Hiện nay, mấy trăm hộ dân Noong Khoang I, Noong Khoang II xã Nghĩa Sơn huyện Văn Chấn (Yên Bái) ngày ngày phải hứng chịu mùi hôi thối và cảnh sống chung cùng ruồi do bãi rác thải trên đỉnh núi gây ra. Đây là khu vực giáp ranh giữa thị xã (TX) Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn, nên những kiến nghị bức xúc của người dân đều bị chìm lấp nhiều năm, chưa được cơ quan chức năng nào giải quyết.
Được quy hoạch, xây dựng từ năm 2005, diện tích sử dụng hơn 2,3 ha, với công nghệ chôn, lấp; bãi rác TX Nghĩa Lộ hằng ngày thu gom toàn bộ rác thải ở 14 điểm trong nội thị rồi dùng xe đưa lên núi Pú Lo để xử lý. Nói là xử lý, nhưng rác được đổ trực tiếp xuống một hẻm núi, hằng tuần có phun tiêu trùng, phía dưới có hai hồ lắng trước khi nước thải chảy ra môi trường. Do không được chôn lấp theo đúng quy định, nên khi mưa xuống theo thời gian bãi rác phát sinh nước rỉ rác, mùi hôi thối, ruồi bọ côn trùng phát triển mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường chung quanh.
Bà Lò Thị Mèn, 65 tuổi, dân tộc Thái, trú tại bản Pá Làng, xã Nghĩa Phúc than thở: Cái nước đen đen chảy từ núi rác xuống làm nhiều nhà dân của bản mình sống khổ lắm, trẻ nhỏ thường bị đau mắt đỏ, đau bụng, da mẩn ngứa, đi trạm xá cái y sĩ nó bảo là do ô nhiễm môi trường từ bãi rác trên núi đấy.
Ngược dốc cao, con đường liên xã đổ bê-tông chạy dài xuyên qua bãi rác, khu vực núi Pú Lo (tiếng Thái nghĩa là núi thấp) xưa là bãi tập lái ô-tô của trường lái Quân khu 2, giờ được quy hoạch hơn 16,2 ha làm nơi đổ rác thải (hiện có hơn 2,3 ha đang chứa rác). Rác tràn khắp núi, ni-lon bay phấp phới khi gặp gió, nhiều mảnh từ triền núi bay thẳng xuống cánh đồng và bám vào nóc nhà dân dưới chân núi phía xa. Tiếng ruồi nhặng bay vo vo, mùi hôi thối xộc vào mũi, khiến người dân xã Nghĩa Sơn (Văn Chấn) qua đây đều phải bịt mũi.
Anh Nguyễn Tiến Nghĩa, giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã đi cùng, cực chẳng đã phân trần: "Quyết định 756/QĐ-UBND ngày 27-6-2013 của tỉnh Yên Bái đã phê duyệt hơn 34 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý rác thải thị xã Nghĩa Lộ (T.Ư hỗ trợ 50%), nhưng một tỉnh miền núi nghèo như Yên Bái dành ra 17 tỷ đồng xử lý môi trường là điều xa vời. Do Công ty không có máy xúc san gạt, không có máy lu lèn vì thiếu vốn, nên hiện thời nơi này vẫn là bãi chứa rác theo đúng nghĩa. Những ngày mưa thì côn trùng và ruồi muỗi phát triển mạnh, phun thuốc diệt khuẩn cũng chỉ mức độ, thuê máy ủi san lấp thì lái máy kêu thối không chịu làm, rất vất vả và áp lực cho công ty chúng tôi".
Bị ảnh hưởng nặng nề là các hộ nông dân đồng bào Thái sống phía chân Pú Lo, ruồi nhặng phát triển đáng sợ cùng mùi hôi thối khi mỗi đợt gió thổi từ núi xuống. Tập quán trên từng ngôi nhà sàn Thái bị đảo lộn, ruồi muỗi thì dùng màn che được, chứ mùi hôi thối về đêm lọt qua dát sàn thốc lên thì không ai chịu được. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi này chưa được dùng nước sinh hoạt tập trung, nước giếng là thứ duy nhất có.
Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phúc, Lò Văn Phan cho biết: Pá Làng là bản ảnh hưởng của bãi rác nhiều nhất, ngoài nguy cơ bị lũ quét do nằm sát suối Đôi, nay lại ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt. Vừa qua, xã đã làm tờ trình lên trên cho xây dựng một nhà máy nước nhỏ cấp nước sạch cho đồng bào, cuối năm nay hơn một trăm hộ trong khu vực ô nhiễm sẽ có nước máy.
Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số bị đảo lộn, làm mất cảnh quan ở nơi đang hướng tới thị xã văn hóa- du lịch vào năm 2020, điều thật đáng trách đối với các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Yên Bái khi chưa quan tâm đến xử lý rác thải của TX Nghĩa Lộ.
Cùng với phát triển kinh tế, việc ổn định đời sống và sớm ngăn chặn tác hại của môi trường đến con người là điều cần làm ngay, nhất là việc bảo vệ sức khỏe cho nông dân miền núi, đối tượng yếu thế của xã hội cần quan tâm giúp đỡ.