Từ xa xưa, theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam thì Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc. Để phù hợp với văn hóa người Việt và giữ làm nét riêng nên được thay đổi thành truyền thuyết “hai ông một bà” là thần Đất, thần Nhà và thần Bếp núc.
Căn bếp là nơi sum vầy của cả gia đình sau một ngày lao động vất vả và còn là nơi mà người vợ chăm chút, giữ lửa cho tổ ấm của mình bằng những bữa cơm ngon. Người Việt Nam quan niệm rằng ba vị thần Táo quyết định phúc đức cho gia đình thông qua việc cư xử của gia chủ và các thành viên khác có theo đúng lễ nghĩa và đạo lý hay không. Bên cạnh đó, ba vị thần còn bảo vệ cho mọi người khỏi xui xẻo, tránh ma quỷ, giữ bình yên trong suốt cả năm.
Ông Táo cai quản bếp nên tất cả mọi chuyện trong gia đình dù tốt hay xấu cũng sẽ được trình báo với Ngọc Hoàng. Chính vì thế mà nhiều gia đình làm lễ cúng đưa ông Táo về trời rất trọng thể với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được tâu lên Ngọc Hoàng.
Tùy theo phong tục của mỗi vùng miền nhưng thông thường lễ vật cúng ông Táo thường là hoa quả, bánh kẹo hay một chút cỗ mặn. Đầy đủ hơn sẽ có thêm ba bộ mũ áo: hai chiếc mũ cánh chuồn cho hai ông Táo và một chiếc không có cánh chuồn cho bà Táo; hài Táo Quân; hương; tiền vàng; đèn; nến; hoa quả tươi và mâm cỗ mặn.
Không thể thiếu một lễ vật rất quan trọng đó là cá chép. Cá chép là phương tiện để đưa ông Táo về trời với ngụ ý "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng". Nhiều nhà không mua cá chép sống mà dùng cá chép làm bằng giấy thay thế.
Lễ cúng đưa ông Táo về trời thường được diễn ra trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp (tháng 12) Âm lịch. Sau khi làm lễ xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa để lễ tạ. Sau cùng, những đồ vàng mã như mũ, áo, hia… đem đi đốt và cá chép được phóng sinh - mang đi thả ở ao hồ, sông suối… để cá đưa ông Táo lên chầu Trời, sau khi báo cáo mọi việc cho Ngọc Hoàng, đến đêm Giao thừa Táo Quân sẽ quay trở về trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa.
Phong tục thả cá chép đưa ông Táo về Trời là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam được gìn giữ qua bao thế hệ, đây cũng là hành động nhằm tái tạo nguồn lợi ngoài tự nhiên, giúp cho loài cá sinh sôi phát triển. Để hành động đẹp này diễn ra trọn vẹn, mọi người hãy cùng nhau nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng việc không ném hay quăng cá cùng với túi ni lông hay đồ đựng cá xuống nước. Hãy cùng gìn giữ phong tục thả cá chép đưa ông Táo về trời theo đúng ý nghĩa mà tổ tiên chúng ta đã để lại nhé!