1. Vai trò của gia đình đối với sự phát triển trẻ em?
Gia đình là tế bào của xã hội, mà ở đó, con người sinh ra, được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phát triển và cũng là điểm tựa cuối cùng của mỗi con người. Gia đình là trường học đầu tiên, trong đó cha mẹ là người thầy giáo thân thuộc đầu tiên của con trẻ.
Ở trong mỗi gia đình, trẻ em là những thành viên đặc biệt, là tương lai, là người kế tục huyết thống và truyền thống của gia đình, nên từ xưa tới nay, trong quan niệm của xã hội, gia đình luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cha mẹ là người sinh thành, dưỡng dục bằng tình cảm, tình yêu thương vô bờ và trách nhiệm hết sức lớn lao. Có thể nói, cha mẹ là người gần gũi con nhiều nhất, giáo dục con tỷ mỉ nhất, toàn diện nhất; là người đặt những viên gạch đầu tiên trong việc hình thành nhân cách, tạo dựng ngôn ngữ; thói quen, hành vi đạo đức tốt và phát triển trí tuệ, năng khiếu cho trẻ em.
Đã biết bao gia đình và bậc cha mẹ đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, nuôi dạy con khoẻ mạnh, chăm ngoan, học giỏi, là những công dân có ích cho gia đình, quê hương, đất nước. Tuổi thơ ấu của các em với biết bao kỷ niệm đẹp, sâu sắc về công cha, nghĩa mẹ, về tổ ấm gia đình:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Song thực tế hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến không ít gia đình rạn nứt, cha mẹ mâu thuẫn, bạo hành, sống ly thân, ly hôn, thiếu quan tâm hoặc bỏ mặc con cái. Có gia đình cha mẹ gặp điều chẳng lành mất sớm để lại con mồ côi, bơ vơ. Nhiều gia đình cha mẹ chỉ mải mê kiếm tiền mà sao nhãng việc dưỡng dục con hoặc cũng không ít gia đình tiền nhiều, không biết cách giáo dục con, nuông chiều cho con tiêu xài thoải mái dẫn tới con hư hỏng. Cũng còn không ít những người cha, người mẹ hành hạ, đánh đập, sỉ nhục con gây hậu quả nghiêm trọng… Các trẻ sinh ra trong các gia đình như thế chắc chắn sẽ chịu nhiều thiệt thòi, không được dưỡng dục đến nơi đến chốn và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển thể chất, tinh thần, tâm sinh lý và nhân cách. Thời thơ ấu của trẻ sống trong gia đình như thế khó có những ký ức và kỷ niệm đẹp về cha mẹ, về gia đình.
Gia đình, các bậc cha mẹ muốn làm tốt vai trò của mình trước hết cần thường xuyên chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững. Các bậc cha mẹ, người lớn cần làm gương tốt từ lời nói đến hành động, mọi người biết yêu thương, chia sẻ giúp đỡ nhau. Cha mẹ cần hiểu tâm sinh lý của con trẻ để có phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục phù hợp, động viên khích lệ kịp thời lời nói và hành vi tốt, nhắc nhở phê bình lời nói, cử chỉ, hành động chưa tốt của con trẻ. Mỗi gia đình thực sự là một tổ ấm, luôn giữ bếp lửa gia đình, bữa cơm gia đình thực sự ấm cúng, tình cảm, tràn đầy niềm vui, là mảnh đất tốt để ươm trồng những mầm non phát triển toàn diện cả thể chất, tinh thần, tâm sinh lý và nhân cách. Các bậc cha mẹ cần giữ vai trò chủ động trong việc phối hợp với nhà trường và xã hội để giáo dục con em mình ngày càng tốt hơn.