Con người chúng ta, ai cũng có một quê hương. Tôi cũng vậy. Quê hương đã dạy tôi cách gọi "Mẹ" và chính mảnh đất yêu thương ấy cũng là mẹ tôi. Cùng với dòng thời gian đang trôi không ngừng nghỉ, quê hương tôi cũng đang có sự đổi mới vượt bậc.
Sau một thời gian xa cách, quê hương tôi đã thay đổi rất nhiều, nào từ con đường đất đỏ năm xưa: gồ ghề, lóc xóc giờ đây đã là đổng lúa thơm ngào ngạt như dòng sữa mẹ, một bên là con sông trong veo có thể soi rõ từng hạt cát, hạt phù sa dưới đáy. Con đường đi êm ả như đang đi trên lụa vậy. Xe cộ cứ đi bon bon mà chẳng còn sợ "ngã" như ngày xưa. Lúc nào về quê, tôi cũng rủ cái Tẩy đi ra ngoài vườn chơi. Nhà tôi có cái vườn rất đẹp và cái ao nông lắm, cá bơi tung tăng và có cây khế với bao nhiêu quả chín mọng. Tẩy là em tôi, nó sống ở đây nên thuộc như lòng bàn tay nơi này vậy. Tôi hớn hở ra chơi bờ ao. "Ổi! Cái áo đâu rồi?". Tôi gặng hỏi mãi mà Tẩy chỉ gãi đầu gãi tai. Tôi hỏi lại lần nữa, nó trả lời:
– Người ta đã mua nó xây khách sạn rồi!
Giờ đây tôi mới để ý một điều: Quê hương tôi mới có thêm nhiều khách sạn, chắc là ở quê tôi, ngành du lịch đã rất phát triển. Tôi cũng mừng thầm vì điểu đó nhưng… cái ao nông… với từng đàn cá bơi lượn ấy… là cả tuổi thơ tôi. Tôi cũng rất buồn…
Đi trên đường đến nhà cô bác chào hỏi tôi mới để ý: Trạm y tế xã đã mỡ cửa lại để tiêm phòng, chữa bệnh cho dân làng, cái tường “lởm chởm” được sơn lại, hàng ghế chờ bằng sắt đã hoen gỉ nay đã được thay bằng ghế nhựa cứng ngồi rất thoải mái. Ngôi trường trong làng đã xây thêm nhiều lớp học hơn, lớp nào cũng có quạt mát, đèn sáng, bàn ghế mới sạch, đẹp. Mọi thứ đều rất hiện đại. Tuy vậy các lễ hội dân gian vẫn diễn ra thường xuyên và có cả phát thanh viên tuyên truyền, loa đi khắp xóm thông báo về ngày hội: "Loa… loa… sắp có hội Gò, xin quý ông, quý bà và mọi người cùng đến tham dự..
Đó là sự thay đổi lớn về vật chất ở quê tôi.
Quê hương tôi không chỉ thay đổi về vật chất mà còn có thay đổi về cách giao tiếp, nếp sống. Các cô gái ăn mặc chẳng khác gì các cô ở thành phố, cũng quần bò cạp trễ, áo ba lỗ, áo ren,… Con trai con gái nhiều người nhuộm tóc, có anh để đầu đinh rất ngầu. Xe máy chạy vè vè khắp làng. Tết đến, trẻ con chạy lon ton đi mọi nhà nhận lì xì, mọi người vui vẻ qua nhà nhau chúc Tết. Tiếng chúc nào: "An khang thịnh vượng, phát tài, phát lộc…" vang lên khắp xóm. Không chỉ riêng Tết mà ngày nào cũng vậy. Chốc chốc cậu hàng xóm chạy sang:
– Bà ơi, cho cháu xin củ hành với ít lá chanh được không ạ?
Cậu cu nhỏ lớp hai lại thở hổn hển phóng qua:
– Bà ơi, cho cháu ãn cơm với bà nhé! Bố mẹ cháu ra đồng về muộn rồi.
Hầu như ngày nào mọi người hỏi thăm, nhờ cậy và đều được những người hàng xóm sẵn sàng giúp đỡ. Mỗi giờ tan học, tiếng trẻ con hát"… chào đón chúng em mau bước nhanh chân tới trường…" rồi tiếng bàn bạc:
– Tuấn ơi, tối nay mình sang nhà cậu học nhóm nhé?
– Ừ
Ai cũng vậy, quê tôi mọi người sống hoà thuận, yêu thương nhau, văn minh hơn trước kia.
Ngày xưa, hầu hết trẻ em không được đi học mà phải giúp cha mẹ làm ruộng kiếm vài đồng qua ngày. Giờ đây trẻ thơ được vui vẻ cắp sách tới trường. Sáng sáng, tiếng trẻ con tới trứòng tíu tít:
– Lan ơi đi học thôi!
– Hạnh à? Tớ ra ngay đây!
Bạn này đèo bạn kia trên chiếc xe đạp đi bon bon trên con đường bê tông. Bên trường học, tiếng hát của các em "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng chúng em nhi đồng…" rồi cả tiếng bi bô đánh vần của học sinh lớp một, tiếng đọc bảng cửu chương của cô cậu lớp hai… Thỉnh thoảng vài chú chim sà bên cửa sổ xanh như say mê ngắm các anh chị học trò đang say sưa nghe cô giáo giảng. Mặt ai cũng đăm chiêu suy nghĩ, quạt thổi vù vù mà trán cô cậu nào cũng mướt mát mồ hôi. Giờ ra chơi, các học sinh nhảy dây, đọc sách… toàn những trò chơi bổ ích, lành mạnh và lí thú. Nhiều trường đi học bán trú, từng suất ăn đầy đủ chất dinh dưỡng tiếp cho học sinh năng lượng dồi dào để học buổi chiều. Ánh nắng chói chang chiếu vào lớp học sạch sẽ, không một mẩu giấy được các bạn giữ gìn. Nắng còn chiếu vào phòng tin học với toàn máy tính mới cho học sinh nâng cao hiểu biết về thông tin điện tử. Rồi nắng đi vào phòng thư viện, ngồi ghé đọc sách, nào là: Tốt-tô-chan – cô bé ngồi bên cửa sổ của Ku-rô-y-a-na-gi, Không gia đình của Héc-to Ma-lô, Những vì sao của An-phông-xơ Đô-đê,…, ánh sáng cứ như người dẫn đường cho chúng ta. Ngoài đồng, các bác nông dân nghe tiếng trẻ thơ ngoan ngoãn học hành thì chắc đỡ vất vả phần nào.
Nhiều khi tôi vẫn tự hỏi: "Sao quê hương tôi lại có thể đổi mới?". Và tôi đã tìm được câu trả lời cho mình. Nhờ có sự phát triển của kinh tế cùng với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước mà quê hương tôi phát triển. Nhưng chúng ta cũng không quên công sức của mọi người và tôi mong sao một ngày nào đó tôi sẽ cùng những người dân chăm chỉ nơi đây chung xây mảnh đất này và cùng làm cho đất nước giàu đẹp hơn, hiện đại hơn như Bác Hồ cũng như những người đi trước mong muốn.