thủ lĩnh phong trào. Nhờ thế mà ông nắm được đội ngũ đông đảo các tướng lĩnh phụ tá có đủ năng lực trong xây dựng lực lượng và trong chiến đấu, đưa phong trào Phú Yên nhanh chóng trở thành một trung tâm kháng chiến ở các tỉnh khu vực nam Trung Kỳ.
Bên cạnh việc đứng ra thống nhất lực lượng nghĩa quân trong toàn tỉnh Phú Yên, Lê Thành Phương còn là vị thủ lĩnh tối cao trong việc đề ra đường lối lãnh đạo phong trào Cần Vương Phú Yên giành lấy nhiều thắng lợi.
Nhìn vào diễn biến của cuộc khởi nghĩa do Lê Thành Phương lãnh đạo, chúng ta có thể hình dung vị lãnh đạo tối cao của phong trào Phú Yên đã vạch ra kế hoạch phát triển lâu dài cho cuộc kháng chiến. Trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa, nhiệm vụ cơ bản đặt ra là lật đổ chính quyền thân Pháp ở Phú Yên, thiết lập chính quyền do lực lượng khởi nghĩa đảm nhận, chuẩn bị công cuộc chống xâm lược. Bằng trận đánh thần tốc của lực lượng cả tỉnh vào tháng 9-1885, nghĩa quân đã nhanh chóng đánh chiếm thành An Thổ-trung tâm của chính quyền Nam triều tại Phú Yên- giành lấy thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi này làm cho quân đội Pháp đóng tại Bình Định dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Dumas không kịp ứng cứu. Không dừng lại ở đó, Lê Thành Phương còn chỉ đạo các cánh quân của Bùi Giảng, Lê Thành Bính, Nguyễn Tấn Thảo tiến vào Khánh Hòa, Bình Thuận hỗ trợ nghĩa quân ở các tỉnh này lật đổ chính quyền thân Pháp đưa phong trào vào quỹ đạo Cần Vương. Phải nói rằng, những kế hoạch và đường lối của Bộ chỉ huy nghĩa quân Phú Yên đứng đầu là Lê Thành Phương đã đem lại những thành quả to lớn: xóa bỏ chính quyền thân Pháp tại Phú Yên và các tỉnh nam Trung Kỳ, xúc tiến kế hoạch đem quân vào giải phóng Nam Kỳ… đã đưa phong trào ở Phú Yên trở thành trung tâm kháng chiến phía Nam kinh thành Huế. Khi quân Pháp và Trần Bá Lộc từ Nam Kỳ kéo ra đàn áp cuộc khởi nghĩa, Lê Thành Phương đã lãnh đạo nghĩa quân cả tỉnh nhanh chóng bố trí lực lượng chiến đấu, đương đầu các cuộc tấn công của địch. Các trận đánh ở vịnh Xuân Đài và tại căn cứ Xuân Vinh những ngày đầu tháng 2-1887 đã khiến cho những tên thực dân như Tirant cũng phải khâm phục khả năng lãnh đạo của Lê Thành Phương là người có “năng lực thực sự” và “thông minh hiếm thấy” (2).
Vai trò của Lê Thành Phương đối với phong trào Cần Vương ở Phú Yên còn biểu hiện ở tài năng quân sự, sự sắp xếp, bố trí lực lượng trong chiến đấu và xây dựng hệ thống phòng thủ sẵn sàng đánh địch.
Dưới con mắt của một vị chỉ huy tài ba, Lê Thành Phương đã thiết lập một hệ thống bố phòng quân sự gồm các tuyến phòng thủ dọc theo bờ biển và sâu trong nội địa thành 3 quân khu có mối liên kết chặt chẽ với nhau, sẵn sàng tiếp ứng khi chiến sự nổ ra. Ở mỗi quân khu nghĩa quân có thể độc lập tác chiến, phát huy lợi thế địa hình dựa vào nhân dân đánh giặc. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, Lê Thành Phương còn xây dựng các căn cứ sơn phòng tại vùng rừng núi làm nơi rút lui khi cuộc khởi nghĩa rơi vào tình thế khó khăn. Các căn cứ địa Vân Hòa, Tổng Binh trên vùng rừng núi phía tây huyện Đồng Xuân là những căn cứ hiểm yếu cho phép nghĩa quân Phú Yên rút lui an toàn sau khi lực lượng ở đồng bằng tan rã. Nhờ vào các căn cứ này mà nghĩa quân bảo toàn lực lượng để tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến một thời gian khá dài sau khi vị thủ lĩnh phong trào bị kẻ thù giết hại.
Tóm lại, khởi nghĩa Lê Thành Phương - đỉnh cao của phong trào Cần Vương Phú Yên bùng nổ và phát triển mạnh mẽ đưa Phú Yên trở thành một trong những trung tâm phong trào chống Pháp ở phía Nam kinh thành Huế. Nghĩa quân không chỉ đánh đổ chính quyền Nam triều thân Pháp ở Phú Yên mà còn hỗ trợ nghĩa quân các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận trong việc lật đổ các chính quyền tay sai đưa phong trào vào quỹ đạo Cần Vương. Cuộc chiến đấu của nghĩa quân Phú Yên trong những ngày tháng 2-1887 không chỉ bảo vệ thành quả của phong trào Cần Vương mà còn nhằm chống lại âm mưu sát nhập các tỉnh nam Trung Kỳ vào Nam Kỳ của thực dân Pháp. Tuy rằng khởi nghĩa Lê Thành Phương trong giai đoạn cuối diễn ra ngắn ngủi, nhưng tính chất cuộc chiến không kém phần ác liệt. Tấm gương hy sinh của Lê Thành Phương và các thủ lĩnh nghĩa quân là biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước, chiến đấu đến cùng chống giặc ngoại xâm của nhân dân Phú Yên và đó là động lực để những nghĩa quân còn lại dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bá Sự kiên quyết duy trì cuộc kháng chiến trong một thời gian tương đối dài.