Tú Xương có nhiều vần thơ, phú nói về vợ. Bà Tú vốn là “con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ”. một người con dâu giỏi làm ăn buôn bán, hiền lành được bà con xa gần mến trọng
Nhờ thế mà ông Tú mới được sống cuộc đời phong lưu: “Tiền bạc phó cho con mụ kiếm - Ngựa xe chẳng lúc nào ngơi”.
“Thương vợ” là bài thơ cảm động nhất trong những bài thơ trữ tình của Tú Xương. Nó là bài thơ tâm sự, đồng thời cũng là bài thơ thế sự. Bài thơ chứa chan tình thương yêu nồng hậu của ông Tú đối với người vợ hiền thảo của mình.
Sáu câu thơ đầu nói lên hình ảnh của bà Tú trong gia đình và ngoài cuộc đời - hình ảnh chân thực về một người vợ tần tảo, một người mẹ đôn hậu, giàu đức hi sinh.
Hai câu thơ trong phần đề giớí thiệu bà Tú là một người vợ rất đảm đang, chịu thương chịu khó. Nếu như bà vợ của Nguyễn Khuyến là một phụ nữ “hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, chân nam đá chân chiêu, vì tớ đần trong mọi việc” câu đối của Nguyễn Khuyến thì bà Tú là một người đàn bà.
“Quanh năm buôn bán" là cảnh làm ăn đầu tắt mặt tối, từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác… không được một ngày nghỉ ngơi. Bà Tú “Buôn bán ở mom sông”, nơi cái mảnh đất nhô ra, ba bề bao bọc sông nước; nơi làm ăn là cái thế đất chênh vênh. Hai chữ “mom sông” gợi tả một cuộc đời nhiều mưa nắng, một cảnh đời cơ cực, phải vật lộn kiếm sống, mới “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Một gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai người mẹ, người vợ. Thông thường người ta chỉ đếm mớ rau, con cá, đếm tiền bạc… chứ ai “đếm” con, “đếm” chồng(!). Câu thơ tự trào ẩn chứa nỗi niềm chua chát về một gia đình gặp nhiều khó khăn: đông con, người chồng đang phải “ăn lương vợ”.
Có thể nói, hai câu đầu, Tú Xương ghi lại một cách chân thực người vợ tần tảo, đảm đang của mình.
Phần thực tô đậm thêm chân dung bà Tú, mỗi sáng mỗi tối đi đi về về “lặn lội” làm ăn như “thân cò” nơi “quãng vắng”. Ngôn ngữ thơ tăng cấp tô đậm thêm nỗi cực nhọc của người vợ. Câu chữ như những nét vẽ, gam màu nối tiếp nhau, bổ trợ và gia tăng: đã “lặn lội” lại “thân cò”, rồi còn “khi quãng vắng”. Nỗi cực nhọc kiếm sống ở “mom sông” tưởng như không thể nào nói hết được! Hình ảnh “con cò”, “cái cò” trong ca dao cổ: “Con cò lặn lội bờ sông…”, “con cò đi đón cơn mưa…”, “Cái cò, cái vạc, cái nông…” được tái hiện trong thơ Tú Xương qua hình ảnh “thân cò” lầm lũi đã đem đến cho người đọc bao liên tưởng cảm động về bà Tú, cũng như thân phận vất vả, cực khổ… của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ
“Eo sèo” từ láy tượng thanh chỉ sự làm rầy rà bằng lời đòi, gọi liên tiếp dai dẳng; gợi tả cảnh tranh mua tranh bán, cảnh cãi vã nơi “mặt nước” lúc “đò đông”. Một cuộc đời “lặn lội”, một cảnh sống làm ăn “eo sèo”. Nghệ thuật đối đặc sắc đã làm nổi bật cảnh kiếm ăn nhiều cơ cực. Bát cơm, manh áo mà bà Tú kiếm được “nuôi đủ năm con với một chồng” phải “lặn lội” trong mưa nắng, phải giành giật “eo sèo”, phải trả giá bao mồ hôi, nước mắt giữa thời buổi khó khăn!
“Duyên” là duyên số, duyên phận, “nợ” là cái “nợ” đời mà bà Tú phải cam phận, chịu đựng. “Nắng”, “mưa” tượng trưng cho mọi vất vả và khổ cực. Các số từ trong câu thơ tăng dần lên: “một … hai… năm… mười…” làm nổi rõ đức hy sinh thầm lặng của bà Tú, một người phụ nữ chịu thương chịu khó vì sự ấm no hạnh phúc của chồng con và gia đình. “Âu đành phận”.. dám quản công”… giọng thơ nhiều xót xa thương cảm.
Tóm lại, sáu câu thơ đầu, bằng tấm lòng biết ơn và cảm phục, Tú Xương đã phác hoạ một vài nét rất chân thực và cảm động về hình ảnh bà Tú, người vợ hiền thảo của mình với bao đức tính đáng quý: đảm dang, tần tảo, chịu thương, chịu khó, thầm lặng hi sinh cho hạnh phúc gia đình. Tú Xương thể hiện bút pháp điêu luyện trong sử dụng ngôn ngữ và sáng tạo hình ảnh. Các từ láy, các số từ, phép đối, đảo ngữ, sử dụng sáng tạo thành ngữ và hình ảnh “thân cò”… đã tạo nên ấn tượng và sức hấp dẫn của văn chương.
Hai câu kết, Tú Xương sử dụng từ ngữ thông tục, lấy tiếng chửi nơi “mom sông”, lúc “buổi đò đông” đưa vào thơ rất tự nhiên, bình dị. Ông tự trách mình “ăn lương vợ” mà “ăn ở bạc”. Vai trò người chồng, người cha chẳng giúp ích được gì, vô tích sự, thậm chí còn “hờ hững” với vợ con. Lời tự trách sao mà chua xót thế!