Đầy trách nhiệm với giang san cũng bởi người xứ Nghệ rất yêu và tự hào về sông núi quê hương: Núi Hồng ai đắp mà cao/ Sông Lam ai bới ai đào mà sâu?. Không vì yêu, có lẽ không ai thốt lên những câu hỏi về những điều hiển nhiên trước mắt như vậy! Núi Hồng, sông Lam là hình ảnh quen thuộc đã trở thành biểu tượng kì vĩ của quê hương xứ Nghệ. Ngoài hình thức câu hỏi tu từ, bài ca dao còn ẩn chứa những tín hiệu nghệ thuật mà nếu dừng lại ngẫm suy ta sẽ thấy chất Nghệ Tĩnh không chỉ thể hiện ở tên núi tên sông. Đại từ ai phiếm chỉ xuất hiện nhiều trong ca dao Việt Nam nói chung (ví dụ: … Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn/ Hỏi ai gây dựng nên non nước này?), gợi ta nghĩ ngay đến bao thế hệ tiền nhân đã hiến thân cho sông núi để văn hóa Hồng Lam lung linh bao huyền thoại. Nhưng điều đáng chú ý hơn ở đây là chỉ trong hai dòng thơ mà xuất hiện ba động từ mạnh liên tiếp đắp - bới - đào. Liền sau đó là liên từ mà xuất hiện hai lần nhấn mạnh kết quả cao, sâu. Những chữ ấy phản ánh hoạt động lao động sản xuất vất vả khó khăn, thể hiện tinh thần quả cảm đấu tranh với thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên ở miền đất "viễn trấn" xưa kia vô cùng khắc nghiệt, và thế núi hình sông kia như dấu tích phi thường. Cũng qua hệ thống ngôn từ đó, ta thấy gợi lên vẻ đẹp của một vùng non xanh nước biếc hùng vĩ. Núi sông là của tạo hoá. Nhưng linh khí núi sông ở đây như hoà cùng tâm hồn, ý chí con người. Gian nan vất vả nhưng nghĩa nặng tình sâu. Ngợi ca và tự hào về sông núi cũng có nghĩa là người Nghệ Tĩnh đang tự hào về những phẩm chất mà linh khí đất này đã hun đúc nên cho mình đấy thôi: Hồng Sơn cao ngất mấy trùng/ Lam Giang mấy trượng thì lòng bấy nhiêu. Tầm vóc, sự sâu sắc của ý chí và tâm hồn người xứ Nghệ có lẽ phải dùng chiều kích của núi sông đất này mới hòng sánh được!