Phạm trù Thực tiễn là một trong những phạm trù nền tảng, cơ bản của lý luận nhận thức Macxít nói riêng, chủ nghĩa Mac-Lênin nói chung.Trong lịch sử Triết học, các nhà triết học duy vật trước Mác không thấy được vai trò của hoạt động thực tiễn đối với nhận thức, lý luận nên quan điểm của họ mang tính chất trực quan. Các nhà triết học duy tâm lại tuyệt đối hóa yếu tố tinh thần, tư tưởng của thực tiễn, họ hiểu họat động thực tiễn như là hoạt động tinh thần, hoạt động của “ý niệm”, tư tưởng, tồn tại đâu đó ngoài con người, nói cách khác, họ gạt bỏ vai trò thực tiễn trong đời sống xã hội. Mac-Ăngghen, những nhà sáng lập chủ nghĩa Mac đã khắc phục những hạn chế trong quan điểm về thực tiễn của các nhà triết học trước và đưa ra quan điểm đúng đắn, khoa học về thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức cũng như đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Với việc đưa phạm trù thực tiễn vào lý luận, Mac- Ăngghen đã thực hiện bước chuyển biến cách mạng trong lý luận nói chung và trong lý luận nhận thức nói riêng.Thực tiễn là hoạt động vật chất có mục đích mang tính lịch sử- xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội.Hoạt động thực tiễn là hoạt động bản chất của con người. Nếu con vật chỉ hoạt động theo bản năng nhằm thích nghi một cách thụ động với thế giới bên ngoài, thì con người nhờ hoạt động thực tiễn là hoạt động có mục đích, có tính xã hội của mình mà cải tạo thế giới để thỏa mãn nhu cầu của mình, và để làm chủ thế giới. Trong qúa trình hoạt động thực tiễn con người đã tạo ra được một “thiên nhiên thứ hai” của mình, một thế giới của văn hóa tinh thần và vật chất, những điều kiện mới cho sự tồn tại và phát triển của con người vốn không có sẵn trong tự nhiên. Vì vậy, không có hoạt động thực tiễn, con người và xã hội loài người không thể tồn tại và phát triển được. Thực tiễn là phương thức tồn tại cơ bản của con người và xã hội, là phương thức đầu tiên, chủ yếu của mối quan hệ giữa con người và thế giới.Thực tiễn có mối quan hệ biện chứng với hoạt động nhận thức. Trong mối quan hệ với nhận thức, vai trò của thực tiễn được biểu hiện trước hết ở chỗ, thực tiễn là cơ sở, động lực chủ yếu và trực tiếp của nhận thức, Ăngghen khẳng định “chính việc người ta biến đổi tự nhiên, chứ không phải chỉ một mình giới tự nhiên, với tính cách giới tự nhiên, là cơ sở chủ yếu nhất và trực tiếp của tư duy con người, và trí tuệ con người đã phát triển song song với việc người ta cải biến tự nhiên”.Con người quan hệ với thế giới không phải bắt đầu bằng lý luận mà bằng thực tiễn. Chính từ trong qúa trình hoạt động thực tiễn cải tạo thế giới mà nhận thức của con người được hình thành, phát triển. Thông qua hoạt động thực tiễn con người tác động vào thế giới buộc thế giới phải bộ lộ ra những thuộc tính, những tính quy luật để con người nhận thức chúng. Thoát ly thực tiễn, nhận thức đã thoát ly khỏi mảnh đất hiện thực nuôi dưỡng nó phát triển vì thế không thể đem lại những tri thức sâu sắc, xác thực, đúng đắn về sự vật, sẽ không có khoa học, không có lý luận.Trong qúa trình hoạt động cải biến thế giới, con người cũng biến đổi luôn cả bản thân mình, thực tiễn rèn luyện các giác quan của con người làm cho chúng tinh tế hơn, trên cơ sở đó phát triển tốt hơn. Nhờ đó con người ngày càng đi sâu vào nhận thức thế giới, khám phá những bí mật của nó, làm phong phú và sâu sắc tri thức của mình về thế giới. Thực tiễn còn đề ra những nhu cầu, nhiệm vụ, phương hướng phát triển của nhận thức, vì thế nó luôn thúc đẩy sự ra đời của các ngành khoa học.Thực tiễn còn là cơ sở để chế tạo công cụ, phương tiện máy móc mới, hỗ trợ con người trong qúa trình nhận thức, khám phá, chinh phục thế giới. Ăngghen cho rằng, nhu cầu cấp thiết của thực tiễn, của sản xuất sẽ thúc đẩy nhận thức khoa học phát triển nhanh hơn hàng chục trường đại học.Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức còn thể hiện ở chỗ, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Theo Mac và Ăngghen thì “Vấn đề tìm hiểu xem tư duy của con người có thể đạt tới chân lý khách quan hay không, hoàn toàn không phải là một vấn đề lý luận mà là một vấn đề của thực tiễn. Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lý”. Tất nhiên, nhận thức xã hội còn có tiêu chuẩn riêng, đó là tiêu chuẩn lô gic nhưng tiêu chuẩn lô gic không thể thay thế cho tiêu chuẩn thực tiễn, và xét đến cùng nó cũng phụ thuộc vào tiêu chuẩn thực tiễn.Đó là tư tưởng cơ bản của Mac-Ăngghen khi đưa phạm trù thực tiễn vào nội dung của lý luận nhận thức, tư tưởng đó đã được Lênin bảo vệ và phát triển sâu sắc hơn trong tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”, trong đó Lênin nhắc lại luận cương thứ hai của Mac về Phoi-ơbăc và Người kết luận “Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức”. Tư tưởng của Lênin về vai trò của thực tiễn đối với nhận thức vẫn đang là nguyên tắc phương pháp luận quan trọng hướng dẫn chúng ta trong hoạt động thực tiễn, trong nghiên cứu khoa học. Nếu không bám sát thực tiễn cuộc sống chúng ta sẽ không thể có lý luận, không thể có khoa học, không xác định nổi bất kỳ đề tài khoa học nào với đúng nghĩa của nó.Lý luận là sản phẩm cao của nhận thức của sự phản ánh hiện thực khách quan. Trong hệ thống các khái niệm, phạm trù, các nguyên lý và các quy luật tạo nên lý luận, quy luật là hạt nhân của lý luận, là sản phẩm của qúa trình nhận thức nên bản chất của lý luận là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, là sự phản ánh một cách gần đúng đối tượng nhận thức.Lý luận là trình độ cao hơn về chất so với kinh nghiệm. Tri thức lý luận là tri thức khái quát tri thức kinh nghiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong qúa trình lịch sử”. Lý luận được hình thành trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm, nhưng không phải mọi lý luận đều trực tiếp xuất phát từ kinh nghiệm. Do tính độc lập tương đối của nó, lý luận có thể đi trước những dữ kiện kinh nghiệm mà vẫn không làm mất đi mối liên hệ giữa lý luận với kinh nghiệm. Khác với kinh nghiệm, lý luận mang tính trừu tượng và khái quát cao nên nó đem lại sự hiểu biết sâu sắc về bản chất, về tính quy luật của các sự vật, hiện tượng khách quan. Vì vậy, nhiệm vụ của nhận thức lý luận là đem quy sự vận động bề ngoài chỉ biểu hiện trong hiện tượng về sự vận động bên trong thực sự.Chủ nghĩa Mac-Lênin xem xét lý luận và thực tiễn trong sự thống nhất biện chứng. Thực tiễn là hoạt động vật chất còn lý luận là hoạt động tinh thần, nên thực tiễn đóng vai trò quyết định trong quan hệ đối với lý luận. Lênin viết: “Thực tiễn cao hơn nhận thức (lý luận) nó có ưu điểm không những của tính phổ biến mà của tính hiện thực trực tiếp”.Tính phổ biến của thực tiễn đối với nhận thức (lý luận) thể hiện ở chỗ, thực tiễn là khâu quyết định đối với hoạt động nhận thức. Một lý luận được áp dụng trong thời gian càng dài, không gian càng rộng thì hiệu qủa đạt được càng cao, càng khẳng định tính chân lý của thực tiễn. Ngay cả một giả thiết khoa học muốn trở thành lý luận phải thông qua hoạt động thực nghiệm kiểm tra, xác nhận. Như vậy, chỉ có qua hoạt động thực tiễn thì lý luận mới có giá trị tham gia vào qúa trình biến đổi hiện thực.Hoạt động lý luận là hoạt động đặc biệt nó thống nhất hữu cơ với hoạt động thực tiễn. Vì vậy, khi nhấn mạnh vai trò của thực tiễn đối với lý luận, chủ nghĩa Mac-Lênin cũng khẳng đinh tính tích cực của sự tác động trở lại của lý luận đối với thực tiễn. Lênin khẳng định: “không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Lý luận là “kim chỉ nam” cho hành động thực tiễn. Cố nhiên để có thể giải đáp được những vấn đề của cuộc sống, lý luận phải không ngừng liên hệ bằng những hình thức khác nhau với thực tiễn. Cho nên, thực chất vai trò của lý luận đối với thực tiễn là ở chỗ lý luận đem lại cho thực tiễn những tri thức đúng đắn về những quy luật vận động và phát triển của thế giới khách quan. Lý luận có thể dự kiến được sự vận động của sự vật trong tương lai, chỉ ra những phương hướng mới cho sự phát triển của thực tiễn. Lý luận khoa học làm cho con người trở nên chủ động, tự giác, hạn chế tình trạng “mò mẫm”, tự phát. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh ví “không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”.Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, do tính gián tiếp, tính trừu tượng cao trong sự phản ánh hiện thực nên lý luận có khả năng xa rời thực tiễn và trở thành ảo tưởng. Vì thế, không được cường điệu vai trò của lý luận, mặt khác không được xem nhẹ thực tiễn và tách rời lý luận với thực tiễn. Điều đó cũng có nghĩa là phải quán triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong nhận thức khoa học và hoạt động cách mạng.Trong Triết học Macxit và trong chủ nghĩa Mac-Lênin, sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn như một thuộc tính vốn có, một đòi hỏi nội tại. Nguyên tắc này có ý nghĩa to lớn rong việc nhận thức khoa học và hoạt động thực tiễn.Hoạt động lý luận và hoạt động thực tiễn thống nhất với nhau dưới nhiều hình thức và trình độ biểu hiện khác nhau. Lý luận bắt nguồn từ thực tiễn, phản ánh (khái quát) những vấn đề của đời sống sinh động. Nhưng thước đo tính cao thấp của lý luận với thực tiễn biểu hiện trước hết ở chỗ lý luận đó phải hướng hẳn về đời sống hiện thực, để giải quyết những vấn đề do chính sự phát triển của thực tiễn đặt ra, và như vậy, lý luận góp phần thúc đẩy thực tiễn phát triển, bởi vì ở bên ngoài sự thống nhất lý luận và thực tiễn, tự thân lý luận không thể biến đổi được hiện thực, nói cách khác, hoạt động lý luận không có mục đích tự thân mà vì phục vụ thục tiễn, để cải tạo thực tiễn.Thực chất của sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là phải quán triệt được thực tiễn là cơ sở, là động lực, mục đích của lý luận, của nhận thức, là tiêu chuẩn của chân lý (lý luận). Như trên đã nói, lý luận đích thực bao giờ cũng bắt nguồn từ thực tiễn, do thực tiễn quy định. Thực tiễn quy định lý luận thể hiện ở nhu cầu, nội dung, phương hướng phát triển của nhận thức, lý luận. Thực tiễn biến đổi thì lý luận cũng biến đổi theo, nhưng lý luận cũng tác động trở lại thực tiễn bằng cách soi đường, chỉ đạo, dẫn đắt thực tiễn.Trên cơ sở nhận thức và vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn phải chống bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều. Chúng ta coi trọng kinh nghiệm thực tiễn và không ngừng tích luỹ vốn kinh nghiệm quý báu đó.Song chỉ dừng lại ở trình độ kinh nghiệm, thỏa mãn với vốn kinh nghiệm của bản thân, coi kinh nghiệm là tất cả, tuyệt đối hóa kinh nghiệm đồng thời coi nhẹ lý luận, ngại học tập, nghiên cứu lý luận, ít am hiểu lý luận, không quan tâm tổng kết kinh nghiệm để đề xuất lý luận thì sẽ rơi vào lối suy nghĩ giản đơn, tư duy áng chừng, đại khái, phiến diện thiếu tính lô gic, tính hệ thống, do đó, trong hoạt động thực tiễn thì mò mẫm, tuỳ tiện, thiếu tính đồng bộ về lý luận trong tất cả các lĩnh vực do vậy đễ rơi vào bệnh kinh nghiệm chủ nghiã.Mặt khác, thái độ thực sự coi trọng lý luận đòi hỏi phải ngăn ngừa bệnh giáo điều. Nết tuyệt đối hóa lý luận, coi lý luận là bất di bất dịch, việc nắm lý luận chỉ dừng lại ở những nguyên lý chung chung trừu tượng không chú ý đến những hoàn cảnh lịch sử cụ thể của sự vận dụng lý luận thì dễ mắc bệnh giáo điều. Thực chất những sai lầm của bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều đều là vi phạm nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Để ngăn ngữa, khắc phục có hiệu qủa hai căn bệnh trên phải coi trọng cả lý luận và thực tiễn.Nguyên tắc thống nhất lý luận và thực tiễn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc nghiên cứu, giải quyết các vấn đề của qúa trình phát triển xã hội, nhất là trong thời đại ngày nay khi thực tế cuộc sống đang đặt ra và đòi hỏi phải giải quyết rất nhiều những vấn đề lý luận và thực tiễn nảy sinh của việc xây dựng, phát triển dời sống kinh tế, văn hóa của xã hội. Hơn lúc nào hết lý luận Mac – Lênin trong sự thống nhất cao với thực tiễn phải thể hiện vai trò hướng dẫn, chỉ đạo trong công việc, giải quyết những vấn đề cấp bách và trọng đại do cuộc sống hiện thực đặt ra cho chúng ta trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước hiện nay. Những thành qủa mà chúng ta có được ngày hôm nay là kết qủa của sự năng động, sáng tạo của Đảng, Nhà nước ta trong qúa trình vận dụng nguyên tắc thông nhất giữa lý luận và thực tiễn vào hoàn cảnh lịch sử Việt Nam trong thời kỳ qúa độ lên chủ nghĩa xã hội